Mưa kim cương, tuyết vàng, bão thủy tinh… bạn có thể sẽ ganh tị và thèm thuồng muốn chết đi được khi biết lại có cả những hiện tượng kỳ thú đến thế này ở bên ngoài vũ trụ. Nhưng đừng vội bay ra ngoài không gian lượm của rơi đấy nhé! Nếu “dễ ăn” như vậy thì người ta đã gom cả tấn về trái đất rồi!
Mưa kim cương trên sao Mộc
Hiện tượng mưa kim cương là chuyện hoàn toàn có thật chứ không phải chỉ là tưởng tượng của các biên kịch gia hay tiểu thuyết gia. Nó cũng không chỉ giới hạn ở sao Mộc mà có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào trong vũ trụ. Theo Kevin Baines, một thành viên của Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của Cơ quan Không gian (NASA) của Mỹ. thì mỗi năm, vũ trụ đổ mưa khoảng 998 tấn kim cương.
Vốn dĩ, kim cương là một dạng hình thù của carbon (C). Trong không gian, tia chớp xuất hiện trên các hành tinh đã phân rã khí methane (CH4) thành C, và khi C cứng lại, nó biến thành kim cương rắn chắc. Người ta cho rằng hiện tượng phân hủy CH4 thành C, rồi cô đặc thành kim cương thường xuyên xảy ra ở sao Mộc và sao Thổ. Rất có thể là trên 2 hành tinh này còn có cả biển kim cương lẫn sông kim cương. Nếu một ngày nào đó chuyện “du hành giữa các vì sao” trở nên bình thường, những địa điểm như thế có lẽ sẽ hấp dẫn cả đội quân “thợ săn kho báu vũ trụ” đến kiếm chác cũng nên.
Ngoài ra, trên sao Mộc còn có hiện tượng bão siêu tuổi thọ. Thường thì một cơn bão trên hành tinh xanh mà chúng ta đang sống chỉ kéo dài khoảng một vài tuần. Nhưng trên sao Mộc, chỉ tuổi thọ trung bình của một cơn bão cũng đã lâu đến 150 năm. Cũng tại đây, các nhà khoa học chứng kiến cơn bão khổng lồ nhất trong Hệ mặt trời. Nó to và rõ đến nỗi được gọi là “Vết đỏ lớn” (Great Red Spot).
Đến nay, “Vết đỏ lớn” đã được 400 tuổi. Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, nó rộng gấp 3 lần kích thước của trái đất, điên cuồng xoáy ngược chiều kim đồng hồ với tốc độ kinh hoàng là 120m/s. Sức nóng tỏa ra từ tâm bão cũng đạt hẳn 1.316oC, đủ để sưởi ấm toàn bộ sao Mộc.
Bão mảnh kính siêu tốc
HD 189773B cách trái đất khoảng 63 năm ánh sáng, được các nhà thiên văn Pháp phát hiện vào năm 2005. Ghé mắt nhìn qua kính viễn vọng và bạn sẽ thấy HD 189773B mang một màu xanh tỏa sáng lấp lánh cực kỳ mãn nhãn.
Nhưng màu xanh diệu kỳ ấy lại không phải đến từ vật thể nào đó có sự sống, mà là từ các mảnh kính vỡ vô hồn bay vùn vụt với vận tốc 7.000km/h. Chính nhờ ánh sáng phản quang từ chúng mà HD 189773B mới có sắc xanh ngọc tuyệt mỹ như thể được bao bọc bởi một đại dương nước tinh khiết.
Tuyết vàng phủ kín sao Kim
Nếu so sánh với không khí của trái đất, không khí trên sao Kim đặc gấp 100 lần. Nó đủ để bạn cảm thấy như đang bơi trong nước chứ không phải là đang bước đi trong không khí. Tất nhiên là với độ đậm đặc ấy, không khí trên sao Kim cũng đè xuống một áp lực cực nặng, lớn hơn cả áp lực của nước biển tại vị trí sâu nhất. Có lẽ cũng vì bầu khí quyển cực đặc này mà sao Kim mới luôn cháy phừng phừng, với sức nóng đạt mức 482oC.
Rất có thể là do sở hữu nhiệt lượng lớn như thế nên khoáng vật pyrit, một kim loại có màu vàng (tương tự với màu sắc của kim loại vàng (Au) của trái đất) trên sao Kim mới bị nóng chảy, bốc hơi thành một dạng sương mù. Sương mù pyrit sau đó lại liên kết với nhau, tạo thành bông tuyết pyrit và rơi xuống, phủ kín tứ bề hành tinh bằng một lớp tuyết vàng óng ả. Có điều, lớp tuyết này không hề lạnh giá mà nóng hừng hực cả hàng trăm độ C.
Núi lửa phun băng
Enceladus là vệ tinh lớn thứ 6 của sao Thổ được phát hiện năm 1789. Điều kỳ diệu xảy ra ở Enceladus là một hiện tượng đẹp tuyệt trần: núi lửa phun trào tinh thể băng. Về thực chất, các núi lửa băng của Enceladus không giống núi lửa của trái đất cho lắm.
Chúng chỉ đơn giản là các lỗ, khe phun. Nhưng thứ được phun ra từ các lỗ, khe này lại là các tinh thể băng trong vắt. Chúng bắn tung lên trời với tốc độ 2.253km/h, rồi rơi xuống, phủ kín bề mặt vệ tinh, biến Enceladus trở thành một trong những hành tinh có hiện tượng tự nhiên độc đáo nhất vũ trụ.
Bão sét trên sao Thổ
“Vệt trắng lớn” (Great White Spot), đó là cái tên mà các nhà thiên văn gọi cơn bão sét trên sao Thổ (cho tương ứng với cái tên Vết đỏ lớn của cơn bão siêu tuổi thọ của trên sao Mộc). Tuy nhiên, bão sét ở sao Thổ không liên tục mà xuất hiện theo định kỳ, khoảng 28,5 năm mới trở lại một lần. Không rõ cơn bão màu trắng này có mang theo nước hay không, nhưng các nhà khoa học nghi ngờ (và hy vọng), nó có thể là bằng chứng cho thấy tồn tại nước trên sao Thổ.
Bề rộng của “Vệt trắng lớn” cực kỳ vĩ đại, tới vài nghìn km, đủ để có thể quan sát được bằng kính thiên văn. Trong toàn bộ diện tích của nó, hằng hà sa số các tia sét liên tục giáng xuống, dữ dội đến mức đạt cường độ 10 lần/giây.
Chênh lệch nhiệt độ 150oC
Nhân loại đang “âm mưu” thôn tính sao Hỏa. Chúng ta cũng đã có nhiều hoạt động nhằm biến hành tinh này thành chốn nương thân khi trái đất trở nên quá tải hoặc gặp nguy cơ bị xóa sổ. Song nếu có ước mơ sống trên sao Hỏa, bạn cũng nên biết về sự khắc nghiệt của thời tiết nơi này.
Nhiệt độ ban ngày của sao Hỏa khá mát mẻ, chỉ 21oC, nhưng vừa mới sang đêm đã lập tức giảm xuống tới tận -129oC. Vì nhiệt độ giảm đột ngột nên độ ẩm cũng chạm tỷ lệ 100%, và sẽ liên tục như thế cho đến khi đêm kết thúc.