Tháng 11 của những ngày đông lành lạnh, tan sở ai cũng muốn trở về nhà thật nhanh nhưng tôi thì lại muốn lượn lờ phố xá một chút, thưởng thức một món ăn gì đó âm ấm bụng rồi mới về nhà. Lúc rẽ ngang con phố, cách cơ quan không xa, mắt tôi đã bị cuốn hút bởi một tấm biển hiệu màu vàng với dòng chữ “Cháo lươn xứ Nghệ”, không một chút đắn đo, tôi tấp xe lên vỉa hè, bước vào quán gọi cho mình một tô cháo cỡ lớn.
Đã lâu rồi tôi chưa về lại thăm quê và ăn lại món cháo lươn thần thánh một thuở làm tôi mê đắm. Lòng háo hức, khấp khởi chuẩn bị tâm thế sẵn sàng thưởng thức, nhưng khi cho thìa cháo đầu tiên vào miệng tôi đã bị hụt hẫng. Mọi thứ đều không như tôi mong đợi. Vị của tô cháo lươn ở đây khác rất nhiều so với những lần tôi ăn ở quê, tất cả dường như đều bị lai chế.
Lúc thanh toán, tôi có nói với anh chủ quán rằng, tiệm cháo lươn của anh vị không giống lắm những quán cháo lươn ở xứ Nghệ. Anh thú nhận rằng sở dĩ anh phải lai chế tô cháo là để cho phù hợp với đa phần khẩu vị của thực khách nơi đây, chứ để phục vụ riêng khách xứ Nghệ thì rất ít.
Tôi bỗng nhớ những ngày còn ở quê ghê gớm. Hồi đó, nhà cậu tôi có mở một quán cháo lươn phục vụ cho mọi người ăn sáng. Tuy không ở nơi đắc địa, sầm uất nhưng quán của cậu tấp nập người ghé đến thưởng thức. Cháo lươn ở quê tôi khác hẳn với cháo lươn xứ khác, chỉ cần ăn một thìa nhỏ là cảm nhận được ngay. Trước tiên là phải kể tới vị ngọt rất riêng của tô cháo. Vị ngọt được nấu từ chính xương sống của con lươn, vị ngọt khá đậm đà, thanh thanh mà không bị gắt. Khi ăn người ta không cảm thấy béo.
Thường thì các quán cháo lươn nơi khác họ dùng nước ninh xương lợn hoặc gà. Sự khác biệt còn nằm ở trong việc khâu chọn gạo và cách nấu cháo. Cậu tôi bảo lúc chọn gạo phải phải là gạo để nguyên hạt, không xay nhuyễn. Trước khi bỏ gạo vào nồi nấu cháo, gạo phải được rang vàng trước, vừa tạo màu cho tô cháo lẫn mùi vị thơm dịu của hạt thính. Một bát cháo đạt tiêu chuẩn sẽ là bát cháo có hạt gạo bung nở đều, không nát, độ sánh vừa phải, không quá đặc cũng không quá loãng. Cháo lươn ở xứ Nghệ không ăn kèm với quẩy mà là bánh mì rán vàng giòn hoặc bánh mướt. Một cách kết hợp rất thú vị và ngon miệng mà tôi chẳng thấy nơi nào làm.
Bố tôi thì có cách nấu cháo lươn thú vị hơn. Phần thịt lươn, bố cho một ít mỡ lợn, phi hành tỏi vàng thơm lừng, nêm nếm thêm ít hạt nêm, bột canh, mì chính. Và đặc biệt không quên phần nghệ đã giã lấy nước. Khi lươn đã bắt đầu ngấm gia vị, cho ít nước xâm xấp và đun sôi cho đến khi chín hẳn. Cho phần thịt lươn vừa xào vào nồi cháo đã chín nở rồi đợi đến khi cháo sôi là có thể dùng được. Bát cháo lươn được múc ra thơm ngọt của vị lươn, màu vàng của nghệ bắt mắt, không có tanh. Thịt lươn lại thơm, khó mà quên được.
Ăn bát cháo lươn, tôi lại nhớ những ngày bố đi đồng thả trúm. Mùa lươn sẽ bắt đầu từ tháng 4 cho đến tận tháng 11 (Âm lịch). Bố tôi chuẩn bị những cái ống trúm để đi thả lươn. Ống trúm có thể là ống tre, ống nứa lớn, đốt dài và có đường kính rộng tầm 10-12 cm. Một đầu để nguyên mắt, một đầu khoét rỗng. Phía rỗng tra vào một cái hom. Phía gần miệng dùi hai lỗ bé để cho lươn khỏi ngột. Để bẫy lươn cũng cần có mồi để nhử.
Mồi nhử lươn có thể là cua đồng dã nhỏ, xác cá mọn, xác tôm tép… Nhưng có lẽ hiệu quả nhất vẫn là cách nhử bằng giun đất. Giun đất ngày đó dồi dào, ngoài vườn hay các bờ kè ruộng cao đều có. Bố tôi thường có những “bí kíp” rất hay để có được những chú giun mà không phải tốn công, tốn sức. Bố múc một muỗng xà phòng cho vào cái xô, đổ nước vào quấy đều rồi cầm gáo tưới lên những mô đất. Khoảng mười phút sau đám giun đất bò lên lổm ngổm, chỉ chờ có vậy, bố tóm chúng vào xô là xong. Trong các khâu săn lươn thì tôi thấy khâu băm giun là cực nhất.
Cái cực ở đây không phải vì tốn sức lực mà là sự chịu đựng mùi tanh nồng của giun. Mỗi lần băm giun, tôi chuẩn bị khẩu trang kín mít nhưng mùi tanh vẫn cứ xộc thẳng lên mũi, khiến cho tôi muốn nôn thốc nôn tháo. Những lúc đó bố tôi đùa với tôi rằng, cố gắng học hành cho giỏi không sau này lại về băm giun như bố thì khổ. Những ông bố quê như bố tôi vẫn thi thoảng đùa vui với con cái của mình như vậy. Đó cũng là một cách tạo động lực gián tiếp tới những đứa con, mong con cái học hành đến nơi đến chốn, thoát khỏi cảnh cày sâu cuốc bẫm.
Hoàng hôn vừa buông xuống, bố tôi cõng gần trăm chiếc ống trúm trên lưng. Hình ảnh bố xiêu vẹo trong ráng chiều ối đỏ làm lòng tôi chòng chành mỗi khi nhớ về. Không chỉ riêng phụ nữ nông thôn xứ Nghệ tần tảo mà những người đàn ông như bố tôi cũng phải một nắng hai sương, thức hôm thức khuya làm lụng đủ nghề chắt chiu xoay xở, vun vén cho gia đình bé nhỏ. Bố đã không biết cõng bao nhiêu trăm chiếc trúm trên lưng qua mỗi mùa lươn. Sáng sớm, khi mọi người đang còn ngon giấc thì bố tôi đã ra đến đồng nhặt trúm. Đợt “cõng” sáng mai này có nặng hơn chút so với ban chiều vì còn có thêm những chú lươn dính bẫy nữa. Tôi thường phụ bố mỗi sáng phân loại lươn ra chậu. Lươn bé và lươn lớn để hai chậu khác nhau.
Có lần đang rút cái hom trúm, chưa kịp dốc lươn vào chậu thì một chú rắn chui ra và bụm ngay một nhát vào chân tôi. Một ít máu rỉ ra, tôi sợ đến phát khóc. Nhưng may thay, đó là loài rắn nước không nguy hại về tính mạng con người. Phân loại lươn với bố tôi cũng mới hay rằng không phải loại lươn nào cũng giống lươn nào. Và cũng không phải cứ thấy lươn to béo là ngon. Bố tôi bảo, lươn đồng loại hảo hạng (tức là loại 1) phải là những con lươn không quá béo, thon dài và da phải vàng hươm. Một số ít bố dành nấu cháo cho cả nhà, số còn lại thì mang ra chợ bán.
Bát cháo lươn gợi nhớ những trận ốm hồi tôi còn ở nhà. Lần đó tôi bị sốt lì bì vì mắc mưa lạnh và mùa lươn cũng đã qua rồi. Nhưng bố vẫn cần mẫn ra đồng thả từng chiếc trúm mong bắt được ít lươn về nấu cháo cho tôi. Bát cháo nóng hổi múc ra, tôi ngồi trên giường, miệng đắng ngắt, bố múc từng muỗng cháo đút cho tôi. Những lần đó tôi đã có dịp nhìn bố thật gần và vô tình những nếp nhăn trên mặt của bố hằn sâu vào trong mắt tôi.
Đó là hình ảnh mà tôi nhớ nhất về bố, những nếp nhăn xô vào nhau trên khuôn mặt sạm đen, chằng chịt. Lòng quặn xót thương bố vô cùng. Tôi cũng chẳng nghĩ được gì nhiều sau này có đền đáp được công lao gì cho bố không, chỉ thấy mình bé nhỏ, hạnh phúc nép mình trong vòng bao bọc yêu thương của gia đình. Sau này khi tôi rời quê lên phố học rồi làm việc, bố vẫn ân cần với tôi như hồi còn thơ bé. Có lần về quê, hai bố con dẫn nhau đi ăn cháo lươn lại nhớ một thời khổ cực, vất vả. Ăn bát cháo lươn cứ nhớ bố của ngày xưa.
- Xem thêm: Xì xụp lươn om sữa