Hãng đấu giá lớn nhất thế giới Sotheby’s vừa thừa nhận đã bán một bức tranh giả mạo tác phẩm của bậc thầy hội họa Hà Lan Frans Hals và phải bồi hoàn cho người mua tranh. Nhưng đây không chỉ là vụ bán tranh giả mạo duy nhất tại các sàn đấu giá danh tiếng.
Bức Một người vô danh được cho là tác phẩm của Frans Hals (1580-1666) đã được bán vào năm 2011 tại nhà Sotheby’s với giá 10,6 triệu USD, thế nhưng vào tuần đầu của tháng 10-2016 thì nhà Sotheby’s chính thức thừa nhận đó là một bức tranh giả, “hủy bỏ vụ mua bán đó và bồi hoàn đầy đủ cho người mua tranh”. Vụ việc chỉ vỡ lở khi một cuộc điều tra được chính quyền Pháp tiến hành hồi tháng 3-2016, qua đó phát hiện bức Vệ nữ được cho là tác phẩm của họa sĩ người Đức thời Phục hưng Lucas Cranach the Elder (1472-1553) tại một cuộc triển lãm ở Aix-en-Provence thật ra chỉ là tranh giả dù nó thuộc về Hoàng tử Hans-Adam II, người đang trị vì vương quốc Liechtenstein. Bức tranh từng được đưa ra thị trường năm 2012 và được bán cho hoàng tử Hans-Adam II với giá 6 triệu USD vào năm 2013. Theo các chuyên gia Pháp có kinh nghiệm về tranh giả thì bức Vệ nữ “cho thấy sự hiện hữu của các chất liệu hiện đại được dùng vẽ tranh theo cách thức không thể thực hiện được vào thế kỷ XVII”.
Tương tự, bức David ngắm nghía cái đầu của Goliath được cho là tác phẩm của nhà danh họa người Ý Orazio Gentileschi (1563-1639) và đã được mượn để trưng bày trang trọng trong một triển lãm tại Bảo tàng quốc gia Anh tại London năm 2014 cũng là đồ dỏm! Các viên chức có trách nhiệm tại bảo tàng cho rằng bức tranh khi được mượn từ Ý đã qua kiểm định chất lượng rất kỹ và “không có lý do gì để nghi ngờ nó không phải là tác phẩm của Gentileschi”.
Các cuộc điều tra rộng khắp sau đó cho thấy đã có không ít tranh làm giả với tay nghề cực kỳ điêu luyện được đưa ra bán trên thị trường những năm gần đây, mà theo tính toán số tiền lên đến 255 triệu USD. Theo nhà buôn tranh Bob Habodlt, đây là “xì-căng-đan mỹ thuật lớn nhất thế kỷ” khi mà theo các chuyên gia đã có tới 25 bức tranh giả của các tên tuổi lớn được lưu hành trên thị trường! Còn nhà sử học nghệ thuật Bendor Grosvenor gọi đây là một trường hợp làm tranh giả “siêu đẳng”: “Thật đáng kinh ngạc về chất lượng của bức tranh (giả mạo Frans Hals) và đó chẳng phải là bản copy. Nếu quả đó là các bức tranh giả, và tôi tin chúng là như thế thì chúng ta đang đối mặt với những kẻ làm tranh giả xuất sắc của mọi thời!”.
Sự kiện này khiến người ta nhớ đến một cái tên: Wolfgang Beltracchi, người từng được coi là “ông vua làm tranh giả” (DNSGCT đã có bài giới thiệu nhân vật khét tiếng này) vì tranh giả của ông ta đã qua mặt được cả những chuyên gia sành sỏi nhất – tranh giả tác phẩm của Max Ersnt đã bán nhiều triệu USD, thậm chí được đưa vào bộ sưu tập của bảo tàng danh giá bậc nhất Metropolitan ở New York.
- Ngã Văn