Nền tảng thiết yếu của một tác phẩm nghệ thuật là thế giới hư cấu. Bất cứ sản phẩm viễn tưởng nào, bao gồm cả văn học, game, điện ảnh… cũng đòi hỏi một thế giới tưởng tượng.
Trên cái nền ấy, ngôn ngữ, nhân vật, quan cảnh, lịch sử, thần thoại hình thành, được mô tả một cách tự tin và triệt để nhất đến nỗi người đọc có thể bị lừa rằng tồn tại một thế giới như thế giới song song với thế giới thực. Làm thế nào các nhà sáng tạo thiết lập nên thế giới này?
1. Khai sinh
Nói đến thế giới viễn tưởng khổng lồ, độc giả sẽ lập tức nhớ tới những khung cảnh hoàng tráng trong những tác phẩm nổi bật như Harry Potter, Star Wars. Tuy nhiên, rất lâu trước khi Harry Potter hay Star Wars được sáng tác, cái gọi là “thế giới hư cấu” đã được biết đến.
Từ cuối những năm 1700, nhà triết học Immanuel Kant (Đức) phác họa một “thế giới đạo đức”. Lập luận thú vị nhất trong “thế giới đạo đức” của ông có lẽ là “mọi người đều có nghĩa vụ trả nợ”.
Lý giải của Kant khá mộc mạc mà tác động mạnh mẽ. “Nếu một người không có nghĩa vụ trả nợ, kết quả sẽ là một thế giới không có người cho vay”.
Sau Kant, không chỉ các nhà triết học mà còn các nhà khoa học nối tiếp nhau xây dựng các “thế giới”. Trong các “thế giới” ấy, bao gồm cả thế giới thực, họ thiết lập các quy luật vận động (tự nhiên lẫn tưởng tưởng).
Cuối thập niên 1850, khái niệm “thế giới” rời khỏi triết học và khoa học, bước vào văn học. Tác phẩm Flatland của Edwin Abbott (Anh) ra đời, được xem như một “sự lãng mạn đa chiều”.
Dù vậy, phải đến năm 1884, Flatland mới được xuất bản. Nó phần nhiều được biết đến là tác phẩm châm biếm về phong tục xã hội Anh thời Victoria.
“Thế giới” của Flatland bao gồm các chiều kích khác nhau, chứng minh khái niệm không gian, thời gian, kể câu chuyện hình vuông có thế giới hai chiều, từ đó đánh giá hệ thống phân cấp xã hội của nền văn hóa Victoria.
Nếu để ý, bạn sẽ thấy các nhà vật lý của thuyết Big Bang cũng giàu sáng tạo không kém các tác giả khoa học viễn tưởng. Luôn luôn có sự song hành, chồng chéo giữa khoa học và khoa học viễn tưởng.
Trong Space, Time and Gravitation, Arthur Eddington (Anh), nhà thiên văn và triết học thực nghiệm, nỗ lực giải thích cách di chuyển trong không gian hình cầu có thể khiến các địa điểm ở xa xuất hiện “đóng băng thời gian”.
Để giúp người đọc dễ hiểu hơn, ông đề xuất hãy đọc The New Accelerator, một truyện ngắn khoa học viễn tưởng của H.G.Wells (Anh).
Truyện ngắn này giả sử có một loại thuốc kỳ diệu có khả năng giúp người uống “sống nhanh” đến nỗi cảm thấy mọi thứ xung quanh như đứng yên.
2. Trong văn học
Nhà văn xây dựng “thế giới hư cấu” đình đám nhất trong làng văn thế giới có lẽ là J.R.R. Tolkien (Anh). Với On Fairy-Stories, ông xác định và thành công bảo vệ khái niệm “cõi khác”, tức “thế giới thứ hai”, cái tồn tại trong nghệ thuật. Trong “thế giới” ấy, mặt trời có thể không mang màu đỏ hay vàng mà là màu xanh.
Tolkien cũng tuyên bố “thế giới” này cho phép độc giả làm mới nhận thức về thực tại. Đọc, theo ông, không chỉ là giải trí mà còn là cơ hội để ngao du trong “thế giới viễn tưởng” trước khi trở về thế giới thực, lần nữa nhìn lại và tái đánh giá thực tiễn.
Và để mê hoặc độc giả, sau đó gợi mở suy nghĩ của họ về thực tiễn, “thế giới thứ hai” phải được miêu tả sao cho đáng tin cậy. Nói cách khác, nó phải như thực.
Năm 1937, The Hobbit ra mắt, là một sản phẩm hiện thực hóa khái niệm “cõi khác” của Tolkien. Phần thứ hai của The Hobbit, The Lord of the Rings cũng sớm chào đời.
Thay vì viết The Hobbit phần II như nhà xuất bản yêu cầu, Tolkien mở rộng thế giới nhỏ bé của The Hobbit thành thế giới viễn tưởng khổng lồ, nơi diễn ra cuộc chiến liên quan đến hàng trăm nhân vật.
Tất nhiên, The Lord of the Rings cũng là một thực nghiệm “cõi khác”, ở tầm vĩ mô. Trong nó, “thứ giới thứ hai” mang tên “Trung Địa”, hoàn chỉnh với đặc điểm địa lý riêng và nhiều chủng tộc chung sống, trong đó có con người, yêu tinh, người lùn (Hobbit), người lùn râu dài, ác quỷ Orc…
Để xây dựng “Trung Địa”, Tolkien mượn vô số các mảnh vụn từ chuyện cổ tích. Mỗi loài trong “Trung Địa” đều có những đặc tính và quy luật sống riêng.
Ví dụ các nàng tiên không thể lạnh lùng, thích ban thưởng cho người làm việc tốt. Ma cà rồng không thể bị tiêu diệt bằng nước thánh hay cây thánh giá mà phải bằng viên đạn bạc.
Là một giáo sư ngôn ngữ và văn học, am tường văn học dân gian, Tolkien thành công khi tạo ra một “cõi khác” bao gồm cả kiến thức về vương quốc, dòng dõi, lịch sử, thậm chí chế độ ăn uống, sở thích, cấu trúc ngôn từ.
Có thể nói ông đã tạo ra một thế giới đủ tư cách để sánh ngang với thế giới mà chúng ta đã sống. Sau The Lord of the Rings, Tolkien tiếp tục mở rộng “thế giới thứ hai” qua The Silmarillion.
Nếu bạn thắc mắc tại sao các nhà văn, triết gia, khoa học gia lại xây dựng một “thế giới khác”, câu trả lời có lẽ không có gì đặc biệt. Họ xây dựng nó vì họ muốn, hoặc đơn giản chỉ vẽ ra cho vui.
Người có óc sáng tạo luôn bị thúc ép bởi khao khát sáng tạo ra một thứ gì đó. Ngay cả khi “thứ gì đó” ấy là hoàn toàn vô thực, họ vẫn muốn nó trông giống như thực. Bởi thế cái “thế giới thứ hai” này thường được miêu tả ra sao cho “ảo” đó mà lại đáng tin cậy nhất.
3. Trong điện ảnh
Nếu Tolkien xây dựng một thế giới trong văn chương thì George Lucas (Mỹ) tái hiện cả một vũ trụ với cuộc chiến có quy mô toàn thiên hà trong loạt phim Star Wars.
Tính tới nay, vẫn chưa có tác phẩm điện ảnh nào có khả năng xây dựng “thế giới hư cấu” tuyệt vời hơn Star Wars. Yêu thích Flash Gordon, tác phẩm kỳ ảo được bấm máy bởi Mike Hodges (Anh), nhưng lại không muốn dẫm lên dấu chân của Hodges, Lucas tự mình tạo ra một thế giới hoàn toàn khác.
Trong Star Wars, ngay từ phần thứ nhất, mỗi nhân vật con người, quái thú, công trình kiến trúc đều được đặt tên và lột tả vô cùng chi tiết. Rất nhanh, Star Wars trở thành một trong ba phim có doanh thu kỷ lục, đạt 7.075 tỷ USD.
Từ nhỏ, Lucas đã đặc biệt yêu thích thể loại khoa học viễn tưởng, chìm đắm trong các thế giới tưởng tượng, ví dụ thế giới Người Đất Sét, Người Rừng trong Flash Gordon. John Carter of Mars của Edgar Rice Burroughs (Mỹ), Frank Herbert’s Dune (chương trình truyền hình) liên tục gây ấn tượng lên Lucas.
Ông khao khát tạo ra một phiên bản của riêng mình với cuộc phiêu lưu kỳ thú, hối thúc và những mối quan hệ phức tạp. Loài Wookies ra đời, cả các chủ sở hữu của người máy C-3PO và R2-D2 cũng được lột tả cặn kẽ không kém dàn nhân vật chính như Luke, Han và Leia.
Tuy nhiên, lượng nhân vật siêu khủng, siêu rõ nét này lại khiến cho bộ phim trở nên quá cồng kềnh. Lucas buộc phải cắt giảm bớt một nửa.
Dẫu vậy, ông không bỏ rơi các nhân vật của mình. Thay vì ồ ạt xuất hiện một lúc trong phần I, chúng được chia sẻ sang các phần II và III cùng nhiều phần phụ khác.
Trên con đường hoàn thành các phần tiếp theo của Star Wars, Lucas không ngừng sáng tạo những thước phim ngoài rìa để quảng bá, giải thích thêm cho sản phẩm chính.
Để giới thiệu rõ ràng về loài Wookies, ông thực hiện hẳn 3 tác phẩm truyền hình Star Wars Holiday Special (1978), Caravan of Courage: An Ewok Adventure (1984) và Ewoks: The Battle for Endor (1985).
Rồi các phần phụ lại đẻ ra các phần phụ của phần phụ, ví dụ Ewoks and Droids Adventure Hour (1985-1986). Cứ thế, “cõi khác” của Lucas ngày càng rộng và rõ nét.
Tất nhiên, tất cả các phần phụ, phụ của phụ đều nhằm một mục đích: cung cấp thêm thông tin cho phần chính, biến Star Wars thành chủ nghĩa hiện thực mới của Hollywood.
Chúng có thể hấp dẫn, được dàn dựng công phu, cũng có thể nhạt phèo, kém chất lượng. Nếu từng coi Star Wars Holiday Special, bạn sẽ thấy nó thật sự rời rạc, đáng chán, ngay cả trang phục lẫn hóa trang của diễn viên tham gia đều hết sức sơ sài.
4. Trong chương trình truyền hình
Trong thế giới chương trình truyền hình, bậc thầy xây dựng “thế giới hư cấu” là Gene Roddenberry (Mỹ) với loạt Star Trek và các sản phẩm ăn theo của nó.
Ngay từ lần đầu tiên xuất hiện (vào thập niên 1960), Star Trek đã hứa hẹn là một chương trình phác thảo “thế giới hư cấu” tuyệt vời nhất.
Lấy thuyền trưởng James T. Kirk làm trung tâm, cuộc du hành giữa các vì sao bắt đầu. Vùng không gian mới với các định luật vật lý nghịch đảo được dàn dựng công phu. Bố trí bên trong con tàu vũ trụ cũng hết sức hợp lý.
Star Trek cũng được người xem đánh giá cao bởi sự mở rộng về thế giới và người ngoài hành tinh của nó.
Trong khi phần lớn các nhân vật người ngoài hành tinh của Star Trek đều là ẩn dụ ám chỉ các quốc gia đối lập trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, một bộ phận nhỏ lại tách rời, có đặc điểm sinh lý, giải phẫu độc đáo, ngôn ngữ, lịch sử, niên đại, lịch giao phối hoàn toàn riêng biệt, ví dụ Vulcan, Klingon, Romulan.
Người hâm mộ Star Trek sẽ thuộc nằm lòng rằng loài Vulcan có máu màu xanh còn loài Klingon có máu màu hồng đậm. Vulcan chỉ giao phối mỗi 7 năm một lần còn Klingon nhiệt tình mọi lúc, mọi nơi.
Dù rất nổi bật lúc xuất hiện, với kỹ xảo tinh tế đến từng milimét hiện nay, Star Trek chỉ như một tác phẩm… giả. Mọi chi tiết, hình ảnh, phong cảnh được dựng lên đều có vẻ thiếu chân thật. Nhưng chúng ta không thể trách bởi với những gì thập niên 1960 có, nó đã là quá hoàn hảo.
Như mọi đối tượng “nghiền” khoa học viễn tưởng đòi hỏi “Tôi muốn tin”, các tác giả của “cõi khác” cũng liên tục nỗ lực để xây dựng một “thế giới thứ hai” mà người đọc sẽ tin dẫu vẫn biết nó chỉ là “ảo”.
Những nhà sáng tạo đang và sẽ tiếp tục mở ra những thế giới mới, nơi chắp cánh ước mơ trong khi vẫn liên kết độc giả với thực tại, giúp họ có cơ hội đánh giá lại thực tế cũng như làm phong phú thêm hiểu biết của mình.