Hội họa là thị trường danh giá nhưng cũng bát nháo với những vụ lừa đảo không chỉ xảy ra giữa người mua kẻ bán mà nhiều viện bảo tàng và cuộc triển lãm cũng bị rơi vào bẫy.
Hai vụ sưu tập tranh giả lớn nhất 2018
Vụ thứ nhất xảy ra tại Viện Bảo tàng Nghệ thuật Étienne Terrus ở Elne gần thành phố Perpigman, miền Nam nước Pháp khi một khách xem tranh phát hiện ra bộ sưu tập tranh phong cảnh các tòa nhà tưởng do Terrus vẽ hóa ra có đến 82 bức tranh giả. Lý do khá đơn giản: Terrus chuyên vẽ tranh phong cảnh các tòa nhà của thị trấn, trong khi tranh giả vẽ những tòa nhà được xây dựng sau khi ông qua đời!
Như vậy, hơn phân nửa bộ sưu tập của Viện Bảo tàng Étienne Terrus là tranh giả! Viện Bảo tàng đã bỏ ra 160.000 euro để mua chúng về trưng bày! Ban giám đốc và nhân viên Viện Bảo tàng chỉ biết sự thật khi có một sử gia nghệ thuật đến xem tranh và cảnh báo họ nên rà soát lại toàn bộ tranh trưng bày. Số tranh giả này nằm trong số tranh màu nước, phát thảo và tranh sơn dầu được hội đồng thị trấn Elne mua lại trong vòng 20 năm từ các nhà sưu tập tư nhân.
Công tác thẩm tra được làm rất hời hợt. Sử gia hội họa Eric Forcada đã tiếp xúc với Viện Bảo tàng nhiều tháng qua để bày tỏ sự nghi ngờ về tính chân thực của những bức tranh. Lập tức, viện thành lập một ủy ban chuyên viên từ nhiều nước trên thế giới. Họ nghiên cứu nội dung, bố cục của từng bức tranh và kết luận 82 bức không phải do họa sĩ sinh ở Elne vẽ.
Nhưng chỉ sau khi trùng tu xong và gỡ xuống toàn bộ tranh giả, Viện Bảo tàng mới công bố tin trên. Vụ thứ 2 diễn ra cách nay vài tháng tại Ý khi cảnh sát điều tra ba người tổ chức cuộc trưng bày tranh của họa sĩ Modigliani mà chỉ có một bức là thật. Các tác phẩm của danh họa Modigliani (tên đầy đủ Amedeo Modigliani) thường được bán với giá rất cao tại các cuộc đấu giá nên việc sao chép tranh của ông đã trở thành nghề kiếm được nhiều tiền.
Nhưng những bức tranh giả trưng bày tại Ducal Palace ở thành phố Genoa vào tháng 3 qua lại là chuyện khác. Sau khi các chuyên viên phát hiện ra tranh giả, cuộc trưng bày phải ngưng lại. Các sử gia nghệ thuật kết luận có 20 bức tranh là hàng giả. Số tranh giả đã bị phá hủy theo luật Ý. Phải đóng cửa triển lãm trước ba tháng, ban quản lý Ducal Palace đang đòi nhóm tổ chức trưng bày tranh bồi thường thiệt hại.
Tranh giả Modigliani đã từng gây ra một số xì-căng-đan trong quá khứ. Năm 1984, ba cái đầu cẩm thạch vớt được từ một con kênh ở thị trấn Livorno (Ý) được xem là những tác phẩm bị mất tích của họa sĩ, nhưng hóa ra đây là màn chơi khăm của ba sinh viên điêu khắc địa phương! Tuyên bố với tờ báo Corriere della Sera, một trong hai người chịu trách nhiệm xét duyệt tranh trưng bày đã tự bảo vệ mình.
Ông cho rằng đã nghiên cứu kỹ những thông tin, tài liệu về từng bức tranh đồng thời đỗ lỗi cho nguồn cung cấp thông tin và nơi đầu tiên trưng bày những bức tranh giả này. Sau đó, phòng trưng bày Tate Modern ở London mở cuộc trưng bày lớn về Modigliani và được đánh giá là bộ sưu tập đầy đủ và thật nhất về danh họa Ý tại Anh. Modigliani chết năm 1920, nổi tiếng với cách thể hiện hình người trong tranh, dài và yếu đuối.
Tưởng giả nhưng là thật
Nhưng cũng có số ít bức tranh tưởng giả hóa ra là thật. Đó là trường hợp bức tranh “tưởng giả” của họa sĩ Anh John John Constable được nhà sưu tập Philip Mould bán với giá 35.000 bảng Anh, nhưng hóa ra là tranh thật trị giá hơn 2 triệu bảng. Mould, cũng là người dẫn chương trình truyền hình, đã kể lại “câu chuyện dài” mua tranh giả của ông. Khi mua lần đầu, ông luôn tin bức tranh là tranh gốc của Constable, nhưng không đủ bằng chứng thuyết phục nên đã bán đi bán lại hai lần, lấy 35.000 bảng Anh.
17 năm sau đó, niềm tin của Mould đã được chứng minh. Chương trình Fake or Fortune? khẳng định đây là bản gốc của bức tranh nổi tiếng Hay Wain của Constable. Mould cho Radio 5 biết ông đã bỏ ra 10.000 USD mua bức tranh khi còn là nhà sưu tập tranh trẻ. “Khi đã có bức tranh trong tay, tôi cố chứng minh với mọi người đây là tranh thật nhưng không thể” – ông nói. Vì vậy, ông quyết định bán nó rồi vài năm sau đó mua lại để thử chứng minh lần nữa nó là tranh thật. Nhưng Mould lại thất bại nên bán nó cho doanh nhân Anh Henry Reid vào năm 2000 với giá 35.000 bảng Anh.
“Tôi hứa với người mua một ngày nào đó tôi sẽ chứng minh nó là thật. Và lần này tôi thành công. Cuối cùng, một bức tranh mua chỉ với vài ngàn USD lần đầu với hy vọng nó là tác phẩm của họa sĩ tranh phong cảnh lớn nhất thế giới đã được hồi phục “danh dự”. Tin vui là khủng khiếp và không thể tin được!” – Mould nói. Đầu năm 2017, bức tranh Hay Wain do Constable vẽ năm 1821 được bình chọn là một trong những tác phẩm hội họa được ưa thích nhất tại nước Anh. Chính đồng MC Fiona Bruce của chương trình Fake or Fortune?
- Xem thêm: Những bức tranh giả “phi thường”
khi nghe câu chuyện của đồng nghiệp đã nhờ các chuyên viên về tranh thật tại Los Angeles thẩm tra giùm. Mould cho biết đội điều tra của chương trình đã xem xét những lớp phủ của tranh, cách tạo tác và họ kết luận đây là tranh thật 100%. “Kỹ thuật hiện đại và sự tiến bộ trong việc phân biệt tranh thật, tranh giả đã làm được điều mà tôi chỉ có thể mường tượng ra chứ không thể làm được cách nay 17 năm. Bức tranh được truy trở lại qua các đời chủ khác nhau và cuối cùng đi đến tác giả, tức Constable. Hay Wain do chính con trai của ông bán ra lúc đang say khướt sau khi họa sĩ chết” – Mould nói.
Với những bằng chứng thuyết phục và biên niên sử về sự trôi dạt của bức tranh, hai chuyên viên nghệ thuật chính thức xác nhận Hay Wain là tranh thật. Thay vì tiếc nuối, Mould vui mừng vì bức tranh được trả về đúng vị trí của nó. “Tôi thấy rất hạnh phúc cho họa sĩ và có thể tưởng tượng ở dưới suối vàng, Constable đã hết tự hỏi: tại sao người ta cứ nói bức tranh do chính tay tôi vẽ là giả?” – Mould nói.
Bị tù ba năm bảy tháng vì bán tranh giả
Trong một vụ khác, một kẻ lừa gạt làm rối loạn thị trường hội họa quốc tế đã phải ra tòa vì bán những bức tranh giả của “họa sĩ thợ mỏ” Norman Cornish. Richard Pearson, 56 tuổi, sống tại Sunderland bán được 14 bức tranh và phác thảo cho một gallery ở Northumberland, bỏ túi hơn 50.000 bảng Anh. Trước tòa án Newcastle Crown, ông ta nhận tội lường gạt và lãnh án tù ba năm bảy tháng. Cornish là họa sĩ nổi tiếng về những bức tranh lấy chủ đề đời sống công nghiệp tại đông bắc nước Anh.
Theo tòa, Pearson đã phạm một lỗi “ngây thơ” dẫn ông ta đến vòng lao lý là bán những bức tranh vẽ năm 1960 với giá quá rẻ. Công tố Mark Giuliani nói: “Số điện thoại ông đưa cho người mua cũng không đúng vì dư một con số!”. Bốn bức tranh giả được bán cho các nhà sưu tập tư nhân có gallery ở Corbridge. Tiền đã được trả lại.
Cụ thể, Pearson đã nhận chín tội lừa đảo, hai tội làm giả và một tội giả mạo tài liệu trong khoảng thời gian từ tháng 12-2011 đến tháng 2-2014. Khi tuyên án, thẩm phán Edward Bindloss nói: “Chính những bức tranh “giả như thật” này đã làm mất niềm tin vào thị trường nghệ thuật”. Gia đình Cornish có mặt tại tòa và họ hy vọng việc phá hủy những bức tranh giả sẽ giúp khôi phục lại niềm tin.
Luật sư biện hộ Paul Currer cho biết Pearson muốn xin lỗi gia đình họa sĩ và các nạn nhân bị tổn thương về hành vi gian lận của ông ta và hứa sẽ bán những chiếc xe hơi ông được thừa kế để trả lại tiền cho họ. Các công tố áp dụng luật Proceeds of Crime Act để lấy lại tiền cho các bị hại. Cornish chết vào tháng 8-2014, là cựu thợ mỏ tự học làm họa sĩ qua một khóa học vẽ cấp tốc dành cho những thợ mỏ tại khu định cư Spennymoor Settlement ở County Durham. Nhiều tác phẩm của ông bán được hơn 50.000 bảng Anh.