Nhu cầu sử dụng rau an toàn ngày càng gia tăng tại TP.HCM đã kéo theo nhiều ý tưởng kinh doanh mới. Bên cạnh dịch vụ tư vấn – cung cấp vật tư – thi công trồng rau tại nhà, mô hình cho thuê đất trồng rau cũng đang phát triển khá sôi động. Trước tình hình cạnh tranh ngày càng gay gắt, ngoài việc hoàn thiện dịch vụ, tạo sự tiện lợi tối đa cho khách hàng, các đơn vị kinh doanh mô hình này cần có các chứng nhận đảm bảo tính an toàn của sản phẩm, đồng thời tạo điều kiện để người tiêu dùng theo dõi, giám sát quá trình chăm sóc tại vườn.
Dịch vụ ngày càng hoàn thiện
Tọa lạc tại khu Thảo Điền, quận 2, TP.HCM, nông trại Family Garden đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều gia đình trong khu vực. Ra đời từ năm 2015, ngoài việc bán các sản phẩm nông sản an toàn được tuyển chọn từ Lâm Đồng, dịch vụ cho thuê đất trồng rau của nông trại này nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt. Được biết, dù không xuất thân từ nghề nông nhưng với tình yêu thiên nhiên, anh Nguyễn Mạnh Bình San và vợ, chị Nguyễn Quỳnh Trân, chủ nhân của nông trại (vốn xuất thân từ ngành thiết kế cảnh quan), đã thổi hồn cho nơi đây bằng những vườn cây ăn trái xanh mát, những chuồng vịt, thỏ, ao thả cá, chòi lá dừng chân… tạo nên khung cảnh đậm chất thôn quê. Chi phí để sở hữu một mảnh vườn 10m2 tại đây là 650.000 đồng/tháng và khách hàng phải ký hợp đồng tối thiểu ba tháng.Trang trại cũng cung cấp hạt giống và vật tư nông nghiệp để khách hàng lựa chọn.Những ngày khách không thể đến chăm sóc vườn, nông trại có dịch vụ chăm sóc hộ khách với giá 200.000 đồng/tháng. Dù với diện tích nhỏ và sản lượng rau từ vườn không đủ cho nhu cầu rau sạch của gia đình, thế nhưng điều quan trọng là các khu vườn này mang lại cảm giác sở hữu và cơ hội để các thành viên gia đình trải nghiệm “làm nông dân” nên 200 ô vườn ở đây không bao giờ vắng khách. Để đa dạng dịch vụ, nông trại thường tổ chức các phiên chợ vào cuối tuần để các bé bày bán, trao đổi nông sản vừa thu hái, tham gia nấu nướng các bữa ăn ngoài trời.
Nếu vườn cho thuê của Family Garden hướng tới trải nghiệm của khách hàng thì nhiều dịch vụ cho thuê đất trồng rau nở rộ trong thời gian gần đây lại hướng tới mục tiêu cung cấp đủ lượng rau an toàn theo nhu cầu của người dùng. Tại các quận Thủ Đức, Hóc Môn, Tân Bình… nhiều nông trại đã ra đời với dịch vụ trọn gói từ khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và giao rau tận nơi; khách hàng có thể chọn loại rau mình thích, được tham quan vườn bất kỳ lúc nào và theo dõi, kiểm soát việc chăm sóc qua hình ảnh, báo cáo mà nông trại gửi đến qua mạng xã hội hoặc các phần mềm trên điện thoại di động.
Theo lời rao “Sở hữu một vườn rau sạch cho sức khỏe gia đình chỉ với 1.300.000 đồng” chúng tôi tìm đến nông trại Rau Sạch Nhà Ai của anh Bùi Công Ngân tại xã Xuân Thới Thượng huyện Hóc Môn. Vốn là một chuyên viên kinh doanh, anh Ngân đã bỏ thời gian gần một năm để thử nghiệm trồng rau an toàn tại Bình Dương và tìm hiểu nhu cầu khách hàng. Nhận được phản hồi tích cực, năm 2016, anh mạnh dạn thuê đất, đầu tư nhà lưới và hệ thống tưới tự động để xây dựng nông trại gần 5.000m2 tại Hóc Môn. Diện tích này được chia thành 100 ô đất cho thuê trồng rau với giá thuê 1,3 triệu đồng/tháng (35m2) và 1,7 triệu đồng/tháng (52m2), chi phí này đã gồm cây giống, phân bón, công chăm sóc, đất, nước, lưới… và tiền vận chuyển rau đến tận nhà vào mỗi thứ Hai – Tư – Sáu hoặc Ba – Năm – Bảy. Mỗi tháng, trung bình anh giao từ 30 – 35kg rau (cho diện tích 35m2) và 50 – 60kg (52m2).Hiện nay, nông trại của anh đã có hơn 30 khách hàng đăng ký sử dụng thường xuyên.
Tiềm năng, nhưng cũng lắm chông gai
Nhu cầu sở hữu vườn rau sạch cho gia đình của người dân thành phố đang thu hút nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào mô hình này. Tuy nhiên, để “vườn rau cho thuê” không dừng lại là trào lưu, cần có sự tư vấn, kiểm soát chặt chẽ từ các cơ quan có thẩm quyền cũng như sự tâm huyết của người thực hiện dự án.
Hiện nay, trên các trang rao vặt không thiếu những nhà cung cấp vườn rau cho thuê với giá chỉ 600.000 đồng/tháng (diện tích 4,2m2), cam kết quá trình trồng hoàn toàn không sử dụng thuốc kích thích, thuốc trừ sâu… nhưng lại mạnh dạn đảm bảo cung cấp đủ 20kg/tháng khiến không ít người nghi ngại về chất lượng sản phẩm. Theo anh Bùi Công Ngân, nếu trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng tới việc hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu và thuốc kích thích tăng trưởng thì sản lượng thực tế rất thấp. Một ví dụ đơn giản, với mỗi 35m2 đất được gieo trồng, chăm sóc hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học, không phun thuốc trừ sâu tại nông trại của anh, mỗi tháng chỉ thu được khoảng 30 đến 35kg rau trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Quy trình này cũng chỉ áp dụng được với các loại rau ít sâu bệnh tấn công như rau muống, rau dền, mồng tơi… Một số loại khác như xà lách, cải ngọt, cải xanh vẫn phải phun thuốc và đảm bảo thời gian cách ly, anh công khai điều này để khách hàng biết và giám sát. Vì thế, để cân bằng giữa yếu tố thu lợi nhuận nhanh và mục tiêu phát triển bền vững, mang lại những sản phẩm chất lượng đúng như cam kết cho người dùng, nhà đầu tư cần tỉnh táo và kiên định. Bên cạnh đó, rất cần sự quản lý, giảm sát của các cơ quan có thẩm quyền để những doanh nghiệp làm ăn chân chính giữ được niềm tin với người tiêu dùng. Hiện mẫu rau của Rau Sạch Nhà Ai đã được anh Ngân mang đi kiểm nghiệm ở Viện Pasteur cũng như tiến hành các bước để lấy chứng nhận rau an toàn VietGAP.
Theo anh Ngân, đầu tư vào mô hình này có hàng trăm cái khó. Đặc biệt, với những trang trại quy mô nhỏ không có điều kiện thuê vị trí thuận tiện cho khách hàng, bài toán chi phí giao hàng và quảng bá trong thời gian đầu sẽ là một gánh nặng lớn. Thế nhưng, cái khó nhất là làm sao để kiên trì và đảm bảo việc sản xuất đúng tiêu chuẩn chất lượng đã cam kết. Từ mô hình phân ô vườn rau theo diện tích cho thuê như ban đầu, hiện anh Ngân đã phải chuyển sang phân theo chiều dọc của luống rau để đảm bảo việc chăm sóc và kiểm soát sâu bệnh.
Xét về hiệu quả, vườn rau cho thuê là mô hình tích cực vì vừa giải quyết được nhu cầu sở hữu vườn rau an toàn với quỹ thời gian eo hẹp của người dân thành thị, vừa giúp các nông trại giải quyết đầu ra cho sản phẩm vì “thuê vườn rau” cũng là một hình thức “trả trước” của khách hàng. Để mô hình này phát triển, rất cần sự quản lý, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, các nông trại cũng cần chủ động mang mẫu đất, nước, mẫu sản phẩm… để lấy chứng nhận an toàn. Những hình thức công khai quá trình gieo trồng, chăm sóc, tạo điều kiện để khách hàng giám sát cũng là một cách để lấy được niềm tin của người tiêu dùng.
Thiên Toàn (DNSGCT)