Lễ kỷ niệm 50 năm ngày ra đời Phòng Hội họa Giải phóng, tiền thân của Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh vừa được tổ chức trọng thể cùng với một triển lãm tranh tượng về đề tài chiến tranh và biển đảo (tại số 5 Phan Đăng Lưu, Q. Bình Thạnh, từ ngày 20-4 đến 1-5-2012).
Cuối năm 1961, các họa sĩ Cổ Tấn Long Châu (xuất thân từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định), Trang Phượng (xuất thân từ Trường Trang trí Mỹ thuật Thủ Dầu Một) và Phạm Minh Sáu lúc bấy giờ đang công tác tại các cơ quan tuyên huấn khác nhau nhận được lệnh điều động về Ban tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (R) đóng tại một cánh rừng ở Tây Ninh. Đến tháng 12-1962, Phòng Hội họa Giải phóng được thành lập với mật danh B11, do họa sĩ Cổ Tấn Long Châu làm trưởng phòng. Dù nhân sự phòng chỉ có ba người nhưng nhiệm vụ được giao rất nặng nề: vẽ tranh cổ động, tranh đả kích gửi đi khắp các chiến trường và các địa phương miền Nam để cổ vũ, động viên cuộc kháng chiến chống xâm lược; đảm nhận trang trí và triển lãm nhân các lễ hội, đại hội của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam cũng như của các cơ quan trực thuộc Trung ương Cục, đồng thời vẽ minh họa cho tất cả các tờ báo, bản tin của các tổ chức, đoàn thể, và kẻ cả tít phim cho Xưởng phim Giải phóng (cũng là một đơn vị trực thuộc Ban Tuyên huấn R). Sau đó B11 dần dà được bổ sung lực lượng là các họa sĩ từ miềnNamđi tập kết và các họa sĩ miền Bắc như Huỳnh Phương Đông, Thái Hà, Lê Tâm, Lê Hồng Hải, Nguyễn Tấn Lực, Nguyễn Văn Kính, Lê Văn Chương… Năm 1964, B11 tổ chức lớp hội họa đầu tiên do họa sĩ Huỳnh Phương Đông phụ trách, nhằm phát triển đội ngũ mỹ thuật phục vụ cho các chiến trường và các địa phương ởNambộ.
Trong những năm chiến tranh ác liệt, các họa sĩ thuộc B11 vừa cầm súng chiến đấu như người lính thực thụ, vừa sáng tác ngay tại chiến trường. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, có tới 64 nghệ sĩ thuộc B11 đã hy sinh. Tác phẩm của các họa sĩ lúc bấy giờ phổ biến là những ký họa, ghi chép lại các trận đánh, các gương mặt chiến sĩ, du kích và người dân vùng giải phóng… Có thể coi những ký họa ấy là những trang lịch sử chiến tranh được thể hiện bằng ngôn ngữ hội họa. Nhiều ký họa còn được bản thân các họa sĩ gìn giữ đến ngày nay hoặc được lưu giữ ở các bảo tàng mỹ thuật trong nước, nhưng rất nhiều tác phẩm đã thuộc về các bộ sưu tập ở nước ngoài.
Sau ngày 30-4-1975, B11 tiếp quản các trường mỹ thuật và một số cơ quan văn hóa – nghệ thuật của chính quyền Sài Gòn. Đến tháng 7-1975, Hội Mỹ thuật Giải phóng ra đời với thành phần đa dạng: các họa sĩ tại chỗ, các họa sĩ từ chiến khu và các họa sĩ từ miền Bắc vào. Tại triển lãm mỹ thuật toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức ở Hà Nội vào cuối năm 1976, trong tổng số 800 tác phẩm được trưng bày, có đến 200 tác phẩm từ miền Nam gửi ra. Đến tháng 5-1977 là triển lãm mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh lần thứ nhất, một bước tập hợp lực lượng đầu tiên có quy mô lớn. Toàn bộ ba tầng của Nhà chú Hỏa (nay là Bảo tàng Mỹ thuật thành phố) bày kín 300 tác phẩm của khoảng 200 nghệ sĩ tạo hình, trong đó có tranh của nhiều họa sĩ Sài Gòn nổi tiếng như Nguyễn Trung, Nguyễn Phước, Nguyên Khai…
Đến tháng 12-1981, Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh chính thức được thành lập với ban chấp hành gồm phần lớn là các họa sĩ trưởng thành từ Phòng Hội họa Giải phóng. Từ đó đến nay Hội đã đóng vai trò tập hợp các nghệ sĩ tạo hình, tổ chức được nhiều hoạt động sáng tác, triển lãm…, trở thành một trong những tổ chức mỹ thuật có uy tín bậc nhất tại ViệtNam.
Trong những ngày kỷ niệm nửa thế kỷ ra đời của Phòng Hội họa Giải phóng, có một tin buồn đến thật bất ngờ: họa sĩ Nguyễn Thanh Châu, một trong những thành viên đầu tiên của B11, nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã qua đời.
(*) Xem bài “Tranh cãi quanh một tác phẩm nghệ thuật vô giá bị lấy cắp” trên DNSGCT số 445 ra ngày 9-3-2012
- Như Hoa