Nợ xấu đang là vấn đề lớn làm bận tâm không chỉ của người làm kinh doanh mà của các cơ quan chức năng nhà nước, bởi cho dù được xử lý rốt ráo đi nữa cũng là cản ngại lớn trong phát triển kinh tế lẫn các tổ chức tín dụng.
Nợ vay ngân hàng được chia thành năm nhóm, nhưng được gọi nợ xấu là từ các nhóm 3 (các khoản nợ quá hạn từ 90 đến 180 ngày), nhóm 4 (từ 180 ngày đến 360 ngày) và nhóm 5 (nợ quá hạn trên 360 ngày và thường được xem là ngân hàng có khả năng mất vốn).
Thực tiễn kinh tế nước ta cho thấy nợ xấu đã có từ lâu, nhưng bùng phát khoảng mười năm trở lại đây khi bong bóng bất động sản vỡ, thị trường chứng khoán sụt giảm, lãi suất tăng, mà hậu quả là doanh nghiệp gặp khó khăn không trả được nợ ngân hàng, hàng ngàn doanh nghiệp phá sản bỏ của chạy lấy người khiến nợ xấu ngày càng chồng chất trong hồ sơ các ngân hàng.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tổng nợ xấu của 10 ngân hàng bao gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, MB Bank, VIB, Sacombank, Eximbank, Techcombank, Kienlongbank, BacABank đến hết quý I-2017 đã đạt gần 50.700 tỉ đồng, tăng nhẹ 6% so với thời điểm cuối năm ngoái. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tuy giảm nhẹ 0,1% nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nợ xấu (53%) với hơn 27.000 tỉ đồng.
Báo cáo của BVSC cho thấy Sacombank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong số các ngân hàng niêm yết hiện nay với 4,89%, thứ hai là Eximbank khoảng 3%. BIDV là ngân hàng lớn duy nhất có tỷ lệ nợ xấu cao với 2,14% và cũng tăng so với con số 1,99% vào cuối năm 2016.
Các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu giảm trong quý I là Vietcombank, VIB và Kienlongbank. Vietcombank tỷ lệ nợ xấu tính đến hết quý I-2017 chỉ ở mức 1,48%, giảm so với con số 1,51% vào cuối năm ngoái.
Trong khi đó, Techcombank có tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,58% lên 1,89%. Tổng nợ xấu của ngân hàng này tăng gần 16%, lên hơn 2.600 tỉ đồng; nợ có khả năng mất vốn chiếm đến hơn 1.500 tỉ đồng, tăng 10% so với thời điểm cuối năm 2016.
Việc tăng giảm của tỷ lệ nợ xấu phản ánh bức tranh phân hóa trong tiến trình xử lý nợ cũng như khả năng quản trị chất lượng tài sản giữa các ngân hàng. Nhìn chung, đây cũng là gánh nặng của các ngân hàng.
Trong bức tranh màu xám ấy lại có một dấu hiệu khởi sắc. Theo số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, trong năm 2016 hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý khoảng 95 ngàn tỉ đồng nợ xấu, trong đó xử lý qua thu hồi nợ, bán tài sản bảo đảm chiếm khoảng 52,6% tổng giá trị nợ xấu được xử lý, bằng nguồn dự phòng rủi ro chiếm 26,6%, bán cho Công ty Quản lý Tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chiếm 21%.
Dù tiếp tục giảm nhẹ và một lượng lớn được xử lý nói trên, nhưng Ủy ban Giám sát đánh giá, nợ xấu chờ xử lý (nợ bán cho VAMC) và nợ xấu tiềm ẩn trong tái cơ cấu vẫn lớn. Tổng số nợ bán cho VAMC chưa xử lý được là 224 ngàn tỉ đồng (chiếm 85% nợ xấu bán cho VAMC, và chiếm khoảng 4,3% tổng tín dụng).
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang tập hợp loạt khó khăn, vướng mắc về pháp lý trong quá trình xử lý nợ xấu, đã tổng kết bảy khó khăn nổi bật mà hệ thống ngân hàng chờ tháo gỡ để hỗ trợ công việc này.
Một là, về quyền thu giữ tài sản. Bộ luật Dân sự 2015 đã bỏ quyền thu giữ tài sản bảo đảm, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Theo Ngân hàng Nhà nước, điều này sẽ gây khó khăn rất lớn đến quyền xử lý tài sản bảo đảm của VAMC và tổ chức tín dụng.
Lý do, VAMC cũng như các tổ chức tín dụng không thể chủ động thu giữ nếu các chủ tài sản không đồng thuận, cố tình chống đối, thậm chí tạo ra các tranh chấp khác liên quan đến tài sản bảo đảm để khởi kiện ra tòa nhằm kéo dài thời gian xử lý. VAMC hoặc tổ chức tín dụng sẽ phải chờ bản án của tòa án, tạo tâm lý chây ỳ trả nợ của bên có nghĩa vụ, tạo áp lực lên các cơ quan xét xử.
Hai là, về quyền nhận tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Trong quá trình VAMC xử lý nợ, khách hàng vay đồng ý bổ sung thêm tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nhưng theo các quy định của Luật Đất đai 2013, VAMC không được nhận thế chấp quyền sử dụng đất. Điều tương tự cũng xảy ra khi VAMC bán lại khoản nợ xấu đã mua cho bên mua nợ là các cá nhân, tổ chức.
Ba là, khi xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản, việc đáp ứng áp dụng đầy đủ điều kiện chuyển nhượng dự án bất động sản theo quy định trong Luật Kinh doanh bất động sản 2014, theo Ngân hàng Nhà nước là không khả thi. Lý do là vì pháp luật cho phép thế chấp/nhận thế chấp tài sản hình thành trong tương lai.
Bốn là, với nhiều khoản chi phí và phí phải trả trong quá trình bán tài sản theo Luật Thi hành án dân sự 2008, trong nhiều trường hợp, chủ nợ khó có thể thu hồi đủ giá trị khoản nợ, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bên được thi hành án (không thu được đủ số tiền được hưởng theo quyết định, bản án đã có hiệu lực pháp luật).
Năm là, quy định về người được thi hành án phải nộp phí thi hành án như hiện nay đang vô tình khuyến khích người phải thi hành án kéo dài thời gian, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của tổ chức tín dụng hoặc VAMC.
Nhằm tìm hướng tháo gỡ các vướng mắc trên đây, giữa tuần qua tại trụ sở Văn phòng Quốc hội đã diễn ra hội thảo “Xử lý nợ xấu nhìn từ góc độ chính sách và pháp luật” thu hút hơn 200 đại biểu Quốc hội tham dự, cho thấy đây là vấn đề nóng của nền kinh tế.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, đến nay việc xử lý nợ xấu với nghị quyết hay là luật vẫn chưa thống nhất được. Đây là một trong những điểm mà các cơ quan chính phủ và Quốc hội cảm thấy khó khăn nhất. Có điều theo ông, xử lý nợ xấu không nên sử dụng ngân sách, không làm trái hiến pháp và không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.
Một đại biểu Quốc hội, vừa là chủ tịch của một ngân hàng lớn, bày tỏ mong muốn về một chính sách hỗ trợ ngân hàng xử lý nợ xấu. Trong khi đó, một chủ tịch hội đồng quản trị của một ngân hàng khác thì cho rằng việc tố tụng tại tòa án gây chậm trễ cho việc xử lý nợ xấu cũng như gây thiệt hại cho nhiều phía.
Tại hội thảo còn rất nhiều băn khoăn, lo lắng về việc xử lý nợ xấu trong thời gian tới, trong khi nợ xấu hiện chiếm 10% dư nợ cho vay của nền kinh tế.
Về vấn đề này, có lẽ ý kiến của ông Nguyễn Văn Bình, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – nay là Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho rằng một nghị quyết xử lý nợ xấu là cần thiết hơn cả. Ông nhắc lại lời một vài đại biểu Quốc hội nói rằng nợ xấu như là một cục máu đông, hình ảnh này thật chính xác vì hệ thống ngân hàng cũng là huyết mạch của nền kinh tế.
- Trần Đại Lộc