Bắt đầu từ tháng 12, các ngân hàng thương mại sẽ không chấp nhận doanh nghiệp nộp thuế bằng tiền mặt mà chỉ chấp nhận nộp thuế qua hình thức điện tử. Đây là chủ trương Tổng cục thuế đưa ra nhằm đạt được mục tiêu 90% doanh nghiệp nộp thuế qua mô hình này. Không thể phủ nhận những lợi ích thiết thực của việc nộp thuế điện tử, thế nhưng, không phải tất cả doanh nghiệp đều thuận lợi khi thực hiện chủ trương này. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ đang đối mặt với bài toán chi phí để đáp ứng yêu cầu khai thuế và nộp thuế điện tử.
Chương trình nộp thuế điện tử được Tổng cục thuế triển khai thí điểm từ tháng 2-2014.Có thể thấy, hình thức này khá hiệu quả với các doanh nghiệp lớn có hoạt động kê khai thuế bài bản và phức tạp. Nộp thuế điện tử không chỉ giúp doanh nghiệp tăng hiệu suất làm việc của bộ phận kế toán mà còn giúp giảm thiểu chi phí đi lại, in ấn, đối chiếu các giấy tờ… Thế nhưng đến nay, mục tiêu của Tổng cục thuế tối thiểu 90% doanh nghiệp nộp thuế điện tử trong năm 2015 sẽ không dễ đạt được. Ngoài những vướng mắc về hệ thống, việc các doanh nghiệp nhỏ chưa sẵn sàng khai, nộp thuế điện tử là nhân tố chính khiến chương trình chưa đạt được kết quả mong đợi.
Hiện nay, để nộp thuế điện tử, nhiều doanh nghiệp thực hiện khai thuế qua hệ thống của các nhà cung cấp dịch vụ truyền nhận dữ liệu trung gian (T-VAN) vẫn phải sử dụng hệ thống nộp thuế điện tử của cơ quan thuế. Như vậy, để hoàn thành việc nộp thuế, doanh nghiệp phải kê khai hai lần ở hai hệ thống khác nhau. Bên cạnh đó, chi phí, tính an toàn bảo mật của chữ ký số cũng là yếu tố khiến nhiều doanh nghiệp đắn đo. Mức giá do nhà cung cấp phần mềm đưa ra để chứng thực chữ ký số từ 800 ngàn đến 1,4 triệu đồng/năm, không quá lớn đối với các doanh nghiệp tầm cỡ nhưng là bài toán cần cân nhắc đối các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Từ khi có chủ trương bắt buộc các doanh nghiệp nộp thuế điện tử, một câu hỏi được các báo đăng tải thời gian gần đây là “Làm thế nào để ông bán phở kê khai thuế điện tử?”. Câu hỏi này do bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục thuế, đưa ra tại một hội thảo về ngành thuế diễn ra tháng 10. Theo bà Cúc, việc khai thuế của doanh nghiệp nhỏ hay doanh nghiệp lớn hiện được áp dụng như nhau theo Quyết định số 48/2006/QĐ-BTC của Bộ Tài chính đang khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ mệt mỏi, nay thêm quy định nộp thuế điện tử sẽ tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Theo các chủ trương và chính sách thuế hiện nay, dù có quy mô khác nhau, một doanh nghiệp có doanh thu hàng ngàn tỉ đồng/năm hay một hộ kinh doanh thu về 1 tỉ đồng/năm đều phải thực hiện nghĩa vụ khai thuế giống nhau. Vậy là dù lợi nhuận ít hơn, doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng phải mất thêm một khoản chi phí đáng kể, trong khi năng lực cạnh tranh của khu vực kinh doanh này đang là mối lo của nền kinh tế trước thềm hội nhập. Bên cạnh đó, để tiết kiệm chi phí và đạt được mục tiêu giảm thuế, nhiều doanh nghiệp không ngại lách luật với những báo cáo tài chính được “chế biến”, dẫn đến thiếu sự minh bạch về tài chính. Doanh nghiệp đã nhỏ sẽ càng nhỏ thêm khó có cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng để mở rộng hoạt động.
Để hoạt động khai thuế – nộp thuế trở thành chiếc áo vừa cỡ với doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ trương thực hiện khai thuế – nộp thuế nên đơn giản để giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí, gia tăng năng lực cạnh tranh thay vì áp dụng một cách máy móc cho tất cả các đối tượng. Cơ quan thuế cần khảo sát thực tiễn để nắm được doanh thu, lợi nhuận của loại hình kinh doanh, từ đó đưa ra mức thuế hợp lý cũng như công cụ thu thuế tiện lợi nhất cho từng đối tượng.
Anh Thư (DNSGCT)