“Nữ họa sĩ Trần Thùy Linh nhiều năm sống ở nước ngoài.
Một công dân toàn cầu, thấm nhuần văn hóa phương Tây.
Rồi một ngày, chị rời bỏ tất cả và cầm cọ để trở thành họa sĩ.
Trong hành trình khám phá thế giới sắc màu, chị tìm lại được bản thể phương Đông của mình”.
Đó là lời giới thiệu mà đạo diễn Nguyễn Mộng Long dành cho nhân vật của mình
trong bộ phim tài liệu nghệ thuật Chuyến đi mang tông đỏ.
Là một trong các nữ họa sĩ Việt Nam có số lượng tranh tham gia triển lãm trong và ngoài nước nhiều nhất hiện nay, con đường đến với hội họa của Trần Thùy Linh tưởng như là hiển nhiên nhưng thực chất lại khá gập ghềnh. Dù có mẹ là họa sĩ và được đào tạo bài bản về mỹ thuật, ở tuổi gần 40 chị mới được cầm cọ một cách chuyên nghiệp.
Chỉ ba năm sau, qua nhiều cuộc triển lãm, giới họa sĩ và công chúng biết tới Trần Thùy Linh với phong cách trừu tượng. Nhưng không chấp nhận dừng lại ở mức độ sống được bằng nghề, những năm 2008-2010, nữ họa sĩ nỗ lực đến kiệt sức để đi tìm cho mình một phong cách riêng.
Rồi chị cũng định hình được phong cách Trần Thùy Linh với hai dòng tranh: trừu tượng và hoa cận cảnh, cả hai đều khác lạ và ấn tượng với tông màu mạnh mẽ, khỏe khoắn. Buổi trò chuyện của chị với doanhnhanplus.vn diễn ra khi chị đang hoàn thành loạt tranh cho cuộc triển lãm cá nhân tại nước ngoài vào năm 2020.
______
Được biết chị đang tập trung vẽ tranh trừu tượng và bán trừu tượng phong cảnh. Tại sao chị ngưng vẽ tranh hoa – dòng tranh đã giúp chị được công chúng biết đến – ngay tại thời điểm tranh bán chạy nhất?
Vì tôi luôn muốn làm mới mình. Khi vẽ không còn là sự sáng tạo mà chỉ lặp lại những cái đã có, thì có nghĩa mình đang đi vào lối mòn. Nếu tiếp tục vẽ hoa có thể thu nhập sẽ bảo đảm hơn nhưng tôi vẫn khát khao hướng đến cái mới. Từ lâu, ngôn ngữ của hội họa trừu tượng đã và luôn mang lại cho tôi nhiều cảm hứng sáng tạo.
______
Tranh trừu tượng là một thể loại khó lĩnh hội đối với nhiều người. Tranh đòi hỏi người xem phải có trình độ văn hóa, vốn sống và hiểu biết về hội họa nhất định?
Khách mua tranh trừu tượng của tôi là một số nhà sưu tập, phần lớn là người phương Tây và những người Việt có nhiều mối liên hệ với nước ngoài. Đúng là đa số họ có kiến thức nền về hội họa nghệ thuật tốt.
Điều tôi luôn mong muốn là được mời người xem tới với thế giới của tôi trong tranh, và hơn thế nữa, họ có thể thấy bản thân mình trong đó, chỉ qua sự cảm nhận. Hội họa đối với tôi luôn là câu chuyện cá nhân, vì thế tôi rất vui khi thấy người xem cảm nhận được câu chuyện trong tranh mình.
Điều làm tôi hạnh phúc nhất là khách mua thường nhận xét rằng tranh của tôi đậm chất Việt dù sử dụng kỹ thuật vẽ của phương Tây. Có lẽ chính vì họ tìm thấy “cái lạ” trong những điều quen chăng?
______
Người trong nghề từng nhận xét rằng chị là cầu nối để nhiều họa sĩ nước ngoài tới TP.HCM triển lãm, đồng thời giao lưu với giới họa sĩ trong nước. Chị làm được điều này vì có lợi thế nhiều năm du học ở châu Âu, sau đó thì làm việc trong lĩnh vực du lịch và ngoại giao?
Tôi luôn cố gắng phát huy hết các thế mạnh mà mình có. Tuy nhiên ở đây cũng có một điều thuộc về quan điểm làm nghệ thuật: Không nhiều họa sĩ Việt Nam quan tâm đến việc quảng bá tác phẩm của mình và vẫn giữ suy nghĩ “hữu xạ tự nhiên hương”, riêng tôi khá chú trọng việc giới thiệu tranh tới công chúng.
Có lẽ tôi là một trong không nhiều họa sĩ Việt Nam xây dựng trang web để đăng hình tranh của mình, rồi sau đó là sử dụng các trang mạng xã hội để đưa hình ảnh tác phẩm đến người xem một cách rộng rãi và tương tác với họ. Nhiều lời mời tham dự triển lãm, cũng như những mối quan hệ với các tổ chức mỹ thuật nước ngoài đã đến với tôi thông qua các kênh này, bên cạnh các mối quan hệ cá nhân sẵn có.
______
Có phải vì tự tin vào năng khiếu hội họa bẩm sinh của mình, tin rằng mình sẽ sống được bằng tranh mà vào năm 2002, chị dám rời bỏ vị trí đáng mơ ước ở một công ty du lịch hàng đầu?
Tôi không tự tin thế đâu. Du lịch là nghề đã nuôi sống tôi trong suốt mười mấy năm đầu lập nghiệp ở Sài Gòn. Nghề này cho tôi nhiều thứ và tôi cũng rất yêu nghề. Tuy nhiên khi ở vị trí quản lý đủ lâu, tôi nhận ra mình đang đánh mất dần bản thân.
Có một lần tôi đã nổi nóng đập bàn khi nhân viên làm sai mà nhất quyết không nhận lỗi; nhận thấy điều này trái ngược với bản chất của mình, tôi suy nghĩ mãi và quyết rời bỏ guồng máy kinh doanh lữ hành để làm điều mà mình muốn mà chưa thực hiện được. Tôi chuyển sang làm việc tại Tổng Lãnh sự quán Đức – một công việc cho phép tôi có thời gian theo học lại hội họa.
Để theo đuổi đam mê, tôi cũng phải đối mặt với thử thách cơm áo như bao nhiêu phụ nữ có gia đình khác. Học vẽ rất tốn kém trong khi thu nhập của công việc mới không bằng việc cũ. Tôi tạo thêm thu nhập bằng cách thiết kế đồ trang sức bằng đá thiên nhiên và bán đi bộ sưu tập bình gốm của mình.
Thời gian làm du lịch tôi có sở thích sưu tầm bình gốm với đá thiên nhiên từ những nơi mình đi qua. Nhiều người quen biết thường ngỏ ý mua lại nhưng tôi luôn từ chối. Đến lúc theo đuổi hội họa, không ngờ sở thích trước đây lại giúp được mình.
Cũng trong thời gian này tôi bắt đầu viết, cộng tác với nhiều báo in, báo mạng và tạp chí trong lĩnh vực văn hóa và du lịch, cả mảng chính luận lẫn khám phá. Tôi cũng nhận những dự án đào tạo nhân lực lữ hành tại một số công ty và trường đại học.
Viết báo, đi dạy vừa là đam mê, vừa khiến những kiến thức và kinh nghiệm mà mình tích lũy được trở nên có ích cho xã hội, và đồng thời cũng tạo thêm thu nhập để tôi có thể dấn bước trên con đường hội họa. Những ngày tháng miệt mài viết, xâu vòng đá bán, xong lại đắm chìm bên giá vẽ đó đã khiến tôi bị cận thị khá nặng ở tuổi chẳng mấy ai còn bị cận (cười).
______
Có mẹ là họa sĩ mà con đường đến với hội họa của chị vẫn vòng vèo quá?
Thời bao cấp, họa sĩ như mẹ tôi hầu như không có cơ hội được sáng tác đúng nghĩa mà phải làm nhiều việc không mấy liên quan đến nghề để kiếm sống. Vì vậy dù thích vẽ và văn học, tôi vẫn phải nghe lời bà tập trung học chuyên ngữ tiếng Anh. May mắn là điểm thi đại học đã giúp tôi được sang Đức học ngành văn chương.
Thời học sinh – sinh viên tôi là mọt sách chính hiệu. Tôi có thể đọc sách cả ngày mà chẳng cần gặp ai, và khi thấy ngành học văn chương khá nhẹ nhàng, tôi xin học thêm lịch sử mỹ thuật cùng thần học.
Những quyển sách tiếng Đức dày cộp về mỹ thuật, Phật giáo, Hồi giáo… tưởng chừng đọc vì sở thích, hóa ra lại giúp ích rất nhiều khi tôi trở thành hướng dẫn viên du lịch cho khách nói tiếng Đức sau một thời gian long đong đi kiếm việc ở Sài Gòn.
Công việc này mở ra cho tôi một quãng đời năng động và nhiều màu sắc mới, biến tôi từ một cô gái hoàn toàn sống nội tâm, hầu như không có nhu cầu thể hiện mình, trở thành một hướng dẫn viên xông xáo, có thể giao tiếp được với nhiều kiểu người khác nhau. Tôi cũng học được rất nhiều trong thời gian này.
Nhìn lại, tôi cho rằng quãng thời gian làm du lịch chẳng những không mất, mà còn bồi đắp thêm cho nền tảng hội họa. Bởi những chuyến đi mang lại cho tôi rất nhiều cảm xúc và tình yêu với thiên nhiên, cỏ cây hoa lá và giúp cho tôi giữ được khả năng rung cảm trước cái đẹp qua nhiều năm tháng.
- Xem thêm: Ảnh trừu tượng, mông lung, bí ẩn
Điều này rất quan trọng với người vẽ và viết, giúp cho tôi chọn được một lối đi không theo lối mòn. Làm nghệ thuật rất cần vốn sống và sự chiêm nghiệm. Nếu đến với hội họa một cách “thẳng tắp” ngay khi bước chân vào trường đại học, cũng chưa chắc gì tôi đã định hình được phong cách của mình sớm hơn.
______
Công chúng yêu thích dòng tranh hoa của chị, còn báo chí thì gọi chị là “người vẽ chân dung hoa”, chị có thể chia sẻ đôi điều về cách vẽ hoa của chị được không?
Khi vẽ hoa, tôi không muốn làm điều nhiều người đã và đang làm là vẽ rừng hoa, vườn hoa hoặc tĩnh vật hoa. Tôi thích hoa của tôi thu hút sự chú ý của mọi người ngay lập tức, tạo hiệu ứng bất ngờ ngay, nên tôi chọn cách vẽ hoa cận cảnh, chân dung hoa.
Vẻ đẹp của hoa thôi thì chưa đủ, tôi chỉ vẽ những loài hoa chứa đựng trong sự tồn tại của chúng những câu chuyện, những nội dung đủ tạo ra sự rung cảm trong tôi và có khả năng mang lại cảm xúc cho người xem qua tranh tôi vẽ. Và tôi vẽ hoa không bao giờ cần mẫu.
Để truyền tải hết vẻ đẹp của một bông hoa nhỏ bé, tôi phải nghiên cứu, phải “ngấm” – mà quá trình quan sát tìm hiểu này có thể kéo dài từ vài giờ tới hàng chục năm trời. Để bắt đầu một bức tranh hoa, cho dù đó là loài hoa thân thuộc đến bao nhiêu, tôi cũng phải hiểu hoa tới từng “chân tơ kẽ tóc”, cả dưới góc độ sinh học lẫn những ý nghĩa mang tính biểu trưng về tinh chất, màu sắc, ý nghĩa. Đề tài ưa thích nhất của tôi là hoa poppy, mẫu đơn, phù dung, hoa xương rồng và các loài hoa dại, những loài có sức sống mãnh liệt.
______
Các sáng tác của chị có chủ đề khá đa dạng, từ hoa, phong cảnh tới các đề tài khá trừu tượng. Nhưng cũng có thể nhận thấy rõ điểm chung, sự liên quan giữa các đề tài này. Điều gì làm nên điểm chung ấy theo chị?
Thứ nhất: Đó là thiên nhiên, đã đi từ hiện thực vào tiềm thức của tôi, là khởi nguồn cho mọi cảm hứng của tôi. Dù tôi có chọn chủ thể là gì để thể hiện thì thiên nhiên vẫn hiện ra theo những sắc màu hay hình khối. Tôi vẫn luôn thấy bất ngờ qua từng bức tranh.
Đó là điều tuyệt vời mà nghệ thuật mang lại cho tôi và cho cả mọi người. Như vậy, hoa hay phong cảnh chỉ là cái cớ để tôi bày tỏ cảm xúc. Bút pháp trong tranh cũng thay đổi từ siêu thực, bán trừu tượng tới trừu tượng.
Thứ hai: Với tôi, sáng tạo chỉ thực sự là sáng tạo khi được trao cho sự sống. Mỗi bức tranh phải là sự khác biệt, nhưng khởi nguồn của sự khác biệt ấy lại vẫn phải là điểm chung nằm trong tiềm thức của bạn, chi phối mọi cảm xúc và tạo ra ngôn ngữ nghệ thuật của riêng bạn.
Dù tôi luôn ý thức được điều đó, nhưng khi vẽ tôi lại “như tờ giấy trắng”. Khi ấy tôi thực sự tự do. Khi ấy chỉ có tiềm thức lên tiếng trên tấm toan trắng, qua màu sắc, qua kỹ thuật như một quá trình đương-nhiên-phải-vậy. Đó chính là những điểm chung trong các bức tranh tôi vẽ.
______
Đặc trưng trong tranh trừu tượng của chị là nhiều tầng không gian, những thủ pháp tạo ánh sáng, thậm chí nhiều bức tranh hoa cũng gợi về ngọn lửa, năng lượng rất mạnh, nhiều người nói có những bức tranh làm họ nổi da gà, chị nghĩ sao về hội họa của mình?
Cảm ơn cảm nhận của bạn. Tôi đặc biệt yêu thích “trò chơi ánh sáng” và sự chuyển động. Màu sắc giúp tôi sáng tạo ra những điều ấy, cũng đa dạng như chính những sắc màu, không gian và ánh sáng trong thiên nhiên.
Tôi luôn muốn mang sự chuyển động của cuộc sống, năng lượng của Ngũ hành vào trong những bức tranh của mình, dù không phải lúc nào tôi cũng làm được. Chính những thách thức ấy đã “bắt” tôi luôn phải sáng tạo. Những thách thức ấy cũng là động lực để ta phủ nhận chính mình. Quá trình sáng tạo vì thế luôn là vô tận.
- Xem thêm: Sự mê hoặc của Gerhard Richter
Tôi vẽ trước hết là để trò chuyện với chính mình. Hội họa với tôi là cuộc đối thoại hoàn hảo, chứ không phải là cuộc độc thoại. Tôi thấy mình vô cùng may mắn khi cuộc đối thoại này được công chúng cùng tham dự và đón nhận.
______
Xin cảm ơn chị!