Tại các buổi hội thảo trong ngành xây dựng, ông Đỗ Thành Tích, Giám đốc Công ty Tân Tín Thành, đơn vị chuyên sản xuất và cung cấp sản phẩm Intoc, luôn xuất hiện với phong cách ăn mặc giản dị như một nhà giáo. Nhưng chất giọng Bình Định chân chất của ông có sức truyền cảm lạ thường, cho người nghe cả một niềm say mê về sản phẩm chống thấm mà ông tâm huyết trên hai mươi năm qua. Trước khi đến với sản phẩm chống thấm Intoc, Đỗ Thành Tích đã có nhiều bằng sáng chế về các sản phẩm như phấn không bụi, sản phẩm chống thấm không đục gạch, thiết bị xây tô không cần giàn giáo, bình chữa cháy tự động, cọ lăn sơn không cần nhúng…
Trong trang phục sơmi trắng và quần tây đen, cùng cách trò chuyện gần gũi, dễ hiểu như… giảng bài, trông ông giống một thầy giáo hơn là doanh nhân…
Trước khi trở thành người kinh doanh, tôi vốn là một ông giáo. Tôi từng dạy học khoảng 17-18 năm, từ Cần Thơ lên Sài Gòn. Bản thân tôi cũng yêu nghề giáo, nhưng tiếc là thời ấy nghề dạy học còn nhiều khó khăn về kinh tế.
Nên ông quyết định chuyển sang kinh doanh để thoát nghèo?
Đưa gia đình thoát nghèo là mục tiêu trước tiên của tôi, trong những ngày đầu bước vào nghiệp kinh doanh. “Phi thương bất phú” mà, câu nói này đã được người xưa đúc kết và thực tế chứng minh. Hơn nữa, tôi bước vào thương trường để bán những sản phẩm do mình tạo ra, từ dầu gội trị gàu, rồi phấn không bụi đến sản phẩm chống thấm.
Ông là một thầy giáo dạy toán nhưng lại có nhiều sáng tạo trong lĩnh vực hóa học, hình như không liên quan lắm thì phải?
Tôi thấy các loại máy móc, cơ khí đều dễ có hàng giả, hàng nhái, còn sáng tạo trong lĩnh vực hóa học thì khó “bắt chước” hơn. Tư duy toán học đã giúp tôi nhiều trong việc tìm tòi phát hiện ra những vấn đề mới. Tôi cũng may mắn được thừa hưởng một phần gen sáng tạo của ba tôi. Ngày trước, ở quê tôi có nghề đan nong phơi thóc, ba tôi thường mua lại nong của bà con trong làng rồi mang đi xa bán kiếm lời. Thay vì vác dăm ba chiếc nong trên vai, ba tôi nghĩ cách lắp đặt thêm một số cây tre dài phía sau chiếc xe đạp cà tàng để chở được cả chục cái một lần. Khi một số người “bắt chước” cách chở nong bằng xe đạp, ba tôi mua một chiếc xe máy Suzuki và lắp thêm các thanh tre để có thể chở gấp đôi nong và đi bán nhanh hơn… Tôi quan niệm là “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, không cần làm quá nhiều nghề, chỉ cần làm giỏi một nghề nào đó thì sẽ đạt thành công. Khi nghiên cứu về sản phẩm chống thấm cũng vậy, tôi không bao giờ vội vàng, chỉ luôn tập trung và có niềm tin.
Vì sao ông lại chọn nghiên cứu, kinh doanh lĩnh vực chống thấm, một lĩnh vực mà các nhà khoa học lẫn người làm trong ngành xây dựng đều thấy “ngán”?
Chắc vì người ta “ngán” nên tôi mới lao vào. Tôi nghĩ một cách đơn giản rằng mình không có nhiều vốn, lại không có kiến thức về kinh doanh, nên khả năng cạnh tranh trực tiếp không mạnh. Vì vậy, tôi phải tìm ra những sản phẩm chưa có trên thị trường để tạo ra một đại dương xanh cho mình. Ngày trước, giai đoạn còn đi dạy ở Cần Thơ, tôi là người đầu tiên tìm ra sản phẩm dầu gội đầu trị gàu Cánh Buồm. Sản phẩm dầu gội mới mẻ này đã được tiêu thụ rất mạnh ở nhiều tỉnh miền Tây tại thời điểm ấy.
Câu chuyện về sản phẩm chống thấm đến với tôi cũng rất tình cờ. Ngôi nhà tôi ở cứ đến mùa mưa lại thấm dột khắp nơi. Khi tôi “than thở” vấn đề này, anh bạn là kỹ sư xây dựng lâu năm nói: “Nói thật, tôi không tin sản phẩm chống thấm nào cả”! “Chưa có thương hiệu chống thấm nào đáng tin cậy thì mình làm thử xem sao?”. Và câu chuyện nghiên cứu chống thấm của tôi bắt đầu từ đấy.
Chuyện nghiên cứu khoa học đối với ông nghe sao đơn giản quá!
Thực tế thì việc nghiên cứu khoa học không đơn giản và dễ dàng chút nào, càng khó khăn hơn đối với một người “tay ngang” như tôi. Như lúc nghiên cứu dầu gội đầu, mái tóc tôi vài lần bị cháy đến dựng đứng lên, trước khi cho ra sản phẩm Cánh Buồm. Để nghiên cứu được sản phẩm giấy nhám, tay tôi cũng bị mài mòn hết móng đến chảy máu. Tôi cũng mất đến ba năm miệt mài sớm hôm mới cho ra sản phẩm chống thấm hoàn chỉnh. Có những đêm khuya 3-4 giờ sáng, tôi vẫn cặm cụi bên bàn làm việc, vợ tôi đứng nhìn mà rơi nước mắt. Đến khi sản phẩm đầu tiên thành công, được sự đón nhận của thị trường, vợ tôi cũng rơi nước mắt vì cảm phục chồng.
Chống thấm hiện đang là một vấn đề nan giải, hầu hết các công trình hiện nay đều “đau đầu” về tình trạng này, ngay cả những dự án quy mô lớn làm đi làm lại nhiều lần vẫn bị thấm. Theo ông thì làm sao phân biệt được hiệu quả của các sản phẩm chống thấm hiện nay?
Hiện nay, thị trường có quá nhiều loại sản phẩm chống thấm, đa phần là ngoại nhập. Thương hiệu nào cũng đưa ra những lý thuyết và thông số riêng, nghe rất thuyết phục, vì vậy người tiêu dùng rất dễ bị “lạc lối” trước một rừng thương hiệu ngoại lẫn nội. Thực ra, thế giới cũng chưa có một tiêu chuẩn chất lượng chung cho lĩnh vực này và cũng chưa có giáo trình giảng dạy trong các trường đại học chuyên ngành xây dựng. Vì vậy, ngay cả các nhà chuyên môn cũng rất khó khăn để nhận biết loại chống thấm nào chất lượng. Tôi cho rằng phải dựa vào hiệu quả thực tế của sản phẩm chống thấm sau ít nhất 10 năm tại các công trình cụ thể.
Trên thị trường hiện nay, các thương hiệu chống thấm ngoại có nhiều lợi thế, ông đánh giá thế nào về chất lượng của các sản phẩm này?
Hầu hết các công trình tại Việt Nam đều sử dụng chống thấm ngoại và tình trạng thấm thì ngày càng phổ biến. Theo nghiên cứu “Khảo sát tình trạng thấm dột các công trình xây dựng dân dụng” của Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh đăng trên tạp chí Xây Dựng thì tỷ lệ thấm dột tại thành phố lên đến 84,35%. Theo tờ New York Time và nhiều tài liệu khác thì tại Mỹ cũng có đến 60% nhà và tầng hầm bị thấm và ngạc nhiên hơn nữa là thế giới bất lực với chống thấm ngược tầng hầm!
Sản phẩm Intoc đã liên tục xử lý thành công hàng loạt các hạng mục áp lực nước cao như hồ nước, hồ bơi trên cao, hố thang máy… đặc biệt là chống thấm ngược tầng hầm không cần mương dẫn như tầng hầm: Nhà máy dệt Chungshing Vina (Long An), Maximark Cộng Hòa, Trường THPT Lê Quý Đôn (Biên Hòa), hồ bơi Khách sạn Victory, quận 3, hồ nước tầng 10 cao ốc Mỹ Vinh… Gần đây nhất là chống thấm ngược hố thang máy tầng hầm cao ốc FPT khu Công nghệ cao (quận 9) tầng hầm khu Phức hợp Hoàng Anh Gia Lai (Myanmar) và hầm kỹ thuật Nhà máy Ford Việt Nam (Hải Dương).
Ngày trước, tôi phát triển sản phẩm với mong ước thoát nghèo, nay sản phẩm mang sứ mệnh lớn hơn, đó là hoài bão về một sản phẩm công nghệ Việt Nam tiến vào thị trường thế giới. Từ những năm học cấp 2, cấp 3, tôi đã có ấn tượng với một câu nói của học giả Nguyễn Hiến Lê: “Làm giàu là một thành công, nhưng chưa trọn vẹn” và “phải có đóng góp gì cho xã hội” ý tưởng ấy đeo đuổi mãi trong tôi cho tới ngày nay.
Hai con của ông đều tham gia việc kinh doanh của ba mình, phải không thưa ông?
Qua các cuộc hội thảo chống thấm tại các trường đại học, Hội Kiến trúc sư,… cũng như phản hồi từ khách hàng, hai con của tôi cũng phần nào cảm nhận được ý nghĩa của con đường mà ba mình theo đuổi. Vì vậy, các con cũng rất tự hào khi cùng tôi thúc đẩy phát triển thương hiệu Intoc. Với tôi, đây là một niềm hạnh phúc lớn vì con đường sản phẩm ra nước ngoài còn dài và sự tiếp bước của thế hệ kế thừa là vô cùng cần thiết.
Intoc đã thành công với chống thấm nói chung và chống thấm ngược nói riêng trong suốt 20 năm qua, nhưng từ khi phát hiện thế giới bất lực với chống thấm ngược tầng hầm thì ý nghĩa của sản phẩm đã vượt tầm của một doanh nghiệp. Tôi rất mong công trình nghiên cứu của mình sẽ được các cơ quan chức năng đánh giá, nghiệm thu để nhanh chóng hỗ trợ phát triển một thương hiệu công nghệ độc đáo của Việt Nam.
Cảm ơn ông về những chia sẻ trên.