Trong lâu đài của các nguyên thủ quốc gia Ả Rập bị truất phế còn cất giấu những kho báu khổng lồ. Những khối vàng chôn trong sa mạc hay lén lút gởi vào các ngân hàng Thụy Sĩ. Cuộc truy lùng vẫn còn đang tiếp diễn.
Khi tháo chạy bất ngờ, lúc quần chúng điên cuồng nổi dậy, các nhà lãnh đạo độc tài Ả Rập bỏ lại sau lưng mình những kho báu khổng lồ. Những kho báu thực sự này đôi khi vẫn còn đóng dấu tối mật. Mặc dù đã trải qua nhiều năm tháng, nhưng có một số đã được phát hiện ngay sau khi chế độ của họ bị sụp đổ.
Omar Al-Bachir
Trường hợp mới nhất là của Omar Al-Bachir, người lãnh đạo đất nước Soudan suốt 30 năm, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới Ả Rập. Ngay sau khi ông ta bị truất phế vào ngày 11.4.2019, người ta tìm thấy trong lâu đài của ông ta những chiếc vali chứa đầy 350.000 USD, 6 triệu euro và 5 triệu đông livre Soudan (khoảng 100.000 euro) và hàng trăm thùng rượu whisky thượng hạng. Sau đó, ông ta bị tống vào nhà giam, một trong những nơi nổi tiếng là hắc ám nhất nước.
- Xem thêm: Kho báu từ những đống rác
Muammar Gaddafi
Người ta nói rằng thuộc hạ của Muammar Gaddafi đã chôn hàng tấn vàng thỏi, đá quý, hàng trăm triệu USD và euro trong sa mạc Lybie trước khi ông ta bị giết chết vào tháng 10.2011. Quả vậy, vào tháng 1.2012, Chính phủ Lybie đã tìm thấy 20 tấn vàng thỏi và gần 90 triệu USD được chôn xuống đất trong ngôi biệt thự Zillah ở miền Trung của Lybie. Báo chí Lybie cũng nói nhiều về việc tìm thấy một lượng vàng thỏi lớn chôn gần thành phố Houn, cũng thuộc miền Trung Lybie.
Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào năm 2018, người cháu Ahmed Kadhaf-Al-Dam của ông ta tiết lộ bác mình để lại tiền và vàng trị giá hàng tỉ USD, nhưng đã bị người phương Tây cướp sạch! Tháng 4.2019, nhật báo Anh The Times tiết lộ: trước khi bị giết chết không lâu, Gaddafi đã gởi 30 triệu USD vào két sắt của Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma.
Ông này chối phăng, nhưng người ta đã phát hiện ra nó khi được di chuyển từ nhà ông này tại Nkandla đến Swaziland, giáp biên giới với Mozambique. Đó chỉ là một phần rất nhỏ của số tiền cất giấu ở nước ngoài. Kẻ duy nhất biết rõ bao nhiêu và ở đâu hiện là Bachir Saleh Bachir, một người rất thân cận của Gaddafi hiện đang sống tại Nam Phi. Ông này phụ trách đầu tư của Chính phủ Lybie lúc đó vào châu Phi.
Zine El-Aabidine Ben Ali
Tháng 1-2011, Zine El-Abidine Ben Ali vội vã chạy khỏi dinh Tổng thống tại Carthage, vùng ngoại ô thành phố Tunis của Tunisie để đến Ả Rập Saudi tị nạn. Một tháng sau, Ngân hàng Trung ương Tunis tuyên bố tổng số tiền tìm thấy tại dinh Tổng thống là hơn 41 triệu dinar (12,24 triệu euro). Khi đó, Đài Truyền hình quốc gia trình chiếu những tờ giấy bạc và viên kim cương cất giấu tại một chỗ bí mật của dinh Tổng thống.
Trong hầm bí mật này, người ta còn tìm thấy 1.000 đôi giày sang trọng và hơn 1.500 món nữ trang của bà Leila Trabelsi, phu nhân Tổng thống Ben Ali. Nghi ngờ về số tiền khác cất giấu ở nước ngoài vẫn còn dai dẳng đến hôm nay bởi vì, vào tháng 3.2011, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ đã tuyên bố đóng băng số tiền 60 triệu USD do Ben Ali và những kẻ thân cận gởi vào.
Ali Abdallah Saleh
Cựu Tổng thống Yemen Ali Abdallah Saleh bị lật đổ trong một cuộc cách mạng nhân dân vào cuối năm 2011, trước khi bị quân nổi dậy Houthis ám sát chết vào tháng 12 năm 2017. Năm 2015, một báo cáo của Liên Hiệp Quốc tiết lộ ông ta đã tom góp được từ 32 đến 60 tỉ USD sau 33 năm cầm quyền. Theo Ủy ban trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Saleh trấn lột các công ty dầu hỏa quốc tế, đổi lại bằng giấy phép khai thác chính thức và ăn cắp tiền tài trợ khai thác dầu hỏa của quốc tế.
- Xem thêm: Kho báu của mỗi người
Với quyền khai thác dầu hỏa đặc biệt, mỗi năm ông ta được hối lộ khoảng 2 tỉ USD kéo dài suốt 3 thập niên! Điều oái oăm là chính Saleh lại ủng hộ phiến quân Houthis theo Hồi giáo dòng Chiites chiếm lĩnh và kiểm soát thủ đô Sanaa. Số tiền này được cất giấu tại ít nhất 20 quốc gia khác nhau, bằng các loại tên giả. Ông ta còn đầu tư vào bất động sản, vàng và nhiều loại châu báu khác.
Hosni Moubarak
Cựu Tổng thống Hosni Moubarak đã gởi tại Ai Cập chỉ có 3,6 triệu livre (190.000 euro ). Đó là nội dung một bản báo cáo chính thức năm 2017; báo cáo này cũng cho biết những khó khăn lớn lao do hệ thống kế toán phức tạp mà ông ta đặt ra để cất giấu tài sản. Cộng thêm 650 triệu USD gởi ở nước ngoài, nhất là Thụy Sĩ, nơi gia đình ông ta có một trương mục trị giá 562 triệu USD. Số tiền này bị đóng băng từ năm 2011. Moubarak còn đầu tư vào bất động sản ở London, đảo Chypres và Hoa Kỳ.
Đứa con trai lớn Alaa Moubarak được giao nhiệm vụ cất giấu tiền ăn cắp công quỹ tại các “thiên đường tài chánh”. Đó là tiết lộ của Hồ sơ Panama. Sau khi Hosni Moubarak bị lật đổ vào tháng 2-2011, theo quyết định của Liên minh châu Âu (EU), số tiền do một công ty đăng ký hoạt động tại quần đảo Virgins (Anh) quản lý đã bị đóng băng. Thế nhưng tổ hợp nhà báo tiết lộ Hồ sơ Panama cho biết: hoạt động tài chánh của Alaa Moubarak vẫn còn đang tiếp tục.
Saddam Hussein
Bị quân Mỹ tấn công lật đổ chính quyền vào năm 2003, Saddam Hussein bị hành quyết năm 2006 do một phiên tòa Iraq xét xử tội chống loài người. Trong suốt 30 năm cầm quyền, ông ta luôn luôn lo sợ bị ám sát nên chẳng bao giờ ngủ liên tục 2 đêm tại cùng một nơi. Chính vì thế, Saddam Hussein đã xây cho mình 76 ngôi biệt thự sang trọng rải đều khắp cả nước