Tình trạng của bộ não lúc bị thôi miên
Vài cái vuốt ve đơn giản để làm kinh ngạc khán giả thích chuyện phi thường? Một phương pháp bí hiểm chỉ hiệu quả với người có tâm linh yếu đuối? Trong thực tế, từ nay người ta tin chắc thôi miên có tác động khách quan trên bộ não. Nhiều bài báo mới đây đã làm sáng tỏ cơ cấu bộ não khi bị thôi miên. Nó hoàn toàn không giống như lúc thức, ngủ hay ngồi suy tư, thiền định.
Thực ra, thôi miên là chìm trong một trạng thái ý thức khác hẳn, ở đó sự xét đoán, cảm nhận và khái niệm thời gian đều bị đảo lộn. Nhưng người ta đat được trạng thái ý thức thay đổi này bằng cách nào? Qua 2 giai đoạn. Trước tiên là cảm ứng. “Ông thầy” bắt đầu làm cho đối tượng cảm thấy mơ hồ để loại bỏ xác quyết chắc chắn của trí tuệ. Chẳng hạn với một câu nói cầu kỳ, có ý nghĩa hay không như là: “Cơ thể ở bên phải cánh tay trái và bên trái cánh tay phải!”. Trong lúc cố hiểu câu này, nó tạo ra giai đoạn tách rời giữa ý và vô thức để đi vào môi trường bên ngoài của chính cơ thể. Có thể nói là khả năng tự kiểm soát không còn hoạt động nữa. Và sự hôn mê bắt đầu…
Nhưng đối tượng sẽ quay trở lại trạng thái ý thức tự nhiên ngay sau 10-15 phút. Như vậy, ông thầy phải thường xuyên lập lại quy trình để kéo dài trạng thái hôn mê sâu, từ 30 phút đến 90 phút. Thực ra, thôi miên trong bệnh viện để chữa bệnh không hấp dẫn bằng những sô diễn trước công chúng. Chữa bệnh bằng thôi miên không phải là ra lệnh. Có một người trung gian chọn những câu nói gợi ý lúc đối thoại, dẫn dắt đối tượng mở rộng cảm nhận sang vấn đề của mình và giải pháp vốn có sẵn trong ý thức. Nhưng đằng sau những câu nói rõ ràng này để mô tả những xúc cảm rất cá nhân, có tác động nào thực sự có thể đo đạc được số lượng và tái tạo được không? Trong khi thôi miên được áp dụng tại các bệnh viện tâm lý học suốt mấy chục năm qua, ảnh hưởng đến hệ thần kinh chỉ mới được phát hiện thời gian gần đây, nhất là sau một nghiên cứu của người Mỹ được công bố vào năm 2016, cho thấy có 3 thay đổi lớn trong bộ não khi được thôi miên.
Mất tinh thần phán đoán và bị quên
Họ tuyển chọn 56 người tham gia có khả năng dễ và khó thôi miên, rồi so sánh hoạt động não bộ qua 4 giai đoạn khác nhau: lúc nghỉ ngơi, lúc tỉnh táo và nhớ đầy đủ, lúc thôi miên chỉ nhớ lại kỳ nghỉ hè không có gì xúc động đặc biệt, và lúc thôi miên nhớ kỳ nghỉ hè đặc biệt vui vẻ. Kết quả tiết lộ nhiều điều.
Trước tiên, họ nhận thấy hoạt động giảm ở vỏ não trước cingulaire, nơi chọn lựa thông tin nhận được (số 3 trong biểu đồ), dẫn đến mất tiếp xúc với tất cả những cái không phải là trọng tâm chủ ý, trong đó có môi trường bên ngoài. Những xúc cảm âm, do đau đớn gây ra bị loại trừ. Lúc đó, đối tượng sẵn sàng nghe gợi ý.
Hoạt động giữa vỏ não trước trán dorsolatéral (mạng lưới kiểm soát hành động) và vỏ não sau cingulaire giảm, dẫn đến mất khả năng phê phán và tách mình ra khỏi bản thân với những hoạt động (số 1).
Mức liên kết giữa insula (mạng lưới liên lạc với những xúc cảm từ bên trong cơ thể) và vỏ não trước trán dorsolatéral tăng vọt. Chú ý tập trung vào xúc cảm nội tâm, thuận lợi cho thư giãn (số 2).
- Xem thêm: Kỳ thú huyền thoại quả đất
Có lẽ đây là đặc trưng chủ yếu của thôi miên, khác biệt hoàn toàn với những trạng thái ý thức khác như ngồi thiền. Đó là tách mình ra khỏi bản thân, với những ý tưởng và hành động. Mất tinh thần phê phán và trong một số trường hợp còn là quên tất cả. Trạng thái thôi miên tương ứng với sự tập trung cao độ và bỏ qua những cái râu ria không quan trọng. Nó làm cho đối tượng có thể thực hiện những động tác phi phàm, không cần ai hướng dẫn.
Một nhóm nghiên cứu người Bỉ so sánh lưu lượng máu trong não của những người bình thường với người được thôi miên. Kết quả? Khi được thôi miên, não bị kích thích mạnh ở vùng mắt như thể người ta đang nhìn thấy thực sự. Ở vùng vách vỏ não như thể đang có cảm giác thực sự, và vùng précentral như đang chuyển động thực sự, dù rằng lúc đó đang hôn mê sâu, hai mắt nhắm lại! Hơn nữa, anh ta có cảm giác như đang thực sự sống lại vào thời điểm đó mà không thể nhớ lại được lúc tỉnh táo.
Đó là bí kíp thực sự của thôi miên. Nó dồn khả năng chú ý của chúng ta vào mục tiêu trọng tâm của ý tưởng. Sức mạnh của thôi miên là vô biên, nhưng nó không phải là một hình thức chữa bệnh vô địch. Nó chỉ bổ sung cho các liệu pháp khác và chỉ nên dành cho nhà chuyên môn. Nói khác đi, không được để cho bất kỳ ai thôi miên mình một cách bừa bãi.
Con đường của người khổng lồ tại Bắc Ireland
Người ta không tin đó là con đường của những người khổng lồ, nhưng đúng là một hiện tượng thiên nhiên khiến vùng phía Bắc xứ Ireland này có một đặc trưng hấp dẫn các nhà địa chất từ thế kỷ 17. 40.000 cột đá khổng lồ có hình thù lục giác, rất đều đặn khiến người ta tin là do con người tạo ra, nhất là người khổng lồ bởi có những cây cột cao đến 12 mét! Thực ra, đó là do nước biển xói mòn một bãi nham thạch có niên đại hơn 50 triệu năm trước đây. Lúc ban đầu, đó là một cánh đồng nham thạch bị nước biển của Bắc Đại Tây dương tràn vào.
Nó làm cho nham thạch đang nóng chảy nguội lại bất ngờ nên bề mặt bị nứt nẻ. Sau đó, nước biển vỗ vào liên tục làm xói mòn dần, cuối cùng đã tạo ra những cây cột hình lục giác khổng lồ. Hiện tượng này không phải là duy nhất trên thế giới. Tại quần đảo Canaries và Nga cũng có những cây cột như thế. Các mô hình tương tự cũng có thể nhìn thấy khi đất sét bị nứt nẻ do nắng nóng.
Khi nào trái đất đạt được kích thước cố định?
Theo mô hình của các nhà khoa học, phải mất từ 30 đến 100 triệu năm nữa để trái đất có được kích thước ổn định, bởi vì muốn tăng trọng phải có thời gian. Nên nhớ rằng: giống như mọi hành tinh đá khác, trái đất hình thành bằng cách tụ tập vô số những hành tinh nhỏ. Những thiên thể có kích thước đường kính chừng vài chục km xuất phát từ một tiến trình lâu dài.
Thoạt tiên, sau khi mặt trời thành hình cách nay khoảng 4,6 tỉ năm, khí và bụi thoát ra khỏi đó quy tụ thành một cái đĩa lớn chung quanh nó. Ở ngoài rìa, các phân tử nước, khí nitơ và ammoniac dưới dạng rắn đã kết lại thành những hành tinh khổng lồ trong vòng chưa đầy 3 tỉ năm. Gần mặt trời hơn, chỉ có kim loại và đá cô đặc lại.
Trước tiên, chất liệu nguyên thủy này kết tụ thành những túm nhỏ xíu, mà hấp lực và sự va chạm liên tục làm cho nó lớn lên nhanh chóng. Bởi thế 10.000 năm sau khi bắt đầu, người ta đã nhìn thấy những hành tinh sơ sinh xuất hiện, có kích thước chừng vài km. 1 triệu năm sau, Thái dương hệ đã có được khoảng 30 hành tinh nhỏ, kích thước bằng sao Hỏa, trong đó có 1 cái trở thành trái đất.
3 triệu năm sau, Thái dương hệ đạt kích thước 20-30% khối lượng hiện nay. 7 triệu năm sau, đạt 70%. Sự phát triển bị chậm dần do những va chạm với nhau không lớn lắm. Cuối cùng, chúng sẽ trở nên ổn định sau 100 triệu năm.
Tại sao có nhiều lớp vỏ bao quanh nhân trái đất?
Nhân, áo, vỏ… Nếu ngày nay trái đất có nhiêu lớp vỏ bao bọc rất rõ ràng thì nó không có ngay từ đầu. Cấu trúc này là kết quả của sự phân hóa hành tinh, một tiến trình chung cho mọi thiên thể lớn nhất (các hành tinh và một số hành tinh nhỏ). Muốn có được, trước tiên chất liệu hình thành của nó phải sền sệt, thậm chí lỏng. Một hành tinh đá như trái đất phải đạt nhiệt độ trên 1.000oC! Các thành phần nặng nhất khi đó sẽ chìm xuống dưới tác dụng của hấp lực, thành phần nhẹ hơn nổi lên bề mặt. Chính vì thế, các hành tinh có cấu trúc lớp, với tỉ trọng khác nhau, nhưng đều có dạng hình cầu.
Từ trường ra đời như thế nào để bảo vệ trái đất?
Các nhà địa chất không còn nghi ngờ về lá chắn ngăn chặn tia vũ trụ và các hạt khác của gió mặt trời bắn vào trái đất. Nó ra đời từ một dòng điện. Dòng điện này được tạo thành từ khối sắt lỏng di chuyển trong ruột trái đất khi nó quay quanh chính mình. Nhưng do lực đẩy nào mà chuyển động này có thể khởi đầu được? Cái mà người ta quan sát được hôm nay là do sự nguội dần của trái đất, khiến cho sắt lỏng trong ruột kết tinh. Trong tiến trình này, những nguyên tố nhẹ hơn ở trong ruột bị đẩy ra ngoài, tạo thành chuyển động đối lưu.
- Xem thêm: Trong nửa kỳ quái của trái đất
Nhưng sự kết tinh chỉ diễn ra cách nay 500 triệu năm. Vậy thì không thể là nguồn gốc của từ trường trái đất được! Những viên đá từ tính được tìm thấy trên trái đất có tuổi thọ đến 3,5 tỉ năm! Vậy thì phải có một tiến trình khác mà các nhà khoa học còn đang tìm kiếm. Sự khác biệt nhiệt độ giữa trung tâm và lớp vỏ bên ngoài của cái nhân lỏng cũng tạo ra được chuyển động đối lưu, còn gọi là “chuyển động nhiệt”. Nhưng vẫn còn một bí ẩn chưa lý giải được: dù tổng hợp hai cơ chế này lại, các nhà khoa học cũng không có được một từ trường mạnh như những cục đá nam châm cách nay 3,5 tỉ năm!
Không khí nguyên thủy của trái đất gồm có những gì?
Thật khó tưởng tượng bởi vì ngày nay chẳng còn lại dấu vết nào cả. Tuy nhiên các nhà khoa học cũng có đủ yếu tố để quả quyết rằng: lúc mới hình thành, trái đất có bầu khí quyển phản ánh các thành phần của tinh vân nguyên thủy: hydrogen, helium, nitơ, một số khí hiếm. Nó được dày thêm trong thời gian ngắn do các thiên thể khác chạm vào.
Nhưng không khí nguyên thủy thật sự có lẽ là cái do đại dương nham thạch bao quanh tỏa ra, lúc mới hình thành trái đất. Nitơ, hơi nước, khí CO2, ammoniac, méthane… tạo ra một bầu trời màu hạt dẻ của màn sương mù khí hydrocarbure. Khi đó, chẳng có chút nào oxygen và chỉ tạo ra những đám mưa acid đầy tai họa.
Mấy trăm triệu năm sau, nước và nhiều nguyên tố khác trong không khí chẳng còn nữa, trong đó có CO2, chui vào trong đá, làm cho hiệu ứng nhà kính giảm đột ngột. Nhiệt độ không khi giảm rất nhanh: từ 300oC cách nay 4 tỉ năm, xuống 100oC, khi cách nay 3,5 tỉ năm. Rồi 50oC lúc 3 tỉ năm. Sự sống bắt đầu xuất hiện khi các vi sinh vật sản sinh ra oxygène, cho phép ngày nay chúng ta thở được.