Đó là những nghề nghiệp có thể nguy hiểm đến tính mạng, nhưng cho đến nay vẫn có những người còn theo đuổi hành nghề vì được trả lương cao, vì mưu sinh hoặc chỉ vì lòng nhân đạo.
Thợ đường dây
Theo CNN, thu nhập của người thợ đường dây chỉ dưới 60.000 USD mỗi năm, đổi lại, họ leo trèo khắp các đường dây điện cao thế dù trong thời tiết khắc nghiệt.
Trong khi các công nhân vệ sinh có tỷ lệ tử vong là 90/100.000 công nhân, thì những người thợ đường dây có tỷ lệ tử vong khoảng 21,5/100.000 công nhân.
Phi công rừng cây
Đối với một số người, phi công rừng cây là một nghề mơ ước. Ai lại không thích ý tưởng bay cao trên vùng đất hoang dã Alaska trong chiếc máy bay một động cơ? Nhưng chiếc máy bay đó có thể bị rơi xuống một nơi xa xôi mà nếu có sống sót thì cũng phải đối diện với gấu dữ.
Những phi công rừng cây không được trả nhiều tiền. Theo luật liên bang ở Mỹ, nếu làm tốt công việc, bạn sẽ được trả công xứng đáng, nếu không, có lẽ bạn sẽ nhận được thù lao ít hơn so với giá trị thành quả của bạn.
Đối với những người thích được bay và say mê cuộc sống ngoài thiên nhiên, nghề phi công rừng cây được xem là hấp dẫn nhất trên đời, nhưng đó cũng là một trong những nghề nguy hiểm nhất.
Theo phi công rừng cây David Skelhon, những chuyến bay ở vùng hoang dã phía bắc không có tháp kiểm soát không lưu và thường cách xa một con đường có lát nền gần nhất cũng vài dặm.
Các phi công cần vận chuyển thiết bị và tài nguyên bằng phà ra vào những vùng hẻo lánh, và những nguy hiểm mà họ phải đối diện không giống như những nguy hiểm mà các phi công bay ra vào ở các sân bay thành phố.
- Xem thêm: Những nghề nghiệp kỳ quặc nhất
Các động vật hoang dã có thể đi lang thang trên đường băng, các dự báo thời tiết không đồng nhất và không đáng tin cậy, đồng thời các đường băng thường nằm gần các trang trại, các thùng dầu và các mối nguy khác.
Do công việc có nhiều nguy cơ nên nhiều phi công chỉ phục vụ trong một vài tháng, sau đó họ đi tìm công việc an toàn hơn, chẳng hạn như thu gom rác hoặc sửa chữa đường dây điện.
Người dẫn đường lên núi Everest
Ngay cả những người leo núi cũng sẽ nói với bạn rằng leo núi là một sở thích nguy hiểm. Ngọn Everest vốn cực kỳ hiểm trở.
Mặc dù tỷ lệ tử vong chiếm 6,5%, các nhà leo núi vẫn xuất hiện ở Everest hằng năm, họ sẵn sàng trả cho ai đó một khoản tiền để giúp họ lên tới đỉnh núi. Những người nhận tiền của họ được gọi là những Sherpa (Sherpa là một dân tộc ở phía đông Nepal).
Có khoảng 21 trong số 100.000 người leo núi đã thiệt mạng. Theo Business Insider, các phi công rừng cây có tỷ lệ tử vong nhiều hơn, ở mức 287 trên 100.000 người. Tỷ lệ tử vong của các Sherpa (tính từ năm 2004 đến 2014) là 4.053/100.000 người.
Vậy tại sao họ làm việc này? Theo BBC, một Sherpa có thể kiếm được 6.700 USD mỗi mùa, gấp 10 lần mức thu nhập trung bình của người dân Nepal kiếm được trong một năm.
Lính cứu hỏa chữa cháy rừng
Việc chữa cháy ngày nay đã bớt nguy hiểm hơn ngày trước. Các trang thiết bị chữa cháy hiện đại và các quy trình an toàn đã giúp đưa tỷ lệ tử vong xuống chỉ còn 2,5/100.000.
Nếu sự thể hiện lòng dũng cảm là lựa chọn của bạn, bạn có thể theo nghề smokejumper (lính cứu hỏa nhảy dù vào đám cháy rừng).
Những smokejumper thường phải đối diện với những vụ cháy rừng khủng khiếp mà không có máy ủi, tàu chở dầu hoặc thiết bị chữa cháy công nghệ cao để giúp họ thực hiện công việc.
Theo Wired, về cơ bản, người lính smokejumper nhảy dù xuống những nơi không thể tiếp cận bằng đường bộ và sau đó họ sử dụng các dụng cụ cầm tay để cố gắng ngăn chặn ngọn lửa bành trướng.
Các smokejumper được huấn luyện bằng cách trèo vào trong một cái máy có tên là Mutilator, một thiết bị mô phỏng dù, được thiết kế để đưa người đáp xuống mặt đất từ độ cao 10m với ba tốc độ khác nhau.
Thợ hàn dưới nước
Theo Interesting Engineering, thợ hàn dưới nước làm việc trên các loại cấu trúc chẳng hạn như các con tàu, đập nước và các đường ống.
Các thợ hàn có thể phải lặn sâu với một bình dưỡng khí, điều này có nghĩa là họ không mang theo thiết bị thông tin liên lạc, không có gì kết nối với phía trên mặt nước và có nguy cơ bị mắc kẹt trong các khu vực có áp suất thật cao.
Đôi khi họ làm việc trong các “buồng khô” được thiết kế đặc biệt, nó giống như những khí cầu dưới nước và bạn đứng bên trong với các dụng cụ hàn nhiệt độ cao và hai mảnh kim loại nóng chảy.
Thợ hàn dưới nước có thể kiếm được một khoản tiền lương bằng người khác làm cả năm chỉ trong vòng vài tháng, đó là một mức lương khá cao. Đi kèm với chế độ bảo hiểm hỗ trợ cho những người thân yêu sau cái chết không đúng lúc của thợ hàn.
Những người gỡ bom mìn
Theo Công ty Truyền hình Úc (ABC), có khoảng từ 50 đến 60 quốc gia vẫn còn mìn chiến tranh bị chôn vùi trong đất. Mìn có khả năng giết bất cứ ai giẫm lên chúng, thậm chí hàng thập niên sau khi chúng được chôn xuống.
Một số người tháo dỡ mìn được tuyển dụng bởi các tổ chức nhân đạo quốc tế, nhưng một số khác thì chỉ là người dân địa phương cần có việc làm. Mìn càng lúc càng được cải tiến, và kinh nghiệm cũng không đủ bảo vệ được người tháo dỡ.
Năm 2016, một người tháo gỡ bom mìn kỳ cựu với 30 năm kinh nghiệm đã bị thiệt mạng khi cố gắng tháo một trái mìn IED ra khỏi một địa điểm ở Daquq, Iraq.
Cowboy trực thăng
Ở Úc, những chàng cao bồi (cowboy) trực thăng sử dụng máy bay trực thăng bay thấp để quây lại đàn gia súc, họ chỉ mất 1/6 thời gian so với thời trước.
Theo BBC, máy bay trực thăng “musterers” bay cực thấp sát mặt đất với tốc độ chậm; điều đó có nghĩa là không còn thời gian để phục hồi nếu có sự cố động cơ.
Và nếu những con bò chạy vào đám cây, chàng cao bồi phải tránh những chướng ngại vật. Ở Úc có khoảng 10 cowboy trực thăng chết vì công việc mỗi năm.
Những người phá tàu
Ở Bangladesh, có rất nhiều người nghèo sẽ đăng ký một trong những ngành nghề nguy hiểm nhất trên thế giới là nghề “phá tàu”, và công việc của họ là tháo dỡ tàu bằng tay. Đây là điều làm cho công việc trở nên nguy hiểm.
Theo National Geographic, các con tàu được thiết kế để chống lại mọi thứ mà đại dương có thể ném vào chúng, có nghĩa là gió, nước, băng giá và thịt người. Vì vậy, việc phá vỡ chúng rất khó khăn và ở Mỹ, quá trình loại bỏ một con tàu cũ rất tốn kém.
- Xem thêm: Ngôn ngữ bí mật của các loại nghề nghiệp
Để tiết kiệm tiền, các công ty gửi chúng đến Bangladesh hoặc Pakistan để phá hủy bởi vì ở những quốc gia này không mấy ai thực sự quan tâm đến việc người lao động thiệt mạng vì những vụ tai nạn khủng khiếp.
Nghề lấy nọc rắn
Theo Business Insider, người lấy nọc được trả tiền để loại bỏ nọc độc ra khỏi nanh những con rắn sống.
Nọc rắn độc được sử dụng để bào chế ra chất chống oxy hóa, đây là chất duy nhất trên thế giới có thể cứu người khỏi bị ảnh hưởng của rắn cắn.
Ở một số nơi trên thế giới (ví dụ như Sri Lanka), rắn cắn là một nguyên nhân phổ biến gây tử vong, đặc biệt đối với trẻ em.
Những người lấy nọc rắn cung cấp một nguyên liệu thô để làm thuốc chống nọc rắn cắn. Điều này có nghĩa là họ đã gián tiếp cứu cho hàng ngàn mạng sống.
Đa số những người lấy nọc rắn đều cần có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ sinh học hoặc một lĩnh vực liên quan, đồng thời thông tin tiền lương của họ cũng không được công bố rộng rãi.
Du mục hạt nhân
“Du mục hạt nhân” là những công nhân không có tay nghề ở Nhật Bản, thường đảm nhận những công việc nguy hiểm nhất tại những nhà máy năng lượng hạt nhân.
Họ được tuyển dụng từ các địa điểm lao động ban ngày và thông thường không được cho biết những gì họ sẽ làm trong ngày.
Theo LA Times, những công việc bất ngờ như vậy có thể bao gồm làm sạch nguồn nước phóng xạ, đổ chất thải hạt nhân vào thùng trống, hoặc đến khu vực vừa xảy ra vụ rò rỉ hạt nhân gần đây.
Sau khi công việc kết thúc, những người du mục hạt nhân bị nhiễm khoảng 96% tổng lượng bức xạ mà các công nhân hạt nhân Nhật Bản bị lây nhiễm.
Khai thác mỏ núi lửa
Những người thợ mỏ núi lửa làm việc trong núi lửa và thường không có thiết bị an toàn. Theo CNN, những người thợ mỏ núi lửa Ijen ở Đông Java, Indonesia, đi làm việc mặc áo thun, mang theo chiếc cọc và một vài cái giỏ móc trên một cây gậy.
Họ khai thác mỏ để lấy lưu huỳnh, và thường trải qua nhiều tiếng đồng hồ trong điều kiện rất độc hại, hít phải khói độc của núi lửa vì người chủ của họ không cung cấp cho họ mặt nạ lọc khí độc. Tiền công của họ tương đương 12 USD một ngày, còn thua kém cả thu nhập của nhà nông.
Mũ Trắng
Mũ Trắng là thành viên của Tổ chức Phòng vệ Dân sự Syria, là các tình nguyện viên Syria. Khi bom phát nổ toàn bộ tòa nhà và mọi người đang bỏ chạy, thì Mũ Trắng là những người quay trở lại với hy vọng tìm thấy những người sống sót.
Có 3.000 Mũ Trắng ở Syria và vào tháng 1-2017, có 145 người đã bị giết trong lúc làm nhiệm vụ. Tỷ lệ tử vong của họ là 4.833/100.000 người.
Nhưng họ vẫn tiếp tục làm việc, không phải vì khoản tiền 150 USD một tháng mà là nhờ họ, đã có hàng chục ngàn người được giải cứu tính từ năm 2012 đến nay.