Các nhà điều tra Pháp có trọng trách truy lùng những thủ phạm đã thực hiện các hành động dã man trong thời chiến.
Gã người Serbia Susnjar, tên người Liberia Kunti K. và tên người Iran Ahmed H. chưa bao giờ gặp nhau, nhưng lại có nhiều điểm chung. Mỗi tên bị nghi ngờ đã thực hiện các hành động khủng khiếp trong đất nước của chúng. Và mỗi tên mới đây đã bị bắt bởi các nhà điều tra mà trụ sở mang một cái tên rất khó nhớ “Sở Trung tâm đấu tranh chống các tội ác chống lại nhân loại, diệt chủng và tội ác chiến tranh” (OCLCH).
“Đấu tranh chống lại sự vô phạt. Nếu tin vào nhân loại, người ta không thể nhắm mắt trước những sự man rợ đó” – giám đốc cơ sở, đại tá Eric Emeraux, tuyên bố. Một niềm tin được đúc kết trong 6 năm trải qua với chức vụ tùy viên an ninh nội bộ tại đại sứ quán Pháp ở Sarajevo, thủ đô của Bosnia-Herzégovina trong cuộc chiến sắc tộc đã xâu xé Nam Tư cũ. “Tôi đã thấu hiểu các nạn nhân đã chịu đựng đến mức nào sự chậm lụt của công lý quốc tế”.
Các điều tra viên của OCLCH có rất nhiều công việc. Vào mùa thu này, 95 hồ sơ, tức nhiều hơn 20 so vói năm 2017, chất đống trên bàn của họ. Tại đây không thể nào quên các nạn nhân. Được gắn trên tường, những bức ảnh to với kẽm gai và vũ khí, các gương mặt sưng húp và những đứa trẻ bị tàn sát gợi nhớ lại nỗi dã man của quá khứ và sự kinh khiếp của hiện tại.
Từ lâu là nguồn cung cấp hồ sơ của Sở, nước Rwanda với 18 hồ sơ đang được điều tra, giờ đây đã xuống hạng thứ nhì sau Syria, đứng trên Cộng hòa Trung Phi và Liberia. “Chúng tôi thấy những bức ảnh ghê rợn, chúng tôi thu thập những lời chứng đau lòng. Tuy nhiên tôi vẫn có thể giữ khoảng cách vì chúng tôi không đối mặt với những cảnh tội ác như trong công việc cổ điển của cảnh sát tư pháp” – thượng sĩ Emilie cho biết.
Emilie và các đồng nghiệp phải giải quyết một vấn đề đau đầu đáng ngại: làm sao điều tra các hành động xảy ra cách hàng ngàn km, đôi khi trước đó nhiều năm? Làm thế nào chứng minh rằng tên Pháp gốc Rwanda Philippe Hategekimana bị bắt tại Cameroun vào tháng 4 vừa qua, đã tổ chức nhiều vụ tàn sát vào tháng 4.1994 trong vùng Butare? Làm sao nhận dạng các kẻ chủ mưu những vụ tra tấn trong nhà giam Syria bởi các kẻ đối lập với chính quyền Bashar al-Assad chỉ dựa vào 54.000 bức ảnh chụp những thi thể bầm dập mà một cựu nhiếp ảnh gia của an ninh quân đội có tên là “César” đã mang ra khỏi nước?
“Chúng tôi hành động theo pháp lý như làm với luật thông thường bởi vì chúng tôi không kết án một ai chỉ dựa trên các báo cáo công. Chúng tôi phải chứng tỏ óc sáng tạo để chứng minh trách nhiệm cá nhân giữa những tội ác tập thể” – Aurélia Devos, nữ quan tòa điều hành phòng “tội ác chống lại nhân loại” của Viện Công tố. Phản ảnh của nỗ lực tìm kiếm kiên trì đó là tấm bản đồ chi tiết của những nhà giam tại Syria và bản đồ tổ chức của Sở Tình báo Không quân, một trong các cơ quan cảnh sát của Bashar, gắn trên tường văn phòng, ở tầng 26 của khu tư pháp.
Tìm ra và phân tích các tài liệu và thư khố, truy lùng những nhân chứng và người thoát nạn: đó là công việc thường ngày của OCLCH, đủ thẩm quyền khi một nạn nhân hay tên đồ tể là người Pháp hoặc khi thủ phạm tội ác có mặt tại Pháp. May thay hiến binh và cảnh sát có thể dựa dẫm vào những đồng minh. Trước tiên là các mạng xã hội vốn chuyển tải thông tin và video từ đầu này đến đầu kia của hành tinh vào thời gian thực. “Trong thập niên 1990, chỉ những phóng viên mang được hình ảnh về bạo lực tại Liberia, Rwanda hay Bosnia-Herzégovina” – đại tá Emeraux cho biết. Giờ đây, thật nhiều với sự phát triển của Internet và các smartphone. Chúng tôi dựa trên những yếu tố đó để củng cố cuộc điểu tra của chúng tôi”. Thượng sĩ Estelle, chuyên gia nhận dạng gương mặt, mới chuyển đến để tiếp ứng cho khoa Phân tích chiến lược của Sở. “Chúng tôi có một phần mềm giúp chúng tôi làm việc trên những hình ảnh đến từ mọi nguồn, YouTube, caméra kiểm tra, Facebook…” – Estelle giải thích, cô đã hoàn thiện kỹ năng từ cơ quan FBI.
Các tổ chức phi chính phủ, đối tác của cuộc truy lùng
Nhiều tổ chức phi chính phủ theo dấu các tên tội phạm chiến tranh cũng khai thác các thông tin quý báu đó. Tại London, một hiệp hội đã tung ra chương trình “Nhân chứng tận mắt chứng kiến những điều dã man” đề nghị, qua một ứng dụng mã hóa và lưu trữ các bằng chứng bằng hình ảnh về các hành động tội ác dành cho viễn cảnh những phiên tòa trong tương lai. Tổ chức Adalmaz-Justice dành cho những kẻ bị áp bức, chú ý vào những cuộc xung đột Syria-Iraq và Libya, đưa ra những lời nhắn tìm kiếm trên mạng. Dưới mỗi bức ảnh đều có dòng chữ: “Bạn nhận ra người này chứ?”. “Tất nhiên chúng tôi rất chú ý đến sự đáng tin của những nguồn tin và rất thận trọng với các tổ chức đó, nhưng một số lả các đối tác hữu ích cho chúng tôi” – đại tá Emeraux giải thích. Đó là trường hợp của “Ủy ban Công lý và Giải trình Quốc tế”, chuyên về Syria và Iraq. Hay Civitas Maxima, rất tích cực về hồ sơ Liberia.
Sở cũng dựa vào vô số các đối tác định chế hơn, chẳng hạn như mạng lưới “diệt chủng” của Eurojust, quy tụ các quan tòa và điều tra viên châu Âu, cả Mỹ, Canada, Thụy Sĩ và Na Uy, cơ quan cảnh sát hình sự châu Âu Europol và cơ sở dữ liệu “tội ác quốc tế”, cũng như M3I, cơ chế được thành lập bởi Liên Hiệp Quốc tại Genève để thu thập bằng chứng trong cuộc xung đột Syria.
Việc truy tìm manh mối tất nhiên phải qua sự thu thập những lời chứng, cần phải kiểm chứng và kiểm tra chéo. Nếu không có các câu chuyện được kể bởi những người thoát được cuộc diệt chủng ở Rwanda, không bao giờ 3 quan chức sẽ bị xử và kết án tại Paris trong 2 năm vừa qua. Trong hồ sơ “César”, chủ đề của một sự hợp tác chặt chẽ với cảnh sát hình sự Đức, đã có 250 cuộc thẩm vấn và sắp tới là 200 cuộc nữa. “Mỗi lần kéo dài từ 6 đến 7 giờ. Các câu chuyện của những người bị cưỡng hiếp, thật tàn nhẫn quá khó để kể lại. Thường khi họ yêu cầu giấu tên bởi vì họ còn gia đình sống tại đó” – đại úy Christophe kể. 7 viên cảnh sát và hiến binh của phòng “điều tra” làm việc bù đầu về hồ sơ “César” đã trở nên rành rẽ về 4 ngành của guồng máy an ninh dưới quyền Bashar Al-Assad.
Ngược lại, chưa hẳn Christophe và các đồng nghiệp có thể ngày nào đó đi đến thực địa để gặp gỡ những nạn nhân, thực hiện các nhận định hay tái dựng. Ở Rwanda thì có thể. Tháng tới, thượng sĩ Émilie sẽ có chuyến đi thứ 8 đến Rwanda, cô chưa hề đặt chân đến phía nam sa mạc Sahara trước khi rời đội tìm kiếm của sở cảnh sát Perpignan.
Những tháng gần đây, OCLCH và phòng “tội ác chống lại nhân loại” của Viện Công tố đối mặt với rất nhiều hồ sơ khá đặc biệt. Được đóng dấu “IF”, chúng nhắm vào các đơn xin di trú mà Sở bảo vệ người tị nan và ly hương nghi ngờ là tội ác chiến tranh. Từ mùa hè 2015, cơ quan này phải cảnh báo luật pháp để sau đó sẽ quyết định có mở cuộc điều tra hay không. “Nước Pháp không phải là chỗ trú ẩn cho những người đã phạm các tội ác nghiêm trọng trong đất nước của họ” – Trưởng phòng Aurélia Devos nhấn mạnh. Nếu là như thế, họ phải trả lời về tội ác của họ. “Trong vòng 1 năm, số lượng loại này chuyển cho Phòng đã tăng từ 10 đến 40 hồ sơ. Nhiều người Syria, có cả Libya, Iraq, Chetnia và Sri Lanka. Không thể trục xuất cũng không thể dẫn độ. Khó khăn thêm: một số người tự nhận bừa các tội ác chiến tranh để không bị trả về quê hương”.
- Xem thêm: Phải chăng Napoléon bị đầu độc?
Có những tên khủng bố nằm trong số các hồ sơ “IF” đó không? Trường hợp của Ahmed H. khiến người ta lo sợ. Gã Iraq 33 tuổi đó đã có được quy chế tị nạn vào năm 2017. Hắn bị bắt vào mùa xuân vừa qua sau một cuộc điều tra phối hợp OCLCH và Tổng cục An ninh nội địa. Hắn bị nghi ngờ thuộc IS và đã tham gia vào cuộc thảm sát trại quân sự Speicher gần Tikrit làm chết 1.700 tân binh Iraq vào năm 2014.
Một bia đá cho vinh quang của một sư đoàn SS
Các “IF” không phải là những hồ sơ duy nhất dẫn dắt các điều tra viên của Sở làm việc trên lãnh thổ quốc gia. Đôi khi họ được giao trọng trách bắt những tên tội phạm trốn tránh đang bị truy nã trong nước, chẳng hạn như 2 tên gốc Balkan bị nhắm đến bởi các thông cáo đỏ của Interpol mà Bosnia-Herzw1govina muốn xét xử. “Chúng sống ở Pháp dưới lý lịch giả. Mục đích của chúng tôi là dẫn độ chúng” – thiếu tá David G., sĩ quan liên lạc cảnh sát trong Sở.
Các tội ác thù hận diễn ra tại Pháp cũng nằm trong số những nhiệm vụ của OCLCH. Vào tháng 1 vừa qua, một bia đá quốc xã được phát hiện trên một thửa đất tư, trong một xã của vùng Moselle gần Bitche. Một bia đá ca ngợi vinh quang của sư đoàn SS đã tàn sát 124 người, đàn ông, phụ nữ và trẻ em của làng Maillé ở Indre-et-Loire ngày 25.8.1944. Chủ nhân của khu đất, một người Đức, đã bị tạm giữ vào đầu tháng 7 về tội bênh vực cho tội ác chống lại nhân loại. OCLCH đã không dối lừa về khẩu hiệu của Sở: “Hora fugit, stat jus” (Thời gian trốn chạy nhưng công lý vẫn ở lại).