Chính sách tỷ giá phải trên cơ sở một chiến lược phát triển kinh tế phù hợp
Vấn đề điều hành tỷ giá đồng bạc Việt Nam chưa bao giờ là dễ dàng. Các nhà lãnh đạo tiền tệ của chúng ta không có nhiều khoảng trống hành động để thực hiện một tỷ giá đồng bạc thấp năng động và tích cực hơn vì lợi ích tăng trưởng kinh tế khi còn những giới hạn không thể vượt qua. Đầu tiên là giới hạn tâm lý, một cưỡng chế quen thuộc ở một nước nghèo như nước ta trên tiến trình phát triển, theo đó, mọi người đều muốn có một đồng tiền bản địa mạnh, không phải mạnh theo ý nghĩa thực chất mà mạnh theo hình thức, dựa trên con số biểu thị quan hệ tỷ giá giữa hai đồng tiền. Cưỡng chế tâm lý dẫn đến yêu cầu chính trị, yêu cầu này có thể trở thành mệnh lệnh cho Ngân hàng Trung ương. Trong đa số trường hợp vì yêu cầu này các nhà lãnh đạo kinh tế buộc phải bỏ qua những triển vọng phát triển kinh tế có thực.
Cưỡng chế thứ hai quan trọng hơn, đó là cưỡng chế từ chiến lược phát triển kinh tế. Bài học từ nhiều nước đang phát triển muốn tiến lên công nghiệp hóa cho thấy rằng, một nước chọn lựa chiến lược phát triển kinh tế dựa vào công nghiệp thay thế nhập khẩu và chú trọng vào thị trường nội địa thường có xu hướng giữ một đồng nội tệ mạnh. Có những lợi ích trước mắt biện minh cho nỗ lực này:
1. Một đồng nội tệ được đánh giá cao sẽ giúp cho các công ty, các tập đoàn kinh tế bản địa được giao sứ mệnh chính trị thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu có thể nhập khẩu máy móc thiết bị vật tư nguyên liệu… với giá rẻ hơn.
2. Trong tiến trình công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu, do thường xuyên thiếu ngoại tệ, các tập đoàn kinh tế bản địa thường phải vay nợ nước ngoài, trực tiếp hay với sự bảo lãnh của chính phủ. Khi nợ nước ngoài ngày càng tăng lên, áp lực phải duy trì một tỷ giá đồng nội tệ cao cũng ngày một mạnh hơn. Thí dụ, với một khoản nợ 10 tỉ USD, một mức giảm giá 1.000 đồng cho một USD sẽ làm phát sinh một khoản tiền bù chênh lệch lên đến 10 ngàn tỉ đồng, một con số không hề nhỏ, nhất là đối với những tập đoàn con nợ làm ăn không hiệu quả. Ngoài ra còn phải nói đến cưỡng chế liên quan đến tình trạng cán cân ngoại thương thường xuyên khiếm hụt. Một nước nhập khẩu ròng luôn có xu hướng duy trì tỷ giá đồng nội tệ cao và bị rơi vào bẫy tỷ giá cao: đồng nội tệ cao đưa đến tình trạng nhập siêu kinh niên, nhập siêu kinh niên đòi hỏi phải giữ tỷ giá đồng nội tệ cao. Đa số những nền kinh tế lâm vào tình trạng này, nếu không phải phá giá đồng nội tệ, là nhờ có những dòng ngoại tệ chuyển vào bù đắp khiếm hụt tạm thời trong cán cân thanh toán hằng năm: vốn đầu tư trực tiếp hay gián tiếp từ nước ngoài, vốn vay ODA, nguồn tiền kiều hối… Tuy nhiên, sự bù đắp tạm thời này chỉ là một chiến thuật hoãn binh, chuyển bài toán phải giải quyết từ hiện tại về tương lai mà thôi.
Mặt khác, còn có cưỡng chế phát sinh từ chính sách tiền tệ. Một nước theo đuổi lâu dài một chính sách tiền tệ thu hẹp nhằm làm giảm áp lực lạm phát gây ra bởi một chính sách tài khóa thường xuyên khiếm hụt thường buộc phải duy trì một mức lãi suất ngân hàng cao. Lãi suất nội tệ cao dẫn đến hệ quả là hỗ trợ cho một tỷ giá nội tệ cao.
Trong tình hình đó, khi chưa xảy ra trước mắt tình trạng mất cân đối cung cầu ngoại tệ lớn hoặc sụt giảm nghiêm trọng dự trữ ngoại tệ quốc gia do nhiều nguyên nhân khác nhau sẽ khó thể có quyết tâm điều chỉnh giảm tỷ giá. Tuy nhiên, là một bộ phận của chính sách tiền tệ, chính sách tỷ giá không thể chỉ phản ứng thụ động trước tình thế mà phải mang tính chất dự báo, phòng ngừa nguy cơ với tầm nhìn lâu dài, do vậy không thể không lưu ý rằng những mất cân đối vĩ mô đang tồn tại hiện nay sẽ gây ra những hậu quá khó lường trong tương lai. Quan trọng hơn, cần thấy rằng chính sách tiền tệ và công cụ tỷ giá chỉ là hàm số của chiến lược phát triển kinh tế đã lựa chọn. Chúng ta chỉ có thể có một tỷ giá mềm dẻo, năng động khi nào có một chiến lược phát triển kinh tế phù hợp cho phép một sự điều chỉnh tỷ giá tích cực vì lợi ích lâu bền của nền kinh tế quốc dân.
Huỳnh Bửu Sơn