Khá nhiều tổ chức lao động và chính trị Mỹ đã nỗ lực lôi kéo những hoạt động sản xuất của người Mỹ từ Trung Quốc trở về Mỹ, nhưng xem ra kết quả chưa đáng phấn khởi vì các công ty Mỹ chuyển việc làm sang Trung Quốc chính là để giảm bớt chi phí lao động, mà chi phí lao động ở Mỹ trong vài năm nay lại chẳng giảm được bao nhiêu.
Trong nghiên cứu mới nhất chuyên phân tích về lượng việc làm từ Mỹ chuyển sang Trung Quốc trong giai đoạn 2001-2011, Học viện Chính sách kinh tế Mỹ (EPT) cho biết có đến 2,7 triệu việc làm đã được chuyển từ Mỹ sang Trung Quốc, trong đó có đến 2,1 triệu việc làm thuộc lĩnh vực sản xuất, từ đó dẫn đến hiện tượng một số ngành công nghiệp tại Mỹ bị ảnh hưởng đặc biệt bởi tình hình sản xuất tại Trung Quốc. Trong mười năm qua, thâm hụt mậu dịch thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã tăng lên 217,5 tỉ USD, trong đó máy tính và linh kiện điện tử “Made in China” đã chiếm đến 55% hàng hóa thuộc nhóm hàng điện tử thông dụng được nhập khẩu vào Mỹ. Trong số 2,1 triệu việc làm thuộc lĩnh vực sản xuất được chuyển sang Trung Quốc, có đến hơn một triệu việc thuộc phân ngành máy tính và thiết bị điện tử, do đó nhiều bang của Mỹ có các khu công nghiệp chuyên môn hóa về hi-tech đã bị mất đi lượng việc làm không nhỏ, điển hình là California và Texas. Tại bang California, có tới bốn trong năm phân khu công nghiệp gánh chịu mức độ giảm việc làm cao nhất là các quận 13, 14, 15 và 16 (đều thuộc vùng vịnh San Francisco). Một phân khu công nghiệp khác của bang Texas cũng ở tình trạng tương tự là quận 31 thuộc thành phố Austin, nơi vốn là trung tâm của hàng loạt công ty hi-tech lớn nhất nước Mỹ. Các phân khu khác thuộc hai bang Georgia và Alabama cũng trong trạng thái tương tự, từ lĩnh vực sản xuất máy tính, thiết bị điện tử, đến dệt may và sản xuất gỗ. Trong số 435 phân khu công nghiệp trên toàn nước Mỹ, đã có đến hơn 50 ngàn xí nghiệp đã phải đóng cửa suốt hơn mười năm qua và không có dấu hiệu sẽ sản xuất trở lại. Theo Robert Scott – tác giả của công trình nghiên cứu mang tên The China Toll (tạm dịch: Giá phải trả cho Trung Quốc) tại EPI, cách duy nhất để vực dậy lại ngành sản xuất của nước Mỹ là Chính phủ Mỹ phải phá vỡ sự khống chế tiền tệ của Bắc Kinh và kêu gọi các công ty Mỹ quay về đầu tư tại chính nước mình. Bằng không, sự dịch chuyển việc làm từ Mỹ sang Trung Quốc sẽ vẫn tiếp diễn với mức độ ngày một lớn hơn.
B. Trịnh theo 24/7 Wall Street