Các công ty khởi nghiệp về Healthtech có tiềm năng giúp phá bỏ những rào cản mà phụ nữ vẫn gặp phải trong việc đạt được dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao và giá cả phải chăng ở các nước đang phát triển.
Niramai là công ty khởi nghiệp công nghệ y tế có trụ sở tại Bengaluru, được thành lập bởi Geetha Manjunatha và Nidhi Mathur vào năm 2016. Niramai, có nghĩa là “không bị bệnh” trong tiếng Phạn.
Được thành lập vào năm 2016, Niramai đã phát triển một giải pháp tầm soát ung thư vú dựa trên AI. Giải pháp có tên gọi là Thermalytix ™, chủ yếu sử dụng thiết bị cảm biến nhiệt có độ phân giải cao để chụp ảnh nhiệt; đồng thời giải pháp phân tích được lưu trữ trên nền tảng đám mây, sử dụng phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và thuật toán học máy để tầm soát ung thư vú sớm.
Trong khi chụp nhũ ảnh kỹ thuật số có giá khoảng 3.500 rupee (khoảng 1triệu đồng), thì một lần “scan” ngực do Niramai thực hiện sẽ có giá khoảng 1.000 rupee (khoảng 300 ngàn đồng). Mức phí này phù hợp với các phụ nữ ở những thị trấn và làng mạc nhỏ. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, công ty khởi nghiệp này đang hợp tác với các tổ chức phi lợi nhuận và các cơ quan chính phủ để giới thiệu công nghệ tầm soát ung thư vú này đến vùng nông thôn Ấn Độ bằng cách tổ chức các trại sàng lọc.
Theo những người sáng lập, nếu chụp nhũ ảnh chỉ hoạt động với phụ nữ trên 40 tuổi, giải pháp của Niramai có thể phát hiện khối u ở phụ nữ ở mọi nhóm tuổi và không có bất kỳ tác dụng phụ nào. Theo báo cáo, phần mềm có thể phát hiện các khối u nhỏ hơn năm lần so với những gì thăm khám lâm sàng có thể phát hiện.
Đến nay, công ty khởi nghiệp này đã huy động được tổng cộng 7 triệu đô-la từ các nhà đầu tư như Pi Ventures, Dream Incubator, Axilor Ventures, Ankur Capital, BeeNext và những đơn vị khác.
Giải pháp này đã nhận được 10 bằng sáng chế được cấp của Hoa Kỳ, 3 bằng sáng chế của Ấn Độ, cũng như 2 bằng sáng chế của Trung Quốc và Singapore. Công ty khởi nghiệp đã giành được nhiều giải thưởng, bao gồm giải Vàng trong Hack Osaka 2019, Giải Aegis Grahambell, Giải Frost và Sullivan cùng nhiều giải thưởng khác.
Năm 2020, Niramai cũng đã giành được Giải thưởng Khởi nghiệp Quốc gia trong hạng mục Chẩn đoán chăm sóc sức khỏe.
Nhà sáng lập Geetha Manjunatha là một nhà khoa học máy tính, có bằng Tiến sĩ của Viện TATA. Cô đã làm việc trong nhiều tổ chức khoa học máy tính trong nước và quốc tế và tích lũy kinh nghiệm trong nghiên cứu và đổi mới.
Sau khi chị họ của cô qua đời vì ung thư vú ở tuổi 40, Geetha đã suy nghĩ rất nhiều về nguyên nhân: Tại sao nhiều phụ nữ lại phải từ bỏ cuộc sống vì một thứ bệnh có thể chữa trị được?
“Sau đó, tôi bắt đầu nghiên cứu vào những ngày cuối tuần vì tôi thường làm việc vào các ngày trong tuần. Sau một năm, tôi rời bỏ công việc của mình vì việc duy trì cả hai là khó khăn và sau đó tôi bắt đầu bắt tay vào công việc khởi nghiệp của mình. Vào tháng 1 năm 2017, với sự giúp đỡ của 3 thành viên khác, tôi đã bắt đầu chuyên tâm với NIRAMAI. ”
Giải pháp này hiện có mặt tại 17 thành phố của Ấn Độ và một số thị trường nước ngoài. Cho đến nay, khoảng hơn 50.000 phụ nữ đã thực sự được hưởng lợi từ đây.