Trong tình hình mà các mối đe dọa khủng bố càng trở nên đa dạng thì các cơ quan an ninh buộc lòng phải tìm kiếm những phương tiện hiện đại tinh vi hơn.
Giữa thời điểm từ năm 1947 đến năm 1991, tình hình thế giới khá đơn giản. Một bên thù địchlà Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, còn phía bên kia là các nước tư bản phương Tây. Điệp viên đảm nhận trách nhiệm gián điệp, còn cảnh sát lo việc an ninh xã hội. Còn mật vụ thì có các điệp viên 2 mang và tránh đụng độ trực diện. Cảnh sát dùng những người chỉ điểm để bắt những tên côn đồ với khẩu súng trong túi áo như thanh tra Maigret.
Hiện nay, sự đe dọa trở nên đa dạng và tinh vi hơn rất nhiều. Những kẻ đầu cơ kết hợp với bọn khủng bố được thế lực ngoại bang bảo trợ. Chúng liên lạc với nhau bằng tín hiệu mã hóa và được trang bị súng tiểu liên Kalachnikov. Bù lại, cảnh sát cũng được trang bị như lính cảm tử, dựa vào trí thông minh nhân tạo và vệ tinh để theo dõi dấu vết mục tiêu. Sự đối đầu đã trở nên phức tạp và bằng công nghệ cao hơn. Bằng chứng là sự thành công của cơ quan an ninh Milipol Paris.
Ngăn chận những nguy cơ ngoài quy ước
Vũ khí hủy diệt hàng loạt (như phóng xạ, vi trùng, hóa học) là cơn ác mộng đối với các cơ quan an ninh, nhưng lại là “chiếc gươm thần” của bọn khủng bố. Sở hữu một cỗ máy hạt nhân quả là rất khó bởi vì hạt nhân đặt dưới sự giám sát quân sự nên khó tiếp cận. Còn nguồn vi khuẩn được quản lý trong các phòng thí nghiệm P4 (có khả năng gây bệnh 4, mức nguy hiểm cao nhất). Chỉ có khoảng 30 phòng thí nghiệm P4 trên thế giới (ở Pháp có 2), với mức độ an toàn tuyệt đối. Tổng hợp những tác nhân gây độc thần kinh là rất phức tạp vì có một mạng lưới kiểm soát toàn cầu về mua bán các tiền chất, các hóa chất được dùng để chế tạo. Tuy nhiên vẫn còn mối đe dọa về “bom bẩn” gây phát tán phóng xạ dưới dạng bụi mù.
Phân tích khối dữ liệu đồ sộ
Đã xa rồi cái thời mà các điệp viên phải la cà ở quầy tiếp tân của các tòa đại sứ nước ngoài để theo dõi tội phạm. Sự xuất hiện của mối đe dọa khủng bố và sự ngụy tạo trá hình trên các phương tiện thông tin truyền thông như máy điện thoại di động, mạng xã hội, các mã độc… đã làm cho những kỹ thuật theo dõi được sử dụng cho đến nay trở nên lạc hậu, lỗi thời. Vậy thì làm sao để có thể phát hiện được trong tương lai một kẻ cảm tử, kẻ “đánh bom tự sát” đang sống lén lút?
Một trong các giải pháp là khai thác “big data” (khối dữ liệu đồ sộ). “Big data” (khối dữ liệu “khủng”) này cho phép ta tập hợp những cỗ máy ghi nhớ thông tin liên quan đến mọi hành vi của tất cả mọi người. Mục đích là gì? Để biết ai làm gì, với ai, ở đâu và lúc nào? Những dữ liệu này xuất phát từ tất cả những dấu vết theo dõi trên Internet, khi trả tiền qua thẻ, khi chuyển đổi đi nơi khác… Để có được khối lượng thông tin khổng lồ này, chắc chắn là không thể thực hiện bằng bộ óc con người. Thuật toán phù thủy này, được gọi là “hộp đen” (bởi vì không một ai biết được nó hoạt động như thế nào), làm lộ ra những manh mối liên quan.
Nhìn xuyên qua tường
Ai cũng có quyền mơ ước kỹ thuật hiện đại trong vấn đề về an ninh rất nhạy cảm, chẳng hạn như “nhìn xuyên qua tường” để phân biệt kẻ khủng bố và con tin để tránh gây hại cho người bị bắt làm con tin. Giấc mơ này đã trở thành hiện thực. Các nhà nghiên cứu của phòng thí nghiệm về công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo thuộc Viện MIT (Viện kỹ thuật Massassuchetts, Hoa Kỳ) đã phát triển một phần mềm sử dụng những biến thiên của một tín hiệu wifi để nhận biết hình dạng của con người xuyên qua tường.
Xác định hình dáng và nhịp tim
Một nhóm nghiên cứu người Mỹ đã hiệu chỉnh lại một loại máy phát sóng wifi để tạo ra tần số radio. Sóng đi xuyên qua tường và dội lại khi đụng phải người, tức thì phản âm lại đi xuyên qua tường theo một hướng khác, được xử lý bằng thuật toán và hiển thị trên âm bản 3D. Tập hợp các âm bản 3D này lại sẽ tái tạo được hình dáng cử động, giúp phát hiện kẻ khủng bố. Hệ thống này phân biệt được 15 hình dạng xuyên qua tường với độ chính xác đến 90%. Hệ thống còn nhận biết nhịp tim của một người cũng như dáng đi cùng tần số hô hấp.
Chặn thông tin truyền thông
Nghe lén “theo kiểu cổ điển” kể ra cũng tốt, nhưng nếu không biết được số điện thoại thì làm sao mà nghe? Hoặc khi những kẻ khả nghi sử dụng điện thoại không khai báo thì nghe bằng cách nào? Từ năm 2003, các nhà khoa học đã tìm ra một giải pháp gọi là “IMSI-catcher” hay “Máy chặn điện thoại di động”. Máy có khả năng nghe được những tín hiệu trong một phạm vi nào đó.
Hệ thống giả ăng-ten-relais
IMSI-Catcher làm cho lọt qua được antenne-relais và cài vào giữa điện thoại di động theo dõi và ăng-ten-relais thực thụ của hệ điều hành. Điện thoại di động hoạt động bình thường và người sử dụng nó không hề hay biết. Một khi số điện thoại tiêu điểm đã được xác định thì cơ quan an ninh sẽ ghi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn và như vậy có thể điều tra được từ dữ liệu thu được từ điện thoại. Tại Pháp, kỹ thuật này đã được sử dụng từ năm 2015 để theo dõi dấu vết của anh em nhà Kouachi, thủ phạm vụ tấn công tờ tuần báo Charlie Hebdo. IMSI-Catchers trên lý thuyết chỉ dành riêng cho cảnh sát và cơ quan an ninh. Tuy nhiên, trên thị trường chợ đen vẫn có hàng lậu, nên giới tư nhân vẫn có được máy này. Tự phòng chống lại IMSI-Catcher là rất khó tuy nhiên vẫn có thể phát hiện được hành động của nó nhờ sự trợ giúp của một vài ứng dụng tải trên mạng.
Nhận dạng đối tượng
Bộ phim khoa học giả tưởng Minority Report được chiếu trên các rạp chiếu phim vào năm 2002, trong đó các nhà làm phim đã giới thiệu các camera nhận dạng được các khách hàng trong cửa hàng, đã gây ra một cú sốc kinh điển.
Hiện nay, sự nhận dạng gương mặt trở nên phổ biến hơn. Từ năm 2017, nhà ga Nord ở Paris đã được trang bị hệ thống nhận dạng gương mặt này để kiểm tra tất cả hành khách có hộ chiếu sinh trắc học. Tuy nhiên, hệ thống này cũng có thể thất bại. Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Carnegie Mellon tại Pittsburgh đã phát minh ra những cặp kính mà gọng kính gây ra tình trạng mơ tỉnh có thể đánh lừa được trí thông minh nhân tạo đang tiến hành nhận dạng. Để đối phó lại, các phòng thí nghiệm trong cơ quan an ninh đã đưa ra những công cụ khác để nhận dạng. Chẳng hạn như hệ thống Jetson của Hoa Kỳ. Hệ thống này được ưu tiên trang bị cho Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. Hệ thống sử dụng một tia laser có khả năng đo được nhịp tim của một người ở cách xa 200m. Thực vậy, nhịp đập của tim phụ thuộc vào hình dạng, kích cỡ và hướng của van tim. Như vậy, nó đặc thù cho từng người và không thể giả mạo được. Độ chính xác đến 95%.
Quan sát và bảo vệ
Những kẻ khủng bố ở trong các tòa nhà thường rất khó xác định vị trí của chúng. Cách đây khoảng 3 năm, người ta phải tung lính cảm tử thâm nhập để xác định vị trí kẻ khủng bố. Hiện nay, với các drone (máy bay điều khiển từ xa) có thể xác định chúng mà tránh được các nguy cơ. Có rất nhiều kiểu loại nhưng nổi tiếng nhất là “Black Hornet”.
Chiếc trực thăng tí hon này của Mỹ được điều khiển bằng sóng vô tuyến, chỉ dài khoảng 16cm và nặng khoảng 20g. Nó được trang bị từ 1-3 camera tùy theo kiểu. Nó có thể tự bay trong khoảng 25 phút với vân tốc 18km/giờ với bán kính hoạt động trải dài từ 2,5km đến 3km. Có khoảng 30 nước sử dụng loại này. Cuối năm 2018, nước Pháp đã mua loại Black Hornet 3 với tổng số tiền là 77 triệu euro. Phiên bản mới này có khả năng chiến đấu, được trang bị 2 camera, trong đó một cái sử dụng tia hồng ngoại. Drone đi theo sát các chiến sĩ và phát hiện trong thời gian thực xem có kẻ địch đang phục kích không.Thế giới cảnh sát rất phấn khích với loại drone này. Thực vậy, loại drone này không phát ra tiếng động có thể nghe được trong khoảng cách hàng chục mét. Nó còn là một trợ thủ đắc lực, hoàn hảo để theo dõi những kẻ khả nghi và quan sát chúng xuyên qua cửa sổ nhờ ống zoom phóng đại. Chỉ có một điểm bất tiện: một bộ kit bao gồm một trạm điều khiển và 2 máy bay tí hon có giá đến 40.000 euro.