Chị ngồi xuống đây đi, ngồi tựa lưng vào chiếc ghế đá này để nhìn ra biển, biển chiều nay đẹp dịu dàng. Từng con sóng xô dạt vào bờ, ầm ì như đang hát một bản tình ca muôn thuở.
Tôi biết chị yêu biển lắm. Tôi biết chị đã đánh rơi một mối tình trên cát để sóng cuốn trôi đi. Mất tăm, mất hút. Tôi cũng vậy. Tôi cũng đã từng đánh rơi một mối tình, à không, tôi không tự đánh rơi như chị, mà tôi bị đánh cắp. Sao, chị hỏi gì cơ? Tất nhiên rồi. Tất nhiên là tôi phải để hớ hênh thì mới bị người ta đánh cắp chứ. Sự hớ hênh đó chẳng phải do tôi, mà do cái khác biệt của cả hai chúng tôi trong phương cách giữ gìn. Dạ, tôi sẽ kể cho chị nghe, cũng như chị đã từng kể cho tôi nghe trong lá thư đầy nước mắt năm nào.
Chị uống nước đi, nước dừa đóng lon của Thailand chị ạ. Ôi, tôi thèm ghê gớm nước dừa xiêm của vùng biển quê hương, vị ngọt không thể so sánh được với bất cứ nơi nào. Dừa Malaysia nước nhiều nhưng vị hơi chua chua. Dừa Hawaii không chua nhưng lạt lạt. Chỉ có dừa quê mình, ngọt thanh thao. Dạ? Chị nói đúng đó. Mèo khen mèo dài đuôi. Mèo khen mèo lông mượt. Ồ, chị nhắc lại, tôi mới nhớ. Có những lúc tôi cũng chê mèo mình, khóc vì mèo mình không biết giữ bộ lông óng mượt nhung tơ. Tôi cũng biết mình quá nhạy cảm. Ngày ấy, chị nắm tay tôi chia sẻ một chút xót xa, một chút não lòng khi tôi bật khóc như một đứa trẻ con. Ngôi nhà của Ông Tư, bác sĩ Yersin, bị đập tan tành và thay vào đó là cái nhà khách to đùng của một bộ trong chính phủ. Lầu Ông Tư là kỷ niệm của người dân biển chúng tôi và cũng là kỷ niệm của thế giới, một thế giới của những người đã quên hết cuộc đời mình để cống hiến cho nhân loại. Lần tiếp theo sau đó, tôi cũng ứa nước mắt khi hàng cây cổ thụ có những cành lá xanh mướt giao nhau trên con đường trước trường Võ Tánh, bị đốn sạch. Người ta đốn cây để mở rộng lòng lề đường. Con đường chỉ rộng thêm bốn mét mà hàng cây xanh của tôi phải chết tức tưởi. Ôi, còn đâu những chiều tôi chạy xe qua con đường cũ, nhớ về thời học sinh mỗi buổi tan trường, đi dưới hàng cây mát rượi, áo trắng tôi bay bay cho các chàng trai Võ Tánh ngẩn ngơ thả rơi những bài thơ tình lãng mạn. Tôi đã khóc quá nhiều lần trong cuộc đời, nhưng trái tim tôi vẫn không chai sạn, chị ạ. Năm mười tám tuổi, tôi đã quấn khăn tang đến trường. Ba tôi mất ở tuổi năm mươi. Chị nói sao? Chị vẫn còn giữ bức tranh đó sao? Bức tranh tôi vẽ chân dung mình, đứng bên mộ cha, đôi mắt ướt sũng nước, bên dưới là mấy câu thơ nguệch ngoạc. Lá chưa vàng sao lá rụng hở ba? Ướt lạnh tim con đêm tối ấy nhạt nhòa.
Trong giấc miên trường ba cười bình thản, đêm dài một đời con thức hoang mang… Má tôi sống cô độc hai mươi hai năm sau đó, rồi cũng trở về cùng cát bụi. Con gái đầu lòng của tôi, niềm vui của tôi, trái tim thương yêu của tôi, cũng đã bỏ tôi mà đi trong một đêm đầy mưa gió. Hai người anh của tôi cũng lần lượt ra đi, tôi trở thành kẻ mồ côi, ngơ ngác và hoài nghi về một đấng thiêng liêng đầy quyền năng trên cao, thật cao. Lúc bấy giờ, tôi chỉ còn chồng và hai đứa con nhỏ yêu thương. Tôi rất muốn gìn giữ mái ấm của mình, bởi vì đó là những người thân yêu duy nhất còn sót lại với tôi trên đời này. Nhưng định mệnh vẫn không buông tha tôi. Một buổi tối tôi bắt gặp chồng tôi ngoại tình. Và tôi đã đau đớn từ giã anh, như từ giã một khoảng đời lận đận của mười ba năm làm vợ. Tôi đơn độc, hai tay dắt hai đứa con bé bỏng, tự đứng lên, đi lên bằng sức bật của riêng mình. Tôi đã bị bầm dập nhiều ở cuộc đời nhưng trái tim tôi vẫn đằm thắm yêu thương, vẫn hăm hở đón nhận nụ cười, với hy vọng rằng, giọt nước mắt buồn ơi, xin tạm biệt.
Và tôi đã thật sự tạm biệt những giọt nước mắt. Các con tôi ngoan, học giỏi và rất yêu mẹ. Chúng đã làm cho những cô cậu học sinh ở xứ Mỹ này nể phục. Ðiều làm cho tôi hạnh phúc nhất là chúng đã cư xử với tôi bằng tấm lòng của đứa con hiếu thảo Việt Nam. Bây giờ chúng đã có việc làm tốt, ríu rít bận bịu cho một tương lai rộng mở phía trước, nhưng không tối nào chúng quên vào phòng tôi. Ba mẹ con thường nói chuyện với nhau, ôn lại những kỷ niệm ngày xưa, trong ngôi nhà nhỏ nơi thành phố biển quê hương. Cuộc sống lận đận và những tổn thương Lê gây ra cho tôi đã mịt mù trong trí nhớ. Chị hỏi gì cơ? À, tôi mất Lê vì người đàn bà đó đã đánh cắp Lê ra khỏi đời tôi, một người đàn bà không có học, chỉ biết hát karaoke và uống bia. Còn tôi mất Huy vì tôi muốn mất. Huy rất yêu tôi, nhưng hơn ai hết, tôi hiểu mình sẽ không tìm được hạnh phúc khi sống với Huy. Tuổi thơ của tôi và Huy khác nhau, nên sự đáp ứng với mọi vấn đề trong hiện tại sẽ khác nhau. Chị biết rồi đó, tôi con nhà khá giả, lại là con gái duy nhất nên ba má cưng chiều. Tôi lại học giỏi, ngoan hiền nên thầy cô và bạn bè quý mến. Từ bé đến lớn, tôi chưa bị ba má rầy la, cũng chưa bị ai buông một lời nặng nề hay xúc phạm. Huy từ nhỏ đã bị bỏ bê, đánh đập. Ba Huy mua mấy con bò, bắt anh ngoài giờ đi học phải đi chăn bò. Mỗi trưa đi học về, lùa bò ra Cánh Ðồng Chó Ngáp, bò gặm cỏ còn anh ôm vở học bài.
Có một bữa xe nhà binh Mỹ chạy trên đường, con bò hốt hoảng băng ngang, anh vội vã lùa nó vào nhưng không kịp, xe nhà binh tránh anh nên tung vào con bò chết tươi. Chiều đó, ba anh về, xót con bò chết, đánh anh một trận nhừ tử. Ông bắt anh đứng vòng tay, ông lấy cây trụ mùng quất anh tơi tả từ vai xuống mông, đến khi cây trụ mùng gãy làm ba khúc mới thôi. Lúc đó anh hận thằng Mỹ lái xe, sao mày tránh tao làm chi để cán phải con bò, nếu mày cán chết tao thì con bò nó cũng đâu có bị đòn. Tuổi thơ của anh chỉ biết có đòn roi. Tuổi trưởng thành thì phiêu bạt nơi xứ lạ quê người. Anh đến Mỹ chỉ với một đôi sandal, một bộ đồ mặc trên người. Ban ngày đi học, ban đêm đu người tòn ten trên cao, lau chùi cửa kính của các tòa nhà nhiều tầng. Mảnh bằng tốt nghiệp đại học của anh có đầy đủ mồ hôi, máu và nước mắt. Cuộc đời anh ba chìm bảy nổi chín lênh đênh, nên điều gì đối với anh cũng là chuyện nhỏ. Thô lỗ với tôi cũng là chuyện nhỏ. Tánh tôi thì mơ mộng và nhẹ nhàng. Giọng nói của tôi, chị biết rồi đó, ai cũng bảo dịu dàng dễ thương như cô tiểu thư bên khung cửa. Người ta thường nói nhiều đến “môn đăng hộ đối” và đả phá nó. Riêng tôi, tôi cảm nhận đó là điều cần thiết. Những gia đình “môn đăng hộ đối” có cùng hoàn cảnh sống, đôi khi có cùng một nền tảng giáo dục. Cái cội rễ của một con người rất là quan trọng. Cội rễ không giống nhau, ngọn ngành cành lá sẽ khác nhau. Chị có đồng ý với tôi không?
Mặt trời lặn trên biển đẹp quá chị nhỉ? Biển San Diego nhìn về hướng tây, hoàng hôn xuống vẽ lên đường chân trời những áng mây nhiều màu rực rỡ quá phải không chị? Hai ngày nữa tôi trở về Việt Nam. Chị có ngạc nhiên không khi tôi đến thăm chị trước ngày lên đường về lại quê hương? Tất cả là do Trần, yêu cầu của Trần. Trần muốn tôi phải gặp chị cho bằng được. Chị đừng có tròn xoe mắt nhìn tôi như thế. Chị đã đánh rơi tình yêu của mình rồi vội vàng bỏ đi, không loay hoay tìm kiếm. Kiêu hãnh lắm rồi cũng hết một kiếp người. Tôi đã đưa cho Trần đọc bức tâm thư đầy ứ khổ đau của chị. Xin lỗi chị nhé, tôi không thể làm khác hơn được. Trần cần phải biết chị vẫn yêu Trần. Có thế thôi, cũng đủ cho một kiếp người. Chị nói sao? Ngày đó, chị quá lý tưởng về cuộc sống vợ chồng ư? Ðúng vậy, chị ạ. Chị cho rằng khi kết hôn là hai người hoàn toàn thuộc về nhau, sống cho nhau, sẵn sàng hy sinh tất cả vì nhau. Kết quả là chị can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng tư của Trần, khiến anh cảm thấy mất tự do và nổi loạn. Ngày đó, chị đã đổ lỗi cho cái tát tai oan nghiệt của Trần, cái tát tai đã làm cho chị quay mặt đi, bước những bước chân liêu xiêu rời xa anh mà không buồn ngó lại. Ngày chị theo gia đình đi xuất cảnh, Trần tìm đến nhà tôi, anh gục trong chiệc ghế nệm như một kẻ bại trận ngã ngựa giữa đường. Trần lẩm bẩm, vậy là hết, vậy là không còn cơ hội.
Dòng đời cứ thế trôi đi, trôi đi… Trần cũng phải sống cuộc đời của Trần. Và chị cũng phải sống cho đầy đủ cuộc đời của chị. Cho đến lúc tôi nhận bức thư của chị, tôi mới hiểu rằng, cuộc đời của Trần, của chị, tách rời ra, đã thiếu mất cái hương vị của tình yêu. Chị nói gì cơ? Sau những bon chen vất vả ở xứ người, chị nhận ra cái tát chẳng là điều gì ghê gớm ư? Chị đã nhận ra, có những lời nói như dao nhọn, đâm thủng vào tim người ta, nhức nhối gấp nhiều lần cái tát ư? Tôi nhớ có lần chị đã ước ao rằng, phải chi Lũy cứ tát chị một cái đi, chứ đừng làm tổn thương chị bằng những lời nói độc địa, chua cay. Hình như tôi đã khuyên chị, khi chị muốn chia tay với Lũy, “chị ơi, chia tay với Lũy, không khéo chị lại gặp một người khác, rồi biết đâu chừng chị sẽ ước ao, phải chi anh ấy cứ nói đi, chửi bới đi, còn thấy dễ chịu hơn là im lặng như vậy”.
Trời càng về chiều, sóng như càng mạnh hơn, phải không chị? Sẽ rất thiếu sót nếu như hôm nay tôi không kể về Trần. Trần đã lấy vợ, một cô gái còn rất trẻ. Cô ta chỉ biết tiêu xài phung phí những đồng tiền của Trần làm ra, vô tâm, vô tư và hình như cũng rất vô tình. Rút kinh nghiệm trong lần đổ vỡ với chị, Trần đối xử khá lịch lãm với vợ. Nhưng trên đời, có những hạng người, mình cư xử lịch lãm quá, họ nghĩ họ là trung tâm của vũ trụ. Cô ấy không hiểu được giá trị của Trần và của chính mình. Trần trở thành kẻ cô đơn, sống khắc khoải với một hoài niệm về quá khứ. Trần biết mỗi năm tôi về thăm Việt Nam hai lần, dù bận cách mấy Trần cũng tìm cách ghé thăm tôi, với hy vọng được nghe tôi kể về chị. Dạ? Ðúng vậy. Nếu chỉ bấy nhiêu thôi thì Trần cũng không khẩn khoản nhờ tôi đến gặp chị. Trần cũng biết chị và Trần đã có cuộc sống riêng. Không thể quay ngược lại thời gian. Không thể ôm gọn quá khứ vào lòng. Nhưng Trần tha thiết muốn gặp lại chị một lần, một lần cuối cùng, được nắm tay chị mà nói lời xin lỗi, “xin lỗi em, cái tát đã làm em đau”.
Chị ạ, tôi mới nhận được thư của Trần tuần trước. Trần bị ung thư vòm họng. Cuộc sống đếm từng ngày trong nỗi cô đơn. Trần ước ao ngày Trần nhắm mắt, đi vào cõi vĩnh hằng, có chị đứng bên cạnh, nhỏ một giọt buồn long lanh và nói với Trần rằng: “Anh ạ, cái tát không còn làm em đau”.