Dù đạt được những thành tựu bước đầu trong việc chăm sóc sức khỏe ở tuyến cơ sở, nhưng do quản lý chồng chéo, cơ chế chưa rõ ràng, quyền hạn bác sĩ gia đình (BSGĐ) bị hạn chế nên lợi ích bệnh nhân cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Đây là nhận định sơ kết đề án thí điểm BSGĐ (2013-2015) đã diễn ra tại TP.HCM vào đầu tháng 8 vừa qua.
Theo BS Nguyễn Hữu Tùng, Phó chủ tịch thường trực Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM, việc thực hiện mô hình BSGĐ nhằm tái cơ cấu việc sử dụng nguồn lực thầy thuốc để mạng lưới y tế Việt Nam chỉ có hai cấp là BSGĐ và bệnh viện. Mô hình BSGĐ rất hiệu quả ở các nước tiên tiến vì hơn 70% bệnh nhân được chăm sóc sức khỏe tại nhà, chỉ đến bệnh viện khi thật sự cần thiết. Đến khi xuất viện, họ lại được BSGĐ chăm sóc, điều trị tiếp, giúp giảm tải bệnh viện và chi phí điều trị cho bệnh nhân.
TP. Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu triển khai mô hình BSGĐ, đầu tư đến 400 triệu đồng cho mô hình này từ năm 2013 đến nay, trong đó có đầu tư trang thiết bị, đào tạo BSGĐ… Đến nay, toàn thành phố đã có 149 phòng khám BSGĐ nhưng chỉ một số ít phòng khám lồng ghép với các bệnh viện Quận 10, Quận Bình Tân và Quận 2 hoạt động hiệu quả. Đáng nói là mô hình BSGĐ tại các trạm y tế phường, xã hầu như không người bệnh đến khám. Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, năng lực khám chữa bệnh ở các trạm y tế chưa phù hợp với yêu cầu mô hình phòng khám BSGĐ, cũng không quản lý được sức khỏe cộng đồng, phương tiện thủ công, số liệu không trung thực… Còn ở các phòng khám BSGĐ tư nhân thì giá khám sức khỏe khá cao. Giá khám sức khỏe đơn giản nhất cũng từ 200 đến 300 ngàn đồng. Chi phí cho bác sĩ đến thăm khám tận nhà có thể lên gấp ba lần bệnh viện công.
Theo phân tích của các chuyên gia quản lý y tế, mô hình BSGĐ thành công ở một số nước trên thế giới là do sau bệnh viện chỉ là phòng khám BSGĐ, không có trạm y tế. Hơn nữa, họ quy định khá chặt chẽ là các bác sĩ đang làm việc trong các bệnh viện nhà nước không được mở phòng khám tư nhân. Đồng thời các bệnh nhân muốn được hưởng bảo hiểm y tế đúng tuyến phải có giấy chuyển viện của các phòng khám BSGĐ (trừ trường hợp cấp cứu).
Bộ Y tế vẫn tỏ ra lạc quan với hiệu quả từ mô hình BSGĐ. Theo kế hoạch, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục dùng ngân sách để hỗ trợ mở rộng mô hình BSGĐ. Theo đề xuất ban đầu, các cơ sở xây dựng phòng khám BSGĐ sẽ được hỗ trợ trang thiết bị cần thiết như: máy tính và các thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh để khuyến khích các bệnh viện công tích cực tham gia xây dựng phòng khám BSGĐ. Ngoài ra Bộ sẽ tiếp tục xây dựng chuẩn về chứng chỉ hành nghề, mô hình, trang thiết bị, chuẩn hồ sơ bệnh án bằng giấy và điện tử… cho mô hình BSGĐ trong thời gian ngắn nhất. Tuy nhiên, nếu không có sự thay đổi trong cách thức quản lý, cũng như mạng lưới y tế hiện nay thì e rằng khoản đầu tư tiếp cho mô hình BSGĐ trong giai đoạn tới không đem lại hiệu quả. Đáng lo hơn nữa, hơn 300 bác sĩ chuyên ngành BSGĐ được đào tạo trong giai đoạn 2013-2015 bằng nguồn kinh phí nhà nước sẽ không biết về đâu. “Người bác sĩ gia đình chưa được hành nghề một cách đúng nghĩa, vì Việt Nam chưa tổ chức được một hệ thống y tế gia đình khám chuyển bệnh và quản lý ở các tuyến. Đây là một trong những rào cản khiến người học chuyên ngành này thấy nản”, PGS-BS Phạm Lê An, Trưởng Trung tâm Đào tạo Bác sĩ gia đình Đại học Y Dược TP.HCM cho biết.
Thu Hồng (DNSGCT)