Thật khó ngờ là một số điều được khuyến khích thực hiện để có sức khỏe tốt, chẳng hạn không dùng sản phẩm quá hạn sử dụng trên bao bì, dùng chỉ nha khoa thường xuyên để làm sạch răng, đi kiểm tra răng miệng hai lần mỗi năm… đã bị phát hiện là không mang lại kết quả như mong muốn. Dưới đây là vài trường hợp cụ thể.
1. Khám răng định kỳ mỗi năm hai lần
Việc kiểm tra định kỳ và làm sạch răng miệng ở các phòng khám nha khoa là cần thiết, nhưng chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định rằng phải làm việc đó hai lần trong một năm. Năm 2003, sau khi thực hiện một cuộc nghiên cứu đối với 29 sinh viên, các nhà khoa học tại Đại học Bắc Carolina (chuyên về nha khoa) đưa ra kết luận: Không nhất thiết cứ sáu tháng phải khám định kỳ răng miệng một lần!
Ông James Bader, một trong các giáo sư tham gia cuộc nghiên cứu cho biết: “Những người có tình trạng răng nướu bình thường chỉ cần đi kiểm tra mỗi năm một lần là đủ”. Điều đó cũng phù hợp với kết quả của một nghiên cứu khác được công bố năm ngoái trong hội thảo của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, cụ thể là việc đến các phòng khám nha khoa chuyên nghiệp để làm sạch răng miệng mỗi năm một lần sẽ giúp giảm 24% nguy cơ đau tim và 13% nguy cơ đột quỵ.
2. Không nên ăn sau 20 giờ
Susan Bowerman – Trợ lý giám đốc của Trung tâm Dinh dưỡng con người (UCLA) cho biết: “Không có sự khác biệt về lượng calorie nạp vào cơ thể giữa hai bữa ăn vào lúc 6 giờ và 8 giờ tối. Tất nhiên, nếu để dạ dày bị lép thì sẽ gây ra tình trạng khó ngủ nên ăn sau 8 giờ tối vẫn cần thiết”.
Kết quả một nghiên cứu mới đây của UCLA cho thấy một bữa ăn tối rất cần thiết cho người tập thể dục vào ban đêm hoặc cho người trên 60 tuổi. Các món ăn giàu protein hoặc sữa cung cấp nguyên liệu để cơ thể duy trì hệ cơ bắp, giúp chống lại tình trạng cơ bị teo dần khi tuổi tác cao.
Vậy bữa ăn tối cần bao nhiêu protein? Kết quả một nghiên cứu mới đây được đăng trên trên tạp chí American Journal về sinh lý học chỉ ra rằng những người lớn tuổi nên nạp chừng 35g protein trong bữa tối để giúp cơ bắp phát triển đầy đủ hơn, nếu chỉ nạp khoảng 10 – 20g là còn thiếu.
3. Kiểm tra sức khỏe qua máy quét (máy scan) hằng năm
“Việc kiểm tra này hầu như không cho kết quả gì, đặc biệt là để phát hiện những bất thường ở vùng bụng và xương chậu” là điều mà Jonathan Goldin – bác sĩ quang tuyến tại UCLA nhận định. Thông thường, máy quét không chỉ bỏ qua tổn thương trong cơ thể, mà còn đưa ra thông tin nhiễu dẫn đến chẩn đoán sai lầm, gây ra sự lo lắng không cần thiết cho những người đi kiểm tra sức khỏe và nhiều người trong số họ phải kiểm tra thêm nhiều lần không cần thiết.
Đúng là máy quét có thể giúp phát hiện ung thư phổi và bệnh mạch vành, nhưng kiểm tra sức khỏe bằng máy quét được khuyến cáo chỉ dành cho người trên 45 tuổi có những yếu tố thúc đẩy nguy cơ của bệnh tình như huyết áp cao, cholesterol cao, hút nhiều thuốc lá… Ai không có những yếu tố đó thì không cần kiểm tra bằng máy quét hằng năm.
4. Tuyệt đối không sử dụng sữa quá hạn
Nhiều người thường loại bỏ ngay những hộp sữa đã quá hạn sử dụng được ghi trên bao bì để đảm bảo an toàn vệ sinh, giữ gìn sức khỏe. Nói chung, sữa vẫn có thể dùng được trong vòng một tuần sau khi hết hạn trên bao bì, do đó tốt hơn cả là vẫn cứ sử dụng loại sữa mới chỉ quá hạn vài ngày để tiết kiệm được tiền bạc.
5. Ăn nhiều khi bị cảm
Có lời khuyên là nên ăn nhiều hơn bình thường khi bị cảm để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Jack M. Gwaltney Jr. tại Đại học Virginia, không có một bằng chứng khoa học nào khẳng định rằng ăn nhiều hơn sẽ tốt hơn cho người bị cảm. Lời khuyên của nhà khoa học này là: “Khi bị cảm, bạn hãy uống nhiều nước và ăn những món bạn thèm. Xin lưu ý thêm rằng chất cysteine trong món xúp gà đã được chứng minh là có thể làm giảm sự tích tụ chất nhờn và giảm đau họng”.
6. Mặc kệ cơn sốt
Starve a fever (Mặc kệ cơn sốt) là một câu ngạn ngữ quen thuộc ở châu Âu nhưng không nên học theo. Nhiệt độ cơ thể tăng cao làm tăng quá trình trao đổi chất, đốt cháy nhiều calorie hơn. Vì vậy, bác sĩ Ben Ansell – Giám đốc Chương trình Y tế toàn diện tại UCLA khuyên: “Người bị sốt hãy cố gắng bổ sung năng lượng bị mất đi bằng nhiều cách. Do nhu cầu về lượng nước tối thiểu trong cơ thể khi bị sốt có thể tăng lên gấp đôi so với lúc khỏe mạnh nên việc thường xuyên duy trì lượng nước cần thiết cho cơ thể là đặc biệt quan trọng”. Cơn sốt rất có thể là phản ứng của cơ thể do một chứng bệnh nào đó gây ra. Nếu tình trạng sốt quá cao và kéo dài trong nhiều ngày thì cần đến bác sĩ để được chẩn đoán bệnh ngay.
7. Chải răng sau mỗi bữa ăn và dùng chỉ nha khoa mỗi ngày
Phó giáo sư chuyên về nha khoa tại UCLA – ông Philip Mendelovitz đưa ra nhận định: “Mỗi ngày đánh răng một lần là đủ vì các mảng bám cần đến 24 giờ mới đóng cứng trên răng. Tốt nhất là đánh răng thật kỹ trước khi đi ngủ để giảm sự tiết nước bọt và ngăn chặn mảng bám. Nên dùng bàn chải mềm và đánh răng kỹ trong hai phút”. Buổi sáng, có thể cải thiện mùi hơi thở bằng cách đánh răng hoặc dùng nước súc miệng.
Kết quả một nghiên cứu tại Đại học New York cho thấy rằng những người dùng chỉ nha khoa thường xuyên sẽ có nguy cơ phát triển ung thư dạ dày cao gấp ba lần người không dùng hoặc ít dùng. Do đó, thay vì dùng chỉ nha khoa, chỉ cần dùng tăm nhỏ mềm hoặc xúc miệng kỹ để vệ sinh răng miệng sau bữa ăn.