Cũng như những bậc phụ huynh nghiêm khắc luôn muốn áp đặt các điều kiện khắt khe cho con cái với mong muốn chúng sẽ thành công trong tương lai, các ông chủ hay nhà quản lý nghiêm khắc vì quá đam mê, tâm huyết với doanh nghiệp, ấp ủ nhiều kỳ vọng cho “đứa con tinh thần” do mình sinh ra, cũng thường áp đặt một cách chủ quan nhiều nguyên tắc khắt khe đối với nhân viên trong thời gian họ làm việc tại công sở.
Những ông chủ như thế sẵn sàng bỏ qua những lời ta thán của nhân viên về các nguyên tắc do mình đặt ra vì họ không muốn “con tàu” của mình đi lệch quỹ đạo. Họ quan niệm rằng những nguyên tắc ấy sẽ khiến cho nhân viên làm việc hiệu quả. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng thực tế các nội quy khắt khe tại công sở áp đặt cho nhân viên có thể gây ra tác dụng ngược lại.
Mới đây, Tiến sĩ Travis Bradberry, Chủ tịch của TalentSmart đã cảnh báo trên diễn đàn dành cho những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội LinkedIn (LinkedIn Influencer) rằng mặc dù các sếp có thể đặt ra các quy định, nguyên tắc với ý định tốt đẹp ban đầu, nhưng những nguyên tắc quá nghiêm ngặt ấy có thể khiến cho nhân viên làm việc kém hiệu quả hơn.
“Khi công ty của tôi phát triển, chúng tôi cũng gặp khó khăn trong việc duy trì các chuẩn mực, nguyên tắc ở công sở. Đã xảy ra khá nhiều trường hợp khi một nhân viên vi phạm một giới hạn nào đó thì chúng tôi phản ứng lại bằng cách đặt ra một quy định mới áp dụng cho tất cả nhân viên còn lại. Nhưng trong hầu hết các trường hợp, chúng tôi nhận ra rằng càng giám sát chặt chẽ mọi hoạt động của nhân viên bằng những nguyên tắc mới thì điều đó lại càng làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn và tinh thần làm việc của toàn thể nhân viên ngày càng suy giảm.
Tôi cho rằng, những vấn đề như vậy chỉ nên được giải quyết giữa nhân viên có hành vi chưa đúng và nhà quản lý trực tiếp của nhân viên ấy”, Bradberry chia sẻ. Bradberry cảnh báo các doanh nghiệp không nên áp dụng những chính sách công sở sau đây có thể làm suy giảm tinh thần và hiệu quả làm việc của nhân viên.
1. Cấm nhân viên truy cập vào các mạng truyền thông xã hội trong giờ làm việc
Nhân viên không được sử dụng Facebook khi đang làm việc. Nguyên tắc này nghe có vẻ đơn giản và hợp lý, nhưng Bradberry cho rằng việc hạn chế truy cập vào các mạng truyền thông xã hội thực tế có thể làm suy giảm hiệu quả làm việc của nhân viên vì khiến họ cảm thấy khó chịu (họ có thể cảm thấy không được đối xử như những người lớn). Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy những đợt thư giãn ngắn bằng cách “lướt web” giúp nhân viên tái tạo năng lượng cho não bộ và cải thiện năng suất lao động.
Bradberry cũng chỉ ra một điểm “lợi bất cập hại” khác khi áp đặt một số nội quy công sở: “Nhiều công ty hạn chế nhân viên sử dụng internet trong giờ làm việc quá mức khiến cho họ gặp khó khăn trong việc thực hiện các nghiên cứu trực tuyến. Ví dụ điển hình nhất là trường hợp nhân viên bộ phận nhân sự cần kiểm tra trang cá nhân trên Facebook của một ứng viên vừa tham dự phỏng vấn”.
2. Đánh giá, xếp hạng nhân viên theo cơ cấu bắt buộc. Nhân viên thường cảm thấy bất mãn với thực tế này
Có nghĩa là trong một nhóm, bắt buộc phải có người giỏi nhất và người dở nhất. Đây còn được gọi là cách đánh giá theo mô hình “tháp chuông”. “Khi áp đặt nhân viên vào một hệ thống đánh giá, xếp hạng có cơ cấu trước như thế, các nhà quản lý đang làm ba việc: (1) đánh giá sai hiệu quả làm việc của nhân viên, (2) làm cho mỗi nhân viên có cảm giác họ chỉ là một con số, (3) tạo cho nhân viên tâm lý bất an và bất mãn vì một số nhân viên bị buộc phải xếp vào các thứ hạng thấp theo mô hình nói trên sẽ lo sợ bị sa thải.
Đây chính là một ví dụ của một chính sách “lười biếng” vì đã bỏ qua việc đánh giá hiệu quả làm việc của nhân viên một cách nghiêm túc và khách quan, dựa trên những thành tích thực tế mà họ đạt được”, Bradberry giải thích.
3. Áp đặt các quy định về trang phục hay “chính sách bàn làm việc”
Tất nhiên nhà quản lý nên lên tiếng khi có một nhân viên nào đó đi làm với chiếc quần ngắn và đôi dép lê hoặc trưng bày hình ảnh của Rafael Nadal với một nửa phần thân trên để trần trên bàn làm việc. Nhưng Bradberry cho rằng phản ứng với những sở thích này bằng cách đưa ra những quy định có tính áp đặt lên toàn thể nhân viên, làm hạn chế quyền được tự thể hiện mình của họ không phải là một điều tốt.
“Khi một nhân viên nào đó đi quá giới hạn, sếp trực tiếp của nhân viên ấy cần phải có kỹ năng để giải quyết vấn đề trực tiếp với anh ta. Nếu không, sếp sẽ khiến cho các nhân viên còn lại cảm thấy bất mãn và nuôi ý tưởng chuyển sang làm việc ở nơi khác vì họ cảm thấy rằng sếp không có khả năng giải quyết các vấn đề nhạy cảm một cách hiệu quả và hợp lý”, Bradberry cảnh báo.