Nếu phụ nữ Pháp từng đau đớn vì bị kiểm tra trinh tiết trước hôn nhân thì đàn ông Pháp cũng khốn khổ không kém. Họ bị vợ kiện ra tòa án tôn giáo vì tội… liệt dương, đòi ly hôn và lấy quyền tái hôn. Trong phiên xét xử và trước con mắt của nhiều người, họ phải công khai thể hiện “chức năng đàn ông”. Nếu thất bại, cái họ đánh mất không chỉ có người đầu ấp tay gối, mà còn là cả phẩm giá, tài sản.
Vụ ly hôn nổi tiếng nhất
Vào năm 1657, lịch sử Pháp lập hồ sơ một vụ ly hôn gây ồn ào nhất giữa hai vợ chồng hầu tước René de Cordouan và Marie de St Simon de Courtemer. Cordouan là một nhà quý tộc Pháp trẻ tuổi, nổi tiếng hào hoa, phong nhã. Anh thuộc kiểu “sinh ra đã ngậm thìa vàng”. Năm 1653, Cordouan đang ở tuổi 25 kết hôn với Marie de St Simon de Courtemer đang ở tuổi 14.
Họ là cặp vợ chồng xứng đôi vừa lứa khiến vạn người ngưỡng mộ. Thế nhưng sau 4 năm chung sống, Marie bất ngờ xuất hiện ở tòa án tôn giáo. Cô tố cáo Cordouan về tội “không làm tròn nghĩa vụ của người chồng” vì suốt cả 4 năm hôn nhân vẫn không có lần nào “lên” được, khiến cô khốn khổ như chinh phụ “chăn đơn gối chiếc” dù có chồng kề bên.
Vào thế kỷ XVII, Pháp đang ở dưới sự cai trị song hành của thể chế phong kiến và tôn giáo. Đạo Công giáo là quốc giáo, còn giáo luật Kitô giáo là quốc pháp. Giáo luật Kitô giáo quy định: người trưởng thành chỉ được phép một vợ một chồng và cấm ly hôn. Họ cũng đề ra nguyên tắc “tình dục là nghĩa vụ pháp lý”. Theo nguyên tắc này, người chồng/ người vợ có trách nhiệm thỏa mãn nhu cầu của người còn lại vì mục đích có con. Nếu người chồng không thể hoàn thành trọng trách này, anh ta vi phạm giáo luật và có khả năng bị kết tội.
- Xem thêm: Liều thuốc độc mang tên ‘im lặng’
Tại Pháp, chuyện cấm ly hôn bắt đầu từ thế kỷ XII. Bất kể vì lý do gì, các cặp vợ chồng ở đây cũng phải giữ mối quan hệ hôn nhân đến hết đời. Tuy nhiên từ thế kỷ XV trở đi, người ta lách khía cạnh “tình dục như một nghĩa vụ pháp lý”, đem chuyện phòng the ra làm lý do đòi bỏ nhau. Trong thời đại y học và hiểu biết về giới tính còn hạn chế này, đàn ông Pháp trở thành đối tượng bị tấn công. Phụ nữ Pháp chỉ cần thành công trong việc chứng minh chồng bị bất lực là được Giáo hội cho phép kết hôn với người khác vì nghĩa vụ sinh sản.
Phiên tòa trong phòng tắm
Ngay sau khi tiếp nhận yêu cầu của Marie, tòa án tôn giáo Pháp cử đội “giám định chức năng sinh sản” đến nhà Cordouan. Dù cảm thấy bị tổn thương và xúc phạm, Cordouan vẫn phải chấp nhận để họ tiến hành thủ tục đầu tiên trong quá trình ly dị. Đó là kiểm tra đối tượng không làm tròn nghĩa vụ của người chồng – bộ phận sinh dục. Đội ngũ “giám định chức năng sinh sản” bao gồm các y bác sĩ của tòa án. Họ tỉ mỉ quan sát hình dạng, màu sắc bộ phận sinh dục của Cordouan, sau đó đo đạc kích thước, ghi chép kết quả.
Kế đến, Cordouan bị kiểm tra khả năng cương cứng, xuất tinh. Nhóm giám định cũng không quên “thẩm vấn” tỉ mỉ chuyện “giường chiếu” của anh, ví dụ như quan hệ tình dục trong tư thế nào, mật độ số lần là bao nhiêu… Vì giáo luật quy định “nghĩa vụ của hôn nhân là sinh sản” nên cũng chỉ cho phép đúng một tư thế tình dục.
Nếu Cordouan thừa nhận hoặc bị chỉ chứng là từng ép vợ quan hệ trong tư thế khác, anh bị kết tội dâm ô. Tòa án cũng cắt cử nhân sự lấy lời khai của những ai sống cùng nhà với vợ chồng Cordouan. Họ ghi chép lại tất cả, đưa tài liệu vào bộ hồ sơ ly hôn.
Cordouan vượt qua cửa ải kiểm tra “khả năng đàn ông” đầu tiên, dìm Marie vào nỗi tuyệt vọng. Tuy nhiên, quý phu nhân trẻ này đã không bỏ cuộc. Cô yêu cầu tòa án thực hiện thử thách cuối cùng. Đó là để Cordouan chứng minh “khả năng đàn ông” với vợ. Phiên tòa xét xử ly hôn cuối cùng của vợ chồng Cordouan được tiến hành trong một nhà tắm địa phương.
Nhiệm vụ của Cordouan là yêu Mademoiselle trước sự chứng kiến của các quan chức tòa án, chứng tỏ anh “hoàn thành trọn vẹn nghĩa vụ của người chồng”. Nào ngờ sau nhiều giờ cố gắng, Cordouan vẫn không thể chứng minh nổi năng lực. Anh bị tòa kết án mắc tội bất lực, phải ly hôn và không được phép lấy vợ khác. Marie chiến thắng, được trả lại toàn bộ của hồi môn và có quyền tái hôn. Giáo luật Pháp còn quy định: đàn ông không biết mình bị bất lực mà kết hôn cũng là phạm pháp.
Nỗi cay đắng trọn đời
Trong thực tế, các thủ tục kiểm tra “chức năng sinh sản” của tòa án tôn giáo Pháp là phi lý và nực cười. Nó vừa không có tính chính xác, lại vừa xúc phạm danh dự, bạo hành tinh thần và thể xác. Thế nhưng để được giải thoát khỏi cuộc sống hôn nhân bất hạnh hoặc không như ý, nhiều phụ nữ Pháp vẫn lợi dụng khía cạnh giáo luật này.
Sau khi ly hôn Marie, Cordouan bị người đời chê cười, chỉ trỏ. May cho ông là vẫn có một phụ nữ không bị ảnh hưởng, đồng ý trao thân gửi phận. Bà có với ông 7 người con, sống hạnh phúc, sung sướng suốt đời.
Vào thế kỷ XVIII, Pháp lại ồn ào vì một vụ quý tộc ly hôn khác. Nạn nhân bị tố tội bất lực lần này là Hầu tước de Gesvres. Ông vẫn đang trong quá trình “thẩm định chức năng đàn ông” thì nguyên đơn đột ngột tạ thế. Thành ra tuy thoát khỏi kiếp phải công khai đời sống riêng tư, phơi bày cơ thể trần tục trước con mắt của nhiều người, nhưng Gesvres vẫn bị gán mác “gã liệt dương” suốt đời.
Năm 1789, Cách mạng Pháp nổ ra. Lực lượng tự do, dân chủ, cộng hòa lật đổ thành công ách thống trị của chế độ quân chủ chuyên chế. Phải đến tận lúc này, đàn ông Pháp mới thoát khỏi nguy cơ bị vợ bêu rếu, tố tụng vì nguyên do mất mặt nhất. Lịch sử 400 năm của “xét xử ly hôn với nguyên nhân đàn ông bị liệt dương” khép lại. Kể từ thời điểm này trở đi, nam giới Pháp được phép tự do kết hôn, ly dị và tái hôn.