Các doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống, “người chơi” chính trên thị trường nước giải khát có tổng doanh thu 33.000 tỉ đồng (năm 2012) đang bồn chồn lo lắng.
Bởi dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) dự định được Bộ Tài chính trình Chính phủ và Quốc hội vào kỳ họp Quốc hội tới đây (khai mạc giữa tháng 5) có một thay đổi lớn: đề xuất áp 10% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt có ga.
Suất thuế này, nếu được áp dụng sẽ đánh mạnh vào lợi nhuận và giá thành của các sản phẩm nước giải khát có ga trên thị trường, hiện 88% thị phần thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. Thực tế, các doanh nghiệp nội địa đã cạnh tranh rất yếu trong mảng sản phẩm này từ nhiều năm qua.
“Ga” không phải “đường”
Đó cũng là lý do tại Diễn đàn Triển vọng ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam ngày 28-3, Hà Nội, các doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống thuộc Phòng thương mại Mỹ (AmCham) đã cùng các chuyên gia lên tiếng phản đối dự định áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% lên nước ngọt có ga tại thị trường Việt Nam. Và điều này thổi lên một cuộc tranh luận rằng có nên hay không áp thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 10% lên đồ uống có ga và có hay không sự bảo hộ với các doanh nghiệp nội địa đi ngược lại với nguyên lý của WTO và TPP sắp tới.
“Không một quốc gia nào áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ dựa riêng vào cacbonat hóa (CO2 là thành phần chính trong nước ngọt có ga). Nếu áp dụng, Việt Nam sẽ là quốc gia đầu tiên và duy nhất làm việc đó”, luật sư điều hành Công ty Russin & Vecchi (Mỹ), ông Sesto Vecchi nói.
TS Mason Cobb, Chủ tịch Ban Y tế và Sức khỏe thuộc AmCham Vietnam cho rằng việc đề xuất đánh thuế TTĐB đối với nước giải khát có ga theo quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế này là thay đổi rất lớn và quan trọng, bởi đây không đơn thuần là việc tăng thuế, mà là việc ra một loại thuế mới chưa có trước đây. Ông cho rằng điều này là vô lý, bởi cơ quan quản lý dự kiến thuế sẽ đánh vào “nước ngọt có ga không đường”. Ông nói: “Điều này rất lạ, vì bao gồm cả thức uống có ga dành cho người ăn kiêng, có nghĩa nước ngọt không ga không đường sẽ không bị đánh thuế. Điều này có nghĩa là sắc thuế này sẽ đánh vào “ga” mà không phải “đường” (đường mới là thủ phạm đáng lo của sức khỏe).Chúng tôi không thấy bất cứ nơi đâu có sắc thuế nào tương tự”.
Các loại nước ngọt có ga sẽ bị áp thuế mới?
Về sức khỏe, mặc dù Hiệp hội Bia, Rượu và Nước giải khát Việt Nam (VBA) khi đề xuất sắc thuế này đã trích dẫn trên báo chí cho rằng ga gây ra các vấn đề về tiêu hóa, béo phì và loét dạ dày, nhưng các chuyên gia của AmCham đã trình bày các công trình nghiên cứu khoa học (bao gồm cả nghiên cứu đoạt giải Nobel) để phản biện luận điểm này.
“Thực tế CO2 không có hại cho sức khỏe, không phải thủ phạm gây thay đổi độ pH và tỷ lệ acid trong dạ dày. Loét dạ dày gây ra bởi vi khuẩn trong khi đồ uống có ga còn tốt cho tiêu hóa. Một số nghiên cứu chuyên sâu còn cho thấy lượng CO2 riêng lẻ lại có lợi cho sức khỏe, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ những kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng như khuyến khích các bạn đưa ra bằng chứng xác thực”, ông Sesto Vecchi nói.
TS Mason Cobb nói rằng đề xuất chính sách thiếu cơ sở khoa học khiến đồ uống có ga bị hiểu lầm oan uổng. Đồ uống có ga không liên quan đến loét dạ dày và còn giảm sự khó chịu của bệnh này như giảm ợ nóng.Bên cạnh đó, các ý kiến cho rằng đồ uống có ga dẫn tới loãng xương là không đúng. Loãng xương do không uống đầy đủ sữa chứ không từ đồ uống có ga.
Các nghiên cứu khác tại Đan Mạch còn cho thấy các hành vi gây ra béo phì không phải bởi uống nước ngọt có ga và không có bằng chứng rõ ràng về việc ga có thể gây ra béo phì. Vì thế, “vin vào cớ có ga để đánh thuế có nghĩa nó không đúng đắn và chính đáng về mặt khoa học”, theo lời ông Mason.
Đừng quên hệ lụy xã hội
Về lý do đánh thuế nhằm tăng thu cho ngân sách, các doanh nghiệp AmCham cũng đưa ra các bằng chứng cho thấy nó không xác đáng. Bởi thứ nhất, đây là “thuế lũy thoái”, thuế này sẽ chuyển sang cho người tiêu dùng gánh tức giá hàng hóa sẽ đội lên bởi thuế.
Thứ hai, thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế đánh vào hàng xa xỉ trong khi nước ngọt có ga không phải hàng xa xỉ. Tầng lớp thu nhập cao không ưa thích đồ uống này mà đây là loại đồ uống của tầng lớp thu nhập bình dân. Đây là sản phẩm phổ thông chứ không phải xa xỉ phẩm.
Thứ ba, việc đánh thuế còn gây ra các hệ lụy không nhỏ khác. TS Trần Kim Chung, Viện phó Viện nghiên cứu và quản lý Kinh tế Trung ương đem đến hội thảo một nghiên cứu giả định mức thuế này được áp dụng, nếu thuế tiêu thụ đặc biệt được tính theo giá nhà máy thì mức thu của Chính phủ đạt 8,46 triệu USD. Việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có ga làm công nghiệp đồ uống mất đi 40,5 triệu USD và nền kinh tế giảm 12,1 triệu USD. Sản lượng đồ uống tại Việt Nam giảm 0,58% và GDP có thể giảm 0,01%.
“Khi giá nước ngọt có ga tăng 1% thì lượng cầu giảm đi 2,8%, tức mức giá tăng 10% thì lượng cầu giảm 28%. Một nghiên cứu giả định cho thấy ảnh hưởng của thuế TTĐB 10% đối với nước ngọt có ga tại sáu thành phố/địa phương lớn nhất: Thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga tăng 10% thì sức mua mặt hàng này giảm, sản lượng và hoạt động sản xuất giảm, khách hàng và nhà cung cấp giảm, thu nhập hộ gia đình giảm”, ông Chung nói, “Những tác động tiêu cực khác từ tạo việc làm, tạo thu nhập cho người đi làm và những loại đồ uống khác chưa được đề cập trong nghiên cứu này cũng như chi phí để duy trì một hệ thống thu thuế TTĐB cũng chưa được tính tới. Do đó, từ nghiên cứu này, việc áp mức thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga là một câu hỏi đáng suy nghĩ về góc độ kinh tế”.
Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế London, ông Christopher Snowdon nói, 14 quốc gia từng cân nhắc và bỏ quyết định này bởi không có bằng chứng cho thấy việc tăng thuế và tăng giá mặt hàng này có ảnh hưởng đến béo phì, sức khỏe và tác động đến thói quen tiêu dùng của người dân. Nước ngọt có ga chủ yếu được sản xuất bởi các công ty nước ngoài.Nước ngọt không ga chủ yếu được sản xuất bởi các công ty trong nước. Thuế này sẽ làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư. Mọi người sẽ thấy rằng đây là một trường hợp rõ ràng cho sự bảo vệ của một ngành công nghiệp trong nước nhắm vào chi phí của các nhà sản xuất nước ngoài.
Bên cạnh các công ty nước ngoài sản xuất nước giải khát có ga, thuế này cũng sẽ trực tiếp tác động tiêu cực đến việc làm của các nhà cung cấp của họ (như người trồng mía, ngành đường, công ty bao bì và các nhà cung cấp khác trong chuỗi cung ứng) cũng như các đơn vị kinh doanh bán lẻ, những người bán sản phẩm nước giải khát có ga. Tác động trong trường hợp này cho cả chuỗi cung ứng, người tiêu dùng, nền kinh tế và công ăn việc làm chứ không riêng nhà sản xuất.
Thảo Trang