Gấu nước chịu đựng được cả nhiệt độ nóng tới 150oC hay lạnh đến -272oC. Sứa bất tử ấu hóa mỗi khi già đi, tuần hoàn vòng đời mãi mãi.
Vi khuẩn GFAJ-1 có thể tiêu hóa cả chất cực độc asen khi cần… Chúng ta luôn cho rằng, nhờ vào trí thông minh vô hạn, con người mới là sinh vật có khả năng đối mặt với mọi thách thức sinh tồn. Trước những cao thủ thích nghi hàng đầu này, liệu bạn có thấy đỏ mặt vì sự kiêu ngạo ấy?
Dẫu khôn ngoan, giỏi giang, luyện tập thể lực cỡ nào, con người cũng vẫn còn cách xa cái gọi là “mình đồng da sắt”.
Cơ thể chúng ta lập tức trở nên bất ổn khi nhiệt độ ngoài trời chỉ tăng hay giảm vài độ C. Dù bạn có thể mặc thêm áo hay bật máy lạnh nhưng, trước ngưỡng nhiệt độ cực đoan, nhân loại cũng đành bất lực.
1. Tardigrade – vô địch sinh tồn
Trong tất cả các sinh vật sống trên trái đất, tardigrade (gấu nước) xứng danh nhà vô địch hơn cả. Dù vẻ ngoài xấu ma chê quỷ hờn nhưng loài động vật chỉ nhỏ cỡ 1mm này lại sở hữu khả năng thích nghi mà mọi sự sống đều phải ghen tỵ.
Khô hạn ư? Gấu nước có thể sống trong tình trạng không có nước cả 10 năm. Lạnh ư? Dù thế giới có -272oC, gấu nước vẫn sinh sôi mạnh mẽ. Nóng ấy à? 150oC vẫn chưa đủ để lấy mạng gấu nước.
Nếu một ngày bề mặt hành tinh xanh hoàn toàn bị thay đổi do một thảm họa tự nhiên nào đó, ví dụ như bị hành tinh khác tông trúng hay nổ siêu tân tinh gần thiêu trụi, giết sạch mọi động thực vật, gấu nước vẫn an nhiên. Bức xạ hay môi trường chân không đều chẳng mảy may tác động đến nhà gấu nước.
Năm 2007, khi các nhà khoa học bắn cả ngàn tardigrade ra ngoài vũ trụ để xem chúng có sống nổi bên ngoài sinh quyển địa cầu không, họ nhận ra gấu nước không chỉ vẫn ăn ngủ bình thường mà còn đẻ trứng và trứng lại nở ra những con non khỏe mạnh.
Không dừng lại ở đó, tardigrade còn có khả năng ngủ đông dài kỷ lục. Nếu phải đối mặt với môi trường quá sức khắc nghiệt, nó chỉ việc xuất hết nước trong cơ thể rồi ngủ đông cho đến khi gặp điều kiện thuận lợi hơn.
Năm 1948, khi một nhà động vật học người Ý rưới nước lên một xác gấu nước 120 năm tuổi, nó vẫn thức dậy và bò loăng quăng như không hề có cả trăm năm nằm bất động.
2. Sứa bất tử – vô hạn vòng đời
Immortal jellyfish (sứa bất tử) không có khả năng thách thức cực hạn như gấu nước nhưng lại sở hữu một năng lực viễn tưởng là “cải lão hoàn đồng”.
Từ thuở sơ khai, nhân loại đã điên cuồng tìm kiếm cách thức, thuốc men có khả năng hiện thực hóa khát khao sống mãi không chết.
Nhưng dù với cả công nghệ biến đổi gien ngày nay, thứ duy nhất con người có thể làm được mới chỉ là kéo dài tuổi thọ ra một chút. Không ai có thể chống lại quy luật “sinh, lão, bệnh, tử”. Vậy mà immortal jellyfish, loài sứa nhỏ bé, mỏng manh lại thực hiện nó dễ như chơi.
Con sứa bất tử mà bạn thấy bây giờ rất có thể vẫn là con sứa bất tử có mặt trong lòng biển từ hàng triệu năm trước.
Khi một immortal jellyfish trưởng thành bị thương, bị bệnh, bị thiếu đói hoặc sắp sửa già đi, nó chỉ việc ấu hóa toàn bộ tế bào, trở về làm “đứa trẻ” và bắt đầu một cuộc đời khác. Mang thai hay sinh nở để gia tăng dân số ư? Sứa bất tử không cần phải vất vả như thế.
Nếu muốn thêm số lượng, nó chỉ cần nhân bản trong lúc lớn lên. Trừ khi bị xơi tái bởi động vật biển nào đó, immortal jellyfish sẽ không bao giờ chết. Với nó, luân hồi không phải “lý thuyết” mà là chuyện thực tiễn hằng ngày.
3. Strain 121 – chuyển hóa sắt sạch
Nếu nói về khả năng chịu nhiệt, Strain 121, một sinh vật đơn bào được phát hiện trong lỗ thông hơi thủy nhiệt ở Washington (Mỹ) chỉ thua nhà vô địch sinh tồn gấu nước.
Ngay cả trong nhiệt độ 130oC, nó vẫn thoải mái ăn nghỉ, chơi đùa. Từ suối nước nóng, núi lửa đến các hồ đóng băng hoàn toàn ở Nam cực, Strain 121 kiên trì “gặm” sắt, biến kim loại này thành năng lượng sống.
Nó cũng hứa hẹn sẽ dọn dẹp sạch sắt bị nhiễm phóng xạ ra khỏi môi trường. Trong khi hầu hết các vi khuẩn ăn sắt đều chuyển hóa các electron từ sắt vào trong tế bào, từ đó tạo ra carbon dioxide, Strain 121 thực hiện quá trình ngược lại.
Nó chuyển hóa electron từ bên trong tế bào ra bên ngoài. Nhiều nhà nghiên cứu hy vọng quá trình trao đổi chất ngược đời này của nó sẽ mở ra tiềm năng chế tạo điện hữu cơ.
Cũng bằng quá trình hấp thu ngược ấy, Strain 121 lọc sạch chất phóng xạ, ví dụ như urani, ra khỏi sắt. Nó cực kỳ hữu ích trong việc loại bỏ các tạp chất từ lò phản ứng hạt nhân.
4. GFAJ-1 – ăn cả asen
Giống như Strain 121, GFAJ-1 cũng chỉ là một loài vi khuẩn. Tuy nhiên, chúng không đặc biệt bởi khả năng chuyển hóa sắt sạch mà ở khả năng tiêu hóa asen, một chất cực độc. Vào năm 2010, người ta phát hiện GFAJ-1 từ hồ Mono, California.
Mono là hồ muối soda nông rộng 18.265 hécta, được hình thành cách đây ít nhất 760.000 năm. Vì không có chỗ thoát nước, lượng muối trong hồ Mono ngày càng tích tụ, khiến nước trở nên mặn chát và bị kiềm.
Dẫu vậy, hồ nước mặn này vẫn là môi trường sống của một số sinh vật, đặc biệt là họ nhà tôm nước mặn. Trong một góc cực mặn của hồ Mono, nơi không hề có dấu hiệu của sự sống, các nhà khoa học tìm được GFAJ-1.
Mỗi ngày, nó hấp thụ phosphore có trong làn nước mặn chát, chuyển hóa thành năng lượng sống và uống nước bị kiềm.
Nếu không kiếm đủ phosphore lấp đầy bụng, GFAJ-1 còn có thể “nhai” đỡ asen, thứ mà không sinh vật sống nào nghĩ đến chuyện mó vào.
5. Pyrococcus furious – sinh nở tấp nập ở 100oC
Sau Strain 121, sinh vật có khả năng chịu nhiệt thứ ba là pyrococcus furious, một sinh vật đơn bào khác.
Nếu một ngày nào đó mặt trời hạ xuống gần đến mức đốt cháy toàn bộ mặt đất, khiến đại dương bao la chạm nhiệt độ sôi (80 – 100oC), toàn bộ nhà pyrococcus furious sẽ vỗ tay ăn mừng.
Nước sôi là mức nóng lý tưởng cho pyrococcus furious sinh con đẻ cái. Ở điều kiện 100oC, cứ sau mỗi 37 phút, dân số của nó lại tăng gấp đôi.
Phạm vi sống của pyrococcus furious tương đối rộng. Bạn cũng có thể tìm thấy nó trong chiết xuất nấm men, mạch nha, tinh bột, đạm…
Đừng lo lắng, pyrococcus furious không gây hại cho người. Các nhà khoa học hy vọng có thể cấy DNA của nó vào thực vật, từ đó tạo ra các loại cây trồng chịu hạn cao.
6. Cucujidae – bất chấp -150oC
Cucujidae (bọ cánh cứng dẹt màu đỏ) là một trong số nhiều loài côn trùng sống ở nơi có khí hậu cực lạnh. Tất nhiên, nó là loài côn trùng chịu lạnh giỏi nhất. Ngay cả trong nhiệt độ -150oC, cucujidae vẫn thoải mái bò quanh các thân cây để kiếm ăn.
Thường thì người ta hay tìm thấy cucujidae ở phía nam của vòng Bắc cực, trên những thân cây gỗ cứng. Chúng đặc trưng bởi thân hình dẹt màu đỏ tươi, dài chừng 1cm, trơn nhẵn, không có lông.
Trong mùa đông, bọ cánh cứng dẹt màu đỏ còn có thể giảm 30 – 40% nước trong cơ thể và tiết ra một loạt các protein chống đóng băng để duy trì cử động như bình thường.
7. Gián – chịu bức xạ gấp 16 lần người
Gián (cockroach) không giỏi chịu lạnh bằng bọ cánh cứng dẹt màu đỏ nhưng lại hơn ở chỗ “đông như quân Nguyên”. Đếm sơ sơ thôi, nó cũng đã có đến 4.600 loài.
Bất cứ nơi nào có sự sống, nơi ấy cũng có gián. Dẫu không chịu được lạnh đến âm hàng trăm độ, nó vẫn có thể đi kiếm ăn trong tình trạng -8oC.
Gián cũng là loài tạp ăn. Nó có thể tiêu hóa đủ thứ, từ thức ăn của người đến cả bê tông hay keo dán. Nhờ thế, họ nhà gián không bao giờ lo bị đói.
Không dừng lại ở đấy, gián còn có tài nhịn thở những 45 phút. Trên tất cả, gián chịu đựng bức xạ giỏi bất ngờ. Người ta cho rằng gián có thể chịu bức xạ giỏi gấp 6-15 lần con người.