Câu chuyện về Arman Manookian – một trong những họa sĩ hiện đại đầu tiên của đảo Hawaii vào các thập niên 1920, 1930 – đầy những bí ẩn và đau buồn. Gốc gác Armenia, chàng nghệ sĩ trẻ tài năng lưu lạc sang quần đảo giữa Thái Bình Dương và từ giã cõi đời khi mới 27 tuổi.
Arman Manookian sinh ra ở Constantinople trong những năm tháng tàn tạ của đế quốc Ottoman, khi lớn lên ông đã tìm đường ra nước ngoài để tránh họa diệt chủng đối với người gốc Armenia ở Thổ Nhĩ Kỳ lúc ấy. Đến Mỹ, ông chọn Hawaii để định cư như một cách để thoát khỏi những ám ảnh ghê rợn mà ông đã chứng kiến ở Constantinople thời niên thiếu và cũng để thoát khỏi những gì nhắc nhớ đến những ký ức buồn thảm nếu sống trong một cộng đồng người Armenia trên đất Mỹ.
Chính cuộc sống dù còn nhiều khó khăn trên hải đảo xanh tươi giữa đại dương bao la đã định hình các sáng tác của Manookian cũng như phong cách nghệ thuật của ông. Manookian đã lý tưởng hóa hình ảnh của Hawaii bằng cách kết hợp những gì ông học được từ các bậc thầy Paul Gauguin và Diego Rivera, bên cạnh đó là ảnh hưởng của trào lưu Art Deco đang vào thời kỳ phát triển rực rỡ nhất. Tác phẩm của ông là những hình ảnh tưởng tượng gần như thoát ly thực tế, tương phản mạnh mẽ với những áp lực đã đeo đẳng ông suốt cuộc đời ngắn ngủi. Đó là một cuộc đời mà rất ít người biết đến cho mãi đến tận những ngày gần đây, khi một cuốn sách viết về ông (tựa Arman Manookian: một họa sĩ Armenia ở Hawaii) được xuất bản. Tác giả cuốn sách, nhà sử học và nhà phê bình nghệ thuật John Seed đã phác họa bức chân dung một nghệ sĩ đích thực, một tài năng yểu mệnh mà ngay ở nước Mỹ – quê hương thứ hai của ông – cũng chưa có mấy người đánh giá đúng mức.
Theo những gì được John Seed viết, Arman Tateos Manookian (1904-1931) có thời gian ngắn làm họa sĩ minh họa cho nhà xuất bản Leatherneck của binh chủng thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, đến năm 1927 ông vẽ minh họa cho báo Honolulu Star-Bulletin và tạp chí Paradise of the Pacific, nhưng sự nghiệp nghệ thuật của Manookian là những bức tranh ông vẽ cảnh sắc tuyệt đẹp và những con người tràn đầy xúc cảm ở Honolulu (thủ phủ bang Hawaii) cũng như trên các hòn đảo của quần đảo Hawaii. Tất cả cảnh và người như được nhuộm trong sắc vàng hổ phách rực rỡ của nắng và gió biển khơi. Bây giờ, khi ngắm nhìn các tác phẩm của ông được lưu giữ trong Bảo tàng nghệ thuật Honolulu cũng như trong các sưu tập cá nhân (hầu hết đã được sao chép và in để bán), người ta mới thấy ông yêu Hawaii đến mức nào qua những sắc màu tươi đẹp ấy. Nói như bà Theresa Papanikolas, giám tuyển tại Bảo tàng nghệ thuật Honolulu: “Quả thực, giống như Gauguin với Tahiti, lý thuyết trừu tượng của Manookian đã cho phép ông tự do hình dung lại Hawaii và vẽ vùng đảo này như thể một địa đàng trần thế chói lọi hào quang, thoát khỏi những thói đời ô trọc và những nỗi buồn của xã hội hiện đại”. Và cũng chỉ mới khoảng một thập niên trở lại đây, người đương thời mới đánh giá chính xác Manookian. Năm 2009, một nghị quyết của cộng đồng người Armenia ở Mỹ đã được gửi tới chính quyền bang Hawaii đề nghị vinh danh Manookian, “một Van Gogh của Hawaii”.
Về cái chết của Manookian, sách của John Seed cho biết họa sĩ đã tự tử bằng độc dược, có thể là cyanide cực độc. Ông đã chọn cái chết vào một buổi chiều Chủ nhật, khi những người bạn của ông đang tụ tập chơi bài còn Manookian thì nằm lỳ trong phòng đã mấy ngày vì phiền muộn, chán đời. Không ai trong số bạn bè của Manookian nghĩ rằng ông lại tự kết liễu đời mình khi đang trong giai đoạn sáng tác sung mãn. Có người cho rằng vì mối tình trớ trêu của ông với Melinda, cô vợ không đoan chính của Cyril, một người bạn của Manookian. Nhưng đó cũng chỉ là giả thuyết bởi lại có người cho rằng Manookian đồng tính, thậm chí lưỡng tính. Không ai biết rõ nguyên nhân dẫn tới cái chết của ông: Manookian không để lại thư từ, nhật ký gì cả, cũng không thổ lộ với bất kỳ ai điều gì trước ngày tự tử. Chỉ có thể lý giải như John Seed: “Tuổi thơ tan vỡ của Manookian đã dạy cho ông rằng: không thể tin vào tương lai, thậm chí ngay cả trên thiên đàng”.
- Lê Bản