Gắn liền với sự phát triển của đời sống xã hội, việc kinh doanh các sản phẩm xanh đã được các doanh nghiệp chú ý từ lâu.
Nhiều doanh nghiệp thực sự tâm huyết và chuyên tâm với việc cho ra đời những sản phẩm không gây hại đến môi trường cũng như sức khỏe con người, cũng không thiếu những doanh nghiệp bổ sung vào danh sách các sản phẩm của mình một vài lựa chọn “xanh” nhằm nâng cao hình ảnh doanh nghiệp.
Dù mục đích có là gì đi nữa, kinh doanh và marketing dạng sản phẩm đặc biệt này chưa bao giờ dễ dàng. Nhà quản trị luôn phải đau đầu với bài toán cân đối cung cầu, lợi nhuận dĩ nhiên còn khiêm tốn.
“Thói quen khó bỏ” – câu nói này có lẽ dễ giải thích nhất cho những khó khăn trong việc kinh doanh và marketing sản phẩm xanh.
Từ khởi đầu là tận dụng nguồn tài nguyên, năng lượng tưởng chừng vô tận của thiên nhiên để cuộc sống trở nên dễ dàng hơn, con người dần quen với việc “vô tư” khai thác chúng, đến khi màu xanh bắt đầu xuất hiện những chấm đen thì việc thay đổi tư duy, ý thức đã trở nên khó.
Một người sở hữu chiếc xe máy, hoặc xe hơi, sẽ khó hình dung lượng khí thải từ chiếc xe của mình có thể góp phần làm ô nhiễm bầu không khí như thế nào. Một người chuộng xài túi nylon cũng sẽ khó tin họ đã đóng góp vào nguy cơ lụt lội ra sao.
Các sản phẩm xanh khó đi vào cuộc sống còn vì hiệu quả sử dụng hạn chế, nhất là khi đem so sánh chúng với các sản phẩm truyền thống – vốn có những lợi điểm quá rõ rệt. Ford tham gia vào thị trường “xanh” từ rất sớm với dòng xe Th!nk chạy điện, nhưng thất bại vì không ai muốn cứ sau mỗi 50 dặm lại phải chờ đến sáu tiếng đồng hồ sạc pin.
Nói một cách ngắn gọn, chiến lược marketing sản phẩm xanh sẽ khác nhau ở mỗi nhóm sản phẩm khác nhau, nhưng tư duy, ý thức của người tiêu dùng là yếu tố đáng cân nhắc, vì chính nó dẫn dắt đến nhu cầu “xanh”.
Đối tượng khách hàng: cần đối diện với một sự thật không mấy lạc quan là số người có ý thức hay thực sự quan ngại về những vấn đề về môi trường còn tương đối nhỏ.
Chiến lược marketing nếu hướng tới số đông sẽ chỉ khiến doanh nghiệp đuối sức. Thử nhìn lại những nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam trong việc kêu gọi, hưởng ứng tiêu dùng xanh sẽ thấy rõ điều này.
Các siêu thị thậm chí phát miễn phí túi mua hàng tái sử dụng, thế nhưng thực tế hiếm thấy ai dùng những chiếc túi ấy thay cho túi nylon thông thường. Một doanh nghiệp cung cấp máy nước nóng năng lượng mặt trời vì vậy có thể khoanh vùng những khu vực có mật độ xây dựng thưa và thấp, dễ dàng đón ánh nắng mặt trời, sau đó đặt ưu tiên từ cao đến thấp theo thu nhập của dân cư vì việc tác động đến nhu cầu của khách hàng sẽ dễ dàng hơn khi họ có điều kiện kinh tế để sử dụng sản phẩm.
Thông điệp chuyển tải: các sản phẩm xanh đa số còn nhiều đặc điểm bất lợi như giá cao, bất tiện, hay hiệu quả sử dụng thấp. Thông điệp chuyển đến người tiêu dùng cần nhấn mạnh vào những ưu điểm của sản phẩm, cụ thể sẽ đem lại gì cho họ.
Cần phải thẳng thắn nhận định rằng con người, chí ít cho đến thời điểm hiện tại, dù ý thức đến vấn đề “xanh”, vẫn sẽ quan tâm trước hết đến việc “tôi được gì”, sau đó mới đến thiên nhiên, môi trường chung được gì.
Sức mạnh tổng hợp: những nỗ lực đơn lẻ để giải quyết một vấn đề lớn liên quan đến ý thức hệ dễ khiến chúng ta hình dung đến hình ảnh “châu chấu đá xe”. Vậy nên, thay vì chật vật một mình, các doanh nghiệp có kinh doanh sản phẩm xanh nên tìm cách phối hợp với nhau trong việc tác động đến ý thức, từ đó là nhu cầu của người tiêu dùng.
Sự tham gia của Nhà nước cũng đóng vai trò khích lệ quan trọng. Như Tập đoàn Điện lực từng hỗ trợ các đối tượng kể cả cá nhân lẫn doanh nghiệp một phần chi phí khi lắp đặt hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời. Tiếc là những chương trình như thế chưa nhiều và chưa được phổ biến sâu rộng.
Kinh doanh sản phẩm xanh không dễ vì chi phí sản xuất thường cao trong khi hiệu quả còn hạn chế. Tuy vậy, nhiều người vẫn lạc quan, như Israel vẫn kiên trì với mơ ước thay thế hoàn toàn xe hơi truyền thống trong nước bằng xe chạy điện.
Và trong khi chờ đợi ý thức về môi trường của con người khá hơn lên, mở rộng đường hơn cho các sản phẩm xanh, chiến lược marketing cho các sản phẩm này cũng cần được thực hiện một cách kiên trì và chuyên biệt hơn các sản phẩm truyền thống.