Ngày 2-9-2014 tới đây là tròn 35 năm ngày họa sĩ Tôn Thất Đào từ trần, từ Virginia (Mỹ) họa sĩ Đinh Cường đã gửi cho DNSGCT bài viết này như một nén nhang tưởng niệm người thầy khả kính của mình.
Tôi muốn viết một bài về người thầy của tôi – họa sĩ Tôn Thất Đào – đã lâu mà chưa viết được. Thật là buồn quá khi nghĩ về họa sĩ duy nhất của Huế tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương, có nhiều công lao đóng góp cho nền giáo dục mỹ thuật Huế mà bây giờ gia đình, con cháu có lúc thuộc diện xóa đói giảm nghèo ở Huế. Buồn hơn nữa khi đọc nhiều bài báo gần đây cho biết các tác phẩm còn lại của thầy đã bị hư hỏng gần hết.
Danh nhân văn hóa xứ Huế
Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế, thời thầy Tôn Thất Đào là vị giám đốc đầu tiên, còn nằm ở dãy nhà số 15 đường Phan Đình Phùng bên bờ sông Bến Ngự. Năm 1957 trường trực thuộc Viện Đại học Huế, ba năm sau mới dời qua Đại Nội. Mỗi khi nghĩ về trường, luôn hiện ra trong tôi hình ảnh thầy Tôn Thất Đào đi chiếc xe gắn máy màu đen hiệu Bridgestone; thầy luôn dừng lại trước hai cánh cổng sắt hẹp trước sân trường rồi khoan thai đẩy bộ vào. Hình như sáng nào cũng đều đặn như vậy…
Thầy sinh ngày 15-10-1910 (Canh Tuất) tại phủ Ô Hồ, làng Phú Cát, mất ngày 2-9-1979 (Kỷ Mão) tại Gia Hội sau thời gian trải qua tuổi già nhiều khó khăn, sức khỏe suy giảm. Mộ thầy ở gần chùa sư nữ bên An Cựu. Năm 2000 tôi về Huế thắp nhang cho thầy trong căn nhà xưa cũ ở đường Mạc Đĩnh Chi. Ngày ấy, một số ít tranh hiếm hoi còn lại của thầy đã bị xuống màu vì ẩm mốc và lụa cũng đã bị mục. “Bà Trần Thị Liên Phương – con dâu trưởng – cho biết hằng năm bà có đem tranh ra phơi. Lựa ngày nắng vừa phải, bà đưa ra hiên, lật úp tranh lại trong vài chục phút rồi lại đưa tranh vào. Cách làm này do một người quen bày cho và bà không còn nhớ người đó là ai. Có mấy bức cứ thỉnh thoảng rớt ra một mảng màu, rồi mục ra mà tui không biết cách chi để bảo vệ được, bà Phương cho biết…”. (Thái Lộc – Bộ tranh Tôn Thất Đào đang nguy cấp – báo Tuổi Trẻ ngày 1-4-2014). Đọc xong mà thấy nao lòng.
Họa sĩ Tôn Thất Đào tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa 8 (1932-1937) cùng với Lương Xuân Nhị, Nguyễn Văn Khánh, Đỗ Đình Hiệp, Nguyễn Văn Thâu, Nguyễn Văn Thiện, Lê Yên và Nguyễn Thị Nhung. Năm Tôn Thất Đào ra trường cũng là năm Victor Tardieu (1870-1937) mất. Tardieu là vị giám đốc có công lớn, đã đào tạo những họa sĩ danh tiếng Việt Nam. Năm 1939, họa sĩ Tôn Thất Đào được bổ nhiệm về dạy ở hai trường Khải Định và Đồng Khánh. Các bức tranh lụa được ông sáng tác trong những năm vừa ra trường nhưCá về, Chân dung, Đàn thập lục, Nhà bè đầy tính cách Huế, đài các, thơ mộng. Năm 1941, dưới triều vua Bảo Đại ông được đề cử vào cung dạy vẽ cho Thái tử Bảo Long. Thời kỳ này ông đã tham gia nhiều cuộc triển lãm trong và ngoài nước: Hà Nội (1939), Sài Gòn (1945), Cam Bốt (1939), Nhật Bản (1940) và Vatican (1950)… Ngoài tranh lụa, ông còn vẽ tranh sơn dầu, sơn mài, phấn tiên. Theo ước tính của gia đình, số tranh ông đã vẽ lên tới vài trăm bức, nhưng nay chỉ còn lại khoảng 30 bức tại nhà (và đang bị mục rã như kể trên); có một số cho mượn triển lãm tại Hà Nội bị thất lạc, một số bị trận lụt năm 1999 khiến hư hỏng hết, và một số bán cho các gallery ở Singapore sau này.
Tranh Tôn Thất Đào luôn bàng bạc màu sắc, linh hồn Huế, từ những bức sơn dầu vẽ phong cảnh trong Đại Nội cho đến những con ngựa đá trên lăng tẩm, cùng những tranh lụa với phác thảo nghiên cứu tỉ mỉ từng nhóm người trên các phiên chợ, trên các bến sông Gia Hội, trước cửa Đông Ba, những lũy tre làng…, tất cả đều thật hiền hòa, cho thấy một tâm hồn nhân ái. Giai đoạn sau ông vẽ vài bức sơn mài, trong đó có bức vẽ những thiếu nữ trong vườn chuối rất đẹp. Khi vẽ tác phẩm Ngự Bình, hình như họa sĩ đã có nhiều tâm sự, nhiều nghĩ suy dàn trải, dù đây không phải là tác phẩm xuất sắc về mặt nghệ thuật tạo hình nhưng lại ẩn chứa một tình yêu Huế thiết tha: “Ngự Bình là một trong những tranh ông đã vượt ra khỏi cách nhìn hiện thực theo trường phái mỹ thuật Đông Dương để tạo nên một hình tượng mang tính tượng trưng, ẩn dụ qua hình núi mang dáng thiếu nữ, tóc người con gái trải dài thành sông núi bao la, xứ Huế hiện ra không phải ở góc nhìn tĩnh lặng mà hoành tráng và phóng khoáng hơn, ý nghĩ của sông Hương núi Ngự đã được sáng tỏ và mang đậm sắc thái u hoài, cổ kính” (Phan Thanh Bình – Họa sĩ Tôn Thất Đào – tạp chí Sông Hương online).
Ngoài dạy sinh viên mỹ thuật “ông còn rất tâm huyết với việc phát hiện năng khiếu mỹ thuật ở lứa tuổi nhỏ. Trong phòng truyền thống của Trường Đại học Nghệ thuật Huế vẫn còn lưu giữ nhiều bài viết của ông về điều này với văn phong giản dị, chữ đẹp, với sự giãi bày sâu sắc về năng khiếu mỹ thuật cũng như mong muốn đưa mỹ thuật vào nhà trường…” (Phan Thanh Bình – Họa sĩ Tôn Thất Đào – tạp chí Sông Hương online).
Vài ý nghĩ rời
Tôi ước mong sao sẽ có một bảo tàng mỹ thuật tại Huế và đó là nơi sẽ lưu giữ, trưng bày tranh Tôn Thất Đào (ở Huế hiện chỉ có nhà lưu niệm Điềm Phùng Thị và Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng). Có bảo tàng mỹ thuật mới có thể nói đến chuyện nhờ chuyên gia quốc tế tu sửa, phục chế và bảo quản tranh theo tiêu chuẩn bảo tàng, như UNESCO đã giúp tu sửa, phục chế những di tích cố đô Huế.
Giá như trong các đợt tổ chức Festival Huế hoành tráng, bớt ra một ít ngân sách chi cho lễ hội để lấy tiền giúp sửa sang căn nhà của họa sĩ Tôn Thất Đào (nay là phủ thờ của dòng họ), để căn nhà cổ xưa ấy khang trang, trở thành nơi lưu niệm một họa sĩ tài ba của xứ Huế. Và giá nhưở Huế có một con đường nhỏ được đặt tên Tôn Thất Đào…
- Đinh Cường