Dù rằng đã đi hết nơi này sang nơi khác, song trên thế giới vẫn còn biết bao điều thú vị mà chỉ về cảnh quan thiên nhiên thôi, mắt đã mỏi nhìn, chân đã mỏi đi. Đặc biệt, có những cảnh đẹp đặc sắc chưa từng thấy đối với ngay cả những người dân bản địa bởi vì lúc nào chúng cũng biến đổi và thậm chí như một cảnh tượng viễn tưởng huyền diệu hoặc bên ngoài trái đất.
Một đơn cử là Bình nguyên muối trắng Salar de Uyuni ở Bolivia, một đồng muối rộng tới 10.320km2, phủ đầy các đụn muối và như một tấm gương soi bóng mây trời vần vũ. Mọi thứ ở trên cao và trên mặt nước sáng bóng này đều được ghi hình lộn ngược, tạo cảm giác về một thế giới song song mà ở đó vũ trụ bao gồm các vì sao lung linh đều được thâu tóm vào tầm mắt.
Làn sóng, một quả núi sa thạch hình lõm chảo ở Mỹ lại mang tới cảm quan về những con sóng đang xô bờ, song là sóng cát – sóng đất mềm mại với hai màu đỏ – trắng xen kẽ và rất nhiều hình dạng.
Sở dĩ như vậy vì qua hàng triệu năm, nước và gió đã bào mòn cát kết vốn mang nhiều sắt, đồng, kim loại màu để tạo ra những hố sâu uốn lượn, mà nhìn từ trên cao giống hệt bề mặt lồi lõm của một hành tinh.
Cũng uốn lượn quanh co và xếp tầng trùng điệp kiểu bậc thang là quần thể Suối nước nóng Pamukkale ở Thổ Nhĩ Kỳ. Những dòng suối thì luôn loằng ngoằng, nhưng ở đây do khoáng chất nhiều, phù sa đã đọng lại theo thời gian, cấu thành các trầm tích và làm nên nhiều ao, hồ cho dân gian tắm. Chưa hết, vào lúc chiều tối, nước suối còn có màu lam hồng quyến rũ.
Những con đom đóm ban đêm bao giờ cũng sáng lập lòe và tới buổi sớm ánh sáng kỳ ảo ấy sẽ biến mất. Thế nhưng có một nơi nó không bao giờ tắt: ấy là Động sâu sáng Waitomo ở New Zealand vì các con vật đều nằm trong hang động. Không rõ chúng có phải là đom đóm hay không, nhưng lúc nào động cũng sáng xanh, sáng trắng như có hằng hà tinh tú tí hon di chuyển, và những ai vào chơi đều tưởng mình như lạc vào xứ sở thần tiên.
Cũng là suối nước nóng, suối nước nóng tại khu vực núi lửa Dallol ở Ethiopia lại cho sự dữ dội với sóng và bọt sôi sùng sục, chứa chất màu vàng bám lên một địa hình nham nhở bao la.
- Xem thêm: 10 địa điểm siêu thực đẹp như trong mơ
Tất cả là vì trong nước có nhiều acid cộng với các loại muối kết tủa và nhiệt độ cao (mùa hè tại đây nóng nhất thế giới) đã làm cho mọi thứ trở nên mù mịt, hóc hiểm, đưa ta như bước vào hỏa ngục.
Là một nước xuất khẩu hoa, nổi bật là hoa tu líp, Hà Lan có bạt ngàn những đồng hoa rực rỡ dệt thành những tấm thảm muôn sắc. Nói chung, từ tháng 3 tới tháng 5 là mùa hoa tulip, cả Hà Lan sẽ có 3 tỷ cây hoa trải dài tít tắp, chỗ nào cũng thấy hoa.
Vẫn là chủ đề suối nước nóng, Mỹ cũng có một dòng suối nóng bỏng, song là suối ngũ sắc và lớn nhất khu vực, lớn thứ ba toàn cầu. Điều lạ nữa là nó cũng có hình thuôn tròn, như một cái hồ và được kè bởi những tảng đá vàng do nằm trong công viên Yellowstone, nhưng còn có nhiều màu sắc khác nhờ vi khuẩn ở quanh miệng ao sản sinh và thay màu theo mùa. Nhìn từ trên không, nó cứ như một mặt trăng xanh lơ có hào quang đỏ rực của mặt trời.
Những kiến tạo đá vôi đã tạo nên giữa lòng sa mạc Pinnacle tại công viên quốc gia Nambung của Australia có hàng trăm hòn non bộ. Có hòn là độc sơn, có hòn là tam sơn hay trường sơn, nhưng đều nham nhở như nhau, cộng với màu sắc nâu đỏ, cho cảnh tượng như một trận Bạch đằng giang trên cát hoặc là những mẩu xương hóa thạch của loài khủng long. Mùa hè, chúng khá khô khan, mộc mạc, nhưng vào mùa xuân, hoa cỏ đeo bám nở rộ tưng bừng, biến chúng thành một rừng hoa trên đá.
Dãy núi Torres del Paine ở Chile cũng giống hệt một hòn bồng đảo với nhiều thế núi bay lên, lưng phủ đầy tuyết, soi bóng nước trong vắt. Đại thể có ba ngọn núi lớn, cao hơn 2.500m, khí hậu rất mát mẻ nên sinh sống khá nhiều động vật, tiêu biểu là Guanaco, Rheas, cáo tuyết, hươu Andes…
Tsingy de Bemaraha ở Madagascar lại là một bình nguyên của những khối đá hang hốc, những chiếc “răng nanh” đá. Theo tiếng Malagasy, tsingy có nghĩa là “một nơi sắc nhọn”, không đi chân đất được, song sự nham nhở, lỗ rỗ của những tảng đá vôi này lại là chỗ cư trú của hàng trăm loài vật, giúp chúng ẩn náu khỏi thiên địch và nắng gió hầm hập.
Vừa là một hố thiên nhiên vừa là một tác phẩm nhân tạo là Cửa địa ngục ở Turkmenistan. Vào năm 1971, các chuyên gia Liên Xô đã vô tình phát hiện ra giữa sa mạc Karakum có một giếng dầu rất lớn và quyết định khoan dầu. Song nó bỗng sụt xuống, để lộ một miệng hố rộng tới 70 m với nhiều luồng khí mê tan. Để tránh khí độc lan tới các làng xóm, người ta đã đốt cái giếng và trong suốt mấy chục năm tới giờ, nó vẫn cháy rừng rực như một chảo lửa.
Do biệt lập, quần đảo Socotra ở Yemen có thể xem là một Galapagos thứ hai, nơi nhà sinh học Darwin nghĩ ra thuyết tiến hóa vì ở đây hãy còn có nhiều sinh vật cổ đại, đặc hữu, khác hẳn tất cả mọi loài trên hành tinh. Tuy đất đai của đảo rất khô cằn, sỏi đá, song lại có một loài cây sống rất tốt, luôn xanh tươi.
Đó là cây máu rồng với hình dạng như một cây nấm, đa nhánh sần sùi, bên trong chứa nhựa màu đỏ như máu. Chúng đã có mặt từ cách đây hàng nghìn năm và đã tận dụng mọi nguồn nước từ nước ngầm, nước mưa tới hơi sương của vùng Ả Rập châu Phi để hóa thành cổ thụ vài ba trăm tuổi. Từng cây mọc cách quãng làm một cái ô che cho mảnh đất khô hạn và mái nhà của nhiều thổ dân.