Tối 14-12, Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU bắt đầu làm việc với nội dung chính về hợp tác an ninh quốc phòng, chính sách người di cư và các vấn đề đối ngoại.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh châu Âu chịu áp lực phải đổi mới về an ninh quốc phòng và kinh tế sau một năm đầy biến động xảy ra cả ở trong và ngoài liên minh, đặc biệt là sự kiện nước Anh chính thức thông báo kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon, bắt đầu quá trình đưa nước này rời khỏi EU (còn gọi là Brexit).
Hội nghị thượng đỉnh EU lần này chứng kiến lễ ra mắt chính thức của Cấu trúc Hợp tác thường trực về quốc phòng (PESCO) với mục tiêu thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong EU, đặc biệt là phát triển các hệ thống vũ khí mới. Trước đó ngày 11-12, Hội đồng Đối ngoại EU đã thông qua quyết định thành lập PESCO, một tháng sau khi nhận được thông báo từ các nước có dự định tham gia vào tổ chức này. Đến nay đã có 25 nước thông báo tham gia vào PESCO, một cơ cấu sẽ tập trung phát triển các thiết bị quân sự mới cho EU như xe tăng hay máy bay không người lái. Các nước là thành viên PESCO cam kết sẽ “thường xuyên tăng ngân sách quốc phòng”, trong đó dành 20% chi tiêu quốc phòng để mua sắm trang thiết bị và 2% cho nghiên cứu và phát triển công nghệ.
Ngoài ra, hội nghị cũng xem xét các tiến bộ đạt được trong các lĩnh vực quốc phòng khác, nhất là liên quan đến hoạt động hợp tác giữa EU và NATO.