Tranh giả đang là một thực trạng nhức nhối tại nước ta qua một số vụ việc gần đây, từ các cuộc đấu giá cho tới việc giả mạo tên tuổi họa sĩ nổi tiếng đã quá cố cũng như đương đại. Báo New York Times số ra ngày 11-8-2017 đã có bài viết chung quanh nạn tranh giả tại Việt Nam. Nhưng không chỉ ở nước ta, tranh giả đã khuấy động cả đời sống lẫn thị trường tác phẩm mỹ thuật toàn cầu: theo nhận định của các chuyên gia, có tới 50% số tranh đang lưu hành trên thị trường thế giới là đồ giả! Có những “bậc thầy” chuyên làm tranh giả mà chuyên gia tinh tường nhất cũng phải chào thua.
Một trong những thương vụ tranh giả liên quan tới nhà đấu giá danh tiếng Sotheby’s là trường hợp bức Chân dung một người vô danh, được cho là của nhà danh họa Hà Lan Frans Hals (1582-1666) và được bán với giá 10,8 triệu USD năm 2011. Sau khi tranh bị phát hiện là đồ dỏm hồi năm ngoái và người bán bị Sotheby’s kiện ra tòa, người mua đã được hoàn trả toàn bộ số tiền mua tranh. Bức tranh được khẳng định là giả mạo tên tuổi Frans Hals chỉ sau khi nó được đem phân tích về mặt kỹ thuật, qua đó cho thấy tranh không được vẽ vào thế kỷ XVII bởi người vẽ tranh đã dùng chất liệu sơn dầu của thời hiện đại. Tuy nhiên nó được coi là một trong những bức tranh giả xuất sắc nhất từ trước tới nay. Nhà phê bình mỹ thuật nổi tiếng người Anh Bendor Grosvenor gọi đó là một trường hợp làm tranh giả “phi thường”. Ông đã hết sức kinh ngạc với chất lượng nghệ thuật của bức tranh giả, chưa kể đó không phải là một tranh chép tác phẩm của Frans Hals mà tranh vẽ mới hoàn toàn, nhưng theo phong cách và bút pháp của bậc thầy Hà Lan! Người vẽ hẳn là một họa sĩ có tay nghề cực giỏi và có thể tổng hợp được những nét tinh hoa của Frans Hals, từ đó Bendor Grosvenor tin rằng dù bức tranh là đồ giả nhưng nó đã được sáng tạo bởi một trong những “tài năng làm tranh giả xuất sắc nhất” cho tới nay chưa xác định được danh tính.
Trong lịch sử nghề làm tranh giả, có những tên tuổi cụ thể, những “bậc thầy” mà dưới bàn tay điêu luyện cùng công phu thượng thừa họ đã qua mặt được những chuyên gia mỹ thuật lão luyện, bán được tranh cho các nhà sưu tập có máu mặt nhất và cho cả những bảo tàng danh giá khắp thế giới. Han van Meegeren (1889-1947) là một bậc thầy như thế. Họa sĩ Hà Lan này chuyên vẽ tranh chân dung và được coi là một trong những tay vẽ tranh giả kiệt xuất nhất của thế kỷ XX. Ông chuyên vẽ giả tranh của bậc tiền bối Johannes Vermeer (1632-1675) và bán cho những nhà sưu tập vốn tin chắc đó là tranh thật, trong số khách hàng của ông có cả chính phủ Hà Lan. Một trong những sản phẩm giả mạo xuất sắc nhất của Meegeren là bức Bữa tối ở Emmaus, được ông vẽ năm 1937 tại miền nam nước Pháp. Các chuyên gia về tranh Vermeer, trong đó có tên tuổi hàng đầu Abraham Bredius, đều “tin sái cổ” rằng đó đích thực là “một kiệt tác của nhà danh họa”, được ông vẽ vào một “thời điểm tuyệt vời”! Thậm chí tranh giả Vermeer của Han van Meegeren đã được bán với giá 60 triệu USD tại thị trường Hà Lan. Dù vậy, sau Thế chiến II khi bị đưa ra tòa vì tội làm tranh giả, Han van Meegeren chỉ bị kết án một năm tù giam mà một trong những yếu tố để ông được xử nhẹ tội, hơn thế nữa còn được coi là người hùng là bởi ông đã bán tranh giả Vermeer cho tên trùm phát xít Hermann Göring trong thời kỳ Đức quốc xã chiếm đóng Hà Lan.
Một tên tuổi lớn khác của làng tranh giả quốc tế là họa sĩ Hungary Elmyr de Hory (1906-1976). Tài nghệ vẽ tranh giả của Elmyr de Hory thuộc loại “thần sầu quỷ khốc”. Trong suốt sự nghiệp làm hàng giả của mình, Elmyr de Hory đã vẽ khoảng 1.000 bức tranh nhái các bậc thầy hội họa hiện đại như Matisse, Picasso, Degas và Modigliani, nhiều bức cho tới nay vẫn đang lưu hành trên thị trường mà không ai biết chắc chúng đang ở đâu, thuộc bảo tàng hay bộ sưu tập nào. Khi hoạt động làm tranh giả của Elmyr de Hory bị phanh phui vào năm 1950 thì câu chuyện về cuộc đời ông gây được sự chú ý đặc biệt. Nhà văn cũng là nhà báo Clifford Irving đã viết hẳn một cuốn sách về Elmyr de Hory, xuất bản năm 1969; năm năm sau đạo diễn danh tiếng Orson Welles thực hiện một bộ phim tư liệu về ông. Năm 1976, khi đang sống ở Tây Ban Nha và bị truy tố tại Pháp, Elmyr de Hory đã tự kết liễu đời mình. Cách chọn cái chết như thế càng khiến tranh nhái của Elmyr de Hory nổi tiếng, đến mức vào năm 2015 tại cuộc đấu giá ở gallery Terrain (San Francisco) hai bức tranh giả mạo Monet và Modigliani đã được bán với giá 25.000 USD!
Họa sĩ người Anh John Myatt cũng là một ngôi sao trong lĩnh vực vẽ tranh giả với khoảng 200 bức đã được bán tại các sàn đấu giá hàng đầu như Christie’s, Sotheby’s và Phillips de Pury. Năm 1995, ông bị cơ quan an ninh Scotland Yard bắt và bị truy tố về tội làm giả tranh các tên tuổi lớn như Renoir, Monet, Le Corbusier, Giacometti, Picasso và Braque. Sau khi ngồi tù 12 tháng, ông trở lại sáng tác và tranh hiện có giá tới 45.000 USD. John Myatt còn xuất hiện trong một chương trình truyền hình tại Anh, mô tả cách ông vẽ nhái các bậc thầy.
Sản phẩm của các bậc thầy làm tranh giả, đặc biệt là Elmyr de Hory đang được giới thiệu tại một cuộc triển lãm ở Bảo tàng mỹ thuật Delaware với tên gọi “Những kho báu trước tòa án: nghệ thuật và khoa học phát hiện tranh giả” (sẽ kéo dài đến đầu năm 2018). Theo giám tuyển triển lãm Linda Eaton, khi vẽ nhái bất kỳ họa sĩ nào Elmyr de Hory “không bao giờ sao chép mà vẽ theo phong cách hội họa” của họa sĩ đó. Và nhiều họa sĩ khi vẽ tranh giả đã hết sức cẩn trọng khi dùng chất liệu, đơn cử như họa sĩ người Mỹ Robert Trotter, người đã bị kết án 10 tháng tù vì làm tranh giả theo đúng phong cách và kỹ thuật của một số họa sĩ dân gian Mỹ. Trước tòa, Trotter đã khai từng vẽ nhái 50 bức tranh song không phải toàn bộ số tranh giả đó đã được biết hết mà hiện nằm trong nhiều bộ sưu tập; một số bức còn được trưng bày tại gallery của Đại học Yale để các sinh viên nghiên cứu về cách làm tranh giả.
Điều đáng sợ, theo Linda Eaton là ranh giới giữa cái thật – cái giả trong mỹ thuật hiện nay không phải luôn rõ ràng, nhất là khi trong lĩnh vực tranh giả, tranh nhái có không ít những họa sĩ tay nghề thượng thặng, cỡ Elmyr de Hory trong quá khứ hay Robert Trotter của ngày hôm nay.
- Lê Bản
Xem thêm:
- Coi chừng tranh giả “lên ngôi”!
- Hàng giả tràn ngập triển lãm tranh Modigliani
- “Thủ đô tranh chép” thế giới