Đến tình trạng an toàn cháy nổ
Hiện nay, cùng với việc ô nhiễm thì tình trạng giữ an toàn, phòng chống cháy nổ cũng là vấn đề đáng quan tâm tại các chợ vì mỗi ngôi chợ là một địa bàn được xếp vào loại đặc biệt nguy hiểm về cháy nổ. Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ cháy lớn, gây thiệt hại lớn về tài sản mà nguyên nhân cũng do sự bất cẩn của tiểu thương, cơ bản là không tuân thủ các nguyên tắc về phòng cháy chữa cháy.
Ngoài một số các chợ có quy mô lớn như Bến Thành, An Đông, Bình Tây được trang bị hệ thống thiết bị phòng và chữa cháy đạt yêu cầu, còn lại các chợ tầm trung bình và nhỏ hơn thì chỉ trang bị qua loa, khó có thể phát huy được tác dụng cần thiết khi xảy ra sự cố hỏa hoạn. Chợ An Đông từ nhiều năm qua đã trang bị hệ thống báo cháy tự động, 200 sạp thì trang bị một bình CO2. Tại mỗi cửa ra vào đều bố trí những họng nước chữa cháy. Ban quản lý chợ Bến Thành, chợ An Đông đưa vào nội quy bất cứ sạp nào quên cúp điện hoặc bị phát hiện có đốt nhang thì phải nghỉ bán ngày hôm sau…
Nhìn chung, bên cạnh việc đầu tư về phương tiện và con người cho công tác phòng cháy chữa cháy, khái niệm chợ an toàn đã được phổ biến, vận động bà con tiểu thương tích cực tham gia, nhưng một cách nghiêm túc mà nói, TP.HCM vẫn chưa thực sự có chợ an toàn. Bà con tiểu thương trong chợ vẫn quen có thói quen đốt nhang đèn, thờ cúng tại nơi buôn bán, câu móc điện không đúng quy chuẩn, để hàng hóa dễ cháy ở nơi không an toàn… Còn một nguyên nhân tiềm ẩn nữa là hầu hết các chợ đều bị quá tải: số quầy sạp, số hộ kinh doanh thường vượt khá xa so với thiết kế ban đầu. Đã vậy, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy tại chỗ lại thiếu, thậm chí có nhưng không hoạt động được. Nguy hiểm hơn là tình trạng lối thoát hiểm vừa thiếu, vừa bị che chắn hoặc bị tận dụng để làm nơi cất giữ hàng. Thiết kế ban đầu của chợ Bến Thành chỉ có 1.515 sạp, nhưng đến nay số sạp đã tăng lên đến 2.400! Tương tự, quy mô theo thiết kế của chợ Bà Chiểu là khoảng 1.500 sạp (mỗi sạp rộng 1,2 – 1,5m2) của chợ Tân Bình là 2.825 sạp, nhưng vì hàng nhiều, sạp quá chật chội nên tiểu thương đã chiếm dụng lối đi, lối thoát hiểm làm nơi bày bán hàng hóa. Nếu chẳng may xảy ra cháy nổ thì không có lối vào để ứng cứu.
Ðể thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy tại các chợ, không để xảy ra các vụ cháy nổ đáng tiếc, cơ quan chủ quản cần rà soát, xây dựng kế hoạch, sửa chữa, cải tạo bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy, bao gồm đầu tư nâng cấp, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống điện, hệ thống báo cháy, chữa cháy, đảm bảo có đủ nguồn nước chữa cháy tại chỗ… Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm việc thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy đối với chợ khi chợ tiến hành cải tạo, xây dựng mới và thực hiện các giải pháp, biện pháp an toàn phòng cháy chữa cháy. Tổ chức các đợt kiểm tra việc thực hiện những quy định về phòng cháy chữa cháy để có các biện pháp khắc phục kịp thời những thiếu sót có thể dẫn đến cháy nổ.
Bài Ngân An
Ảnh Minh Thuận