Một trong những chính sách quan trọng góp phần tăng nhu cầu mua sắm của khách du lịch quốc tế là chính sách hoàn thuế Giá trị gia tăng (GTGT). Hiện nay thủ tục liên quan đến việc hoàn thuế GTGT cho khách du lịch còn khá phức tạp và chưa có sự thống nhất về các mặt hàng được hoàn thuế; mẫu hóa đơn hoàn thuế, quy trình thủ tục hải quan… Việc hướng dẫn các thủ tục hoàn thuế GTGT cho các doanh nghiệp và khách du lịch cũng còn chưa được quan tâm đúng mức. Thực trạng trên khiến nhiều khách du lịch quốc tế đã không được hoàn thuế GTGT tại các cửa khẩu khi làm thủ tục rời Việt Nam. Tại hội thảo Tháo gỡ vướng mắc về hoàn thuế VAT cho du khách nước ngoài vừa được tổ chức ngày 6-12 vừa qua, các chuyên gia đã đề xuất một số giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho khách quốc tế, nhằm góp phần kích cầu du lịch nước nhà.
Tại hội thảo, nhiều diễn giả cho biết, chính sách hoàn thuế GTGT cho du khách nước ngoài tại Việt Nam được áp dụng từ năm 2012 đến nay hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng phát triển của thế giới. Tuy nhiên, việc triển khai chưa thật sự mang lại hiệu quả như mong đợi, doanh thu và số lượt hoàn thuế còn thấp. Trong sáu tháng đầu năm 2017,
TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước, đạt 15 tỉ đồng hoàn thuế, trong khi các điểm đến khác như Khánh Hòa chỉ đạt khoảng 50 triệu đồng. Hàng hóa hoàn thuế chủ yếu là hàng thời trang, đồng hồ, điện thoại.
Tại hội thảo, TS Đinh Thế Hiển cho biết những năm gần đây Nhật Bản và Hàn Quốc đều có chính sách hoàn thuế ngày càng thông thoáng; phần lớn các sản phẩm đều có thể hoàn thuế ngay tại cửa hàng và du khách không phải khai báo bằng tờ khai. Singapore cũng xem khâu hoàn thuế chính là lợi thế cạnh tranh nên các trung tâm thương mại trên đảo quốc này đều có bộ phận dịch vụ hoàn thuế; đó là chưa kể du khách sử dụng dịch vụ khai báo hoàn thuế điện tử hoặc hoàn thuế tiền mặt tại sân bay cũng rất dễ dàng.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu bình luận: “Trong chính sách hoàn thuế, doanh nghiệp đóng vai trò quyết định, nếu doanh nghiệp bán hàng không thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong quá trình thực hiện chính sách hoàn thuế GTGT thì mục tiêu nhà nước đặt ra đối với chủ trương này sẽ không đạt được. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế đều chưa thực hiện nghĩa vụ cập nhật thông tin hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế vào hệ thống hoàn thuế điện tử nên gây khó khăn cho phía hải quan”.
Mặc dù việc tham gia bán hàng hoàn thuế GTGT cho du khách sẽ đem lại cơ hội quảng bá cho doanh nghiệp bên cạnh doanh thu, nhưng vẫn không có nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình hoàn thuế. Bởi vì đăng ký tham gia thì doanh nghiệp phải minh bạch về sổ sách kế toán, hóa đơn chứng từ, nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng hàng hóa…
Đại diện cơ quan quản lý thuế nhận xét: “Việc tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về thông tin hoàn thuế cho du khách chưa được đầu tư đúng mức. Trong khi các quốc gia xung quanh tuyên truyền rất mạnh chính sách hoàn thuế thì tại Việt Nam rất khó để tìm thấy được các khẩu ngữ, các hướng dẫn về quyền được hoàn thuế GTGT của người nước ngoài. Điều này khiến nhiều người nước ngoài còn tưởng Việt Nam không có chính sách hoàn thuế GTGT.
Kết thúc hội thảo, các chuyên gia cho rằng giải pháp phát huy hiệu quả chính sách hoàn thuế VAT tập trung quanh các biện pháp sau đây: Về phía Chính phủ nên đầu tư nhóm tư vấn giúp doanh nghiệp xây dựng hoàn thiện quy trình hoàn thuế; đầu tư trang thông tin doanh nghiệp, sản phẩm và địa điểm hoàn thuế như một trang quảng bá kinh doanh uy tín; thí điểm cơ chế thuận lợi như một số nước tại TP. Hồ Chí Minh để thành phố có thể đầu tư chi phí khai báo thuế tại các trung tâm thương mại đông du khách, tổ chức hợp tác nhóm các doanh nghiệp sản xuất hàng trong nước trong các cửa hàng hoàn thuế. Về phía các doanh nghiệp cũng cần chủ động cập nhật xu thế bán hàng hiện đại, chuẩn hóa quy trình bán hàng, sản phẩm, khai báo thuế…