Những tác động xấu đến sức khỏe
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người mà những biểu hiện dễ nhận thấy là chảy nước mắt, đỏ mắt, ho, thở khò khè… Mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của từng người, vào nồng độ của loại chất gây ô nhiễm và thời gian tiếp xúc. Phụ nữ mang thai và trẻ em nếu tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong khoảng thời gian dài sẽ có nguy cơ bị tổn hại sức khỏe lâu dài, ở mức độ nghiêm trọng hơn. Những tác động xấu của ô nhiễm không khí không chừa bất cứ ai là đẩy nhanh quá trình lão hóa, giảm chức năng của phổi, dễ mắc các bệnh hen suyễn, viêm phế quản, thậm chí có thể bị ung thư…
Căn cứ tài liệu y khoa đã được công bố và khuyến cáo của các bác sĩ, chúng ta không nên xem nhẹ những căn bệnh do ô nhiễm không khí gây ra. Khí oxit cacbon có thể gây đau đầu, chóng mặt, ngất xỉu hoặc gây tổn hại đến tim mạch, trường hợp mức độ ô nhiễm cao sẽ gây nên bệnh tim mạch trầm trọng, tổn thương hệ thống hô hấp… và về lâu dài có thể dẫn đến những chứng bệnh mãn tính. Dioxit sunfua (SO2) là chất khí được sinh ra từ quá trình đốt nhiên liệu như than, dầu FO, DO có chứa lưu huỳnh, độc hại không chỉ đối với sức khỏe con người, mà cả động thực vật. Khí SO2 kích thích mạnh đối với mắt, da và các màng cơ, niêm mạc đường khí quản. Khí ozon (O3) hình thành từ phản ứng hóa học giữa hợp chất hữu cơ dễ bay hơi và oxit nitơ (được sinh ra chủ yếu từ hoạt động của các loại phương tiện giao thông dưới ánh sáng mặt trời) cũng kích thích mạnh đối với mắt, da, có thể gây chóng mặt, nhức đầu, giảm huyết áp và khó thở.
Khuyến khích phát triển phương tiện giao thông công cộng, nhiều người đi xe buýt là góp phần bảo vệ môi trường
Những năm gần đây, các bệnh ở trẻ em liên quan đến ô nhiễm không khí có xu hướng tăng cao, nổi bật là bệnh suyễn, nhiễm khuẩn đường hô hấp, lao, viêm phổi, bại não, ung thư và các dị tật bẩm sinh… Các bệnh về đường hô hấp (viêm phổi, viêm tai giữa, suyễn) thường gặp nhất. TP.HCM có tỷ lệ bệnh cao do mật độ dân cư đông, phương tiện giao thông nhiều, lại tập trung nhiều nhà máy, nhiều hộ gia đình vùng ven vẫn còn sử dụng củi, rơm… để đun nấu.
Biện pháp hạn chế
Trong thời gian qua, TP.HCM đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động kiểm soát chất lượng không khí, cả “cứng” và “mềm”. Trước hết là chương trình di dời các nhà máy gây ô nhiễm môi trường vào các khu công nghiệp tập trung, kiểm soát ô nhiễm công nghiệp, kế đó là quan trắc chất lượng không khí, nâng cao hoạt động truyền thông về bảo vệ môi trường… Phát triển công nghiệp xanh, công nghệ sản xuất sạch được vận động ở tất cả các khu công nghiệp và cơ sở công nghiệp ở xung quanh thành phố. Công tác quản lý và kiểm tra các nguồn thải ô nhiễm từ hoạt động thi công xây dựng cũng được thắt chặt hơn.
Hiện Chi cục Bảo vệ môi trường
TP. HCM đang tăng cường công tác quan trắc không khí ở nhiều địa điểm để kịp thời ghi
nhận sự biến đổi về chất lượng không khí qua từng ngày, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện các vi phạm bảo vệ môi trường về khí thải của các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Ngoài ra, cơ quan này cũng phối hợp với lực lượng quản lý thị trường và ngành giao thông vận tải thực hiện đăng kiểm xe, kiểm tra tình trạng, lượng xả thải của các loại xe tải đang lưu thông. Việc kiểm soát nguồn thải của các loại xe và cấm vận hành đối với các xe không đạt tiêu chuẩn Euro 2 về khí thải cũng đã được duy trì thường xuyên. Các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu sạch, ví dụ dùng khí hóa lỏng (LPG), khí tự nhiên nén (CNG), ethanol, dầu sinh học được khuyến khích.
Một khi tình trạng ô nhiễm không khí khá nặng nề chưa thể xử lý được ngay thì cần tích cực vận động toàn dân hành động vì môi trường, cố gắng hạn chế khí thải để góp phần bảo vệ bầu không khí mà chúng ta hít thở hằng ngày. Vì vậy, các kênh truyền thông cần nâng cao tần suất hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và xây dựng văn hóa môi trường cho mọi người dân đô thị. Cần vận động người dân thay đổi thói quen sinh hoạt, chẳng hạn nên tăng cường đi xe buýt để vừa giảm chi phí, vừa hạn chế được nạn kẹt xe, lại giảm ô nhiễm môi trường. Nếu ai cũng cố gắng giảm bớt việc dùng xe gắn máy để đi lại (gần thì đi bộ hoặc sử dụng xe đạp, xa thì tính toán kết hợp một công đôi ba việc) thì chắc chắn mức độ ô nhiễm không khí sẽ giảm. Ngoài ra, việc bảo trì xe máy định kỳ theo đúng quy định không chỉ nhằm tăng tính an toàn trong sử dụng, mà còn giảm được khói độc thải ra môi trường…
Ngân An