Vào một buổi sáng cuối tháng Tư, hai thợ săn người Anh là Frank và Cookie đã chui xuống một cái hố sâu hoắm ẩm ướt bên dưới khu rừng nhiệt đới Borneo. Họ chui qua đường hầm đầy phân chim và rồi tiến sâu vào một hành lang lấp lánh những cột đá, và họ hy vọng sẽ làm nên lịch sử.
Họ bắt đầu bò vào Hang Gió (Cave of the Winds) nằm sâu bên trong một hệ thống hang động gọi là Clearwater. Từ đây, họ sẽ tìm lối đi đến Hang Đua (Racer Cave) là một phần của hệ thống siêu hang động khác gọi là Racer-Easter. Tìm lối thông nhau giữa hai hệ thống siêu động này rất có ý nghĩa, vì đó sẽ là một trong những mê cung dài nhất hành tinh.
Cho tới nay, người ta đã biết Clearwater trải dài 140 đặm và nhiều trong số hang tại đó là những dòng suối chảy xiết; trong khi Race-Easter bao gồm nhiều động khổng lồ đến độ máy bay có thể bay lọt dễ dàng vào giữa các bức tường nơi cũng xuất hiện đầy dẫy những buồng thông gió nhỏ hơn.
Nói cách khác, bên dưới vùng đá vôi tạo nên Công viên Quốc gia Gunung Mulu của Malaysia này chứa những động lớn nhất, những hang rộng nhất, và nhiều hang gió hơn nơi nào hết trên thế giới. Và, nếu bạn là người thích thám hiểm nơi hang sâu tối tăm ẩm ướt để tìm ra những hang sâu khác thì Borneo chính là vùng đất hứa, vừa là một Disneyland, vừa là một Neverland.
Nếu Frank và Cookie làm nên lịch sử
Bây giờ, chúng ta hảy tưởng tượng họ, Frank và Cookie, mình đầy bùn lầy, miệng cười toe toét bên bờ nối liền hai hệ thống siêu hang động thành một hệ thống khổng lồ, một tổng thể duy nhất rộng mênh mông bên dưới lòng đất, dưới những rặng núi đá vôi. Nhưng đây mới là một giấc mơ, giấc mơ của những nhà thám hiểm mà cũng là giấc mơ của những tổ chức, những con người; nói cách khác một thứ chiến công rất có ý nghĩa mà đời người hiếm khi đạt được.
Nhưng là một giấc mơ có thực. Vâng, cũng vào lúc này, ở một nơi xa khác trong hệ thống Racer một nhóm người đang trượt sâu xuống hang. Họ cũng mang theo búa và máy khoan, để rồi một lúc nào đó hai đội cùng bắt đầu đập và khoan vào những bức tường đá, lắng nghe nhau, với hy vọng tiếng ồn sẽ dẫn họ đến một chỗ kết nối giữa hai hệ thống động ngầm.
“Tôi, -nhà thám hiểm Neil Shea- (cũng là đồng tác giả của bản báo cáo đăng trên National Geographic số tháng 3/2019, cùng với nhiếp ảnh gia nổi tiếng Carsten Peter) ngồi trong một động khá lớn và đang lắng nghe những âm thanh tác chiến của họ. Động này còn nguyên sơ, mới phát hiện từ mấy ngày trước và tôi là một trong những người đầu tiên bước vào”.
Neil kể tiếp: “Nơi tôi ngồi được bao quanh bởi những măng đá cao chót vót và những nấm đá khổng lồ. Hang động vẫn còn sống, với những tiếng động khác. Sâu hơn bên dưới cỡ tầm khuỷu tay tôi nước vẫn chảy róc rách vào các hang lồ, và trên đầu tôi những con chim nhỏ màu đen bằng cỡ chim én vẫn dành phần lớn thời gian trong những căn phòng tối đen, thỉnh thoảng cất lên tiếng hót và mổ vào những cái tổ kết từ nước bọt với bùn và rêu”.
Shea viết tiếp: “Nếu Frank và Cookie làm nên lịch sử bên dưới chân tôi, tất nhiên tôi sẽ nghe được tiếng động. Tôi đang mong điều tốt lành đó. Hơn bất kỳ môn thể thao nào khác, thám hiểm hang động là vì những bí mật và những gì chúng ta chịu đựng là để tìm ra chúng. Đôi khi tất cả những gì chúng ta có thể làm được chỉ là chờ bóng tối tiết lộ. Vì vậy, tôi nằm ngửa ra, tắt đèn đi, và lắng nghe”.Thực ra, đây đúng là một nơi rất thú vị, nơi mà con người trên trái đất có thể tìm ra nhiều lãnh thổ chưa được khám phá. Shea nhớ lại khuôn mặt rạng rỡ của nhà thám hiểm hàng đầu Andy Eavis khi so sánh vùng đáy biển chưa khám phá tại Papua New Guinea với vùng hàng động trong lòng đất Borneo; và thật thú vị, không một nơi nào trên trái đất giống như nó.
Cuộc đời, sự nghiệp gắn liền với hang động
Eavis đã dành hơn 50 năm khám phá những hang động xa xôi và tuyệt vời nhất thế giới, hỗ trợ những cơ quan quản lý, thiết lập và lưu giữ các hồ sơ, xác định các kỷ lục hang động. Điều ít ai biết, chính Eavis là người dành nhiều năm để bảo vệ các hang động và bảo đảm cho chúng được mở cho những người yêu thích thám hiểm.
Ông đúng là vị đại sứ của thế giới ngầm. Vào một buổi sáng trên hiên một trạm nghiên cứu bên cạnh công viên, Eavis đã sẵn sàng cho một chuyến thám hiểm mới. Một cơn gió ngột ngạt bay qua tàn lá làm câm lặng tiếng côn trùng. Trên đường mòn, ốc sên và những chú ếch chạy ngược vào hang tối, và những con chim thét lên trước sức nóng mỗi lúc một tăng.
Nhiệt độ tại Borneo lúc này đã là 80oF. Và rồi, họ tiến vào hang, loạng choạng trong bóng tối. “Chúng tôi không biết sự mênh mông của những thứ mà chúng tôi phát hiện ra”, Shea viết.
Eavis cũng những người bạn đã được đào tạo nơi những hang động nhỏ và lạnh ở xứ Anh. Nhưng ở Borneo, hang động tại đây là một thứ chân trời khác, một thứ không gian ngược lại. Nhưng rồi, họ đã lập nên những kỷ lục khám phá về kích thước.
Họ phát hiện ra động Hang Nai (Deer Cave) hay Gua Rusa với lối vào khá lớn, bề cao lên đến 500 bộ, mặt trời có thể chiếu sâu vào bên trong với không khí trong lành, tạo nên một môi trường sống kỳ lạ và tuyệt vời ở nơi giao thoa giữa ánh sáng ban ngày với bóng tối ban đêm.
Lúc bấy giờ, nhóm nghiên cứu người Anh phát hiện ra rằng Hang Nai kéo dài gần hai dặm. Cuộc khám phá vẫn tiếp tục nối thêm độ dài và một thập kỷ sau hang này thiết lập kỷ lục dài nhất thế giới cho đến 1991 thì Hang Sơn Đoong tại Việt Nam mới qua mặt được nó.
Ngày nay, Hang Nai là một địa điểm lớn thu hút khách du lịch, những người ban ngày lang thang trên các lối đi bộ và khi hoàng hôn xuống thì tụ tập bên ngoài miệng hang, uống nước, và vỗ tay reo hò khi hàng triệu con dơi bay ra khỏi hang, đi kiếm mồi. Một cấu trúc hang động khổng lồ bên dưới lòng đất được phát hiện như thế đó: Ban đầu, những hướng dẫn viên từ bộ lạc Penan và Berawan tìm thấy một số lối dẫn sâu vào vùng đá cổ xưa.
Đó là những vết nứt bí ẩn trên mặt đá, phủ đầy bởi lá và cành cây. Những cửa hang nằm ở trên cao xưa hơn. Những cửa hang nằm ở dưới thấp chỉ mới được thành hình từ vài trăm ngàn năm trở lại, tạo nên những con sông, đáy lót bởi những tảng đá vôi tuyệt đẹp. Không gian ngầm đó tạo nên nơi trú ngụ cho quần thể động vật: cá, chim, rắn, cua và một thiên hà của những côn trùng và nhện.
Hang động không tiết lộ hết bí mật của nó
Cuộc phiêu lưu năm 1979 tạo tiền đề cho việc thám hiểm Borneo với nhiều đội thám hiểm khác nhau. Vâng, hang động không bao giờ tiết lộ hết bí mật của nó chỉ trong một lần, và mỗi chuyến khảo sát là mỗi lần khám phá những điều mới lạ, và đó chính là sức hút của thiên nhiên với con người.
Eavis cùng với những người Anh khác đã phát hiện ra một đoạn hang động dẫn đến căn phòng khổng lồ, gọi là Buồng Sarawak (Sarawak Chamber) vào năm 1981 sau khi họ đi theo một con sông dọc theo sườn núi. Họ đã phải leo, trèo, kéo, bò ngược lên phía trên dòng sông, và rồi phát hiện một nơi yên tĩnh mà dòng sông biến mất vào trái đất.
Họ bắt đầu chui vào hang, lần mò trong bóng tối với hy vọng sẽ sớm đến được một bức tường đá tạo thành vách động. Nhưng không, chẳng có bức tường nào xuất hiện cả. Họ chỉ nghe thấy tiếng chim én gọi nhau trên cao và dòng sông gầm rú đâu đó dưới chân.
Họ cố tạo ra âm thanh, vẫn không có tiếng phản hồi, và những chùm đèn pha của họ cũng chìm vào trong bóng tối mông lung! Sau 17 giờ, những người đàn ông nhảy ra khỏi hang – sau này họ đặt tên là May Mắn (Good Luck) – người ướt sủng, đầu óc bối rối: Hoặc họ đã mất hàng giờ đi bộ vòng tròn, hoặc họ đang phát hiện một điều gì đó đáng kinh ngạc.
- Xem thêm: Hang động đom đóm kỳ ảo ở New Zealand
Cuộc khảo sát tiếp tục và kết quả là họ đã tìm được một động thật sự vĩ đại. Phòng Sarawak là không gian ngầm lớn nhất được biết đến trên trái đất, dài 2.000 bộ, rộng 1.400 bộ và cao gần 500 bộ. Nó lớn hơn gấp đôi so với đấu trường thể thao nổi tiếng nhất Vương quốc Anh là sân vận động Wembley.
“Buồng Sarawak quá lớn”, Mad Phil, một người tham gia vào chuyến thám sát giải thích, “gần như chắc chắn nó chứa những đoạn mới, đặc biệt là trên mái nhà, nơi không ai từng tìm kiếm. Hang động không bao giờ tiết lộ tất cả mọi thứ trong chuyến thăm đầu tiên”.
“Sarawak lớn đến nỗi nó chứa nhiều phân khu riêng biệt, và chúng tôi đã – lời của Shea – đi từ một đống đá cuội lỏng lẻo vào một mê cung đá vôi với những bức tường sắc nhọn đến một hốc tường yên tĩnh trải đầy lông vũ và những bãi phân như thể nơi đây là nghĩa trang của các sinh vật hang động”.
Cuộc đời của Eavis vẫn gắn liền với hang động, và trong chuyến đi thứ 13 đến Borneo thực hiện trong năm 2017, ông đã mang theo một đội 30 người, chia làm 3 nhóm, nhằm tìm nơi kết nối giữa hai hệ thống siêu động nằm dưới khu rừng nhiệt đới.