Gia đình tôi sở hữu một nông trại từ nhiều năm nay và chúng tôi sinh sống bằng cách bán rau quả, nhưng hiện nay mọi thứ đang thay đổi. Để duy trì nguồn sống, chúng tôi cần bán hàng cho những người sống ở thành thị – họ là những khách hàng mà chúng tôi chưa bao giờ gặp mặt và chỉ nói chuyện với người đàn ông đến đây thu mua hằng tuần. Khi đến tay khách hàng, phân nửa số rau quả này có thể đã bị “ném đi”.
Có thương lái thì bảo chúng tôi là năm nay khách không chuộng cà tím dù chúng tôi đã trồng rất nhiều. Làm sao chúng tôi biết được điều này? Có cách nào để chúng tôi có thể nói chuyện trực tiếp với khách hàng? Và còn nữa… Những người nông dân khác đang trồng loại rau quả nào? Chúng tôi nên trồng giống họ hay chọn một loại khác mà khách hàng muốn?
- Xem thêm: Marketing sản phẩm xanh
Đó là một số câu hỏi của những người nông dân Ấn Độ mà các sáng lập viên của Ninjacart đang cố gắng trả lời. Công ty start up này kết nối nông dân với những khách hàng muốn mua sản phẩm của họ – như nhà hàng và cửa hàng tạp hóa. Ninjacart giúp nông dân hình dung những loại rau quả và thời điểm mà họ nên trồng. Đồng thời, họ cũng nỗ lực giải đáp những câu hỏi từ phía bên mua. Chẳng hạn, khách hàng mua rau dền mỗi ngày, làm sao tôi có thể bảo đảm là nguồn cung này liên tục và ổn định? Làm sao tôi có thể chắc chắn rằng dưa leo mà tôi mua có chất lượng tốt? Bằng cách nào tôi có thể hạn chế việc lãng phí thời gian và tiền bạc khi phải bỏ đi một phần sản phẩm?
Những câu hỏi như thế dường như bất tận và để trả lời chúng không phải là nhiệm vụ đơn giản. Nó cũng không giải quyết được vấn đề gốc rễ của nền nông nghiệp Ấn Độ. Thế nhưng, Ninjacart bắt đầu vận hành từ tháng 1 năm nay và hiện có khoảng 375 đơn đặt hàng mỗi ngày, trung bình mỗi đơn hàng trị giá 40 USD. Sáng lập viên Sharath Loganathan nói: “Chúng tôi trang bị dữ liệu cho nông dân và khách hàng của họ; điều này sẽ làm thay đổi mọi thứ”.
“Chúng tôi tạo hồ sơ của mỗi cửa hàng hay nhà hàng trong vòng hai ngày. Chúng tôi theo dõi cách thức tiêu thụ, những loại nào họ không đặt hàng và tìm ra những nông dân bán các loại sản phẩm họ cần”, Sharath giải thích. Nếu một hàng rau cần nhiều khoai tây và số lượng nhỏ cà tím thì Ninjacart sẽ tìm một nông trại có nguồn cung khoai tây lớn và một nơi trồng ít cà tím. Hoặc họ sẽ tìm một nông trại trồng cả hai nhưng cà tím là loại phụ. Những dữ liệu của Ninjacart sẽ giúp nông dân hiệu chỉnh nguồn cung cho thị trường.
Dữ liệu cũng được sử dụng để vạch ra khâu hậu cần giao nhận, giúp cho việc chuyển hàng từ nơi trồng trọt đến thành thị trở nên dễ dàng và trực tiếp hơn. Bất cứ nông dân nào cũng có thể đăng ký thành viên và bắt đầu bán hàng trong vài ngày. Khi một nông trại đăng ký thành viên, đội ngũ của Ninjacart sẽ kết nối thông tin giao dịch của họ vào kho dữ liệu.
Công ty start up này chỉ mới chính thức hoạt động chưa đầy năm và không dễ để lấy được lòng tin của nông dân – những người đã quen tin tưởng vào thương lái trung gian. Tuy nhiên, mọi thứ đang thay đổi. “Họ hiểu rằng chúng tôi đang làm một công việc tốt. Và các cửa hàng cũng bắt đầu tin tưởng và cho chúng tôi biết yêu cầu của họ cũng những thời gian để giao hàng”, Sharath nói.
Ninjacart là một ứng dụng trực tuyến (app) kết nối trực tiếp người nông dân, nhà sản xuất và thương hiệu với các nhà bán lẻ qua chuỗi cung ứng tinh gọn.
Mọi hoạt động tại Ninjacart đều diễn ra và được kiểm soát bằng công nghệ. Các thông tin liên quan đến lập kế hoạch, mua bán và vận hành kho hàng đều được tích lập trong hệ thống. Mọi món hàng và hoạt động đều được theo dõi trong thời gian thực. Để quản lý được tất cả nền tảng này, Ninjacart có một giao diện web và các ứng dụng di động khác nhau.
Công ty này được Accel Partners, Qualcomm Ventures, M&S Partners (Singapore) và Zop Smart rót vốn đầu tư. Họ hiện có hai trung tâm phân phối và nhiều trạm thu mua đặt tại các làng xung quanh Bangalore, Ấn Độ.
Tính đến tháng 6-2016, Ninjacart đã có 400 khách hàng là các đơn vị bán lẻ hay nhà hàng.
Khó để xác định được lượng thực phẩm bị phí bỏ ở Ấn Độ do thiếu cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, theo một báo cáo của FAO (Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc) thì lượng rau quả bị lãng phí ở các nước châu Á đang phát triển lên đến con số 45%. Trong khi 58% hộ gia đình sống ở nông thôn Ấn Độ phụ thuộc vào nông nghiệp như là phương tiện kiếm sống chủ yếu thì sự lãng phí này là quá đắt. Sản phẩm của nông dân phải qua nhiều trung gian trước khi đến được khách hàng cuối cùng.