Từ những ngày trên giường bệnh, đối diện với thần chết, nhạc sĩ Trần Tiến đã viết “Không gục ngã”. Một ca khúc tràn đầy cảm xúc và thể hiện tinh thần mạnh mẽ của con người tràn đầy tình yêu với cuộc đời, không gục ngã trước bất kỳ thử thách nào.
Và khi đại dịch ập đến, trong thời điểm giãn cách xã hội, chứng kiến bao mảnh đời chạy trốn đại dịch, bao con người phải lìa xa cuộc đời, nhạc sĩ Trần Tiến đã suy ngẫm về nỗi đớn đau mà trái đất phải gánh chịu. Trái đất đớn đau, ca khúc mới nhất của nhạc sĩ Trần Tiến không chỉ là câu chuyện nhân đại dịch của thế kỷ mà còn là câu chuyện về tình yêu dành cho người mẹ thiên nhiên, là lời cảnh tỉnh con người vì lòng tham mà để trái đất điêu tàn: “Hãy về, cúi đầu trước thiên nhiên vĩnh hằng/Lá cây, dòng sông/Hãy về, chữa lành trái đất, trái tim mình/Nhân loại hồi sinh…”.
Nhạc sĩ Trần Tiến đã dành thời gian chia sẻ với Người Đô Thị nhân dịp năm mới.
____
Từ sau khi nghe tin nhạc sĩ vượt qua được những ngày khó khăn nhất để chiến đấu với bệnh tật, nhiều người mến mộ đã vô cùng xúc động trước ca khúc Không gục ngã. Nhưng dường như mọi người vẫn còn mong chờ vào một ngày được “gặp lại” nhạc sĩ nhiều hơn. Mọi người mong chờ nhạc sĩ xuất hiện trên một sân khấu hoặc một chương trình nào đó để nhìn ngắm và lắng nghe “sự hồi sinh”. Nhạc sĩ có ý định xuất hiện trong một dự án nào mới hay không?
Tôi là người của thế hệ làm nhạc “tình cho không, biếu không”, nên không có ý định, dự án nào của tương lai, để mình sẽ được “gặp lại” những người mến mộ. Ai mời diễn thì diễn, ai xin xuất bản thì cho xuất bản, ai tổ chức gặp mặt thì đến dự. Cho đến giờ thế hệ tôi hầu như chưa ai in tập nhạc của chính mình là vì vậy. May, có cậu bé Tùng Dương thời showbiz bỏ tiền ra mời, các bạn mới biết có bộ tứ Sông Hồng chúng tôi. Rồi vài tháng sau, Phó Đức Phương ra đi đã chẳng để lại một tập nhạc, đã chẳng bao giờ được tái ngộ với các bạn nữa.
Nghĩ lại thế hệ nào cũng có cái may, cái rủi. Thời chúng tôi, nhà nước bao cấp, tuy không dư dả nhưng làm nhạc hồn nhiên vì nhân dân, chiến sĩ, vì Tổ quốc. Bây giờ hết bao cấp, thì cũng quá già để đua đòi, bỏ tiền ra cho một dự án gặp gỡ khán giả, chỉ để họ biết mình…. “đã hồi sinh”!
____
Nhạc sĩ là người tiếp cận internet từ rất sớm, đó là từ cơ duyên mở trường cho trẻ em mồ côi, nhận tài trợ máy tính và nhạc sĩ cũng đã học từ việc dạy các em. Sau này, trên giường bệnh, nhạc sĩ cũng viết nhạc trên máy, tự ghi âm… Có thể nói nhạc sĩ đã rất “cập nhật” với công nghệ thông tin. Liệu nhạc sĩ có nghĩ đến việc thực hiện một dự án kết hợp âm nhạc và nền tảng công nghệ kỹ thuật số?
Có chứ. Tôi tuy là gã cao bồi già du ca thời cổ, nhưng trên lưng ngựa luôn có đồ chơi digital của thế hệ Gen Z. Một cái laptop cài sẵn ableton, một hộp sound card nhỏ, một midi controller, một beat pad và loop station, một cây guitar và một chiếc mic là đủ làm một indie lang bạt. Và có thể bất cứ lúc nào hát livestream với mọi người trên thế giới khúc ca mới viết của mình. Tôi luôn lẽo đẽo chạy theo những người trẻ trong cuộc marathon bất tận của âm nhạc, tất nhiên không phải để kiếm tiền và nổi tiếng hơn nữa. Mà chỉ đơn giản là để hiện hữu, để vui với con cháu và… đỡ chóng chết.
____
Nhạc sĩ có thể chia sẻ về cuộc sống và gửi một thông điệp đến người mến mộ trong dịp năm mới, khi loài người đang vẫn còn trong đại dịch của thế kỷ?
Nhờ có đại dịch người ta mới hiểu được giá trị của sự sống và nỗi đau đớn khi hàng triệu đồng loại không còn được nhìn thấy mặt trời, cây cỏ, dòng sông… Đại dịch từ đâu ra, có phải lỗi lầm ở chính con người? Tất cả những ý nghĩ và cảm xúc tôi đã gói ghém trong ca khúc mới viết: Trái đất đớn đau.