Theo các chuyên gia tham dự Hội nghị Bảo tồn Thế giới diễn ra trên đảo Jeju của Hàn Quốc vào nửa đầu tháng 9 vừa qua, hiện thế giới chỉ còn bốn loài rùa nổi tiếng, trong đó chỉ hai loài là còn hy vọng sinh sản. Cũng tại hội nghị, Hiệp hội động vật học London (ZSL) và Liên minh Quốc tế Bảo tồn tự nhiên (IUCN) phổ biến danh sách 100 chủng loài bị đe dọa nhiều nhất và kêu gọi cả thế giới chung tay cứu vãn chúng. Một cách cụ thể hơn, các nhà khoa học đưa ra những con số đầy ấn tượng về các chủng loài có nguy cơ tuyệt chủng: 21% loài có vú, 29% loài lưỡng cư, 12% loài chim, 17% loài cá mập, 27% loài san hô và 35% loài cây lá kim và cây mè.
Loài cây “tự sát” Tahina spectabilis
Trong báo cáo có tên “Vô giá hay Vô giá trị” (Priceless or Worthless), ZSL và IUCN cho rằng từ năm 2008 đến nay, mọi nỗ lực cho loài rùa Rafetus swinhoei sinh sản đã thất bại. Đây có lẽ là chủng loài nổi tiếng nhất trong danh sách đã lập, bên cạnh loài chim sơn ca Heteromirafra sidamoensis ở hồ Liben (Ethiopia) hiện còn không đến 300 cá thể, loài tê giác Java (Rhiniceros sondaicus) mà chỉ riêng cái sừng đã được bán với giá 30 ngàn USD (gần 630 triệu đồng) trên thị trường chợ đen. Chẳng riêng gì động vật, thực vật cũng lên tiếng báo động về tương lai đầy bất trắc của chúng. Cây cọ “tự sát” (Suicide Palm: Tahina spectabilis) chẳng hạn, mọc ở vùng tây bắc đảo Madagascar, chỉ mới được phát hiện vào năm 2007, phát triển cao lớn đến mức chúng ta có thể phân biệt được chúng trong một bức ảnh do vệ tinh chụp. Sở dĩ có tên là “tự sát” vì loài cây này có thể chết vì kiệt sức sau khi dồn sức cho ra đời rất nhiều bông hoa trên một cuống hoa dài đến gần 5m.
Danh sách top 100 loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng bao trùm 48 quốc gia, được thiết lập bởi 8.000 nhà khoa học tại Ủy ban các chủng loài còn sống sót thuộc IUCN, là cơ sở đã trực tiếp tổ chức 10 ngày hội nghị tại Jeju. Các tác giả của bản danh sách này sợ rằng sẽ có ít nhất 50% chủng loài được lên danh sách không nhận được sự quan tâm của cộng đồng thế giới vì chúng không có những mối quan hệ thiết thực đối với đời sống hằng ngày. Theo Jane Smart, Giám đốc Chương trình (cứu vãn) các Chủng loài Toàn cầu thuộc IUCN, điều mà cộng đồng khoa học mong mỏi là sự cam kết của chính quyền các quốc gia liên hệ sẽ tăng cường các biện pháp bảo tồn có hiệu quả nhất để mang lại hy vọng sống còn của nhiều chủng loài động thực vật trên hành tinh.
Lê Cẩn tổng hợp