Du học là một hành trình dài, nơi các du học sinh không chỉ tập trung vào việc học, mà còn để trải nghiệm và phiêu lưu. Nhiều du học sinh cũng tận dụng khoảng thời gian này để làm dày những trải nghiệm, đi nhiều học nhiều. Và đó chính là chân dung của những global citizen – công dân toàn cầu.
Học chuyển tiếp – thêm trải nghiệm trong quá trình học
Trong khi ở Việt Nam, việc chuyển tiếp giữa các trường đại học gần như là “không thể” thì ở các nước phát triển có nền giáo dục tương đối đồng đều với nhau, hệ thống tín chỉ (credit) đã mang đến cho các sinh viên rất nhiều lựa chọn khác nhau cũng như sự tự do trong việc thiết kế chương trình học của mình. Không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho những bạn trẻ đang gặp phải các vấn đề như chuyển nhà, bắt buộc phải thay đổi trường học…, nhiều bạn chọn giải pháp chuyển tiếp để được trải nghiệm nhiều nền văn hóa hơn. Trong suốt bốn năm học đại học, có những bạn may mắn ngay lập tức hòa đồng được với môi trường mình sống, nhưng cũng có những bạn cảm thấy cuộc sống của mình vẫn có những điểm chưa ổn. Thay vì phải “chịu đựng” trong suốt bốn năm, giải pháp chuyển tiếp sang một trường đại học khác là khá dễ thực hiện với hệ thống giáo dục tại các nước phát triển. Ngọc Phương – hiện đang du học ở Anh chia sẻ: “Đi Anh là mơước từ nhỏ của tôi nhưng bố mẹ tôi ban đầu lại quyết định cho tôi đi Mỹ, vì thấy nhiều người bạn cũng cho con đi Mỹ và “nghe nói” Mỹ là đất nước tân tiến hơn. Tôi cũng khá thích nước Mỹ, nhưng một mặt vẫn “mơước” đến Anh, một mặt tôi cũng thuộc dạng người hơi khép kín và hoài cổ nên đôi khi cũng cảm thấy lạc lõng ở một xã hội hiện đại như Mỹ. Sau khi học được hai năm, tôi cố gắng thuyết phục bố mẹ mình cho chuyển tiếp sang một trường đại học tại Anh. Hiện giờ tôi rất vui vì quyết định của mình”.
Hãy để khoảng thời gian du học có thật nhiều ý nghĩa và trải nghiệm
Khác với Ngọc Phương, Minh Khang lại tự nhận mình thuộc nhóm “ham chơi”: “Tôi thì ngay từ đầu đã khá hài lòng với môi trường học và sống tại Melbourne. Tuy nhiên khi thấy có mấy đứa bạn chuyển tiếp đến các nước khác thì tôi lại nảy ra kế hoạch chuyển tiếp để trải nghiệm được nhiều hơn. Tôi chọn ngay một trường có liên kết đào tạo với trường mình đang học tại Hà Lan. Thủ tục cũng không có gì phức tạp, chỉ cần quyết định và chọn trường sớm để thủ tục không bị gấp rút và mình cũng có thời gian để chọn học những môn học thích hợp và quá trình chuyển tiếp không làm ảnh hưởng đến việc học. Tôi lên kế hoạch trước khi chuyển tiếp khoảng một năm”.
Nói như thế không có nghĩa là chỉ những du học sinh mới có cơ hội chuyển tiếp. Hiện có rất nhiều chương trình Liên kết đào tạo giữa các trường đại học trong nước và nước ngoài. Học trong nước hai năm và học tại nước ngoài hai năm còn lại của chương trình đại học giúp tiết kiệm khá nhiều chi phí so với đi du học toàn thời gian. Hiện tại, các sinh viên Việt Nam có nhiều sự lựa chọn điểm đến, từ các nước phương Tây như Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Hà Lan, Úc, New Zealand cho đến các quốc gia châu Á như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia… Các ngành học có chương trình liên thông cũng rất đa dạng, từ các ngành kinh tế, quản trị cho đến kỹ thuật và xã hội học.
Cuộc sống muôn màu
Và để có nhiều trải nghiệm khó quên hơn, rất nhiều du học sinh trong quá trình du học đã tìm được cho mình những cách “phiêu lưu” riêng. Đơn giản nhất là trong các kỳ nghỉ, thay vì về thăm nhà các bạn có thể chọn đi du lịch, xa hay gần, ngắn ngày hay dài ngày tùy thuộc vào thời gian được nghỉ và dĩ nhiên là điều kiện kinh tế của mỗi người. Ngọc Lan chia sẻ: “Trong suốt một năm học cao học tại Anh, tôi làm công việc bán hàng cho một cửa hàng quần áo. Tôi chi tiêu không nhiều, chủ yếu là để dành càng nhiều càng tốt. Kết thúc một năm học đó, tôi có đủ tiền để đi du lịch bụi cả châu Âu trong vòng hai tuần. Nếu không có dịp đó thì chắc là còn lâu lắm tôi mới thực hiện được ước mơ du lịch châu Âu của mình”.
Làm việc kết hợp trải nghiệm văn hóa
Trong khi đó, nhiều bạn trẻ lại thực hiện kế hoạch trở thành công dân toàn cầu bằng cách thực tập tại nước ngoài. Minh Phong chia sẻ: “Khi còn đi du học tại New Zealand ngành IT, tôi muốn có cơ hội thực tập tại Mỹ. Tôi thấy đây là việc rất bình thường với các bạn học đồng trang lứa. Ở những nước sử dụng tiếng Anh và có nền giáo dục phát triển tương đương nhau, nguồn nhân lực có thể tự do làm việc ở bất cứ nơi đâu. Nhiều bạn của tôi được sinh ra và lớn lên tại các nước phát triển, thậm chí khi tốt nghiệp còn đi tình nguyện tại các khu vực kém phát triển và có nhiều vấn đề về xã hội. Trong lớp tôi có hai bạn tình nguyện đi Ấn Độ, một bạn tình nguyện đi châu Phi, một bạn đi Nam Mỹ. Có thể sau khi làm việc một thời gian ở các nước phát triển, tôi cũng sẽ đi đây đó cho có thêm trải nghiệm”.
Tình nguyện cũng là một cách để trải nghiệm
Ngoài ra, với các sinh viên tại Việt Nam, có rất nhiều cơ hội để các bạn có thể kết hợp giữa làm việc và trải nghiệm. Hai chương trình phổ biến nhất hiện nay là Au pair và Work & Travel tại Mỹ. Cả hai chương trình đều thuộc dạng trao đổi văn hóa, tạo điều kiện cho các bạn tự làm việc để trang trải chi phí sinh hoạt khi ở nước ngoài. Chương trình Au pair có thời gian tương đối dài (thông thường kéo dài một năm). Bạn sẽở cùng với một gia đình bản xứ để giúp đỡ các công việc trong nhà và được trả một khoản phí để chi tiêu cá nhân. Trong thời gian đó, các chi phí như ăn ở, bảo hiểm đều được gia đình nuôi chi trả cho bạn. Ngoài ra, bạn sẽ có các ngày nghỉ trong tuần cũng như bắt buộc phải tham gia vào các lớp dạy ngôn ngữ bản xứ.
Chương trình Work & Travel tại Mỹ có thời gian ngắn hơn, hai tháng để làm việc và một tháng dành cho việc du lịch. Các công việc phổ biến là phục vụ, dọn bàn, trông chừng hồ bơi… Khác với chương trình Au pair, bạn sẽ có nhiều tự do và độc lập hơn với chương trình Work & Travel, nhưng vì thời gian ngắn nên những thứ học được và kỷ niệm cũng có thể không nhiều bằng.
Nhật Hà