Diễn đàn Kinh tế mùa thu tổ chức giữa tuần qua tại Thanh Hóa không chỉ là dịp nhìn lại những vấn đề lớn của nội lực mà còn là nơi gặp gỡ của các chuyên gia, học giả hàng đầu chia sẻ những âu lo về tiến trình hội nhập của chúng ta.
Diễn đàn thêm nhiều ý nghĩa khi vào cuối năm 2015, Cộng đồng ASEAN sẽ trở thành hiện thực và cuộc đàm phán gia nhập TPP đang đi vào giai đoạn cuối. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia đã nhìn thẳng vào một số vấn đề cơ bản của hội nhập kinh tế.
Lạm phát FTA
Sau Hiệp định Thương mại song phương với Mỹ (BTA) vào năm 2000 và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, đến nay Việt Nam đã ký tổng cộng 15 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với các nước. Nói như giáo sư Võ Đại Lược – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương – thì đây là một kỳ tích đứng đầu ASEAN và cũng thuộc loại dẫn đầu thế giới.
Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, người góp phần tích cực trong toàn bộ quá trình hội nhập của Việt Nam, cho biết thêm, từ 2011 đến nay chúng ta đang đàm phán sáu FTA có quy mô tự do hóa rất cao. Phải chăng đây là chuyện tất yếu bởi chúng ta không hội nhập, không tham gia các FTA thì vẫn phải đối diện với những vấn đề kinh tế của thế giới. Còn nếu chủ động tham gia thì chúng ta có cơ hội nắm bắt tốt hơn và đây là thời cơ để chúng ta trở nên chuyên nghiệp hơn.
Thế nhưng vấn đề đặt ra ở đây là trong khi chúng ta hội nhập quốc tế sâu rộng như vậy thì khả năng cạnh tranh của nền kinh tế với quy mô nhỏ, GDP chưa đến 150 tỉ USD, liệu có theo kịp những đổi mới trong tình hình nội tại có phần trì trệ hay không.
Hội nhập cần đi liền với đổi mới, nhưng Việt Nam quá chú trọng tới ký kết hiệp định mà lại chậm trễ trong đổi mới, đến khi hàng rào thuế quan xuống gần như bằng 0 thì cả đất nước, chứ không riêng doanh nghiệp, phải đối diện với áp lực cạnh tranh toàn cầu.
Đối với một nền kinh tế còn yếu thì hội nhập nhanh quá sẽ có nguy cơ rơi vào bẫy tự do hóa thương mại. Để hạn chế sự yếu kém này thì cần nhiều cải cách để làm sao hội nhập không làm giảm vai trò của nhà nước, mà là thay đổi từ nhà nước chỉ huy sang nhà kiến tạo phát triển.
Đúng như nhận định của các chuyên gia trong nhiều cuộc hội thảo trước đây, ba trụ cột lớn của đất nước hiện nay là: (1) cải cách thể chế, (2) dân chủ hóa đời sống xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền và (3) hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Hội nhập nhanh quá trong khi hai trụ cột kia lại chậm, e rằng chúng ta không vượt qua nỗi thách thức.
Nỗi lo đến từ thể chế
Trước tiên là nỗi lo Nhà nước không thay đổi về chức năng, vai trò và công cụ quản lý. Trong bao năm nay, cơ quan nhà nước vẫn nặng tư duy kiểm soát chứ không phải đồng hành cùng doanh nghiệp. Cơ cấu tổ chức của bộ máy không thay đổi, nên năng lực quản lý không thay đổi, thái độ không thay đổi, làm cản trở doanh nghiệp hội nhập.
Một trong những người nặng lòng với vấn đề cải cách thể chế là nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển. Là người tham gia đàm phán các hiệp định thương mại lớn, ông Tuyển cho rằng nhu cầu phải cải cách thể chế trong nước là rất bức xúc, kinh nghiệm quốc tế khẳng định một điều là các quốc gia có lợi thế cạnh tranh và kinh tế chỉ giàu lên khi có thể chế tốt. Để cạnh tranh thì không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của doanh nghiệp, mà phải xác định cạnh tranh về thể chế, về điều hành ở cấp quốc gia.
Rõ ràng các quốc gia chỉ giàu lên khi có một thể chế tốt. Philippines những năm 1970 là nước phát triển nhất ở khu vực, nhưng do thể chế kinh tế yếu kém, họ đã tụt hậu dần so với các nước khu vực và nay chỉ đứng trên Việt Nam.
Cũng không thể trách doanh nghiệp thiếu năng động trong hội nhập, khi mà hệ thống chính sách định hướng từ tỷ giá, lãi suất, đất đai… là do Nhà nước chủ động và họ hoàn toàn bị chi phối. Hệ thống chính sách đó làm cho cơ cấu kinh tế sai lệch, không khuyến khích sản xuất trong nước, làm các ngành công nghiệp luôn nằm ở đáy của chuỗi giá trị.
Hàng loạt bất cập trong chính sách tiền tệ, quản lý vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho thấy nội tại nền kinh tế Việt Nam chưa đồng điệu với tốc độ hội nhập quốc tế. Doanh nghiệp Việt Nam khó có thể cạnh tranh khi vẫn phải vay vốn với lãi suất lên tới 10% một năm so với 3% ở nhiều nước trong khu vực. Hoặc như trong khi các nước đang đẩy mạnh phá giá nội tệ để hỗ trợ nền kinh tế thì chúng ta lại dè dặt.
Điều đáng nói là công chức – những người hằng ngày đang thực thi công việc quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp – vẫn lạnh nhạt với những yêu cầu của doanh nghiệp, thậm chí không quan tâm mấy đến quá trình hội nhập kinh tế.
Các số liệu khảo sát mới đây cho thấy không chỉ số đông doanh nghiệp Việt Nam không biết, không quan tâm hoặc không nghĩ tới những ảnh hưởng khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN đi vào hoạt động từ đầu năm tới, mà ngay các quan chức nhà nước, bộ, ngành cũng khá lơ là về sự kiện này, vì thế cũng không giúp được doanh nghiệp.
Doanh nghiệp còn thụ động
Hội nhập với tốc độ chóng mặt như vừa nói, trong khi sự chuẩn bị chưa tốt khiến doanh nghiệp vốn là chủ thể của “cuộc chơi” tất nhiên bị lúng túng. Chẳng hạn như vào thời điểm này mà có tới 76% doanh nghiệp Việt Nam không biết gì về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và 65% doanh nghiệp cho rằng AEC không ảnh hưởng gì tới hoạt động của họ.
Số doanh nghiệp vô tư trong sự kiện AEC này là lớn nhất, hơn cả Lào và Campuchia rất nhiều. Nghĩa là về mặt nhận thức chúng ta không đủ để đối đầu với cạnh tranh, nhất là khi từ nhiều năm nay, doanh nghiệp các nước đã chuẩn bị cho thời cơ hội nhập toàn diện.
Ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng, khi nói về hội nhập, các doanh nghiệp thường bị phê phán là bị động, không quan tâm, yếu kém, song điều đó không hoàn toàn đúng. Ông Cung ví von doanh nghiệp Việt Nam như người đi trên cầu khỉ, với gánh nặng chi phí trên vai. Họ phải cúi đầu dò dẫm bước trên cầu khỉ, là nền tảng thể chế, để sao cho không rơi xuống sông. Như thế thì họ khó thể đi nhanh và không thể hội nhập được.
Hàng loạt hiệp định thương mại tự do đã và đang được triển khai rầm rộ, song nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, gần như án binh bất động, chỉ một số ít quan tâm.
Vấn đề không chỉ là năng lực của nền kinh tế mà còn là năng lực của doanh nghiệp nội địa. Nếu chúng ta tập trung sự chuẩn bị cho một vài hiệp định thương mại thì doanh nghiệp còn xoay xở được, còn bây giờ đến mười mấy FTA thì năng lực đâu mà tận dụng hết? Điều đó dẫn đến nguy cơ được hưởng lợi không phải là doanh nghiệp Việt Nam. Thực tế cho thấy trong khi các vòng xoáy FTA đan xen vào nhau thì các doanh nghiệp Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia sẽ hưởng lợi, doanh nghiệp Việt Nam đã bị trễ tàu.
Ngay như tại TP. Hồ Chí Minh, vốn được xem là một trong những đầu tàu về kinh tế và cũng là khu vực năng động nhất của cả nước về hoạt động sản xuất kinh doanh, thế nhưng hầu hết doanh nghiệp vẫn đang thụ động trong hội nhập.
Giám đốc một doanh nghiệp trong ngành cơ khí ở quận Bình Tân từng quả quyết: “Doanh nghiệp của tôi đã thành lập được hơn 10 năm, chủ yếu sản xuất phục vụ trong nước, có xuất khẩu gì đâu mà quan tâm tới hội nhập. Cho dù hàng hóa nước ngoài có tràn vào thì chúng tôi vẫn có đối tác truyền thống”.
Có đúng như vậy không? Câu trả lời là không, bởi trong tiến trình hội nhập toàn diện, hầu hết các mặt hàng đều đang dần được hưởng thuế suất xuất nhập khẩu gần như bằng 0%. Chính vì vậy, vào thời điểm này mà các doanh nghiệp vẫn còn thờơ với việc hội nhập quốc tế, không nhanh chóng xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, sẽ dễ bị mất thị phần ngay trên chính sân nhà chứ đừng nói đến chuyện xuất khẩu.
Lâu nay sống trong một môi trường được bảo hộ, giờ đây phải ra biển lớn mà doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị kỹ càng là điều rất đáng lo. Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy sự yếu kém về quản lý, về đồng vốn, về năng suất lẫn chất lượng hàng hóa, dịch vụ, dẫn đến bất lợi trong cạnh tranh. Nhưng có một điều cơ bản hơn là chính các doanh nghiệp vẫn còn mang tư duy ao làng, tự thân không thay đổi được văn hóa kinh doanh thời hội nhập để làm mới chính mình.
Nói chung, doanh nghiệp chưa sẵn sàng đối diện với một sự khác biệt trong làm ăn. Đây lại là một vấn đề lớn khác đã từng được các chuyên gia mổ xẻ rất nhiều trên các diễn đàn doanh nghiệp.
Phạm Thành Sơn (DNSGCT)