Cuối tháng 1 vừa qua (30-1), tại Hội thảo Khoa học Quốc gia “Kinh doanh bất động sản – Cơ hội và thách thức trong đà phục hồi của thị trường” diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ về gói tín dụng 50 ngàn tỉ đồng dành riêng cho phân khúc nhà ở thương mại. Gói tín dụng này sẽ có lãi suất cho vay chỉ 7%/năm trong vòng 10 năm đầu, sau đó những người vay có thể kéo dài thời gian trả nợ thêm 5-10 năm với mức lãi suất được điều chỉnh phù hợp. Trước đó, gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 30 ngàn tỉ đồng với đối tượng chủ yếu là người mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ cũng đã tăng tốc với 15 ngân hàng tham gia giải ngân, không chỉ là năm ngân hàng thương mại nhà nước như ban đầu.
Có thể nói, trong thời gian tới, dòng tiền dành cho bất động sản có nguồn gốc từ hệ thống ngân hàng sẽ cao hơn nhiều so với mức rất cao hiện nay. Con số hiện đã vượt quá 300 ngàn tỉ đồng, vượt mốc 280 ngàn tỉ đồng ở thời điểm “cực thịnh” trước khủng hoảng năm 2008. Chính vì điều này, bên cạnh sự hào hứng về một giai đoạn hồi phục, tăng tốc của thị trường, nhiều chuyên gia đã cảnh báo về những rủi ro có thể đến do nợ xấu có nguồn gốc từ cho vay bất động sản. Theo đó, thị trường bất động sản nước ta chỉ vừa thoát khỏi tình trạng đóng băng kéo dài, đà phục hồi bước đầu trong năm qua chưa thể chứng tỏ rằng mọi chuyện đã tốt đẹp. Vẫn cần có những giải pháp tiếp tục nhằm giữ cho thị trường được cân bằng, hướng đến sự phục hồi bền vững. Một khi các khoản cho vay bất động sản của thời kỳ trước đã trở thành nợ xấu nhưng không được xử lý triệt để, chỉ được khoanh nợ, đảo nợ hoặc chuyển từ nợ ngắn hạn sang dài hạn… thì sẽ trở thành mối nguy hiểm lớn sau này. Giải pháp xử lý triệt để nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản chỉ có thể là hoạt động đẩy nhanh tốc độ xử lý thông qua hình thức mua bán nợ, tạo điều kiện hơn nữa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường.
Tất nhiên, gói tín dụng 50 ngàn tỉ đồng dành cho nhà ở thương mại chưa trở thành hiện thực. Nhưng sẽ là không thừa nếu chúng ta cẩn trọng hơn với các khoản cho vay mới dành cho bất động sản. Năm 2015, dư địa để lãi suất tiếp tục giảm không còn. Không những thế, trên thị trường, các khoản vay có lãi suất thấp thường là ngắn hạn, còn các khoản vay có lãi suất cao lại có thời hạn dài, điều này đem đến rủi ro không nhỏ dành cho người vay. Mà các khoản vay bất động sản thường kéo dài hàng chục năm, nên một khi lãi suất thay đổi theo hướng tăng lên thì các khoản vay dài hạn trong lĩnh vực bất động sản sẽ trở thành gánh nặng, đầu tiên là với người đi vay mua nhà, sau đó ảnh hưởng tới thị trường bất động sản và cả nền kinh tế.
Lãi suất đang ở mức thấp hiện nay, theo các chuyên gia kinh tế, có thể không duy trì được lâu. Ngay trong nửa cuối năm nay, một mặt bằng lãi suất mới cao hơn hiện tại có thể thành hiện thực. Khi nền kinh tế tăng tốc trong một vài năm tới, lãi suất còn nhiều cơ hội để tiếp tục tăng lên. Dù đã có những tín hiệu lạc quan, nhưng chúng ta chưa thể kỳ vọng về một sự phục hồi hoàn toàn của thị trường bất động sản. Khó khăn vẫn còn nhiều, đặc biệt là nợ xấu và hàng tồn kho bất động sản. Vấn đề cần được quan tâm nhất hiện nay là nên xử lý triệt để hai vấn đề trên. Thêm một nguồn tín dụng dồi dào như gói 50 ngàn tỉ đồng được đổ vào thị trường, nếu không có sự quản lý chặt chẽ, sẽ khiến việc xử lý nợ xấu bất động sản trong tương lai càng khó khăn. Gói tín dụng 30 ngàn tỉ đồng trong đó cũng có cho vay đối với nhà ở thương mại giá rẻ vẫn chưa được giải ngân hết. Vậy nên, những gói “ngàn tỉ” nếu có sau này rất cần phải gắn liền với xử lý nợ xấu, để thị trường phát triển một cách bình thường.
Hồng Thuận (DNSGCT)