Sách có quan hệ mật thiết như thế nào với nền giáo dục của nước nhà, điều đó có lẽ không cần phải chứng minh nhiều. Ở phương Đông, Tứ thư, Ngũ kinh là nền tảng tư tưởng của giáo dục các nước Đông Á trong một thời kỳ dài. Ở phương Tây, sách của các nhà Khai sáng Voltaire, Diderot, J.-J. Rousseau, Montesquieu… đã chuẩn bị tinh thần cho Cách mạng Pháp 1789. Ở Việt Nam, tân thư của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu được Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Lương Văn Can, Nguyễn Thượng Hiền… quảng bá và trở thành nguồn động lực cho công cuộc hiện đại hóa văn học, giáo dục đầu thế kỷ XX.
Trong những giai đoạn khủng hoảng của xã hội hay những bước ngoặt lịch sử, những cuốn sách giá trị xuất hiện đúng lúc có thể làm thay đổi vận mệnh đất nước, trở thành kim chỉ nam cho hành động của một dân tộc. Trong đêm đen của chủ nghĩa ngu dân, thay vì ngồi trong bóng tối để nguyền rủa bóng tối, người ta cố gắng thắp lên một ngọn đèn, một ngọn nến, thậm chí một que diêm từ những trang sách để đưa ánh sáng vào mắt nhân dân. Không hiếm thí dụ cho thấy một cuốn sách tốt có thể là cái phao cứu sinh cho con người trong vực thẳm của tuyệt vọng.
Trước tình trạng sa sút của đạo đức, phong hóa, các bậc thức giả tâm huyết đều gửi gắm trong những cuốn sách nỗi ưu tư về sứ mệnh của giáo dục. Thời chiến tranh ở miềnNam, ranh giới mỏng manh giữa sống và chết không làm người ta quên đi ranh giới giữa học làm người với học làm quan và học làm giàu. Kim Định bàn về hiến chương giáo dục, muốn lấy triết lý Việt Nho làm định hướng cho nhà trường. Nguyễn Văn Trung phê phán gay gắt nền giáo dục đại học ngay từ trong lòng nó. Lý Chánh Trung thao thức về văn hóa dân tộc, trăn trở về sự phân hóa giai cấp thông qua việc thụ hưởng giáo dục. Vương Pển Liêm bàn về giáo dục cộng đồng và vấn đề đào tạo giáo chức nông thôn. Lê Thanh Hoàng Dân giới thiệu lý thuyết mới về tâm lý giáo dục. Nhất Hạnh, Mai Tâm tâm tình với tuổi trẻ về lý tưởng và tương lai của đất nước, con người. Từ câu chuyện thầy trò, Huỳnh Phan phác họa chân dung nhà giáo và suy nghĩ về con đường của giáo dục hậu chiến… Trong sách của các vị đó chắc có những điều đã bị vượt qua nhưng đồng thời cũng chứa đựng nhiều bài học bổ ích cho giáo dục ngày nay.
Sau chiến tranh, lẽ ra đất nước phải dồn tâm huyết và tinh lực cho việc chuyển đổi mô hình giáo dục thời chiến sang mô hình giáo dục thời bình, nhưng việc này đã tiến hành quá chậm trễ. Nhiều vấn đề giáo dục không được giải quyết kịp thời cho thấy một sự lúng túng trong điều hành và quản lý. Những lý thuyết gia giáo dục không tìm được tiếng nói chung với nhau cũng như tiếng nói chung với người quản trị; nhiều người trong số họ không có điều kiện thực tế để triển khai những ý tưởng mà họ nung nấu. Cuối cùng cái mà họ để lại không phải là những mô hình giáo dục được thực tiễn kiểm nghiệm mà là những cuốn sách gợi mở cho những suy nghĩ. Là những người tâm huyết, Hoàng Tụy, Hồ Ngọc Đại, Phạm Phụ… có những cách nhìn và cách kiến giải về giáo dục khác nhau, nhưng điểm chung nhất là những kiến nghị của họ đều không hòa nhập được với sự vận hành của giáo dục đang đi theo những quy luật nghiệt ngã và khó hiểu của nó.
Hình như có một tác dụng hai chiều đối với những công trình bàn về giáo dục: một mặt, cuộc sống thì thúc bách người trí thức suy nghĩ và bàn luận về chấn hưng giáo dục; mặt khác, những suy nghĩ và bàn luận đó được những người có trách nhiệm đón nhận khá hờ hững nên cuối cùng chỉ nằm im trên giấy. Không phải ngẫu nhiên mà ở cuộc hội thảo về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học” do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức ngày 13-4-2012, GS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM, đã giới thiệu hai cuốn sách của tập thể tác giả bàn về giáo dục do nhà Tri Thức xuất bản: Những vấn đề giáo dục hiện nay – quan điểm và giải pháp (2007); Kỷ yếu Đại học Humboldt 200 năm (1810-2010): kinh nghiệm thế giới và Việt Nam (2010). Theo ông, những người quan tâm đến vận mệnh giáo dục, nhất là những người đang lãnh đạo và quản trị giáo dục, nên tìm đọc những cuốn sách này để xem các giải pháp được đề xuất trong đó có thể vận dụng vào việc đổi mới giáo dục hay không.
- Huỳnh Như Phương