Từ ngày 7 đến 13-9-2012, chín giáo sư chuyên ngành kỹ thuật thuộc Sterling Group – Nhóm những trường đại học nghiên cứu xuất sắc nhất Vương quốc Anh sẽ đến giảng bài trước 3.000 sinh viên tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh trong một sự kiện do Hội đồng Anh tổ chức. Nhân dịp đầu năm học mới, hãy cùng Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần trò chuyện với họ về những câu chuyện cụ thể về giáo dục đại học của Anh và Việt Nam.
“Hãy hiểu và thích trước đã!”
Tại Việt Nam, những câu hỏi như: “Mình sẽ thi trường gì, ngành gì?” hay chính xác hơn là “Mình thích thi trường gì, ngành gì?” là những câu hỏi mà chúng ta thường đặt ra cho chính mình ở tuổi 17, 18 trong sự vội vàng và thường là không mấy sáng suốt trước mỗi kỳ thi đại học. Trong tâm thế vội vàng ấy cộng với những “tính toán” về điểm chuẩn đầu vào, trường cao, trường thấp, không ít “tặc lưỡi” chọn đại một trường hoặc một ngành nào đấy. Để rồi có thể ta phải sống với cảm giác nghi hoặc trong suốt bốn năm năm đại học, thậm chí cả rất lâu sau đó khi đã đi làm.
Trong một nghiên cứu của nhà kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới Emanuela di Gropello được trình bày tại hội nghị Đối thoại Giáo dục toàn cầu do Hội đồng Anh tổ chức mới đây tại TP. Hồ Chí Minh, tác giả đã kết luận một trong những khiếm khuyết ảnh hưởng tới sự phát triển của giáo dục đại học là sự thiếu liên kết giữa giáo dục đại học với những bậc học nền tảng ở lứa tuổi nhỏ hơn; hay nói cách khác, sự chuẩn bị và định hướng tại bậc học cơ sở là rất cần thiết đối với những lựa chọn về giáo dục đại học của mỗi người về sau.
Trong cuộc trò chuyện của Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần với các giáo sư Sterling, rất bất ngờ câu chuyện về nỗi khổ “không biết mình thích gì và không biết mình nên lựa chọn gì” của sinh viên Việt Nam nhận được rất nhiều chia sẻ. Quan trọng hơn, mỗi vị đã kể ra những cách riêng của trường mình để giúp cho những người trẻ tự tìm cho mình câu trả lời về sở thích, thế mạnh và tương lai cho chính mình.
Giáo sư Guy Houlsby, Trưởng khoa Khoa học Kỹ thuật, Đại học Oxford – trường nằm trong Top 10 đại học tốt nhất thế giới về đào tạo chuyên ngành kỹ thuật chia sẻ: “Chúng tôi rất may mắn vì Oxford đủ danh tiếng để luôn nhận được những hồ sơ xin học chất lượng nhất; tuy nhiên, chúng tôi vẫn nỗ lực hết sức để những sinh viên vào học sẽ là những người xuất sắc nhất và có định hướng rõ ràng nhất”. Đây cũng chính là lý do trong suốt 15 năm qua, Oxford liên tục thực hiện chương trình Headstart – Một tuần làm sinh viên dành cho các em học sinh 16-17 tuổi đến từ khắp nơi trên đất nước Anh. Headstart mang đến cho các em học sinh cơ hội tham gia vào các hoạt động thú vị đầy sáng tạo có liên quan đến Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán (STEM) để từ đó giúp các em hiểu hơn về cảm xúc của mình với lĩnh vực kỹ thuật.
Từ 2.200 em học sinh trên khắp nước Anh nộp đơn cho chương trình Headstart, chỉ có 38 em được lựa chọn để tham gia Headstart tại Oxford. Và trong một tuần nội trú mùa hè tại đây, các em được tham gia những lớp học mẫu chuyên ngành kỹ thuật, đi thăm các doanh nghiệp, nhà xưởng trong vùng, tham gia vào cuộc thi thiết kế và chế tạo, và đặc biệt nhất là được ăn, ngủ, học tập và sinh hoạt theo đúng nề nếp của sinh viên năm nhất. Một điều tra được thực hiện bởi chương trình Headstart đã cho thấy chương trình này có vai trò rất quan trọng trong việc giúp các học sinh định hướng ngành học của mình cho bậc học cao hơn.
Giáo sư Steve Bull đến từ Đại học Newcastle cũng khẳng định việc định hướng cho học sinh lựa chọn ngành nghề là vô cùng quan trọng: “Việc định hướng và khơi dậy sự tò mò và niềm yêu thích chuyên ngành kỹ thuật có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Vương quốc Anh vì đã rất nhiều năm rồi, chuyên ngành kỹ thuật và chế tạo đã bị lép vế so với những ngành thời thượng như tài chính hay dịch vụ. Tuy nhiên, đã có nhiều thay đổi tích cực từ năm 2008; bên cạnh lý do khủng hoảng tài chính toàn cầu thì cũng phải kể đến những nỗ lực không mệt mỏi của các trường để lôi kéo học sinh đến với chuyên ngành khoa học và kỹ thuật”.
Đại học Newcastle đã xác định khách hàng mục tiêu của mình là những học sinh trung học trong vùng ở độ tuổi dưới 16 (độ tuổi các em sẽ có những bài thi mang tính định hướng nghề nghiệp về sau); và từ đó lên một kế hoạch chi tiết đưa giáo viên và sinh viên trong trường đến với những “khách hàng trẻ tuổi” còn nhiều băn khoăn này để nói chuyện và trả lời những câu hỏi có vẻ ngây ngô nhưng cũng rất hợp lý như “Em rất thích chế tạo máy bay nhưng lại không thích học toán lắm thì có thể theo ngành kỹ thuật được không”.
Giáo sư Steve Bull cũng tự hào nói về Coulson Lecture – series những buổi nói chuyện truyền cảm hứng cho thanh thiếu niên tại Đại học Newcastle. Al Sacco có thể là những cái tên hoàn toàn xa lạ đối với người dân Việt Nam, nhưng câu chuyện về ông lại gây tò mò và truyền cảm hứng đến đông đảo công chúng. Và thực sự khi Al Sacco được mời đến nói chuyện với hàng trăm em nhỏ tại Đại học Newcastle, các em đã có một câu chuyện đời thực không thể quên về một giáo sư đại học chuyên ngành khoa học vật liệu lại vượt qua 800.000 ứng viên khác trên toàn thế giới để du hành vào không gian trên tàu Columbia năm 1995.
Đừng bỏ quên khách hàng của mình!
Câu chuyện về chương trình Headstart tại Oxford hay những buổi nói chuyện truyền cảm hứng cho thanh thiếu niên tại Đại học Newcastle mang lại những kinh nghiệm quý báu đối với nhiều khoa ngành kỹ thuật trong nước hiện đang đối mặt với nỗi đau đầu về tình trạng “ế ẩm”, không có người học. Câu chuyện của Đại học Tây Nguyên là một minh chứng cụ thể; mùa tuyển sinh đại học vừa qua, ngành công nghệ thông tin của trường chỉ có 13 thí sinh đạt 13 điểm (mức điểm sàn khối A) trở lên, ngành công nghệ sau thu hoạch chỉ có tám thí sinh đạt 13 điểm trở lên trong khi chỉ tiêu đặt ra là phải tuyển được 50 sinh viên cho mỗi ngành. Hay như Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí và ngành Công nghệ kỹ thuật ôtô mỗi ngành chỉ có sáu thí sinh trúng tuyển, ngành Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử có tám thí sinh đạt 13 điểm trở lên, ngành Công nghệ kỹ thuật nhiệt chỉ có ba thí sinh đạt 13 điểm.
Đây rõ ràng là một thực tế đáng buồn!
Còn đáng buồn hơn vì “tâm lý” thường thấy của mỗi gia đình Việt Nam là “cố thi đậu đại học để kiếm được việc tử tế”; vậy mà những ngành kỹ thuật đang khát nhân lực, đang mời gọi nhân lực chất lượng cao bằng chế độ lương bổng và con đường phát triển thênh thang thì lại bị người học ghẻ lạnh. Có người lý giải: các em ngại học ngành kỹ thuật vì lao động nặng nhọc, độc hại mà lại không sang trọng.
Vậy ai giúp các em biết được thực sự ngành này thế nào? Nặng nhọc hay không nặng nhọc, độc hại hay không độc hại, tương lai rộng mở hay u ám? Thiết nghĩ không có cách nào khác là để những người trẻ tự mình tìm hiểu. Tìm hiểu như thế nào thì hai câu chuyện của nước Anh kể trên là những ví dụ sinh động có thể làm theo.
Bốn năm – quá dài hay quá ngắn
Phần trước của bài viết nói về những sinh viên tương lai thì phần cuối của bài viết này sẽ quay trở lại với những tân sinh viên – những người có thể hiện tại vẫn chưa biết làm gì với bốn năm đại học của mình. Trong một cuộc điều tra do Harvey Nash tiến hành với 3.200 công ty trên toàn thế giới, khi được hỏi “Kỹ năng nào ở ứng viên là khó tìm kiếm nhất nhưng lại có vai trò quan trọng nhất?”, các nhà tuyển dụng đã chỉ ra ba kỹ năng giữ vị trí hàng đầu là: Giao tiếp (91%), thái độ tích cực với công việc (85%) và khả năng thích nghi với những thay đổi (85%).
Có đến 72% nhà tuyển dụng tin rằng “giá trị và phẩm chất” đứng trước kỹ năng; quan trọng hơn, cuộc khảo sát đã đưa ra được danh sách cụ thể những yếu tố tạo nên giá trị và phẩm chất ở một ứng viên. Đạo đức nghề nghiệp, sự trung thực, cam kết với công việc, sự cần cù, tinh thần sẵn sàng học hỏi từ người khác, hứng thú tìm tòi trong công việc, sự đúng giờ và tinh thần trách nhiệm là những gì tạo nên giá trị và phẩm chất.
Như vậy có thể thấy rằng những “giá trị và phẩm chất” này được rèn luyện qua quá trình làm việc trong môi trường thực tế, đối mặt với những vấn đề cần phải giải quyết trong mối quan hệ tương tác với cấp trên, cấp dưới và đồng nghiệp. Và nếu không chủ động tìm cơ hội thử thách trong môi trường công việc khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì thành tích sau bốn năm đằng đẵng của mỗi sinh viên có lẽ chỉ là tấm bằng vô tri, ngày càng mất giá trị (74% trong số 3.200 doanh nghiệp được khảo sát bởi Harvey Nash tin rằng chỉ bằng cấp thì không đủ để chuẩn bị cho sinh viên bước vào thế giới công việc).
Chính vì vậy, với các tân sinh viên, có thể bốn/năm năm đại học sắp tới là quãng thời gian dài lê thê, nhưng cũng có thể là quá ngắn để bù đắp những thiếu hụt lớn về tiếng Anh, về thể chất, tâm hồn và kinh nghiệm vốn không được để ý nhiều trong 12 năm miệt mài đèn sách chuẩn bị cho một kỳ thi.
Xin được trích lời bà Tôn Nữ Thị Ninh trong Hội nghị Đối thoại Giáo dục toàn cầu, như một thông điệp gửi tới các tân sinh viên: “Đại học khác trung học ở chỗ yêu cầu năng lực tự học rõ ràng hơn, vì vậy đã lên đại học là phải biết tự học. Ngoài ra, trong xã hội hiện đại, tiếng Anh là một công cụ không thể thiếu để tiếp cận với kho tri thức của nhân loại. Và dù ở trường nào cũng phải tận dụng bốn năm đại học của bản thân, phải kiếm việc làm, thậm chí việc làm không có lương cũng được nhưng phải có cơ hội thực hành và thực hành nghiêm chỉnh. Tất cả những trải nghiệm đó sẽ giúp cho các em nắm bắt được những cơ hội tốt nhất sau này”.
Đăng ký tham dự buổi nói chuyện với các giáo sư hàng đầu Vương quốc Anh tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tại trang: http://www.educationuk.org/vietnam.
[note color=”#d0dbdc”]Đại học London Metropolitan bị rút giấy phép bảo trợ visa cho các sinh viên ngoài EU
Cơ quan Biên phòng Anh (UKBA) đã thu hồi giấy phép bảo trợ visa cho sinh viên các nước ngoài khu vực EU của Đại học London Metropolitan (London Met). Điều này cũng đồng nghĩa sinh viên đến từ các nước ngoài EU sẽ không được tiếp tục theo học tại trường này. Theo thông tin chính thức từ UKBA, các sinh viên của London Met hiện đang ở Anh với visa hợp lệ chưa cần phải có hành động gì. Một nhóm công tác đặc biệt của chính phủ hiện đang được thành lập, nhóm công tác này sẽ phối hợp với Đại học London Met hỗ trợ các trường hợp bị ảnh hưởng và giúp những sinh viên đủ điều kiện tiếp tục theo học tại Anh tìm một trường khác để tiếp tục học tập tại Vương quốc Anh. Nhóm công tác sẽ bắt tay vào việc ngay lập tức.
Đối với những sinh viên đã có visa hợp lệ và đang theo học tại Trường London Met, nhưng hiện tại đang không ở Anh, họ vẫn có quyền quay trở lại Anh. Còn với những sinh viên mới, những người đã lên kế hoạch tới Anh để học tại Đại học London Met được khuyến cáo là không nên đi. Cũng theo thông tin từ UKBA, những sinh viên đến Anh để học tập thực sự và có visa hợp lệ có 60 ngày để nộp hồ sơ xin học tại trường mới hoặc sắp xếp kế hoạch rời Anh. Thời hạn 60 ngày chỉ bắt đầu tính từ ngày sinh viên nhận được thư thông báo của UKBA. Và sẽ không có một bức thư nào được UKBA gửi đi trước ngày 1-10.
Đại sứ quán Việt Nam tại London cho biết sẽ làm hết khả năng để hỗ trợ sinh viên Việt Nam đang theo học cũng như các sinh viên đã đăng ký vào học tại London Met. Đại sứ quán sẵn sàng cung cấp giấy tờ xác nhận sinh viên thực sự có điều kiện được cấp visa để theo học tại London Met theo các chương trình học bổng do Nhà nước đài thọ như Đề án 322 và Mekong 1000, trước mắt cho các sinh viên có hồ sơ đăng ký và lưu tại Đại sứ quán. Ngoài ra, Đại sứ quán cũng đang cung cấp dịch vụ hỏi đáp cho các sinh viên và phụ huynh quan tâm đến vụ việc này. Hiện có khoảng 170 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Đại học London Met.[/note]