Chúng ta có thể học được nhiều bài học với những gì xảy ra trên đất nước họ trong thời gian dịch bệnh: họ đã phản ứng chống lại dịch bệnh như thế nào, và với những biện pháp gì để họ có thể tiến đến ổn định dịch bệnh, tiến đến “bình thường mới” cuộc sống.
Về cơ bản, chúng ta có thể nhìn thế giới của đại dịch hiện nay trong 2 tình huống:
Thế giới của các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao và thế giới của các quốc gia có mức độ tiêm chủng thấp trong dân số của họ.Tiêm chủng cao trong thời điểm này, ta tạm thời xem là mức chủng ngừa đã đạt tối thiểu trên dưới ngưỡng 50% dân số với đầy đủ hai liều tiêm chủng.
Ở đây, ta thấy trong lúc này đã có nhiều nước đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao, nhưng trong điều kiện giới hạn của thời gian, tôi xin tập trung chỉ trình bày về diễn tiến dịch bệnh COVID-19 ở hai nước Anh và Đức. Hai quốc gia, mà tôi nghĩ, chúng ta có thể học được nhiều bài học với những gì xảy ra trên đất nước họ trong thời gian dịch bệnh: họ đã phản ứng chống lại dịch bệnh như thế nào, và với những biện pháp gì để họ có thể tiến đến ổn định dịch bệnh, tiến đến “bình thường mới” cuộc sống.
Diễn tiến dịch bệnh Covid-19 tại các quốc gia tiêm chủng cao
Trước hết tôi xin nói về:
NƯỚC ANH. Kể từ thứ hai, đầu tuần qua, ngày 19.07.2021 đã thả lỏng gần như tất cả các biện pháp cơ bản chống lại lây nhiễm của COVID-19, giử khoảng cách, mang khẩu trang là tự nguyện ở nhiều nơi, và các câu lạc bộ cũng đã mở cửa trở lại (dpa). Scotland, Wales và Bắc Ireland đang có những biện pháp riêng và thận trọng hơn. Hiện nay số người mới mắc bệnh tăng nhanh ở Anh phần lớn là dưới ảnh hưởng lây nhiễm của biến thể delta, đặc biệt sau những lần tụ họp đông người quá mức, trong những trận đấu bán và chung kết giải bóng đá Châu Âu tổ chức tại đây. Cao điểm của lây nhiễm ghi nhận vào ngày 17.7.2021 có 50.250 ca lây nhiễm mới mắc, số ca cập nhập cho ngày hôm nay 25.7.21 là đã giảm xuống 24.913 ca và tử vong vẫn ở mức thấp là 26 trường hợp. Số liệu chủng ngừa ghi nhận vào ngày 25.7.2021 là 55.7% đã có tiêm chủng hai liều đầy đủ, và 69.9% đã có tiêm một liều. Phần lớn thành phần mới nhiễm là giới trẻ và một phần là tái nhiễm COVID-19 ở người đã có chủng ngừa. Chính phủ Anh tin tưởng vào hiệu quả của việc tiêm chủng và sức đề kháng tự nhiên ở người trẻ tuổi chưa được chủng ngừa (1). Nhiều nghiên cứu (2) trên thực tế cũng đã chứng minh rằng tử vong ở thành phần người trẻ là rất thấp (0,01-0,4%).
Diễn tiến dịch bệnh COVID-19 hiện nay tại Anh:
Dịch vẫn phát triển, một phần cũng là thả lỏng những biện pháp phòng chống Corona tạo thuận lợi cho số ca lây nhiễm tăng cao bởi sức lây lan nhanh của biến thể delta, nhưng tử vong và số ca nhập viện điều trị nhờ vào tác dụng bảo vệ hiệu quả của thuốc chủng ngừa vẫn còn trong vòng ổn định.
Hành động của chính phủ Anh trong lúc này như thế nào?
- Tiến hành nhanh công tác chủng ngừa cho những thành phần chưa chủng ngừa còn lại
- Thả lỏng các biện pháp phòng chống COVID-19 bao lâu không có dấu hiệu quá tải chăm sóc về y tế
- Học cách sống chung với vi rút, nhanh chóng trở lại cuộc sống sinh hoạt xã hội bình thường. Nhưng đây là điều không hoàn toàn đơn giản. Hiện nay, trong tình trạng thả lỏng những biện pháp cơ bản phòng chống COVID-19, nên có rất nhiều người ở Anh hiện đang bị nhiễm corona vi rút vì càng ngày càng có nhiều người tiếp xúc với nó. Hàng triệu người Anh phải tự cô lập, cách ly tại nhà, do đó nhiều công việc trong đời sống công cộng bị đình trệ vì không có người làm. Do sự thiếu hụt nhân sự lớn trong nhiều lĩnh vực, chính phủ Anh đã nới lỏng các quy tắc cách ly corona đối với nhiều nhóm chuyên nghiệp khác. Ở Anh, lái tàu, quan chức biên giới hoặc nhân viên cứu hỏa đã tiếp xúc với những người bị nhiễm corona, hiện được phép tự kiểm tra hàng ngày thay vì phải đi kiểm dịch. Ban đầu, những quy tắc đặc biệt này chỉ áp dụng cho nhân viên của cơ quan y tế và bây giờ là cả cho nhân viên của cung cấp thực phẩm. Chính phủ Anh dự định vào giữa tháng 8, các quy tắc kiểm dịch ở Anh sẽ được nới lỏng cho tất cả những người đã được tiêm chủng đầy đủ (theo báo Tagesspiegel của Đức) (3).
- Một trong những công trình nghiên cứu nỗi bật của nước Anh (UK Consortium, qua hiệp hội các nhà khoa học và cơ quan y tế Vương quốc Anh) là liên tục thử nghiệm và giải trình tự toàn bộ bộ gen Corona vi-rút trong một quy mô lớn, rất quan trọng trong việc theo dõi và đánh giá kịp thời mức độ nghiêm trọng của những đột biến vi-rút mới. Cũng như việc ghi lại tình trạng tiêm chủng trong sổ đăng ký tiêm chủng quốc gia cho phép hồi cứu phân tích chính xác tình hình phát triển dịch bệnh cũng như hiệu quả của tiêm chủng (4).
- Thúc đẩy nghiên cứu và sản xuất thuốc chủng ngừa COVID-19 (ChAdOx1 nCoV-19, AstraZeneca)
Và bây giờ tôi xin được nói về:
NƯỚC ĐỨC. Đức có diện tích đất đai và dân số gần như là tương tự với Việt Nam. Khởi đầu dịch bệnh COVID-19 cũng vào tuần lễ thứ ba của tháng hai như Việt Nam. Con số người nhiễm bệnh cho đến ngày 23.7.2021 là 3.76 triệu, tử vong đợt 1 gần 10.000 ca và đợt 2 trên 80.000 ca (lây nhiễm chủ yếu trong đại dịch đợt 2 là biến thể Alpha từ Anh). Tình hình chủng ngừa cho dân chúng đến ngày 23.7.2021: 48.6% đã tiêm chủng đầy đủ hai liều và 60.7% đã tiêm chủng một liều (vắc xin dùng chủ yếu là của AstraZeneca, Biontech & Pfizer và Moderna), 39.3% vẫn còn chưa được tiêm chủng (thành phần này bao gồm người chưa được tiêm chủng, thành phần cự tuyệt tiêm chủng, một phần trẻ dưới vị thành niên và trẻ em dưới 12 tuổi). Khác với nước Anh, cùng đồng hành với việc thực hiện những quy tắc đã biết – giảm tiếp xúc, giữ khoảng cách ít nhất 1,5 mét, thực hiện các đề nghị kiểm tra, tuân thủ các quy tắc vệ sinh, đặc biệt là trong phòng kín đeo khẩu trang và thông gió (nói chung cũng tương tự như khuyến cáo 5K của Bộ Y Tế Việt Nam), nước Đức đã ngăn chặn sự lây truyền và làm chậm sự lây lan của COVID-19, số ca lây nhiễm mới vào ngày 23.7.2021, cách đây hai ngày là 2.089 người, tỷ lệ mắc bệnh cập nhật trong 7 ngày cuối là 13.2/100.000 dân, tử vong trong ngày 9 người. Dầu vậy, tình hình cho thấy những ca lây nhiễm mới trong ngày đang tăng dần dưới ảnh hưởng lây nhiễm mạnh của biến thể Delta.
Đặc điểm của tiến triển dịch bệnh COVID-19 tại Đức:
Không thả lỏng những biện pháp cơ bản phòng chống Corona, số ca lây nhiễm tăng chậm, nhưng trong những ngày gần đây có khuynh hướng tăng nhanh trở lại, cho thấy biến thể delta đang dần chiếm ưu thế tại đây. Tử vong và số ca nhập viện điều trị nhờ vào tác dụng bảo vệ hiệu quả của thuốc chủng ngừa vẫn còn trong vòng ổn định.
Mục tiêu cho thời gian sắp đến: đặc biệt là với sự chiếm ưu thế lây nhiễm ngày càng tăng của biến thể Delta, chiến dịch tiêm chủng cần được tiếp tục với cường độ cao cho đến khi ít nhất 85% người từ 12 – 59 tuổi hoặc 90% người 60 và trên 60 tuổi được tiêm chủng COVID-19 đầy đủ (18). Hiện nay con số tiêm chủng đầy đủ hai liều cho người cao tuổi (trên 60 tuổi) ở Đức là đã đạt được 80%. Điều này có nghĩa là 20%, tính ra số là khoảng 5 triệu người chưa được chủng ngừa, một con số, nếu để bị lây nhiễm lan rộng bắt chụp vẫn có thể mang đến tình trạng quá tải cho một nước có chăm sóc y tế hùng mạnh như nước Đức.
Như vậy, từ những trãi nghiệm của hai nước Anh, Đức ta thấy:
- Biến thể Delta lây lan rất nhanh và là mối đe dọa gây tăng tử vong khi lây nhiễm đến các nhóm người trong hệ nguy cơ (người cao tuổi, bệnh nền, suy giảm sức đề kháng).
- Điều mới là những phát hiện cho thấy ngay cả những người được tiêm chủng đầy đủ vẫn bị tái nhiễm với Corona vi-rút và biến thể của nó. Nhưng sự khác biệt rõ ràng đối với những người không được tiêm chủng là những người được tiêm chủng có bảo vệ tốt hơn khỏi bệnh nặng, trong trường hợp tái nhiễm với SARS-CoV-2. Ở đây, cũng cần phải nhắc đến là có một ít khác biệt về hiệu quả giữa thuốc chủng ngừa của Biontech & Pfizer (BNT162b2) und AstraZeneca (ChAdOx1 nCoV-19). Trong phân tích đối chứng trường hợp âm tính, hiệu quả ước tính của vắc-xin chống lại bệnh có triệu chứng với biến thể delta là khoảng 36% với một liều vắc-xin Biontech & Pfizer và khoảng 30% với một liều duy nhất của vắc-xin AstraZeneca; hiệu quả với hai liều vắc-xin Biontech % Pfizer là khoảng 88% và với hai liều vắc-xin AstraZeneca khoảng 67% (5)
- Tiêm chủng ngừa COVID-19 ưu tiên cho thành phần người dân nằm trong hệ nguy cơ (người cao tuổi trên 65 tuổi, bệnh nền, suy giảm hệ miễn dịch) là một biện pháp phòng ngừa hiệu quả cực kỳ quan trọng cho việc giảm tử vong và giảm áp lực cho nguy cơ quá tải về chăm sóc y tế
- Tử vong có liên quan đến COVID-19 ở người dưới 60 tuổi trước sau vẫn là rất thấp (2).
- Những thông báo khoa học gần đây cho thấy tiêm chủng liều thứ 3 khoảng 6 tháng sau khi được tiêm chủng đầy đủ 2 liều nhằm để bảo đảm kéo dài sức đề kháng chống lại COVID-19 có khả năng lớn là cần thiết (6).
- Có một nhu cầu bức xúc chung trong dân chúng trên nhiều quốc gia là muốn sớm trở về lại cuộc sống bình thường bởi đòi hỏi cần thiết của đời sống sinh hoạt kinh tế tối thiểu để tồn tại hoặc đời sống tâm lý gia đình và xã hội có quá nhiều xung đột không còn chịu đựng nổi bởi tình trạng tù túng của biện pháp cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội …Một vấn đề của người dân mà tôi nghĩ, ai cũng quan tâm. Nhưng với những người có trách nhiệm, nhà nước, cơ quan y tế thì đó là chuyện làm hết sức cân nhắc để một mặt bảo vệ sức khỏe người dân, nhưng mặt khác không để ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt kinh tế hàng ngày của người dân.
Diễn tiến dịch bệnh Covid-19 tại các quốc gia tiêm chủng thấp
Bây giờ, tôi xin đi vào thế giới của đại dịch với những quốc gia có mức độ chủng ngừa thấp: Tất nhiên ở đây có nhiều quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Tuy nhiên, trong giới hạn về thời gian, tôi muốn lấy hai quốc gia Ba Tây và Ấn Độ làm ví dụ, vì hai nước này trong một chừng mực nhất định, có thể được xem là những ví dụ tiêu biểu cho diễn tiến dịch bệnh của nhiều quốc gia khác có hoàn cảnh tương tự, và phần cuối sẽ là Việt Nam.
BA TÂY (Brazil): một quốc gia với khoảng 214 triệu dân. Một trường hợp COVID-19 đầu tiên được báo cáo vào ngày 25 tháng 2 năm 2020, ca tử vong đầu tiên vào ngày 17 tháng 3 năm 2020. Tính đến ngày 23 tháng 7 năm 2021, cách đây 2 ngày, Ba Tây đã có ghi nhận một con số kỷ lục là 19.6 triệu người nhiễm COVID-19 và 548.000 người chết có liên quan đến COVID-19. Ca mắc mới trong ngày 23.7.2021 108.732 người và con số tử vong trong ngày là 1.324 người. Nguyên nhân cho việc lây nhiễm và tử vong tăng cao là sự hoàng hành của biến thể Gamma, một đột biến của SARS coronavirus 2 (còn được gọi là Lineage P.1, 20J / 501Y.V3 hoặc biến thể B.1.1.248). Đột biến này được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 11 năm 2020 ở Manaus, Ba Tây, dễ lây lan và gây tử vong cao hơn 60% so với SARS-CoV-2 nguyên thủy (7). Cùng đồng hành thêm vào đó là biến thể alpha, du nhập từ Anh. Bên cạnh đó là một thảm kịch về xã hội, chính trị và kinh tế làm người dân không còn khả năng chống đỡ lại lây nhiễm dịch bệnh dưới ảnh hưởng của biến thể alpha và gamma. Tình hình chủng ngừa cho dân chúng đến ngày 23.7.2021: 17.5% đã tiêm chủng đầy đủ hai liều và 46.6% đã tiêm chủng một liều.
Ba Tây là một mẫu hình cho phát triển dịch bệnh tối đa không kiểm soát với một xã hội bất ổn và một nền y tế cộng đồng non yếu. Ba Tây, theo tôi, sẽ có một khuôn mẫu diễn tiến dịch bệnh tương tự khuôn mẫu của Ấn Độ. Có nghĩa là, tình hình dịch bệnh sẽ giảm dịu khi đạt tới tình trạng „miễn dịch cộng đồng“ tự nhiên (với một giá trả rất cao về sinh mạng). Và đây, cũng là thước đo của „tình đoàn kết quốc tế“ để trả lời câu hỏi „miễm dịch cộng đồng nào tới trước „ tự nhiên“ hay „chủng ngừa“?
ẤN ĐỘ: một quốc gia với khoảng 1.4 tỷ dân. Bệnh COVID19 đầu tiên được phát hiện vào ngày 30 tháng 1 năm 2020 từ một sinh viên từ Vũ Hán về trở lại quê hương Ấn. Vào ngày 17 tháng 7 năm 2020, sáu tháng sau, đã có ghi nhận 1 triệu trường hợp bị lây nhiễm. Điều này đưa Ấn Độ lên vị trí thứ ba trên toàn thế giới về số ca nhiễm SARS-CoV-2 sau Hoa Kỳ và Ba Tây. Trong năm 2020, khoảng 10 triệu người nhiễm bệnh và gần 150.000 ca tử vong do COVID-19 đã được ghi nhận. Vào tháng 9 năm 2020, số ca mắc ở Ấn Độ bắt đầu giảm và đến cuối tháng 2 năm 2021, chỉ có 13.000 ca nhiễm mới trong ngày được ghi nhận. Sau đó, một “làn sóng thứ hai” kéo đến vào ngày 1 tháng 5 năm 2021, Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới ghi nhận hơn 400.000 ca nhiễm mới trong một ngày. Trong thời điểm này, biến thể delta (B.1.617.2) của SARS-CoV-2 là đột biến ưu thế của loại coronavirus mới ở đó. Cũng trong thời điểm này, có 19 triệu người bị nhiễm và 215.000 trường hợp tử vong. Con số thực tế được ước tính gấp nhiều lần hơn vì các xét nghiệm về coronavirus tương đối không hoàn chỉnh và nhiều người bệnh chết tại nhà, không được chăm sóc y tế, đặc biệt là ở các vùng nông thôn (8).
Tính cho đến ngày nay, thì toàn bộ con số lây nhiễm ở Ấn Độ là 31.3 triệu người và số ca tử vong tích lũy là 419.000 người. Con số ca lây nhiễm trong ngày 22.7.2021 vừa qua là 35.342 người, tử vong 483 ca.
Tình hình chủng ngừa cho dân chúng đến ngày 23.7.2021: 6.7% đã tiêm chủng đầy đủ hai liều và 24.6% đã tiêm chủng một liều. Nhưng một điều đáng quan tâm là, các cuộc khảo sát trước đây ở Delhi cho thấy tỷ lệ kháng thể lần lượt là 23,5 và 33% vào tháng 7 và tháng 9 năm 2020. Tại các khu ổ chuột ở Mumbai, tỷ lệ huyết thanh những ca mắc là 54,1%, đo lường vào đầu tháng 7 năm 2020 – bên ngoài các khu ổ chuột, tỷ lệ này chỉ là 16,1% (8). Kết quả nghiên cứu của nghiên cứu Gutenberg COVID-19 của ĐHYK Mainz CHLB Đức (9) cũng cho thấy một tỷ lệ tương tự. Khám nghiệm mới nhất gần đây cho thấy 2/3 người dân Ấn Độ, gồm những người trên 6 tuổi đã từng bị nhiễm vi-rút corona (10). Điều này cho thấy con số người bị nhiễm bệnh thầm lặng (không phát hiện qua test = số đen) ở Ấn Độ so với người có test SARS-CoV-2 dương tính là cao hơn khoảng 28 lần.
Tình trạng chủng ngừa mức độ thấp như đã nêu trên và sự phát hiện kháng thể trong 2/3 dân số Ấn Độ cho thấy việc giảm lây nhiễm hiện nay không phải là kết quả của chủng ngừa mà là kết quả của số đông người dân có miễn dịch tự nhiên sau lây nhiễm COVID-19 và trở thành rào cản cho sự lây lan của corona vi-rút.
VIỆT NAM: Sau một thời gian ổn định đã đi vào đợt dịch mới, bùng phát từ nhiều nơi khác nhau trên hầu như mọi miền đất nước (11). Tin mới nhất cho thấy TP HCM hiện nay có mức độ lây nhiễm cao chưa từng có.
Từ ngày 1.7.2021, thành phố Hồ Chí Minh trung bình ghi nhận trên 1.305 ca nhiễm mỗi ngày, phần lớn trong khu cách ly, phong tỏa. Dữ liệu lây nhiễm trong ngày 24.7.2021 ở TP HCM là 5.396 ca, tổng số ca ghi nhận ở TP HCM là 55.870. Tổng số lây nhiễm trên toàn cả nước ghi nhận ngày 21.7.21 là 78.269 người, tử vong tích lũy 370 người, tử vong trong ngày 36 người. Tình hình chủng ngừa cho dân chúng đến ngày 23.7.2021 là rất thấp: 0.4% đã tiêm chủng đầy đủ hai liều và 4.3% đã tiêm chủng một liều.
Có điều gì khác biệt cơ bản của diễn tiến dịch bệnh ở Việt Nam với các nước đã nói trên?
Sự khác biệt cơ bản của diễn tiến dịch bệnh ở Việt Nam với các nước trên là đợt dịch 1 rất ít ca lây nhiễm và không có tử vong, đợt dịch 2 chủ yếu là dịch bộc phát tại Đà Nẵng với 35 ca tử vong liên quan đến COVID-19 có ghi nhận gia tăng lây nhiễm nhưng không đáng kể. Trong đợt dịch mới hiện nay, ta lại thấy có một sự tương đồng nhất định về diễn tiến dịch bệnh tại Việt Nam và các nước Anh, Đức và Ấn Độ. Sự tương đồng đó là số ca lây nhiễm tăng nhanh, nhưng tử vong thấp. Một hiện tượng chỉ có thể thấy được ở những quốc gia có mức độ chủng ngừa cao hoặc là chủng ngừa thấp nhưng có “miễn dịch cộng đồng tự nhiên“. Việc này nói lên sự kiện là chủng ngừa đã tạo ra phản ứng miễn dịch rất hiệu quả trong phòng chống COVID-19 và „miễn dịch cộng đồng tự nhiên“ cũng là rào cản hiệu quả chống lại lây nhiễm lan rộng của dịch bệnh COVID-19 (xem diễn tiến dịch bệnh tại Ấn Độ) . Nhìn vào diễn tiến dịch bệnh tại Việt Nam, chúng ta sẽ không có giải trình nào khác hơn, trong điều kiện tỷ lệ chủng ngừa cực thấp, để phải đi đến kết luận là dịch bệnh từ Vũ Hán đã qua đường khách du lịch và khách nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc đến Việt Nam rất sớm, lây nhiễm mạnh ở người trẻ không gây triệu chứng và tình trạng hiện nay có khả năng lớn là biểu hiện cho phần lớn dân số đã được miễn nhiễm(12), một tình huống mà ta cũng có thể thấy được ở Ấn Độ hiện nay. Số ca lây nhiễm trong thời gian tới sẽ vẫn tăng dưới ảnh hưởng lây nhiễm lan nhanh của biến thể Delta, trong thành phần người mới nhiễm, theo giả thuyết miễn dịch đã nêu, nhưng một phần sẽ là tình trạng tái nhiễm. Số ca nhiễm không có triệu chứng ở Việt Nam cao bất thường (70-80%) cũng có thể hiểu là một biểu hiện của tình trạng tái nhiễm. Đó cũng là một giải thích cho tử vong thấp.
Từ những nhận thức trên và dựa vào kết quả của nghiên cứu Gutenberg COVID-19 ta có thể ghi nhận một số biện pháp áp dụng cho Việt Nam trong điều kiện dịch bệnh hiện nay:
Quan trọng hàng đầu là việc tiến hành chủng ngừa sớm như có thể được, đặc biệt là trong lúc thuốc chủng ngừa chưa được cung cấp đầy đủ cho dân chúng và thấy trước là sẽ còn khó khăn lâu dài, ưu tiên cho nhóm người có nguy cơ tử vong cao (người trên 65 tuổi, bệnh nền, suy giảm chức năng hệ miễn dịch), qua đó trước mắt giảm thiểu nguy cơ quá tải chăm sóc y tế. Thống kê của nghiên cứu phân tích tổng hợp và riêng rẽ của các quốc gia cho thấy tử vong dưới 65 tuổi là 0.01-0.4% (2). Không chủng ngừa sớm thành phần có nguy cơ tử vong thì khả năng lây nhiễm lan rộng nhanh như hiện nay đến một lúc nào đó, trong thời gian gần, dịch sẽ xâm nhập được vào nhóm nguy cơ và hậu quả sẽ không còn nói trước được nữa.
Theo như phần trình bày trên, thì những con số những người bị nhiễm bệnh không có triệu chứng ở Việt Nam nhiều gấp bốn lần người bị nhiễm có triệu chứng, theo bài tính của Ấn Độ thì 28 lần nhiều hơn. Cộng thêm vào đó là sức lây nhiễm nhanh của biến thể Delta, ta cũng nên thấy một thực tế là con số lây nhiễm thật sự không còn kiểm tra được nữa. Những phát hiện lây nhiễm hàng ngày chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Vì vậy cách thức phòng ngừa dịch cũng cần thay đổi:
- Gây ý thức cao cho người dân về lây nhiễm dịch bệnh: thấy có triệu chứng bệnh thì tự ra y tế phường hay quận làm test SARS-CoV-2 (điều này nhà nước phải lo cho dân được làm miễn phí). Test dương tính thì cách ly tại nhà 14 ngày có kiểm tra qua điện thoại hay thăm viếng bất chợt của phường hay quận. Nếu vì lý do gì ngại ngùng không muốn làm test thì cũng nên tự ý thức cách ly 14 ngày ở nhà.
- Không nên cách ly người bị lây nhiễm trong cộng đồng, nếu điều kiện sinh sống trong hộ gia đình của họ cho phép (xem phần kết quả Nghiên cứu Gutenberg COVID-19). Chưa kể là ở những khu cách ly, mức độ lây nhiễm theo những báo cáo y tế gần đây, cho thấy là tăng cao hơn ngoài cộng đồng rõ rệt. Trong điều kiện hiện nay với số ca lây nhiễm càng ngày càng tăng, e rằng cũng sẽ không còn cơ sở để chứa, nhìn về mặt dịch tễ học đúng ra cách ly cũng chỉ cần thiết cho một số trường hợp nhất định, không đại trà cho F0 và F1, ví dụ như cách ly khách nhập cảnh vào Việt Nam với test SARS-CoV-2 dương tính để bảo đảm cho theo dõi kiểm dịch từ ngoài vào.
- Giãn cách xã hội chỉ cần thiết khi khả năng chăm sóc y tế có nguy cơ bị quá tải. Trên thực tế, giãn cách xã hội bao giờ cũng làm giảm tình trạng lây nhiễm cấp thời, nhưng cũng đồng thời gây nên bất ổn về đời sống kinh tế và xáo trộn nặng nề về tâm lý xã hội, đặc biệt cho nhóm người dân có thu nhập thấp.
- Do đó, trong tình hình hiện nay với diễn tiến dịch bệnh theo kịch bản 2 (11): lây nhiễm tăng, tử vong thấp và cũng chưa có dấu hiệu quá tải chăm sóc y tế, không nên kéo dài tình trạng giãn cách xã hội. Tạo điều kiện cho người dân trở về lại sớm cuộc sống thường ngày, nhưng đặc biệt phải tuyệt đối tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y Tế, những biện pháp đơn giản nhưng có hiệu quả cao (Nghiên cứu Gutenberg COVID-19 của Đại học Y Khoa Gutenberg Mainz). Cần lưu ý giữ khoảng cách tiếp xúc ngay cả trong gia đình và đặc biệt là đối với người cao tuổi.
- Cần tập trung nhân sự vào việc mở rộng công suất cho điều trị lâm sàng để chống tình trạng quá tải đến bất chợt.
- Tránh tình trạng người dân, vì nhiều lý do khác nhau, rời bỏ trung tâm dịch bệnh về lại quê nhà. Nguy cơ những người trẻ này phát tán dịch bệnh về vùng quê là một đại họa lớn. Ở đây, cần phải có biện pháp test SARS-CoV-2 kiểm tra, cách ly và kiểm dịch nghiêm ngặt. Mặc dầu chúng ta biết, khả năng kiển tra cũng sẽ là rất giới hạn.
- Đề nghị nhà nước tổ chức làm test miễn phí cho người dân tại mỗi quận. Khuyến khích người dân tự ý thức đến kiểm tra và tự cách ly tại nhà (xem phần a.). Đồng thời thực hiện test SARS-CoV-2 theo chiến lược cụm để ngăn chặn siêu lây nhiễm (superspreader).
- Để biết rõ tình trạng miễn dịch, không có cách gì khác hơn là dùng phương pháp xét nghiệm kháng thể để khảo sát, một đầu tư quá nhỏ để có thể có những biện pháp phòng chống dịch bệnh thích nghi giảm thiểu được những tổn thất về kinh tế, xáo trộn đời sống xã hội và sinh mạng người dân. Các biện pháp cách ly hiện nay có thể được nới lỏng mà không gặp rủi ro cao.
- Theo Nghiên cứu Gutenberg COVID-19 thì ảnh hưởng của đại dịch vào thu nhập của người dân nặng nề nhất là vào nhóm người có thu nhập thấp. Vì vậy, sự hỗ trợ tài chánh cho thành phần này trong những giai đoạn căng thẳng của đại dịch là cần thiết. Ở đây, cần ghi nhận hết sức trân trọng là đã có nhiều tổ chức tự nguyện dân sự từ nhiều nơi hoạt động tích cực hỗ trợ cho người nghèo trên nhiều địa phương khác nhau (13,14,15) và nhà nước cũng đã công bố những chính sách hỗ trợ tài chánh cho thành phần thu nhập thấp (16).
- Cuối cùng là một câu hỏi gợi ý để nhận định về thực tại của nền y tế trong nước và hướng vọng về một phát triển của ngành y học nước nhà trong tương lai: điều cần phải thấy là chúng ta cũng cần phải xử lý những số liệu của đất nước mình để hành động chính xác, vì vậy tôi sẽ không ngừng nghĩ để hỏi: khi nào thì chúng ta có được một nghiên cứu PHẠM NGỌC THẠCH về COVID-19? (17).
Họ tưởng tượng rằng họ được tự do, nhưng sẽ không ai được tự do chừng nào còn có dịch bệnh.
Một thế giới không có yêu thương là một thế giới chết.
Điều chúng ta học được trong thời kỳ dịch bệnh là có nhiều điều ở con người đáng ngưỡng mộ hơn là khinh miệt.
– ALBERT CAMUS
Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như cả nước Việt Nam, đang đứng trước những thử thách hết sức to lớn. Biến chủng Delta đang hoành mạnh mẽ chưa từng có, không chỉ ở Việt Nam. Thế giới đã và đang phải chịu đựng thiệt hại nhân mạng và tài sản khổng lồ từ đầu dịch đến nay.
Để hiểu tình hình Việt Nam, chúng ta cần tham khảo tình hình chống dịch ở một số quốc gia tiêu biểu với những đặc thù riêng của họ, như Anh, Đức, Israel, Brazil hay Ấn độ, hầu rút ra được một số bài học quý báu từ một cái nhìn rộng lớn hơn.
Trong trong tình huống này, chúng ta mới thấy khoa học, công nghệ có vài trò quan trọng dường nào. Cuộc chống dịch của thế giới, sau giai đoạn đầu chiến đấu bằng những phương tiện thô sơ chịu vô vàn thiệt hại, cuối cùng chuyển sang gia giai đoạn quyết liệt chiến đấu bằng công nghệ cao: Vắc xin. Tuy chưa phải là lá chắn hoàn hảo, bất khả xâm phạm, nhưng khắp nơi vắc xin đđẩy lùi SARS-CoV-2 một cách đáng kể nếu không muốn nói là quyết định trong cuộc chiến đấu, đã tạo cơ sở cho một niềm hy vọng mới, rằng nhân loại sẽ có thể trở lại một bình thường mới trong một thời gian không xa.
Hơn bao giờ hết, đại dịch covid-19 thúc đẩy Việt Nam cần nhanh chóng phát triển mạnh mẽ mảng khoa học, công nghệ và nghiên cứu, sản xuất theo những chuẩn mực thế giới. Điều này hoàn toàn nằm trong quỹ đạo của cuộc cách mạng công nghiệp còn thiếu. Sự yếu kém về mặt này sẽ làm cho quốc gia dễ bị tổn thương nhất, bên trong cũng như bên ngoài.
Diễn đàn Edu-Sci, một nhóm sinh hoạt học thuật nội bộ, có làm một buổi Họp Zoom ngày 25.7 vừa qua về đề tài nói trên. Dưới đây chúng tôi xin ghi lại ý chính của một số thành viên muốn gửi đến cộng đồng để chia sẻ, góp vào tiếng nói chung hiện nay trong cuộc chiến đấu rất cam go.
Phần đầu bàn về kinh nghiệm thế giới, và gợi ý giải pháp phòng chống Covid-19 tại Việt Nam. Phần hai bàn về những thách thức kinh tế – xã hội của VN, và gợi ý. Với những đóng góp của: Nguyễn Sĩ Huyên – Phạm Duy Thoại – Trần Quốc Hùng – Trần Hà Anh – Trần Văn Thọ – Trần Nam Bình – Huỳnh Thế Du – Nguyễn Phi Hùng – Nguyễn Minh Thọ.