Chuyện sao chép, vẽ tranh giả đã có từ lâu trong lịch sử, nhưng nó chỉ được công chúng chú ý cách đây khoảng 2 thế kỷ, khi khoa học và công nghệ bắt đầu nhận ra được vật giả. Tuy nhiên, vẫn có những bậc thầy thành công trong nghề đạo tranh, kể cả một tên tuổi nổi tiếng từ thế kỷ 15 như Michelangelo cũng đã từng dính líu vào những bê bối như vậy.
1. Yves Chaudron
Họa sĩ người Pháp này đã vẽ bức tranh giả mô phỏng họa phẩm nổi tiếng nhất thế giới: bức tranh Mona Lisa của Leonardo da Vinci. Ông được Eduardo de Valfierno tuyển dụng. Valfierno chính là người đứng sau vụ trộm bức Mona Lisa năm 1911, mục đích của Valfierno là cho người cướp bức tranh Mona Lisa thật ở Viện Bảo tàng Louvre, để có thể bán bức tranh Mona Lisa giả do Chaudron vẽ.
Theo Valfierno, Chaudron đã vẽ nhiều bức tranh giả và bán chúng như những tác phẩm chính cống cho những khách mua người nước ngoài trước khi xảy ra vụ trộm Mona Lisa. Chaudron chưa bao giờ bị bắt, chi tiết ông ta tham gia hoạt động tội phạm chỉ bị tiết lộ sau khi ông đã qua đời. Được biết những bức tranh giả khác của ông ta đều rất đẹp, mặc dù không nổi tiếng bằng bức Mona Lisa.
2. Han Van Meergeren
Họa sĩ người Hà Lan Han Van Meergeren (1889-1947) là một trong những bậc thầy vẽ tranh giả lẫy lừng. Sở dĩ ông ta xoay sang vẽ giả các họa phẩm của họa sĩ danh tiếng Vermeer do những bức tranh của bản thân ông sáng tác bị thất bại. Ông đã bán những bức tranh giả các họa phẩm của Vermeer. Thế giới chỉ biết sự giả mạo của ông lúc ông bị bắt khi bán một trong những tranh giả đó cho một sĩ quan Đức Quốc xã. Bị xét xử với tội phản quốc, Van Meergeren đã phải vẽ lại bức họa để chứng minh tác phẩm chỉ là giả. Cho đến khi qua đời, ông trở thành một trong những người nổi tiếng nhất nước và những bức tranh giả của ông đã được bán với giá rất cao.
3. Eric Hebborn
Điều đáng nói về họa sĩ người Anh Eric Hebborn (1934-1996) là ông không tạo ra những bản sao chính xác của những họa phẩm cổ điển. Đúng hơn, ông đã mô phỏng theo phong cách của những họa sĩ bậc thầy và sáng tác những bức tranh của riêng ông về chúng. Ông cũng chuyển sang vẽ tranh giả sau khi những bức tranh thật của riêng ông không đủ sức thuyết phục. Hàng trăm bức tranh giả của ông đã được bán thông qua những nhà đấu giá danh tiếng.
Trò bịp của ông ta đã bị ông Konrad Oberhuber, một học giả kiêm phụ trách viện bảo tàng người Áo, phát hiện khi ông nhận thấy hai bức tranh gần đây được vẽ trên những loại giấy tương tự như nhau. Hebborn đã thú nhận những hành vi của mình năm 1984. Ông cũng là tác giả quyển Sổ tay người vẽ tranh giả.
- Xem thêm: Những “bậc thầy” tranh nhái, tranh giả
4. Elmyr de Hory
Là một họa sĩ và người vẽ tranh giả người Hungary, Elmyr de Hory (1906-1976) là nhân vật chính của quyển tiểu thuyết Fake của nhà văn Mỹ Clifford Irving và phim F for Fake của đạo diễn người Mỹ Orson Welles. Ông đã bán hơn 1.000 bức tranh giả, trong số đó có những bức giả các họa phẩm của các bậc thầy hội họa như Picasso, Modigliani, Matisse và Renoir. Về sau, ông tiết lộ mình là người vẽ tranh giả và được xem như một người nổi tiếng. Thậm chí Hory đã ngồi tù vài tháng, dù là không phải vì tội làm tranh giả. Cuối cùng ông đã tự sát.
5. John Myatt
John Myatt (1945-) là họa sĩ người Anh, cùng với John Drewe, được mô tả như “họa sĩ vẽ tranh giả tầm cỡ nhất thế kỷ 20”. Ông đã bán những bức tranh đầu tiên của mình như các họa phẩm giả hoàn toàn, rồi về sau hợp tác với Drewe để mở rộng thị trường. Myatt đã thực hiện bản sao của những danh họa như Chagall và Le Corbusier. Ông được cho là đã vẽ khoảng 200 bức tranh giả, phần nhiều trong số đó đã được những công ty đấu giá danh tiếng bán. Cuối cùng, Myatt và Drewe đều bị bắt và ngồi tù. Myatt ra tù sau 4 tháng và Drewe ngồi tù 2 năm.
6. Giovanni Bastianini
Nhà điêu khắc người Ý Giovanni Bastianini (1830-1868) là một trong những người vẽ tranh giả đầu tiên và trưng bày trước công chúng. Hợp tác với nhà buôn nghệ phẩm Giovanni Freppa, ông đã tiếp thị nhiều tác phẩm điêu khắc mô phỏng từ những tác phẩm của thời Phục hưng. Chúng đã được những viện bảo tàng nổi tiếng mua, trong số đó có Bảo tàng Lourve. Về sau, Freppa đã thú nhận sự giả mạo của ông khi giữa ông và viện bảo tàng có chuyện bất đồng.
7. Mark A. Landis
Mark Augustus Landis (1955-) là họa sĩ vẽ tranh giả người Mỹ, ông ta đã “hiến tặng” rất nhiều các bức tranh giả, được xem như các nguyên tác, cho các gallery và viện bảo tàng nghệ thuật Mỹ. Ông đã đánh lừa các viện bảo tàng qua hơn hai thập niên. Ông chưa bao giờ kiếm được tiền do không có bức tranh nào được bán. Ông cũng pha trộn những bức tranh thật của ông với những bức giả. Cuốn phim tài liệu Nghệ thuật và lừa đảo (2014) của đạo diễn Sam Cullman nói về cuộc đời của ông.
8. Shaun Greenhalgh
Họa sĩ vẽ tranh giả người Anh Shaun Greenhalgh (1960-) là một trong top 10 những người làm tranh giả còn đang sống và gia đình của ông ta được cơ quan điều tra Scotland Yard mô tả như nhóm làm nghệ phẩm giả đa dạng nhất. Bắt đầu từ năm 1989, Greenhalgh đã sản xuất vô số tranh giả được các thành viên trong gia đình ông chào bán ra thị trường. Những nghệ phẩm giả bao gồm từ những tác phẩm điêu khắc cổ cho đến những bức tranh hiện đại. Chúng được những viện bảo tàng danh tiếng và những nhà sưu tập tư nhân mua. Cuối cùng, Greenhalgh bị bắt năm 2006 và ngồi tù gần 5 năm.
9. Tony Tetro
Anthony Gene Tetro (1950-) là họa sĩ vẽ tranh giả người Mỹ, ông ta đã vẽ lại những tác phẩm của các danh họa như Rembrandt, Salvador Dali và Marc Chagall. Những bức tranh của ông là các bản sao hoàn hảo từ nguyên tác và chúng được bán tại nhiều nhà đấu giá. Hiển nhiên, ông trở nên rất giàu có. Ông chỉ bị bắt khi họa sĩ Hiro Yamagata phát hiện thấy bức vẽ giả tác phẩm của ông được bán tại một gallery năm 1988. Ông ngồi tù vài năm rồi được phóng thích và lại tiếp tục sản xuất các tranh giả.
10. Tom Keating
Tom Keating (1917-1984) là họa sĩ người Anh thường phục chế các bức tranh đồng thời là một nhân vật kiệt xuất trong số những họa sĩ vẽ tranh giả. Mục đích của ông không chỉ để kiếm tiền. Đúng hơn là để phá hủy toàn bộ hệ thống kinh doanh nghệ thuật, thứ mà ông ghét cay ghét đắng. Ông tin rằng đó là sự thối nát và đồi bại, khi sự tán dương đã đi đến chỗ quá đáng. Ông tuyên bố đã vẽ hơn 2.000 bức tranh giả của trên 100 những họa sĩ khác nhau, trong số đó có tác phẩm của các danh họa Rembrandt, Edgar Degas, Francois Boucher, Samuel Palmer và Amedeo Modigliani.
11. Wolfgang Beltracchi
Có lẽ là họa sĩ vẽ tranh giả thành công nhất về phương diện tài chính, Wolfgang Beltracchi đã bị phát hiện vào năm 2010, sau 40 năm vẽ tranh giả được nhiều người ưa thích và thu nhập nhiều triệu đô la. Bị kết án tù 6 năm, nhưng ông ta được ra tù vào tháng 1.2015, chỉ hơn 3 năm sau khi bị kết tội. Ông tự tuyên bố mình là một trong những “họa sĩ có nhiều bức tranh được triển lãm” nhất thế giới, đồng thời các bức tranh giả của ông còn xuất hiện trên trang bìa các danh mục đấu giá của Christie.
Beltracchi thú thật động lực của ông bắt nguồn từ ước muốn trở thành một họa sĩ vẽ tranh giả: “Trong thâm tâm, tôi muốn tạo ra một nghệ phẩm nguyên thủy, một bức tranh chưa từng được vẽ bởi các họa sĩ trong quá khứ”. Sau khi ra tù, ông đã vẽ thêm nhiều bức tranh đề tên ông, “lấy cảm hứng” từ các họa sĩ ông đã từng vẽ tranh giả theo tác phẩm của họ, công việc làm ăn của ông vẫn khấm khá.
12. Michelangelo
Thời Phục hưng dẫn đến sự phát triển của chủ nghĩa nhân văn, một phong trào đề cao tính cá nhân và tầm quan trọng của các vấn đề trần tục hơn là thiêng liêng. Trong giai đoạn này, việc các họa sĩ xác nhận những bức tranh của họ là trào lưu phổ biến vì những người mua tranh mong muốn mua được tác phẩm của chính họa sĩ đã vẽ nó. Từ đó dẫn đến khái niệm cá nhân thiên tài, và người tài năng nhất có lẽ chính là nhà họa sĩ kiêm điêu khắc gia người Ý Michelangelo.
Tuy nhiên, không ai ngờ cũng chính Michelangelo là người đã tạo ra những tác phẩm giả mạo. Năm 1396, ông đã điêu khắc bức tượng thần tình yêu Cupid đang ngủ và chôn nó xuống để làm cho nó trông như đồ cổ. Sau đó, ông bán bức tượng nọ cho một Hồng y, nhưng cuối cùng ông này đã phát hiện ra đó là đồ giả. Hồng y yêu cầu đại lý bán hàng phải bồi thường, nhưng cho phép Michelangelo được giữ lại phần tiền của ông ta trong quá trình vì Hồng y rất ấn tượng với tác phẩm đó. Sự việc càng làm cho Michelangelo nổi tiếng hơn. Nhà nghệ sĩ lớn thời Phục hưng cũng hay sao chép tranh của các họa sĩ khác, giữ lại bản gốc và trả lại cho họ bản sao.