Trong thập niên 1930, tuy những kỹ xảo điện ảnh ban đầu còn nhiều sơ khai so với ngày nay, nhưng cho đến bây giờ, khi xem lại những đoạn phim ngày xưa, khán giả vẫn phải thán phục trước những hiệu quả đặc biệt công phu vào thời đó.
1. Kỹ xảo Stop Action
Hiệu quả đặc biệt đầu tiên diễn ra trong đoạn phim kéo dài 18 giây của phim The Execution of Mary, Queen of Scots (năm 1895). Thư viện phim Edison chiếu đoạn nhân vật Mary (do nữ diễn viên Robert L. Thomae đóng) quỳ tại thớt xử trãm. Cô đưa cổ ra, vươn về phía trước. Tên đao phủ nâng lên chiếc rìu, hắn chặt đầu tội nhân, thủ cấp lăn trên mặt đất.
Kỹ xảo phim này sử dụng một vật thay thế là một mannequin. Kỹ xảo có tên stop-action (hoạt hình tĩnh vật), thuật ngữ để chỉ một đoạn phim được tạo nên bởi những hình ảnh chụp tĩnh, rồi xử lý trên bàn dựng phim, tạo thành một đoạn phim ở trạng thái động. Khán giả xem phim không nhận biết được quá trình, chỉ thấy cảnh xử trãm diễn ra một cách liên tục. Về sau, phim King Kong (1933) cũng sử dụng lại kỹ xảo này.
2. Kỹ thuật tạo ảnh chồng ảnh
Sau khi chế tạo một camera riêng của ông, nhà làm phim người Anh George Albert Smith đã được cấp bằng sáng chế tại Anh về hiệu ứng tạo ảnh chồng lên ảnh (double exposure), nghĩa là hai hoặc nhiều ảnh được chồng lên nhau để tạo nên một ảnh mới.
Ông đã sử dụng kỹ thuật này để tạo một bóng ma trong phim The Corsican Brothers (1909) của ông. Trong phim ngắn này, hồn ma của người đàn ông xuất hiện bên người em sinh đôi của mình để cho người này thấy trước anh ta sẽ chết như thế nào trong cuộc đấu kiếm.
3. Kỹ thuật dùng mô hình
Ngày 17.3.1899, khách sạn Windsor tại thành phố New York bị cháy. Có nhiều người khách bị mắt kẹt ở tầng trên của tòa nhà, nhảy xuống bị chết hay bỏ mạng trong đám cháy dữ dội.
Một số người trượt theo những sợi thừng rơi xuống chết do ma sát quá nóng, khiến họ không thể giữ nổi sợi dây.
Tuy lính cứu hỏa đã giải cứu được một số người và tìm cách cứu những người khác nhờ triển khai các chiếc thang, nhưng ngọn lửa thiêu đốt quá nhanh khi họ muốn vươn tới tất cả các cửa sổ. Tổng cộng có 45 người chết cháy và 41 người khác bị mất tích.
Trận hỏa hoạn đã trở thành đề tài cho một phim ngắn của hãng phim Vitagraph, tựa đề The Windsor Hotel Fire (Vụ cháy khách sạn Windsor), do Albert E. Smith và J. Stewart Blackton làm đạo diễn.
Trong phim này, những nạn nhân nhỏ xíu rơi xuống từ các tòa nhà thu nhỏ được làm bằng bìa cứng, trong khi những khẩu súng phun nước đóng giả các vòi rồng cứu hỏa.
4. Nhuộm màu khung hình trên phim
Trong một số cảnh của cuốn phim đen trắng dài 12 phút năm 1903, mang tên The Great Train Robbery (Vụ cướp xe lửa vĩ đại), đạo diễn Edwin S. Porter đã nhuộm màu trên 3 khung hình với các màu đỏ và xanh lá cây để cho thấy cảnh khai hỏa một khẩu súng (Ngày xưa, muốn cho hình ảnh trên phim cử động như bình thường, máy quay phim và máy chiếu phim phải chạy với tốc độ 24 khung hình trong một giây).
Trong cảnh đầu tiên và cuối cùng của phim, thủ lĩnh bọn cướp là Justus D. Barnes chĩa súng vào máy quay phim, nhìn như thể hắn khai hỏa vào khán giả.
Trong một số bản phim được nhuộm màu, hiệu quả kỹ xảo thật ấn tượng. Khi khẩu súng khai hỏa, bóng tối chung quanh chợt lóe sáng trong chốc lát, đủ để khán giả thấy màu áo sơ mi của Barnes (màu xanh lá cây) và khăn quàng cổ (màu đỏ, với những đốm trắng). Kết quả tạo thành kỹ xảo làm tăng thêm cảm giác gây cấn.
5. Hiệu ứng Glass Shot
Kỹ thuật glass shot: cảnh quay được thu hình xuyên qua một tấm kính, trên tấm kính này có vẽ sẵn cảnh nền, tạo ra những cảnh ghép. Kính được đặt trước máy quay.
Đạo diễn Norman O. Dawn (1884-1975) đã tạo được 861 cảnh kỹ xảo trên phim, phần nhiều trong số đó có sử dụng phương pháp cảnh ghép. Một số tác phẩm của ông đã được liệt kê trong bộ sưu tập 164 tấm card.
Được thiết kế do chính Dawn cùng với những ghi chép và chú thích của ông, những tấm card mang những bức ảnh, tranh sơn dầu và màu nước, tranh minh họa, và bài viết giải thích. Mỗi tấm card đều có ghi ngày tháng, số thứ tự hiệu quả, tựa đề, và lời bạt của tác giả.
Trong hiệu quả số 23, ghi hình vào tháng 10.1911, giải thích ông Dawn đã tạo cảnh ghép trong phim The Black Pirate.
Ông vẫn luôn bắt đầu hiệu quả bằng cách vẽ. Khi bức vẽ hoàn thành, nó được thu hình trên mặt kính và được thêm thắt như một ảnh mờ.
Một phần của khung hình được che lại (không cho lộ sáng); vì thế hành động của các diễn viên được quay trên phần còn lại chưa bị lộ sáng này.
Kết quả hoàn tất cho thấy các diễn viên hoạt động trên nền vẽ (dạng bị mờ đi), không có biểu hiện gì cho thấy chúng được thêm vào phim; vì vậy, hai cảnh quay xem vẫn chỉ thấy như một cảnh đồng nhất.
6. Các đạo cụ điện ảnh
Không phải tất cả những kỹ xảo đều có dính líu tới máy quay phim. Những thứ khác như hiệu quả trang điểm, những hiệu quả hóa chất chẳng hạn như máy sản xuất khói, các hiệu quả về điện và các hiệu quả về âm thanh.
Thuật ngữ đạo cụ (prop) là viết tắt từ chữ “property” (đồ dùng biểu diễn), nói rõ hơn là tất cả vật dụng trong điện ảnh hay trong nhà hát mà các diễn viên sẽ sử dụng khi họ diễn xuất.
Việc sử dụng các đạo cụ nhà hát bị xem như lỗi thời. Các đạo cụ điện ảnh đã được giới thiệu từ những ngày đầu của nghệ thuật thứ bảy.
Những ví dụ nổi bật là các đạo cụ mà đạo diễn Mack Sennett đã vận dụng trong các phim Keystone Kops sản xuất từ năm 1912 đến năm 1917, bao gồm “những viên gạch bằng cao su, những cột điện báo bị gẫy sụp, những ngôi nhà giả, những vụ đụng xe hơi,” và “một xe tuần tiễu đặc biệt.”
7. Quy trình Schufftan
Quy trình Schufftan (Schufftan Process) là một kỹ xảo điện ảnh mang tên nhà phát minh người Đức Eugen Schüfftan (1893-1977). Trong bộ phim Metropolis dài 2 giờ 33 phút năm 1927, đạo diễn Fritz Lang đã sử dụng quy trình Schufftan.
Kỹ xảo này yêu cầu một máy quay phim, một tấm gương phản chiếu có cả bề mặt trong suốt lẫn bề mặt phản chiếu (phần này đã được tách ra), một mô hình tỷ lệ hoặc một bức tranh mờ, và các diễn viên đang diễn xuất.
Phần phản chiếu của gương và phần trong suốt của nó được bố trí ở góc nằm giữa camera và chuỗi các hành động. Phần phản chiếu của gương phản ảnh vật mẫu (hoặc bức vẽ), camera sẽ thu hình nó.
Cùng lúc, camera cũng thu hình cảnh diễn trên phim, được thấy thông qua bề mặt trong suốt của tấm kính. Kết quả: mô hình (hoặc bức tranh vẽ) được kết hợp với các diễn xuất trong phim thành một đoạn phim đồng nhất liền lạc thật sinh động.
8. Kỹ xảo Rear Projection
Ngày nay kỹ xảo rear projection (phóng hình từ phía sau) đã được sử dụng trong nhiều bộ phim. Thậm chí nó còn xuất hiện trên những bản tin thời tiết hàng ngày trên truyền hình. Tác động rất ấn tượng và đã xuất hiện trong một số bộ phim thuở sơ khai.
Chẳng hạn như phim King Kong (1933) đã vận dụng nhiều hiệu quả đặc biệt, bao gồm cảnh dừng, các mô hình, búp bê và phóng hình từ phía sau, đôi khi người ta vận dụng tất cả các kỹ xảo vào trong một cảnh phim.
Trong một cảnh, con Kong (khỉ đột khổng lồ) đi ngang qua màn ảnh, phía sau nó là cảnh nền. Đổi hướng, nó bước tới trước, tiến về phía camera. Để đạt được thành quả này, phải sử dụng hai camera. Một camera quay từ phía sau, và một camera đặt phía trước cũng ghi lại các hình ảnh.
Cùng lúc, kỹ thuật quay hoạt hình dừng động (stop-motion animation) cho thấy Kong bước ngang qua màn ảnh. Các kỹ xảo, bao gồm hoạt hình ảnh dừng động, phần lớn là tác phẩm của chuyên gia kỹ xảo Willis O’Brien (1886-1962) và trợ lý của ông, Buzz Dixon.
9. Sự phối hợp
Phim The Rains Came (1939) của đạo diễn Clarence Brown được quay tại Công viên Balboa, California. Ngân sách làm phim 2,5 triệu USD. Chỉ riêng các cảnh lũ lụt và động đất, đoàn làm phim đã chi phí hết 500.000 USD, huy động 350 nhân lực và thời gian thu hình mất hơn một tháng.
Người ta xây một bồn nước chứa gần 200.000 lít nước. Cảnh quay đập nước bị bể diễn ra trong hai đêm và sử dụng 14 camera. Các cảnh lũ và mưa quay mất gần 50 ngày, tốn hết gần 124 triệu lít nước.
Đập nước là mô hình thu nhỏ; đám đông người chạy trốn cũng thế. Những bức tranh vẽ mờ kết hợp với chuỗi những hình ảnh chuyển động cho thấy nước lụt phá hủy chiếc cầu và nhấn chìm đám đông người.
Kỹ thuật phối hình động (Traveling mattes) cho phép nước dâng lên và tràn qua các không gian, nơi có những diễn viên, và đổ xuống phá hủy hết những mô hình.