Tuy rất nổi tiếng song lịch sử, truyền thống và thành tựu của Viện đại học lâu đời nhất thế giới Oxford còn ít người biết đến. Tạp chí trực tuyến Listverse của Anh đã cập nhật những thông tin mới nhất.
Đôi nét về Đại học Oxford
Theo Bách khoa thư mở (Wikipedia), Viện Đại học Oxford (University of Oxford), hay Đại học Oxford, là một trong những viện đại học nghiên cứu liên hợp ở Oxford, Anh. Mặc dù ngày thành lập của Đại học Oxford chưa được xác định, nhưng nhiều bằng chứng cho thấy hoạt động giảng dạy của Đại học Oxford bắt đầu từ năm 1096. Oxford là viện đại học nổi tiếng trong thế giới nói tiếng Anh và là viện đại học lâu đời thứ hai đang còn hoạt động trên thế giới hiện nay. Đại học Oxford phát triển mạnh kể từ năm 1167 khi vua Henry II ra lệnh cấm sinh viên Anh đến học tại Viện Đại học Paris của Pháp. Sau những cuộc tranh luận giữa một số học giả và cư dân Oxford năm 1209, họ chuyển đến Cambridge, phía Đông Bắc của Oxford và thành lập một hội đoàn, sau này trở thành Viện Đại học Cambridge. Hai viện đại học lâu đời này của Anh thường được gọi chung là “Oxbridge”.
Viện Đại học Oxford được tạo thành bởi nhiều cơ sở khác nhau, trong đó có 38 trường đại học thành viên và một loạt các khoa học thuật được tổ chức thành 4 phân khoa đại học.Tất cả các trường đại học này là các cơ sở tự điều hành và là một phần của viện đại học. Mỗi trường đại học tự kiểm soát việc thu nhận thành viên và có thẩm quyền đối với cấu trúc tổ chức nội bộ cũng như những hoạt động của chính mình. Là một viện đại học ở nội thị, Oxford không có khuôn viên chính. Những tòa nhà và cơ sở vật chất của viện nằm rải rác khắp trung tâm thành phố.
Đại học Oxford đứng đầu bảng xếp hạng thế giới những năm 2017, 2018, 2019 và 2020. Riêng năm 2020, theo bảng xếp hạng công bố trên trang tin Timeshighereducation thì Đại học Oxford vẫn ở top đầu với 3 tiêu chí quan trọng như số sinh viên 20.664, số sinh viên trên cán bộ giảng dạy 11,2, sinh viên quốc tế chiếm 1% và tỷ lệ nữ sinh trên nam sinh là 46:54. Tuy nổi tiếng, nhưng nhiều bí ẩn về Đại học Oxford vẫn còn được “bảo mật” như cách hoạt động, lịch sử, truyền thống và thành tựu. Đại học Oxford là nơi ra đời của một số học bổng danh tiếng, trong đó có Học bổng Clarendon hoạt động từ năm 2001 và Học bổng Rhodes trong hơn một thế kỷ qua đã giúp sinh viên ưu tú bậc sau đại học từ các nước đến học tại Oxford phát triển tài năng. Trong số những cựu sinh viên của Đại học Oxford có 27 người được giải Nobel, 26 thủ tướng Anh, và nhiều nguyên thủ quốc gia ở các nước khác.
Những tiết lộ mới về Đại học Oxford
Để thỏa mãn sự tò mò của dư luận, đầu tháng 10 vừa qua Listverse đã cập nhật những thông tin lần đầu xuất hiện về Đại học Oxford.
Nhà tuyển dụng lớn nhất ở Oxfordshire
Oxford có tới hơn 30 trường cao đẳng, thu hút rất nhiều nhân lực để đảm nhận các công việc như chăm sóc sinh viên, giảng dạy các môn học, quản lý ký túc xá, hệ thống thư viện khổng lồ, nhà xuất bản và viện bảo tàng cũng như các công việc sửa chữa và cung cấp thực phẩm… Theo thống kê của chính phủ Anh, mỗi năm Đại học Oxford đóng góp cho nền kinh tế 2,3 tỷ bảng. Với đội ngũ giảng dạy khoảng 24.000 người, có nghĩa Oxford có lượng giáo viên, nhân viên cao hơn cả sinh viên. Để so sánh, ta hãy lấy Đại học Yale làm mốc, đây là viện đại học tư thục ở New Haven, Connecticut, Mỹ, thành lập năm 1701 cũng là một trong những viện đại học lâu đời nhất ở Hoa Kỳ, chỉ sau Đại học Harvard và Đại học William & Mary nhưng cũng chỉ có khoảng 10.000 giáo viên, nhân viên.
Oxford có riêng giờ
Trong quá khứ, mỗi thị trấn khắp nước Anh có giờ địa phương riêng. Mọi người bắt đầu sử dụng giờ London từ những năm 1840 và đến năm 1880, chính phủ quyết định cả nước sẽ chuyển sang giờ London. Tuy nhiên, riêng Oxford lại không tuân theo quy tắc này. Giờ Oxford cổ (Oxford Time) chậm hơn giờ London 5 phút. Chuông trong Nhà thờ Christ vang lên mỗi đêm vào lúc 9 giờ tối, với 101 lần để nhắc nhở học sinh đi ngủ trước khi cánh cổng đóng lại. Truyền thống vẫn được duy trì đến tận ngày nay, chuông của Nhà thờ Cơ Đốc reo lúc 9:05 tối (9 giờ tối theo Giờ Oxford) là tiếng chuông cuối cùng trong ngày. Ngoài ra, các bài giảng và các sự kiện khác tại Oxford sẽ bắt đầu trước 5 phút so với giờ chính thức.
Oxford không phải là trường đại học lâu đời nhất trên thế giới
Có nhiều quan niệm cho rằng Oxford là trường đại học lâu đời nhất trên thế giới. Không đúng, chính xác là xếp thứ hai, sau Đại học Bologna của Ý. Đại học Bologna cũng là nơi đầu tiên sử dụng thuật ngữ Universalitas để chỉ học sinh và giảng viên của trường. Tuy không đứng đầu là trường cổ xưa nhất nhưng Oxford lại đạt nhiều tiêu chí đáng nể như thu hút nhiều sinh viên từ khắp mọi miền thế giới, đặc biệt là từ những gia đình dòng dõi. Bằng cấp của Oxford xác thực, hợp pháp và có giá nhất. Ngoài ra, Oxford còn được công nhận là viện nghiên cứu lâu đời nhất thế giới.
Ngoài ra, Oxford không phải là đại học có nhà xuất bản đại học lớn nhất thế giới, mà danh hiệu này thuộc về NXB Đại học Cambridge. Oxford in cuốn sách đầu tiên của mình vào năm 1478 nhưng Oxford không hoàn toàn theo đuổi việc xuất bản và in ấn mà việc này được sự đồng ý của hoàng gia vào năm 1586, thuộc về Đại học Cambridge.
Oxford là nơi có bảo tàng công cộng đầu tiên của thế giới
Bảo tàng Ashmolean của Oxford được xây dựng vào năm 1683, là tác phẩm của nhà tư tưởng khai sáng vĩ đại Elias Ashmole, người đã tặng bộ sưu tập lớn các hiện vật, sách và các đồ vật quan trọng khác của mình gồm cả xương khủng long, cho đến nhiều hiện vật mới nhất. Phải mất 26 chiếc rương lớn để chuyển tất cả từ London đến Oxford. Nó đã trở thành bảo tàng công cộng đầu tiên trên hành tinh của chúng ta.
Dùng rượu làm hình phạt
Oxford là một trong số ít các trường đại học vẫn diễn ra các bữa tối ‘chính thức’. Ngày trước, có những quy tắc rất nghiêm ngặt về điều nên và không nên làm trong bàn ăn, như bàn luận về tôn giáo hoặc chính trị, phát âm sai từ Latinh… Nếu không tuân thủ các quy tắc này sẽ bị trừng phạt. Ban đầu phạt bằng một khoản tiền nhỏ, nhưng sau chuyển từ phạt tiền sang phạt… bằng uống rượu. Lạ hơn là uống rượu từ giày của mình hoặc giày của người khác. Một kiểu phạt mang tính truyền thống kỳ lạ, nhưng lại vô hại.
Thuật ngữ ‘Soccer’ được phát minh tại Oxford
Bóng đá là môn thể thao phổ biến nhất trên trái đất, được chơi bởi hơn 200 triệu người. Nguyên thủy, nó được đặt tên vào những năm 1860 trong nỗ lực phân biệt với nhiều loại bóng đá thịnh hành vào thời điểm đó. Nó vẫn được gọi là “bóng đá” ở hầu hết các nước nói tiếng Anh. Do thuật ngữ “bóng đá” phổ biến ở Mỹ nên nhiều người cho rằng từ ‘bóng đá’ (soccer) là có nguồn gốc từ Mỹ hay chủ nghĩa Mỹ (hàm ý chỉ bản sắc chung của người Mỹ). Nhưng điều này không đúng, bởi vào thời Victoria, sinh viên tại Oxford bắt đầu thêm hậu tố “er” vào cuối các từ để tạo ra các thuật ngữ tiếng lóng như người chơi bóng bầu dục, người pha cà phê sáng hay người đốt lửa trại… (rugger từ rugby, brekker từ breakfast và bonner từ bonfire) v.v.
Đối với người Anh, bóng đá đồng đội (Association Football) hoặc đá chân hoặc bóng đá đã trở nên phổ biến từ thời Victoria và nay nó phổ biến trên toàn thế giới. Các cầu thủ ở Mỹ bắt đầu sử dụng tiếng lóng của Oxford, mặc dù không rõ lý do, còn người Anh lại không ưa từ ‘bóng đá’ vì nghĩ đó là một thứ Yank (ám chỉ Mỹ), nhưng từ này thực sự xuất phát từ Oxford.
Không được hút thuốc trong Thư viện Bodleian
Oxford có hơn một trăm thư viện, nhưng nổi tiếng nhất là thư viện Bodleian. Được thành lập vào năm 1602, đây là một trong những thư viện lâu đời nhất ở châu Âu. Vì vậy, khi vào thư viện này không được mang bất cứ thứ gì liên quan đến lửa. Theo truyền thống, khi vào phải cam kết bằng một thủ tục tuyên thệ nói to, nhưng ngày nay được thay bằng cam kết viết. Những người không phải là thành viên của hiệp hội vẫn được yêu cầu phải làm điều này. Yêu cầu này đã được dịch sang hơn một trăm ngôn ngữ để cho phép du khách nói nó bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Ngày nay nhờ có điện nên việc thắp sáng đơn giản và an toàn hơn nhưng trong quá khứ, khi nguồn sáng duy nhất là đèn lồng hoặc nến nên nguy cơ hỏa hoạn là điều khó tránh.
Thư viện Bodleian là thư viện chính của Đại học Oxford, một trong các thư viện lâu đời nhất ở châu Âu và ở Anh và là thư viện lớn thứ 2 với hơn 12 triệu đầu sách chỉ sau thư viện Anh. Tất cả các trường đại học của Đại học Oxford đều có thư viện riêng, một số đó đã được thành lập trước cả Bodleian và tất cả đều độc lập hoàn toàn với Bodleian. Tuy nhiên, họ tham gia vào OLIS (Hệ thống thông tin thư viện Oxford), danh mục liên minh trực tuyến của Thư viện Bodleian. Phần lớn tài liệu lưu trữ của thư viện đã được số hóa và đưa lên mạng để mọi người đều có thể truy cập công khai từ năm 2015.
Oxford có lực lượng cảnh sát riêng đến năm 2003
Những cảnh sát này được gọi thân mật là Bulldogs, ra đời vào năm 1829. Điều này khiến họ trở thành một trong những lực lượng cảnh sát lâu đời nhất ở Vương quốc Anh. Họ không chỉ là cảnh sát trường đại học mà còn chăm sóc sinh viên theo cách của cha mẹ. Trước những năm 1940, họ thực sự có quyền lực hợp pháp đối với học sinh tương tự như cha mẹ hoặc người giám hộ. Năm 2003, câu chuyện độc đáo của Oxford này đã bị phá bỏ sau khi một thành viên của công chúng phàn nàn. Do quá tốn kém để đào tạo theo tiêu chuẩn hiện đại nên nhà trường đã bỏ đội quân này. Tuy nhiên, lực lượng này không biến mất hoàn toàn mà được gọi là sĩ quan giám sát, vẫn quản lý kỷ luật học đường, nhưng họ không thể bắt người như hồi mới thành lập hoặc như cảnh sát quốc gia.