Tuyển dụng nhân sự không đơn giản chỉ là nhận hồ sơ, hẹn lịch phỏng vấn và chọn ra ứng viên xuất sắc nhất cho công ty. Quy trình tuyển dụng nhân sự đòi hỏi nhà tuyển dụng phải là người có tâm huyết, kinh nghiệm, sự chuẩn bị để chắc rằng quy trình tuyển dụng không gặp bất kỳ sai lầm nào. Tuy nhiên, có những sai lầm tưởng như nhỏ nhưng nhiều nhà tuyển dụng vẫn mắc phải.
Không sàng lọc ứng viên
Không phải cứ ứng viên nào nộp hồ sơ ứng tuyển đều gọi phỏng vấn, mà cần phải sàng lọc ứng viên qua hồ sơ trước. Bởi hồ sơ xin việc chính là bản tóm tắt những kỷ năng, kinh nghiệm của ứng viên, nhà tuyển dụng chỉ cần nhìn vào đó có thể biết được hồ sơ nào phù hợp với vị trí tuyển dụng, hồ sơ nào không. Nếu không có giai đoạn sàng lọc này các các nhà tuyển dụng sẽ phải mất rất nhiều thời gian để lên lịch phỏng vấn, làm mất thời gian, ảnh hưởng đến chất lượng tuyển dụng.
Hẹn quá nhiều người phỏng vấn cùng thời gian
Sau khi sàng lọc ứng viên, công việc tiếp theo trong quy trình tuyển dụng là lên lịch phỏng vấn. Nếu có ít hồ sơ thì thời gian hẹn phỏng vấn có thể trùng nhau, nhưng nếu có nhiều hồ sơ mà người tuyển dụng vẫn hẹn tất cả các ứng viên cùng một thời gian sẽ khiến cho nhiều người phải chờ lâu, nhiều người sẽ đánh giá nhà tuyển dụng làm việc không chuyên nghiệp. Vì vậy, hãy lên lịch hẹn phỏng vấn thật hợp lý để không làm ảnh hưởng đến thời gian của mình và cũng không làm mất thời nhiều thời gian của ứng viên vì phải chờ phỏng vấn quá lâu.
Không cung cấp thông tin công việc cho ứng viên
Việc một nhà tuyển dụng không thể cung cấp những thông tin chính về vị trí công việc, chính sách công ty khi ứng viên đặt câu hỏi là một sai lầm vô cùng tệ hại. Ứng viên có thể không biết về vị trí họ ứng tuyển nhưng nhà tuyển dụng thì tuyệt đối không được như vậy. Điều đó sẽ khiến cho ứng viên đánh giá không hay về nhà tuyển dụng và cả công ty. Vì thế, đừng bao giờ mắc phải sai lầm này nhé nhà tuyển dụng.
Không để cho ứng viên nói
Nhiệm vụ của nhà tuyển dụng là đặt câu hỏi cho ứng viên trả lời và trả lời những câu hỏi của ứng viên về vị trí công việc, chính sách của công ty. Tuy nhiên, khi ngồi ở vị trí của nhà tuyển dụng bạn hãy cân nhắc mọi câu lỏi, trả lời của mình với ứng viên, không nên nói quá nhiều, nói liên thuyên về công ty và không để cho ứng viên có cơ hội được mở lời. Nếu như vậy cuối buổi phỏng vấn bạn sẽ khó để chọn ra được ứng viên nào xuất sắc vào vòng phỏng vấn tiếp theo hoặc phù hợp với công việc.
Tuyển dụng theo cảm tính
Tuyển dụng là để chọn người tài, phù hợp với công việc về phục vụ cho công ty, doanh nghiệp chứ không phải chọn người nói chuyện hay, hợp với bất kỳ ai. Vì vậy, trong quá trình phỏng vấn ứng viên nhà tuyển dụng phải đặt mình ở thế trung lập, không bị cuốn theo câu chuyện của ứng viên hay cảm thấy ứng viên nói chuyện hợp với mình rồi chọn. Làm như vậy, vô tình bạn chọn người hợp với mình chứ không phải chọn người hợp với công việc.
Thoả thuận hợp đồng rõ ràng
Phần kết của quy trình tuyển dụng nhân sự là thoả thuận hợp đồng. Thoả thuận hợp đồng là bước cuối cùng quyết định ứng viên có đồng ý làm việc cho công ty hay không và công ty có chấp nhận với những yêu cầu mà ứng viên đưa ra. Đây có lẽ là phần nhạy cảm nhất nên cả nhà tuyển dụng và ứng viên đều để lại sau cùng, tuy nhiên nhà tuyển dụng không được phép quên phần này cho dù ứng viên không hỏi tới. Hãy nói rõ mức lương thưởng, những chính sách của công ty mà nhân viên được hưởng một cách rõ ràng nhất trước khi ký hợp đồng.
Chuẩn bị thời gian thử việc cho nhân sự mới
Khi quyết định tuyển dụng nhân sự, nghĩa là chắc chắn sẽ có nhân viên mới về làm việc. Vì vậy, trong quy trình tuyển dụng nhân sự ngoài việc lên kế hoạch nhận hồ sơ, lịch phỏng vấn đừng quên việc chuẩn bị thời gian thử việc cho nhân mới thật chu toàn. Đừng để “ma mới” lạc lõng trong thế giới mới.
Hãy chuẩn bị đầy đủ mọi điều cần thiết cho việc tuyển dụng nhân sự, nếu có thể hãy lên kế hoạch thật chi tiết những thứ cần thiết cho quy trình này, đừng để những sai lầm ngớ ngẫn làm hỏng cả quá trình tuyển dụng của bạn. Chúc bạn sẽ chọn được những ứng viên xuất sắc nhất cho công việc.