Sống ở Cité des Arts…
Paris. Ngày tháng 6 nóng như đổ lửa.
Giang Lê dành phần lớn thời gian trong ngày để ngồi làm tranh khắc trong studio của mình. Hơn 10 giờ đêm, khi nắng đã tắt, cô mang hết dụng cụ, đèn bàn ra chiếc bàn ngoài ban công làm việc để có gió mát.
Đến Pháp theo chương trình “Tương hỗ” năm 2019 do Viện Pháp tại Việt Nam và Viện Pháp tại Paris tài trợ, nữ nghệ sỹ lưu trú tại Cư xá Nghệ thuật Quốc tế Paris (Cité internationale des Arts), trong một căn phòng xinh xắn trên tầng 5, có ban công nhìn ra sông Seine.
Một ngày của cô thường bắt đầu từ 7g, ăn sáng và uống cafe tự pha trên chiếc bàn nhỏ ngoài ban công, ngắm thành phố bắt đầu ngày mới, tháp Eiffel và nhà thờ Đức Bà ở phía xa xa. Thời gian đầu, cô dành nhiều thời gian đến các bảo tàng, thư viện để tìm tư liệu hoặc ở trong studio đọc sách nghiên cứu.
Paris là thành phố của các bảo tàng. Các nghệ sĩ lưu trú ở Cité des Arts được làm thẻ đi tham quan miễn phí hầu hết các bảo tàng ở Paris và trong nước Pháp. Giang Lê cho biết: “Một trong những việc đầu tiên tôi làm là đến Centre Pompidou, Bảo tàng Quai Branly và Palais de Tokyo. Tôi cũng đã bắt đầu công việc nghiên cứu của mình về Lê Bá Đảng bằng việc liên hệ với những người Việt đang sống tại Paris để tìm sự kết nối với gia đình ông”.
- Xem thêm: Mùa xanh muôn một của Lê Bá Đảng
Sau khi đã khắc xong tranh, Giang Lê thường đến xưởng của Cité des Arts để sử dụng máy in và có khi làm việc ở đó đến 9 giờ tối, giờ đóng cửa xưởng. Cô cũng thường tham dự các sự kiện trình diễn nghệ thuật buổi tối ở Cité des Arts cùng các bạn nghệ sĩ hàng xóm.
…và biến những giấc mơ thành hiện thực
“Đi tìm sự kết nối không gian” (In search for spatial connections) là dự án mà Giang Lê thực hiện trong thời gian lưu trú tại Cité des Arts. Cô tập trung nghiên cứu cách thức hình ảnh Việt Nam được thể hiện trong các cuộc triển lãm thuộc địa quốc tế diễn ra tại Paris, Pháp những năm 1907, 1931. Tại đây, cô được tiếp cận với những nguồn tư liệu vô cùng quý giá, gặp gỡ những nhân vật đặc biệt, nhận được những giúp đỡ quý báu khiến cô vừa bất ngờ, vừa cảm động.
Nữ nghệ sĩ chia sẻ: “Tôi làm việc chủ yếu dựa trên kho lưu trữ hình ảnh tại các thư viện như Thư viện quốc gia Pháp BNF, Thư viện Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp cho phát triển quốc tế CIRAD, Thư viện bảo tàng Nogent Sur Marne, Viện Viễn Đông Bác Cổ, Thư viện bảo tàng Quai Brandy. Tôi may mắn khi có sự hỗ trợ rất nhiệt tình từ các bác thủ thư các thư viện để truy cập và thu thập được các tư liệu cần thiết cho nghiên cứu. Bên cạnh đó, tôi nghiên cứu và tìm hiểu về kỹ thuật dập nổi paper embossing, là kỹ thuật làm tranh nổi tiếng của nghệ sĩ Lê Bá Đảng, như một cách thức thực hành thể hiện tác phẩm”.
- Xem thêm: Không gian tưởng nhớ Lê Bá Đảng
Cite des Arts được coi như một ngôi nhà trong mơ với các nghệ sĩ. Họ đến từ nhiều nơi trên thế giới và từ các ngành nghệ thuật rất đa dạng. Hãy thử tưởng tượng, bạn là một công dân của Cite des Arts. Mỗi sáng, bạn sẽ thức dậy với tiếng piano hay tiếng hát opera của những người bạn nghệ sĩ hàng xóm.
Xung quanh bạn, người thì vẽ, người thì điêu khắc… Giang Lê nhớ tới những người bạn quốc tế của mình ở đây với rất nhiều tình cảm trìu mến: “Ngày ở Paris nóng nhất đến gần 40 độ, tôi được cô bạn nghệ sĩ Argentina cho mượn quạt để dùng cho đến khi tôi về Việt Nam. Khi mới đến Paris, tôi đã email cho Cite des Arts rằng mình muốn gặp gỡ và được hướng dẫn kỹ thuật làm tranh khắc. Và chỉ sau một thời gian ngắn, tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi từ các nghệ sĩ ở đây sẵn sàng hướng dẫn và gặp gỡ. Tôi được một cô nghệ sĩ người Pháp cùng xưởng hướng dẫn từng bước làm tranh in, một bạn nghệ sĩ Tunisia cho mượn bộ dao khắc, những người bạn làm cùng xưởng khắc cũng hỗ trợ tôi rất nhiều”.
Tham gia chương trình Tương hỗ trong khuôn khổ Villa Saigon của Viện Pháp tại Việt Nam, Giang Lê kỳ vọng thực hiện được đề tài nghiên cứu của mình về một phần lịch sử của Việt Nam, tìm tòi học hỏi phương thức thực hành nghệ thuật mới và có thêm cơ hội giao lưu, kết nối với các nghệ sĩ và tổ chức nghệ thuật nước ngoài.
Những gì cô có được đã vượt ngoài mọi mong đợi. Cô chia sẻ: “Trong thời gian 3 tháng tôi đã học được kỹ thuật embossing và thực hiện hoàn thiện được series tranh in là kết quả của dự án nghiên cứu In Search for Spatial Connections. Tôi cũng đã trưng bày một tác phẩm sử dụng kỹ thuật mới này tại ngày hội Tem lần thứ 7 “FÊTE DE L’ESTAMPE” ở Cité des Arts. Khó có thể kể hết những nơi tôi đã đến, những triển lãm đã xem, những con người truyền cảm hứng tôi đã gặp. Và trải nghiệm sống ba tháng ở Paris là một trải nghiệm rất đặc biệt, nhất là trong khoảng thời gian ngắn ấy ở Paris đã xảy ra một số sự kiện đặc biệt. Chuyến lưu trú đã cho tôi có nhiều hướng nhìn khác về văn hóa, nghệ thuật và trưởng thành hơn trong hành trình làm việc của bản thân”.
Theo Giang Lê, chương trình giao lưu trao đổi nghệ sĩ Pháp – Việt là một cơ hội tuyệt vời cho những nghệ sĩ trẻ ở các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau. Đặc biệt, chương trình sẽ rất phù hợp các nghệ sĩ mong muốn tìm hiểu, nghiên cứu các vấn đề văn hóa nghệ thuật trong bối cảnh ở Pháp hay mở rộng hơn là châu Âu.
Giang Lê tên thật là Lê Thị Hương Giang, sinh năm 1988 tại Hà Nội, tốt nghiệp cử nhân Đại học Mỹ thuật Hà Nội và Thạc sĩ Đại học Nghệ thuật Luân Đôn.
Lấy cảm hứng từ khái niệm utopia và những khả thể khác nhau của tương lại, các tác phẩm của nghệ sĩ Lê Thị Hương Giang nghiên cứu giả thuyết về một thế giới không có con người mà chỉ là sự tạo lập của những đổ nát, tàn tích do con người để lại cho thiên nhiên. Các tác phẩm của cô được thể hiện dưới nhiều hình thức: nghệ thuật sắp đặt, điêu khắc và hội họa với đối tượng là các tạo tác văn hóa hoặc những công trình kiến trúc.
Chương trình nghệ sĩ lưu trú Villa Saigon do Viện Pháp tại Việt Nam thực hiện nhằm củng cố và thúc đẩy các hoạt động giao lưu, hợp tác về nghệ thuật giữa hai nước Pháp và Việt Nam.
Ngoài việc tổ chức lưu trú sáng tác cho các nghệ sĩ Pháp tại Việt Nam, Viện Pháp tại Việt Nam còn triển khai Villa Saigon – Chương trình “Tương hỗ” nhằm giúp các nghệ sĩ trẻ Việt Nam phát triển một dự án sáng tạo ở Pháp.
Villa Saigon – Chương trình “Tương hỗ” dành cho nghệ sĩ có quốc tịch Việt Nam và lưu trú tại Việt Nam, làm công tác nghiên cứu hoặc sáng tác chuyên nghiệp, thuộc mọi lĩnh vực nghệ thuật, có tính đương đại.
Với sự hỗ trợ của Viện Pháp tại Paris, các nghệ sĩ được lưu trú tại Cité Internationale de Paris. Viện Pháp tại Việt Nam đài thọ vé máy bay và chi phí sinh hoạt. Thời gian lưu trú sáng tác kéo dài ba tháng.
Cho năm 2019, các nghệ sĩ Trương Quế Chi (nghệ thuật thị giác), Lê Thị Hương Giang (nghệ thuật thị giác) và Vũ Tiến Đạt (nhiếp ảnh) đã được chọn để sang Pháp lưu trú sáng tác.